Đảo Cát Bà, đêm mùa thu thật đẹp. Biển lặng sóng, sao trời, sao biển, “sao” thành phố lung linh, chẳng dễ phân biệt được đâu là những con tàu đang neo đậu, đâu là những cao ốc thấp thoáng trong mây sương. Biển trời bốn phía rực rỡ, mơ hồ và kỳ ảo...
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính chỉ tay về phương bắc nói với tôi: “Phía đó là nơi mình xuất kích trận đầu. Bắn hạ được mục tiêu nhưng phải hạ cánh xuống sân bay Nam Ninh của Trung Quốc vì hết nhiên liệu”. Ông cười, khuôn mặt đôn hậu với ánh mắt vui lấp lánh bởi ánh đèn trong vườn hoa phố biển, mái tóc bạc trắng như bông, như mây. “Cũng ở phía đó, năm sáu bảy (1967) mình bị bắn rơi trên vùng trời Hữu Lũng”. Lần đầu trong đời, tôi được ngồi chuyện trò với một phi công chiến đấu, hơn thế nữa, đó lại là một vị tướng của Không quân Việt Nam. Ông là con trai một du kích quân chống Pháp ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường (Nam Định). Ông cụ bị thương nặng, đạn găm trong mình phải mổ đi mổ lại nhiều lần, vì vậy gia cảnh rất khó khăn, Nguyễn Đăng Kính chỉ được theo học trường tư thục 3 năm (1949 – 1952).
Năm 1959, vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Đăng Kính vào quân đội thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Tự học văn hóa qua đồng đội và sách vở, sau 2 năm, ông đã có trình độ tương đương lớp 6/10. Rồi ông được tuyển vào Không quân, được đưa sang Liên Xô học lái máy bay tiêm kích. Đây là lớp học lái tiêm kích đầu tiên của Việt Nam, gồm 40 người do Nguyễn Hồng Nhị làm Đoàn trưởng. Những ngày tháng đầu tiên phải vật lộn với kiến thức “zê rô” về ngoại ngữ đã là vất vả, song đến lúc học các môn toán, lý, lượng giác với ông mới thật là khó khăn. Nhờ đồng đội và các thầy giáo của Liên Xô tận tình dạy dỗ, kèm cặp, ông vượt qua một cách xuất sắc. Cuối năm 1964, các học viên hoàn thành chương trình đào tạo lái MiG 17 nhận nhiệm vụ, nhưng 4 tháng sau, Nguyễn Đăng Kính cùng 15 đồng đội nữa lại sang Liên Xô để được đào tạo lái MiG 21.
Tháng 10-1965, đoàn bay của ông gồm 11 phi công Việt Nam trở về nước. Lúc này Mỹ đã mở rộng đánh phá ra miền Bắc. Không quân ta với những chiếc MiG 17 đã nhiều lần xuất trận, những Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan đã lập chiến công vang dội trên bầu trời Đông Bắc, Khu 4… Ngày 3-4-1966, Nguyễn Hồng Nhị với chiếc MiG 21 xuất trận lần đầu đã tiêu diệt một chiếc máy bay không người lái của giặc Mỹ. Hai ngày sau, Nguyễn Đăng Kính và Vũ Ngọc Đỉnh được lệnh xuất kích, bắn hạ mục tiêu được hướng dẫn nhưng vì hết nhiên liệu nên phải hạ cánh ở Nam Ninh (Trung Quốc). Sự xuất hiện của những chiếc MiG 21 trên bầu trời miền Bắc làm cho bọn Mỹ cảnh giác và thận trọng hơn. Chúng thường dùng lực lượng đông, áp đảo để bao vây, tiêu diệt những tổ bay đơn độc, ít ỏi của ta. Cũng trong tháng 4-1966, trong một trận đọ cánh với tụi F4H tinh ranh của Mỹ, máy bay của ông bị trúng đạn trên bầu trời Thái Nguyên. Cố bay về đến Mê Linh thì máy bay không thể điều khiển được, ông phải nhảy dù. Ngày 2-1-1967, biên đội ông bị 56 chiếc “Con ma” bao vây công kích, cả biên đội bị bắn rơi nhưng không một ai thương vong. Tháng 4-1967, máy bay ông lại bị bắn rơi ở Hữu Lũng (Lạng Sơn). Từ sân bay Đa Phúc, biên đội của ông xuất kích đánh địch trên vùng trời Nà Sản (Sơn La). Địch vào quá đông nên biên đội được lệnh rút về vùng an toàn ở Đông Bắc và bị địch vây đuổi, ông bị dính đạn.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính chia tay đồng đội khi về hưu
|
Những năm này là thời kỳ rất khó khăn của Quân chủng Không quân non trẻ chúng ta. Lực lượng bị tiêu hao lớn, tổn thất về người lái và phương tiện chiến đấu xảy ra thường xuyên. Dù ta có bắn rơi được khá nhiều giặc trời nhưng với Mỹ, sự rơi rụng của chúng vẫn là “gai mồng tơi”, trong khi mỗi chiếc máy bay, mỗi sinh mạng chiến sĩ, phi công với chúng ta là không gì bù đắp nổi. Mặt trận ngày càng lan rộng. Thiếu máy bay đã đành, đạn đối không, nhiên liệu bay cũng hết sức hạn chế. Chiến trường của những con én bạc phải vươn tới các mục tiêu sâu hơn vào phía nam và xa hơn về phía đông để yểm trợ cho những con tàu trên biển, những đoàn xe trong đất liền, phối hợp cùng các cụm pháo phòng không bảo vệ mục tiêu, cũng có khi phải chủ động phục kích địch từ xa ở mạn Tây Bắc để bẻ gãy mưu đồ tiến công của chúng từ các sân bay ở Thái Lan. Tuy vậy mỗi lần xuất kích không quá 30 phút bởi hạn chế về cơ số nhiên liệu. Sau phút thứ 30 kể từ khi cất cánh, đồng đội ở mặt đất đã bắt đầu lo lắng trông chờ.
Bốn lần bị địch bắn rơi mà ông vẫn sống, vẫn nguyên vẹn và chiến đấu ngày càng sung sức. Điều kỳ diệu nào đã cứu ông để ông cùng những con én bạc đi suốt chiều dài cuộc chiến và lập nên những chiến công? Trả lời tôi, vị tướng ngoại lục tuần mà dáng vẻ vẫn vạm vỡ, cường tráng và rất “đẹp lão” ấy mỉm cười: “Lần thứ tư mình bị một quả tên lửa đối không bắn cụt đuôi. Máy bay xoay tròn trôn ốc. Mình bị “gia tốc âm” không sao với tới nút bật dù. Cũng may, phút chốc sau dòng không khí ở phía lệch đẩy máy bay trở lại và mình thoát chết trong khoảng thời khắc chớp nhoáng ấy”. Rồi ông trầm ngâm: “Giữa mênh mông mây trời, công sự của bọn mình là triệu tấm lòng hậu phương thương yêu và chung thủy. Dưới cánh bay là mặt đất quê hương, là đồng bào, đồng đội. Mình cũng vậy, ngoài những cái tình chung ấy, mình còn có một mối tình của cô y tá trong đơn vị. Và nữa, niềm vui được lập công tiêu diệt lũ cướp trời bảo vệ Tổ quốc cứ thôi thúc mỗi người. Mình đã hạ được 6 chiếc trong chừng ấy năm chiến đấu”.
Tháng 11-1967, Nguyễn Đăng Kính cùng Vũ Ngọc Đỉnh (sau này được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) xuất kích về không phận Lang Chánh (Thanh Hóa) để chặn đánh chiếc máy bay trinh sát điện tử RB66. Chiếc máy bay này có nhiệm vụ vừa trinh sát vừa gây nhiễu tích cực (phát sóng phá hệ thống tín hiệu của ra-đa) và nhiễu tiêu cực (thả sợi bạc, sợi kim loại gây nhiễu làm nhiễu ra đa). “Thằng quý tử” này được bọn tiêm kích phản lực hộ tống rất chặt chẽ. Từ năm 1966, loại máy bay này đã mò ra tận Lạng Sơn, Bắc Kạn hoạt động, ta tổ chức bám nhiều lần nhưng chưa bắn hạ được chiếc nào. Vũ Ngọc Đỉnh bay số một yểm trợ cho Nguyễn Đăng Kính (số 2) công kích. Lợi dụng màn mây, hai dũng sĩ xuyên qua đội hình hộ tống dày đặc và hung hãn của giặc tiêu diệt con quái vật trong sự hoảng hốt điên loạn của lũ “vệ sĩ” Mỹ. Tháng 1-1968, cùng với Đồng Văn Song, ông lại hạ thêm một con quái thai loại này. Sau 2 lần bị tiêu diệt, địch không dám cho RB66 vào sâu trong đất liền quấy rối nữa, mà chỉ lảng vảng từ phía Lào hoặc ngoài biển.
Thua đau trên các chiến trường và nhận thấy rải ra tất cả các mục tiêu trên Bắc Việt để đánh phá thì khó lòng hủy diệt được lực lượng ta, bọn Mỹ chuyển sang chiến lược “ném bom hạn chế”; tập trung bom đạn vào Khu 4 hòng bóp nghẹt mọi nẻo đường chi viện cho cách mạng miền Nam. Mật độ chiến tranh ở eo đất hẹp từ vĩ tuyến 20 trở vào vô cùng khốc liệt. Để hỗ trợ mặt đất, hạn chế hoạt động của không quân và hải quân Mỹ, không quân nhân dân Việt Nam được lệnh tiến vào Khu 4. Một cụm 4 sân bay được hình thành tại Thọ Xuân-Anh Sơn-Vinh-Đồng Hới. Đại đội bay đêm của Đoàn Sao Đỏ do Đinh Tôn chỉ huy trụ lại Thọ Xuân và hoạt động trên bầu trời Khu 4 khốc liệt. Không gian mênh mông là vậy nhưng với những con én bạc, tầm hoạt động thật là hạn chế: lệch cánh sang đông là biển, là tầm khống chế của hải quân, không quân Mỹ; lệch cánh sang tây là biên giới, là núi rừng hiểm trở với những con mắt cú vọ của không lực Huê Kỳ đang chực sẵn từ các căn cứ ở Thái Lan. Bay cao thì dễ bị lộ, bay thấp thì địa hình núi non phức tạp, tầm quan sát hạn chế…
Nhằm khắc phục những khó khăn trên, Đài quan sát đối không và Chỉ huy hỗ trợ không quân được đặt trên núi Đại Huệ (phía tây thành phố Vinh) để có thể thoát được tầm ngăn cách của các dãy núi: Cấm, Hồng Lĩnh, Thiên Nhẫn, Trà Sơn. Sáng 26-1-1968, từ căn cứ Thọ Xuân, Đại đội phó Nguyễn Đăng Kính lái chiếc MiG 21 mang bí số 52 cùng Vũ Xuân Thiều (người sau này đã quả cảm bắn hạ B52 trong trận Điện Biên Phủ trên không bảo vệ Hà Nội và được truy tặng Anh hùng liệt sĩ) bay vào Nghệ An “đón” một tốp 2 “con ma” của Hải quân Mỹ, đang từ Hạm đội 7 vào núi Cấm để tiến công mục tiêu ở Vinh. Bám được thắt lưng hai thằng giặc trời, ông đặt chiếc số 2 vào vòng ngắm. Thằng giặc như có linh tính, chao đảo liên tục thoát khỏi tầm bắn của ông. Đang đà tăng tốc, Kính bám đuôi chiếc số 1, tiếp cận thật nhanh và bồi liên tiếp 2 quả tên lửa RTC13 điều khiển bằng tia hồng ngoại. “Con ma” xấu số cháy như bó đuốc giữa bầu trời quê Bác. Đây là chiếc thứ 100 của Đoàn Sao Đỏ anh hùng, trước đó chiếc F105 (chiếc thứ 99 của Đoàn Sao Đỏ) cũng do biên đội của ông và Nguyễn Văn A bắn hạ. Tháng 7 năm đó, Nguyễn Đăng Kính bắn rơi chiếc máy bay thứ 4 trên bầu trời Ninh Bình. Đó là một chiếc trinh sát không người lái ở tầm thấp. Thời kỳ này, chia lửa cùng Ngã ba Đồng Lộc và các trọng điểm miền Trung, ông tiếp tục bắn rơi một chiếc không người lái và một “Thần sấm” nữa. Chiếc “Thần sấm”-chiến công thứ 6 của ông-rơi ngay trên biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) quê tôi. Từ cuối năm 1968 đến 1972, địch ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, đơn vị của ông Kính chuyển sang bay đêm bám đuổi B52, C130 để bảo vệ các hoạt động của bộ đội mặt đất. Năm 1972 ông được sang Liên Xô học ở Học viện Ga-ga-rin và trở thành một chỉ huy của Đoàn Sao Đỏ.
Tôi tò mò hỏi ông về mối tình với cô y tá nào đó mà ông vừa chợt nhắc. Ông cho biết cô gái dòng họ Mông ở Yên Bái ấy, sau này là vợ ông. Khi ông Kính bị địch bắn rơi ở Mê Linh phải nhảy dù, ông bị chấn thương cột sống và được điều trị tại Bệnh xá sư đoàn, nơi Mông Thị Lợi công tác. Họ quen nhau thời kỳ ấy. Đầu năm 1969, Bác Hồ đến thăm Quân chủng và chúc các phi công “Hãy có nhiều Cốc hơn nữa”, ông Kính và cả y tá Mông Thị Lợi cũng được gặp Bác, họ hiểu nhau rồi thành vợ thành chồng. Lễ cưới của họ được tổ chức vào một đêm tháng 9-1970. Đó là một đám cưới đặc biệt. Chủ nhiệm chính trị trung đoàn Đinh Văn Dây vừa giới thiệu đại biểu xong thì địch đến. Hai họ và đại biểu phải sơ tán; chú rể và đồng đội mặc vội đồ bay về vị trí chờ lệnh xuất kích. Khi có lệnh báo yên, tất cả trở lại… cưới tiếp. Cậu con trai của vị tướng “6 sao” và cô y tá ấy đã từng tốt nghiệp phi công lái “SU27” và đang công tác ở ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
BÙI QUANG THANH