Tháng 3-1967, thành lập Bộ tư lệnh Không quân, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy bộ tư lệnh. Giai đoạn này, không quân có một “nhiệm vụ tuyệt mật” là cải tiến máy bay vận tải IL-14 thành máy bay vận tải-ném bom. Phi công lái máy bay thử nghiệm đầu tiên, sau đó trực tiếp ném bom vào căn cứ địch là Cơ trưởng Nguyễn Văn Bang.

Thời điểm Bộ tư lệnh Không quân ra đời, Trung ương Đảng ta đang tích cực chuẩn bị cho việc tạo bước chuyển biến mới trên cục diện chiến trường. Đó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 sau này. Một kế hoạch được đề ra cho bộ đội không quân là lập một “cầu hàng không” chi viện chiến trường, mà khâu quan trọng là cải tiến một loại máy bay vận tải ta đang có thành máy bay vừa vận tải, vừa ném bom. Trung đoàn Không quân vận tải 919 là nơi thực hiện việc cải tiến đó. Tổ nghiên cứu cải tiến do ông Nguyễn Tường Long, Trưởng bộ phận cơ khí, thuộc Ban Kỹ thuật trung đoàn đứng đầu. Ông Nguyễn Tường Long sinh năm 1923, Việt kiều Pháp, học ngành Kỹ thuật hàng không. Cha ông là một người yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc, đã khuyên con khi vừa ra trường: Hãy trở về Việt Nam giúp Chính phủ của Cụ Hồ Chí Minh!

leftcenterrightdel
Cơ trưởng Nguyễn Văn Bang bên chiếc IL-14 cải tiến. 

Nguyễn Tường Long về nước, làm việc ở Chiến khu Việt Bắc. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông được điều động vào quân đội. Tại Sân bay Gia Lâm, ông cùng các đồng nghiệp trong Ban Kỹ thuật tìm hiểu kỹ lưỡng kết cấu, tính năng kỹ thuật của máy bay vận tải hạng trung IL-14 do Liên Xô chế tạo. Nhóm của ông đã thiết kế hai giá treo bom dưới thân, cánh máy bay, có thể treo được 4 quả bom 100kg hoặc 2 quả 250kg. Họ còn lắp thêm vào dưới thân máy bay 24 ống phóng lựu. Những ghế ngồi ở khoang hành khách được tháo ra, tận dụng 2 gờ chạy dọc sàn máy bay, gắn thêm 50 ống chứa 50 quả đạn cối 120mm. Khi cần tiêu diệt căn cứ địch, bộ phận này sẽ được rút chốt hãm, kéo dây cáp làm toàn bộ giá chứa đưa đạn cối đồng loạt rơi xuống, chạm nổ khi tiếp đất.

Sau mấy tháng nghiên cứu, chế tạo, lắp đặt, việc cải tiến đã được hoàn thành trên chiếc máy bay đầu tiên. Điều mà ai cũng mong và lo là việc bay thử nghiệm. Lúc đó có ý kiến cho rằng, cách treo bom, đạn cối “tùm lum” kiểu ấy khi cất cánh và trong quá trình bay sẽ có rung lắc, nếu chúng rơi ra thì hậu quả khôn lường. Nhưng cấp trên và đa số phi công tin tưởng ở sự cải tiến có cơ sở khoa học của nhóm Nguyễn Tường Long. Người được chọn bay thử là Đại đội trưởng, Cơ trưởng Nguyễn Văn Bang. Chính ủy Phan Khắc Hy cho biết: “Tôi nắm khá kỹ lý lịch của anh ấy. Phi công Nguyễn Văn Bang sinh năm 1935, vốn quê gốc Hà Tây. Người cha từng làm cai cho Pháp được giác ngộ cách mạng, sau bị địch phát hiện đã thoát ly lên chiến khu. Người mẹ đã cùng Bang vào Nam lánh nạn. Ở Sài Gòn, Bang có người cậu ruột hoạt động cách mạng, đưa anh lên căn cứ làm giao liên. Năm 1955, Bang cùng gia đình tập kết ra Bắc. Lớn lên, anh nhập ngũ, được chọn đi học trường không quân ở Trung Quốc. Thời điểm bay thử nghiệm, anh có nhiều giờ bay và luôn tỏ ra bình tĩnh, nhanh nhẹn xử lý những tình huống bất ngờ trên không. Anh còn là một đại đội trưởng có tình thương yêu đồng đội, được anh em tín nhiệm. Hôm tôi đến giao nhiệm vụ, thấy Bang cùng chiến sĩ đang quây quần bên chiếc đài bán dẫn, chăm chú lắng nghe bản tin thời sự. Chiến sự diễn ra ác liệt ở Trị Thiên-Huế. Anh nói với tôi, chiến trường này có thể là địa bàn chiến đấu của đơn vị khi thực hiện kế hoạch “cầu hàng không”. Anh em đều tin tưởng, cấp trên đã cân nhắc tính toán sử dụng không quân vào những giờ phút quyết định của chiến dịch. Thế rồi buổi sáng hôm đó, Bang bình thản bước vào buồng lái máy bay IL-14 thử nghiệm. Máy bay cất cánh, đảo vòng nhiều tư thế trong khoảng một giờ, rồi đáp trở lại sân bay tuyệt đối an toàn, đánh tan những nghi ngại của một số người”.

Theo mẫu cải tiến đầu tiên, nhiều chiếc IL-14 khác đã được gấp rút làm mới. Đến ngày 27 Tết Mậu Thân (26-1-1968), Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên và Chính ủy Phan Khắc Hy mang mật lệnh của Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài vượt cầu phao sông Hồng xuống sở chỉ huy Đoàn Không quân Hồng Hà (mật danh của Trung đoàn Không quân vận tải 919) phổ biến nhiệm vụ: Thả dù tiếp tế bộ binh và tấn công một số mục tiêu mặt đất ở Nam vĩ tuyến 17. Theo kế hoạch, các chuyến bay T14 (ký hiệu dùng để chỉ loại IL-14 cải tiến) sẽ bay gần 1.000km trong tình trạng “bay mò”, không có ra-đa dẫn đường để tránh sự phát hiện của địch. Tuyến bay là Gia Lâm (Hà Nội)-Sê Pôn (Lào)-Phương Tích (Huế). Các phi đội phải bay nép vào dãy Trường Sơn, bay thật thấp vừa tránh ra-đa địch, vừa tạo bất ngờ, song phải luôn dè chừng những đỉnh núi cao 2.000m trở lên thuộc dãy Trường Sơn, có thể va quệt cháy, nổ máy bay bất cứ lúc nào. 6 tổ bay lần lượt cất cánh cách nhau 15 phút. 3 tổ hướng về đồn Mang Cá, 3 tổ hướng về phá Tam Giang, tín hiệu xác định vị trí là những đốm lửa nhỏ bên bờ sông Tam Giang do bộ đội của ta đốt lên. Hôm đó ở sở chỉ huy, Bộ tư lệnh Không quân thức trắng đêm, trải qua những giờ phút lo âu, hồi hộp chờ đợi. Rồi chỉ có 4 tổ bay hoàn thành nhiệm vụ trở về. Tổ bay của Cơ trưởng Hoàng Liên bị địch phát hiện, bắn thủng bình xăng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Sao Vàng,Thanh Hóa. Còn tổ bay của Cơ trưởng Phan Kế bị pháo cao xạ địch bắn hạ gần căn cứ ở phía nam sông Bến Hải.

leftcenterrightdel
 Tấm ảnh ghép gia đình Cơ trưởng Nguyễn Văn Bang. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp.

Tổ bay của Cơ trưởng Nguyễn Văn Bang hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ trong đêm xuất kích đầu tiên ấy. Tổ của anh và tổ của Cơ trưởng Nguyễn Văn Ba sau đó nhận tiếp nhiệm vụ mới đặc biệt: Tập kích tàu chiến của Hạm đội 7 Mỹ đang đỗ ngoài khơi vùng biển quốc tế dưới vĩ độ 17. Kỹ thuật viên Nguyễn Tường Long đã thống nhất hành động với hai cơ trưởng: Chiến hạm Mỹ dài khoảng 220m, chiều ngang 50m. Tốc độ bay của máy bay mình lại không có máy kiểm tra nên tốt nhất là đánh dọc từ đuôi lên đầu chiến hạm, khả năng bom rơi trúng mục tiêu sẽ cao hơn. Cần nhớ, phải thả bom ở độ cao trên 100m, nếu không khi bom nổ, áp lực dội lên sẽ làm rách cánh hoặc đuôi máy bay.

Đêm 12-2-1968, hai máy bay lần lượt xuất kích. Đến 23 giờ 30 phút, Bang và Ba đều cắt liên lạc với sở chỉ huy ở nhà, các anh đã vào khu vực gần Hạm đội 7. Thế rồi đêm đó cả hai tổ bay đã không trở về. Nhiều giả thiết được nêu ra về sự hy sinh của các anh. Ông Nguyễn Tường Long báo cáo với Chính ủy Phan Khắc Hy là trong bản tin tiếng Anh chiều của đài BBC London đã loan tin: Ngày 13-2-1968, hai chiến hạm thuộc Hạm đội 7 bị máy bay Việt cộng giội bom, hư hại nặng, đang phải kéo về cảng Subic, Philippines sửa chữa. Đó chính là chiến công của hai cơ trưởng, liệt sĩ Nguyễn Văn Bang và Nguyễn Văn Ba!

Cơ trưởng, liệt sĩ Nguyễn Văn Bang có vợ là Tiến sĩ Lê Thị Ngọt, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Gần đây, bà đã đến thăm nhà thủ trưởng cũ của chồng ở TP Hồ Chí Minh. Bà tặng Chính ủy Phan Khắc Hy tấm ảnh ghép: Một chú bé bụ bẫm ngồi giữa, vợ chồng bà hai bên. Bà kể với Chính ủy: “Trước ngày xuất kích ở Sân bay Gia Lâm, hôm đó trời rét căm căm, thấy em đút tay trong túi quần vì lạnh, chồng em cởi cái khăn dù anh ấy đang quấn trên cổ đưa cho em, nhưng em sợ anh ấy bị lạnh nên đã không cầm. Giá em cứ cầm thì đến giờ vẫn còn giữ được hơi ấm của anh ấy. Ngày đó chúng em lấy nhau đã được mấy năm, anh ấy rất mong mỏi có đứa con. Lúc anh ấy đi làm nhiệm vụ, không biết em đã mang trong mình giọt máu của anh ấy. Và vì thế, em mới ghép ảnh này, lúc cháu được hơn 1 tuổi với bố mẹ. Cháu Nguyễn Quốc Khánh hiện đang là chuyên viên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh”.

PHẠM QUANG ĐẨU