Cuối tháng 9, đầu tháng 10-1941, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng từ Võ Nhai (Thái Nguyên) báo cáo về việc thành lập Trung đội Cứu quốc quân 2. Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Đào Văn Trường lên Võ Nhai, truyền đạt chỉ thị của Trung ương chủ trương tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng và tham gia Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 2. Đến giữa tháng 10-1941, Trung ương Đảng chỉ đạo thành lập Ủy ban Quân sự-Chính trị Bắc Sơn-Võ Nhai để lãnh đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai. Ủy ban gồm các đồng chí: Đào Văn Trường làm Chủ nhiệm; Chu Văn Tấn, Phó chủ nhiệm và các đồng chí ủy viên: Nguyễn Cao Đàm, Lê Dục Tôn, Nông Văn Cún.
Ngay sau đó, Ủy ban Quân sự-Chính trị Bắc Sơn-Võ Nhai triển khai chủ trương củng cố, phát triển lực lượng và chấn chỉnh tổ chức biên chế; tuyển chọn lực lượng từ các đội tự vệ, du kích và tuyên truyền nhân dân vận động con em gia nhập Cứu quốc quân. Đến cuối tháng 10-1941, quân số của trung đội từ 47 người tăng lên 70 cán bộ, chiến sĩ và từ 5 tiểu đội biên chế thành 7 tiểu đội. Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 2 được kiện toàn, gồm đồng chí Đào Văn Trường làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Cao Đàm làm Chính trị chỉ đạo viên; các đồng chí: Chu Văn Tấn, Lê Dục Tôn, Trần Văn Phấn làm Chỉ huy phó. Trung đội thành lập một chi bộ, do đồng chí Đào Văn Trường làm Bí thư; mỗi tiểu đội có một tổ đảng lãnh đạo.
Tại hội nghị cán bộ toàn khu căn cứ cách mạng Bắc Sơn-Võ Nhai, phương hướng hoạt động Cứu quốc quân được xác định là: Bám sát dân, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, gây dựng và phát triển cơ sở bí mật ở làng, xã, bắt liên lạc với cơ sở của ta ở các trại tập trung nắm tình hình, vận động binh lính địch theo cách mạng. Trừng trị những tên mật thám, phản động; phục kích những toán địch đi tuần tiễu, tịch thu súng đạn của chúng trang bị cho ta; vận động người Việt đi lính cho Pháp rời bỏ hàng ngũ địch, mang vũ khí theo cách mạng.
Sau khi chấn chỉnh, ổn định tổ chức biên chế và kiện toàn Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 2, cuối tháng 10-1941, đồng chí Đào Văn Trường về báo cáo với Trung ương Đảng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp nghe đồng chí Đào Văn Trường báo cáo việc thành lập Ủy ban Quân sự-Chính trị Bắc Sơn-Võ Nhai, tình hình củng cố lực lượng và kiện toàn Ban chỉ huy Cứu quốc quân 2. Sau đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ căn dặn đồng chí Đào Văn Trường lên Võ Nhai, tiếp tục cùng Ban chỉ huy Cứu quốc quân củng cố tổ chức, bổ sung lực lượng, đẩy mạnh hoạt động.
Trung tuần tháng 11-1941, đồng chí Đào Văn Trường trở lại Võ Nhai chỉ đạo Trung đội Cứu quốc quân 2 đẩy mạnh các mặt xây dựng, chiến đấu chống quân thù. Từ đây, đồng chí Đào Văn Trường là người đề ra các nhiệm vụ và trực tiếp chỉ huy việc thực hiện của đơn vị, trong đó xác định: Các mặt công tác chủ yếu của Cứu quốc quân bao gồm tổ chức xây dựng đơn vị, giáo dục tư tưởng, vũ trang tuyên truyền, diệt mật thám; chiến đấu bảo toàn lực lượng; binh vận; bảo đảm hậu cần, giao thông, tăng cường kỷ luật, công tác giữ bí mật... Về mặt tổ chức, “bộ đội phải tổ chức thành đơn vị chiến đấu lực lượng nhỏ 3 người, tùy theo vũ khí để đào tạo, cán bộ đội trưởng dìu dắt những người còn yếu, để tiện lúc động viên và cho họ làm lụng, chiến đấu cùng nhau. Phải có dự bị quân. Tổ chức quyết tử đội xung phong tước khí giới địch quân...”(1). Về chính trị, quân sự, đội viên phải nghiên cứu kỹ: a) Chương trình Việt Minh; b) Du kích chiến thuật. Đảng viên phải nghiên cứu thêm nghị quyết Trung ương và thông báo ủng hộ Liên Xô. Tiếp đó, đồng chí Đào Văn Trường đề ra “nhiệm vụ trung tâm: Gây dựng một căn cứ vững vàng cho bộ đội và phát triển bộ đội. Nêu cao thành tích chiến đấu. Tổ chức và huy động dự bị quân là quần chúng cứu quốc để theo kịp tiền phong đội”(2). Đồng thời đề ra các biện pháp về công tác tuyên truyền, tổ chức, binh vận, chính sách cán bộ, quân sự, giao thông liên lạc...
Thực hiện chủ trương mở rộng địa bàn hoạt động, tháng 11-1941, đồng chí Đào Văn Trường chỉ đạo tổ chức lực lượng thành các tổ công tác tỏa đi từng địa phương tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng. Bằng các hình thức hoạt động và phương châm vũ trang tuyên truyền thích hợp, đến cuối tháng 11-1941, Trung đội Cứu quốc quân 2 bắt liên lạc được với những cơ sở cũ; đồng thời phát triển thêm một số cơ sở mới ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ (Thái Nguyên), lan sang các huyện Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) và Yên Thế (Bắc Giang).
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cứu quốc quân là chiến đấu. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của đồng chí Đào Văn Trường và Ban chỉ huy, Cứu quốc quân chủ động tiến công địch, tiêu biểu là các trận: Mỏ Mùng (17-12-1941), Tràng Xá (đêm 31-12-1941 và ngày 1-1-1942). Đầu năm 1942, Trung đội Cứu quốc quân 2 tổ chức một số trận tập kích, phục kích ở Làng Tràng, Khuôn Xóm, Ngọc Mỹ... gây cho địch một số thiệt hại.
Trong quá trình Cứu quốc quân chiến đấu, đồng chí Đào Văn Trường cùng Ban chỉ huy đặt ra hình thức khen thưởng (sử dụng một số chiến lợi phẩm bằng bạc, tự chế ra huân chương gồm hạng nhất, nhì) để khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ có thành tích xứng đáng. Đối với đội viên Cứu quốc quân tinh thần kỷ luật sút kém, sinh hoạt không đều đặn... tùy mức độ, nhẹ thì bị phê bình, cảnh cáo; nặng thì hạ tầng công tác hoặc khai trừ khỏi Đảng, khai trừ khỏi Trung đội Cứu quốc quân 2. Với hình thức kỷ luật nghiêm và khen thưởng xứng đáng, trong đội ngũ Cứu quốc quân đã xuất hiện những gương chiến đấu dũng cảm, cách đánh táo bạo, tài bắn giỏi, khiến quân thù khiếp sợ.
Trước sự phát triển và hoạt động ngày càng mạnh mẽ của Cứu quốc quân, đầu năm 1942, thực dân Pháp tập trung lực lượng lớn khủng bố lan tràn khắp căn cứ Võ Nhai. Trong tình thế bất lợi, ngày 23-1-1942, đồng chí Đào Văn Trường triệu tập hội nghị, quyết định rút đại bộ phận Cứu quốc quân ra ngoài vòng vây của địch để bảo toàn lực lượng. Sau khi bàn giao công việc cho Ủy ban Quân sự-Chính trị và Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 2, ngày 25-1-1942, đồng chí Đào Văn Trường về an toàn khu báo cáo, xin chỉ thị của Trung ương Đảng.
Quá trình công tác, đồng chí Đào Văn Trường đã thể hiện phẩm chất cách mạng kiên trung, mẫu mực, chứng tỏ tài năng về quân sự và có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, chiến đấu của Cứu quốc quân. Những tư tưởng quân sự cơ bản và biện pháp cụ thể bước đầu về xây dựng một đội quân cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến nay vẫn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nhằm tôn vinh những đóng góp của đồng chí Đào Văn Trường đối với Trung đội Cứu quốc quân 2-một trong những đội quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP
---------
(1), (2) Sách “Trọn thế kỷ một cuộc đời”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2016, tr.117, 121.
-