Trong bài viết này, chúng tôi khái quát quá trình bác sĩ Trần Nam Hưng (còn gọi là Ba Hưng) tự nguyện từ bỏ cuộc sống nhung lụa nơi thị thành để tìm ra Chiến khu Giồng Dinh theo kháng chiến qua sự động viên, thuyết phục của Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Bộ.

Bác sĩ Trần Nam Hưng, nguyên Trưởng phòng Quân y Khu 8 (trong kháng chiến chống Pháp) và Phó trưởng phòng Quân y Miền (B2) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sinh năm 1923 tại Chợ Giữa, tỉnh Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1943, ông tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội, rồi vào Sài Gòn làm việc trong một đơn vị quân y của Pháp có phiên hiệu là HEM, đặt trụ sở tại nhà thương Chợ Rẫy. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông đã bị bọn chỉ huy đơn vị HEM đuổi việc vì tình nghi có liên quan đến Việt Minh.  

leftcenterrightdel
Từ trái qua: Các đồng chí: Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Trung tướng Nguyễn Bình và Dương Quốc Chính ở chiến trường Nam Bộ. Ảnh tư liệu

Không tiếp tục làm việc trong quân đội Pháp nhưng ông không hề nuối tiếc, vì cho rằng đã thoát khỏi cảnh đi làm thuê cho thực dân. Ông mở phòng mạch tư để kiếm sống và giúp đỡ những người nghèo bị bệnh. Khoảng cuối năm 1947, qua những người đồng nghiệp đã theo kháng chiến, ông biết ở các chiến khu thuộc Nam Bộ đang rất cần thầy thuốc để cứu chữa cho bộ đội bị thương và bị bệnh. Một hôm, qua người bạn thân là luật sư Bùi Thị Cẩm-vợ của luật sư Phạm Ngọc Thuần, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính Nam Bộ, ông đã bí mật ra Chiến khu Giồng Dinh để được tận mắt chứng kiến sự phát triển của cuộc kháng chiến. Trong những ngày ở Chiến khu Giồng Dinh, ông được Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Bộ tiếp đón rất niềm nở và thịnh tình. Lần đầu tiên được tiếp xúc với vị tư lệnh, người được dư luận trong thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đồn thổi như một vị tướng huyền thoại, ông nhận thấy Trung tướng Nguyễn Bình có nếp sống hết sức giản dị, lại bình đẳng, tôn trọng và ân cần với anh chị em trí thức trong bưng. Những ngày được tận mắt chứng kiến cuộc sống, chiến đấu của bộ đội ở chiến khu, bác sĩ Ba Hưng đã nhận ra một điều mà lâu nay ông còn mơ hồ, đó là chỉ có đi theo kháng chiến thì những trí thức như ông, như bác sĩ Hồ Văn Huê, Võ Cương, Nguyễn Thiện Thành, Trương Công Trung, Nguyễn Văn Hưởng cùng nhiều trí thức thuộc các ngành khác mới được tôn trọng và có điều kiện để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những lần tiếp xúc với Tư lệnh Nguyễn Bình tuy ngắn ngủi nhưng lại gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm thức của ông. Nhận thấy bác sĩ Ba Hưng ra bưng để biết sự thật ở các chiến khu mà chưa quyết định theo kháng chiến, Trung tướng Nguyễn Bình cấp cho ông một tấm thẻ có dòng chữ tự tay Trung tướng viết: “Khi nào bác sĩ Ba Hưng có việc cần gặp tôi, liên lạc phải giúp đỡ bác sĩ”.

Về lại nội đô Sài Gòn, bác sĩ Ba Hưng mở phòng mạch tư ở đường Follcault (nay là đường Nguyễn Phi Khanh) thuộc vùng Đa Kao để kiếm sống. Do có trình độ chuyên môn giỏi, lại thông thạo tiếng Pháp nên cuộc sống của ông rất đầy đủ. Tuy điều kiện sung túc nhưng ông vẫn nhớ không khí sinh hoạt hào hùng trong Chiến khu Giồng Dinh. Rồi vào một ngày cuối tháng 10-1948, bác sĩ Ba Hưng quyết định vào chiến khu theo kháng chiến. Ông được Tư lệnh Nguyễn Bình giao ngay nhiệm vụ mở các lớp đào tạo cứu thương, y tá cho ngành quân y Khu 8 tại vùng Ba Thu ở giữa Đồng Tháp Mười. Cuối tháng 11-1948, Phòng Quân y Khu 8 xây dựng một viện quân y tại một trại giồng gần Ba Thu, lấy phiên hiệu là Giồng Nhà thương. Khi Viện Quân y Giồng Nhà thương xây dựng xong, ông được Tư lệnh Nguyễn Bình giao phụ trách. Đáp lại sự tin tưởng và ân cần của tư lệnh, ông rất hăng hái và tận tình phục vụ thương binh, bệnh binh.

Trong những năm tháng phục vụ ở Viện Quân y Giồng Nhà thương, bác sĩ Ba Hưng có một kỷ niệm rất khó quên. Có hai thương binh được đưa tới viện, một người tên là Nên, cán bộ Trung đoàn 300 và một người là Hoàng, cán bộ Trung đoàn 305 của Khu 8. Cả hai thương binh này đều bị gãy xương cánh tay trong Chiến dịch Cầu Kè. Bác sĩ Ba Hưng đã điều trị cho hai thương binh Hoàng và Nên theo phương pháp HEM, là một kỹ thuật mới trong điều trị gãy xương mà ông tiếp thu được khi còn làm việc ở đơn vị HEM của quân Pháp. Nhưng thương binh Nên và Hoàng lại thắc mắc vì sao sau khi băng lại vết thương thì vị bác sĩ này không ngó ngàng tới họ. Không biết ai đã nói cho hai anh biết là bác sĩ Ba Hưng đã từng là quan hai nhà binh Pháp, mới ra bưng chưa lâu. Thế là hai thương binh này nhìn ông với vẻ nghi ngờ ra mặt, cho là vị thầy thuốc này đã tìm cách để chui vào kháng chiến nhằm thám thính tình hình và giết hại thương binh. Những lời thì thầm đó đã thấu tới tai bác sĩ Ba Hưng. Ông liền gặp hai thương binh Hoàng và Nên để giải thích về phương pháp điều trị mới, nhưng cả hai đều không tin. Ông rất khổ tâm về thái độ kỳ thị của thương binh và nhân viên, thậm chí đã có đêm ông không dám ngủ, vì sợ có ai đó quá khích lẻn sang buồng ông “ám sát”. Nhưng rất may cho ông, những lời bàn tán đó đã tới văn phòng của Trung tướng Nguyễn Bình.

Một buổi sáng, Tư lệnh tự chống xuồng tới Viện Quân y Giồng Nhà thương. Đúng lúc đó, bác sĩ Ba Hưng cũng đang tháo băng cho thương binh Hoàng và Nên. Hai thương binh này nhăn nhó vì mùi thối khẳm bốc ra từ vết thương. Nhưng khi cuộn băng vừa tháo hết thì cả thầy thuốc và thương binh đều reo mừng: “Lành rồi, đã kéo da non rồi, xương đã ráp cứng”. Trung tướng Nguyễn Bình vội bước đến gần để nhìn cho kỹ vết thương của anh Nên và anh Hoàng. Sau khi quan sát những mảng thịt đỏ tươi đã lấp đầy vết thương, ông nói với hai thương binh:

- Tôi có nghe hai anh phàn nàn về ông giám đốc quân y viện cho nên sáng nay tôi gác công việc để qua đây điều tra tại chỗ. Kết quả cho thấy, hai anh đã quá vội vàng trong việc phê phán…

Hai thương binh ấp úng xin lỗi bác sĩ Ba Hưng. Rồi Tư lệnh Nguyễn Bình gọi anh Nguyễn Đức Hinh từ dưới xuồng lên, nói:

- Anh chụp cho bác sĩ Ba Hưng và hai anh thương binh này một kiểu làm kỷ niệm, đánh dấu một thành công của Viện Quân y Giồng Nhà thương.

Vài ngày sau, một nhân viên của Văn phòng Bộ tư lệnh Nam Bộ đưa cho bác sĩ Ba Hưng một bức thư, trong đó có bức ảnh lớn với mấy chữ đề tặng của Trung tướng Nguyễn Bình. Bức ảnh đó, ông giữ như gia bảo và đã theo ông đi khắp chiến trường Khu 8. Hơn thế nữa, mỗi khi gặp bạn bè, đồng nghiệp, ông thường nói: “Nếu không có Trung tướng Nguyễn Bình, thì Ba Hưng đã không ra Chiến khu Giồng Dinh”.

Đầu năm 1949, bác sĩ Trần Nam Hưng được giao nhiệm vụ là Trưởng phòng Quân y Khu 8. Sau khi Hiệp nghị Geneve có hiệu lực, ông ra Bắc tập kết và sau đó phục vụ tại Viện Quân y 108. Năm 1965, khi Viện Quân y 211 được thành lập để phục vụ Mặt trận Tây Nguyên, ông là một trong 6 chủ nhiệm khoa của Viện Quân y 108 được điều động làm Viện phó Viện Quân y 211. Cuối năm 1971, ông vào chiến trường B2, được giao cương vị là Phó trưởng phòng Quân y Miền (B2). Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, ông là một trong những cán bộ chủ chốt của Phòng Quân y Miền dẫn đầu đoàn cán bộ quân y đi tiếp quản tổng y viện cộng hòa, bệnh viện Vì Dân và nhiều cơ sở điều trị, kho thuốc của quân y ngụy quyền Sài Gòn.

Bác sĩ Trần Nam Hưng qua đời năm 2000 tại quê nhà.

BS NGUYỄN NGỌC BÍCH - TS ĐẶNG QUỐC KHÁNH