Lê Hải Triều là nhà văn trưởng thành từ Mặt trận Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như các nhà văn chiến sĩ: Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Đỗ Văn Nhâm, Nguyễn Trọng Luân… Song, nếu như các nhà văn trên thành danh từ rất sớm thì Lê Hải Triều kinh qua các chức vụ: Chính ủy Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10), Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 3, để rồi đến năm 1992, khi trở thành biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, anh mới cầm bút chuyên nghiệp. Vì vậy, có nhà báo gọi anh là “Chiến binh cầm bút”. Trước khi trở thành nhà văn, anh không những là chiến sĩ, mà còn là cán bộ vừa cầm súng vừa chỉ huy hết đánh Mỹ đến đánh Pol Pot và bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Lê Hải Triều sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo của xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1966, tốt nghiệp cấp 3, Lê Hải Triều nhận giấy báo sang Đức học tập cùng lúc với giấy báo nhập ngũ. Chọn con đường ra trận, anh trả lời đơn giản và trung thực với đơn vị tuyển quân: “Nhà tôi có 9 anh em, bố tôi là đảng viên mà chưa có ai đi bộ đội”.
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Sau những ngày tháng huấn luyện ở Thanh Hóa, đầu năm 1967, chiến sĩ trẻ Lê Hải Triều vào chiến trường Tây Nguyên, biên chế về Trung đoàn 66 (sau này thuộc Sư đoàn 10), ngay sau đó tham gia Chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh. Tháng 2-1968, anh cùng Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 chốt trên đồi Ngọc Tụ phía tây Tân Cảnh, Kon Tum, cùng đồng đội đẩy lùi một tiểu đoàn Mỹ, riêng anh diệt 17 tên địch. Rồi từ đó, cuộc chiến tranh đã cuốn chàng trai quê chùa Hương như một cơn gió lốc ở chiến trường ác liệt bậc nhất lúc bấy giờ. Để rồi sau trận mở màn then chốt Buôn Ma Thuột lịch sử, cuối tháng 3-1975, Chính trị viên đại đội Lê Hải Triều cùng Đại đội 5 đánh địch ở đèo M’Đrăk, Đắc Lắc, góp phần tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến tranh.
|
|
Nhà văn Lê Hải Triều (thứ hai, từ trái sang) và đồng đội trong một lần thăm lại nơi 21 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) hy sinh dưới chân đèo M’Đrăk, Đắc Lắc ngày 23-3-1975. Đây là địa điểm xây dựng Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 10. (Ảnh: Triều Hải) |
"Ngày nay, khi nói về Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, người ta hay nói đến trận Buôn Ma Thuột. Nhưng theo tôi, trước hết cần nói tới những gì đã xảy ra trên cao nguyên này từ nhiều năm trước. Phải nói tới cái nhìn đúng đắn, xa rộng của Đảng ta khi đánh giá địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Việc âm thầm xây dựng LLVT nhân dân Tây Nguyên từ những ngày gian khó nhất đến khi hình thành một lực lượng đủ mạnh đã tạo nên thế chiến lược cho Tây Nguyên để từ đó bắt đầu cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975. Đây là tư tưởng tôi lĩnh hội được từ Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, khi năm 2000, tôi chấp bút cuốn “Ký ức Tây Nguyên” của ông"-Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều chia sẻ.
Là người sống, chiến đấu ở Tây Nguyên từ ngày nhập ngũ cho đến khi Tổ quốc thống nhất, rồi cùng Quân đoàn 3 trở lại Tây Nguyên năm 1987 trên cương vị Trưởng phòng Tuyên huấn, Lê Hải Triều hiểu rất rõ mảnh đất, con người nơi đây. Vì thế, trong nhiều cuốn hồi ký của các vị tướng từng hoạt động trên chiến trường này mà anh chấp bút như hồi ký của Đại tướng Chu Huy Mân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Trung tướng Khuất Duy Tiến, đặc biệt là cuốn “Ký ức Tây Nguyên” của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, cuộc chiến đấu hào hùng của quân dân Tây Nguyên trong giai đoạn chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện rất trung thực, sinh động và hấp dẫn. Ở chiến trường này, nỗi ám ảnh, ấn tượng nhất, khó phai mờ nhất trong tâm trí từ các vị tướng chỉ huy đến từng chiến sĩ cầm súng không chỉ là những trận chiến sinh tử chống quân thù với các chiến dịch: Plei Me (năm 1965), Đắc Tô-Tân Cảnh (năm 1967), Đắc Xiêng (năm 1970), Đắc Tô (năm 1972)… mà còn là cuộc chiến chống cái đói và bệnh tật.
Bước sang năm 1969, chiến trường Tây Nguyên gặp khó khăn lớn về đạn dược, thuốc men, quân tư trang và nhất là lương thực. Địch tập trung đánh phá mạnh, dùng bom đạn, chất độc hóa học chặn nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào, phá nguồn tăng gia sản xuất của bộ đội và sự tiếp tế của đồng bào dân tộc. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp kể: “Vì thiếu đói nên bệnh sốt rét phát triển mạnh, có tháng sốt cả ngàn người và dường như ai cũng qua cái sốt. Người sốt rét gặp tình trạng thiếu ăn, lao động nặng nhọc, lại chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học Mỹ… càng mắc thêm các chứng bệnh khác như tiêu chảy, phù thũng, suy tim… Có thời kỳ ở các bệnh xá, bệnh viện, thương binh thì ít, bệnh binh thì nằm la liệt đến cả ngàn người. Nhiều bệnh nhân tiêu chảy, suy kiệt sức lực không nhổm người lên được. Có những đồng chí bị phù thũng toàn thân, đặc biệt là hai bàn chân. Ấn ngón tay đến đâu lõm đến đó như ấn vào miếng đất sét dẻo…” (Ký ức Tây Nguyên, tr.182, NXB Quân đội nhân dân).
Cuộc sống cực kỳ gian khổ càng làm cho tình đồng đội, tình quân dân trở nên gắn bó, trở thành “tài sản” riêng của mỗi người khi nhắc về thời kỳ oanh liệt đó. Vì vậy, khi thể hiện trong tác phẩm, Lê Hải Triều không cho phép mình cường điệu, tô hồng hoặc bôi đen quá khứ. Với anh, viết về Tây Nguyên hay mảnh đất nào, chiến trường nào cũng phải chân thực như những gì vốn có.
"Viết hồi ký cho bác Chu Huy Mân, bác Đặng Vũ Hiệp và các tướng lĩnh khác từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tôi cũng có gửi gắm vào đó những tình cảm, suy tư về con người và mảnh đất này, cả những nỗi đau, những mất mát hy sinh trong chiến tranh của đồng đội tôi!"-nhà văn Lê Hải Triều tâm sự.
Nỗi nhớ thương đồng đội hy sinh theo suốt Lê Hải Triều từ trận đánh này sang trận đánh khác, từ chiến dịch này sang chiến dịch khác, từ cương vị này đến cương vị khác, kể cả lúc quân ta ca khúc khải hoàn. Nhớ hơn khi anh bắt đầu nghiệp viết. Niềm vui và nỗi đau luôn xen kẽ trong cuộc đời của nhà văn. Năm 2005, Lê Viên Hải Nguyên, con trai thứ hai của vợ chồng anh sinh ra khi quân đoàn trở lại Tây Nguyên, được gia đình đặt tên theo mảnh đất mà anh từng gắn bó với bao hy vọng vì học giỏi và hiếu thảo, đã mắc căn bệnh hiểm nghèo và mãi mãi đi xa. 50 ngày đêm cùng vợ thức trắng bên giường bệnh của con, anh ghi nhật ký, sau này in thành cuốn sách “Nguyên ơi!” đã được đông đảo bạn đọc đón nhận, đồng cảm, sẻ chia và tái bản đến lần thứ năm.
Những nỗi đau, mất mát trong cuộc đời không làm cho Lê Hải Triều gục ngã, mà trái lại như tiếp thêm sức mạnh để anh sống, viết, hy vọng và tự hào. Từ đó đến nay, Lê Hải Triều đã cho ra đời 24 cuốn hồi ký của các tướng lĩnh, 4 tiểu thuyết, 2 tự truyện. Sức làm việc phi thường của một cựu chiến binh-thương binh cầm bút. Ngoài hồi ký là sở trường, khi viết tiểu thuyết, Lê Hải Triều đều lấy Tây Nguyên làm đề tài, là “vỉa quặng” để anh khai thác. Tiểu thuyết “Di họa kép” nói về những người lính Tây Nguyên năm xưa với không ít bi kịch xảy ra: Họ vừa chịu di họa của chất độc da cam/dioxin, vừa chịu di họa của bom đạn khốc liệt. Hai tiểu thuyết “Đường vào Buôn Ma Thuột” và “Cao nguyên rực lửa” nói về chiến trường quen thuộc và trận quyết chiến chiến lược năm 1975 mà anh vinh dự tham gia. Năm 2019 vừa qua, anh cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Hoa chiềng gai” viết về Trung đoàn 95 của Mặt trận Tây Nguyên chuyên đánh cắt giao thông. Hoa chiềng gai bám vào các vách của dòng sông Ba, mảnh mai nhưng bám chắc, như Trung đoàn 95 bám vào Đường 19 để đánh hàng trăm trận, làm cho quân địch kinh hồn bạt vía.
Hai năm nay, trên cương vị Phó trưởng ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 10, Đại tá Lê Hải Triều đã hơn 10 lần từ Hà Nội vào Tây Nguyên. Anh đi không chỉ để tìm tư liệu, nguồn cảm hứng, mà chủ yếu để gặp chính quyền các cấp tỉnh Đắc Lắc bàn việc xây Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong trận tiêu diệt lữ đoàn dù 3 lực lượng tổng dự bị ngụy quân Sài Gòn ở đèo M’Đrăk cuối tháng 3-1975. Trong trận đánh lớn cuối cùng của Chiến dịch Tây Nguyên để làm bàn đạp cho quân ta tiến xuống Duyên hải miền Trung này, đã có 154 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 hy sinh, riêng Đại đội 5 do anh làm Chính trị viên có 21 liệt sĩ. Mỗi lần trở lại nơi này, anh lại rưng rưng nhớ thương đồng đội. Chính nơi đây là điểm cuối để quân ta từ Tây Nguyên tiến về giải phóng đồng bằng, từ núi rừng về với thành phố. Một đời trận mạc gian khổ “nếm mật nằm gai”, cho đến gần ngày chiến thắng, nhiều đồng đội của anh đã vĩnh viễn nằm lại cánh rừng thân thuộc mà không kịp nhìn thấy biển.
"Tây Nguyên đối với tôi là “trầm tích” như thế đó. Vì vậy, còn sức khỏe, tôi vẫn đi và viết về vùng đất này"-nhà văn Lê Hải Triều khẳng định.
HỒNG SƠN