Những chuyến đi nhớ đời
Vị tướng quê Bình Định Huỳnh Hữu Anh (còn gọi là Quang) mất năm 1993, chỉ vài năm sau khi ông rời chiến trường K-nơi ông đã gắn bó cả thập kỷ trên cương vị Tư lệnh Mặt trận 579. Ngày cuối tháng 4, buổi gặp mặt của các cựu phi công quân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có anh Huỳnh Hữu Thắng, con trai Thiếu tướng Huỳnh Hữu Anh, rộn ràng hẳn lên khi mọi người cùng kể về những lần vượt qua cửa tử của vị tư lệnh đất võ.
Cựu phi công Đinh Văn Quả là người gắn bó nhiều nhất với thủ trưởng mặt trận. Những tháng ngày rong ruổi công tác với Tư lệnh Quang hiện lên như mới hôm qua. Ông kể: “Tháng 5-1981, tôi trong đội hình Trung đoàn 917, Sư đoàn 376 được lệnh sang chiến trường Campuchia nhận nhiệm vụ. Từ Sân bay Tân Sơn Nhất, trên chiếc máy bay trinh sát U17 (hệ 2 của Mỹ, là chiến lợi phẩm), tôi lái chính và Hòa lái phụ bay qua Stung Treng, nơi đặt bản doanh của Mặt trận 579 (Quân khu 5). Tại đây, chúng tôi đón Tư lệnh Quang và các đồng chí đi cùng gồm tác chiến, quân báo, xăng dầu, quân y. Theo lệnh của thủ trưởng, máy bay bay thấp trinh sát khu vực sào huyệt Pôn Pốt cho đoàn đánh dấu trên bản đồ phục vụ tác chiến. Ngày 10-5-1981, khi đoàn quay lại kiểm tra khu vực biên giới giữa Lào và Campuchia thì gặp nạn”.
Theo lời cựu phi công, khi bay đến Mường Khổng (Lào), máy bay bỗng rung dữ dội và chao đảo, lắc lư do động cơ bị hỏng. Hú vía khi máy bay rơi cách bờ suối lớn chỉ vài mét. Cả phi hành đoàn ngất xỉu. Cán bộ mặt trận hầu hết còn trẻ nên nhanh chóng hồi phục. Riêng Thiếu tướng Quang bị nặng nhất phải đưa vào bệnh xá của bạn Lào, sau đó đưa về Stung Treng, rồi tiếp tục chuyển qua Việt Nam. Ông Quả hóm hỉnh: “Trước chuyến bay, thủ trưởng Quang đi chuyến bay của các anh Minh và Sửu cũng gặp sự cố. Trời mưa to, khi hạ cánh, máy bay gãy cánh ở Stung Treng, tư lệnh bị đập vào ghế chấn động nặng, phải điều trị một thời gian. Cứ tưởng sau hai lần sém chết, thủ trưởng không dám đi trực thăng nữa, vậy mà tôi lại tiếp tục chở ông đi thị sát chiến trường”.
    |
 |
Thiếu tướng Huỳnh Hữu Anh (giữa) tại lễ rút quân của Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, năm 1987. Ảnh chụp lại |
Tư lệnh chiến trường ở Campuchia thời đó, có lẽ ít người đi nhiều như Thiếu tướng Huỳnh Hữu Anh. Theo Đại tá, CCB Trần Sá, hiện ở Đà Nẵng, nguyên chuyên gia quân sự cho Quân khu 1 Campuchia, thì tư lệnh đi nhiều đến nỗi do đường xấu gập ghềnh, chiếc quần mòn đến rách đũng. Rút kinh nghiệm một lần thoát hiểm ở biên giới khi chiếc xe chậm lại vài phút tránh được quả mìn của Pôn Pốt, những nơi nghi vấn, tư lệnh thường cho xe thiết giáp dẫn đường. Nhờ thế mà ông tiếp tục đi thị sát an toàn từ tỉnh này qua tỉnh nọ trên đất bạn. Có những mục tiêu có thể giao cho cấp dưới, nhưng ông luôn muốn đến tận nơi để nắm chắc. Ông có công lớn trong những trận đánh quyết định của Quân khu 5 truy quét bọn Pôn Pốt chính từ những lần “cày” trên đường như vậy.
Hai lần từ chối biệt thự
Đại tá Nguyễn Đức Lương, nguyên Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận 579, là người có 7 năm gắn bó với Thiếu tướng Quang. Ông Lương cũng là người bị nạn trên chuyến bay U17 năm 1981. Sau khi rời chiến trường K, ông Lương về Quân khu 4 làm Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu, hiện nay đã nghỉ hưu. Kể về thủ trưởng của mình, Đại tá Nguyễn Đức Lương bồi hồi: “Thủ trưởng Quang là người rất nghiêm khắc. Ông luôn dặn anh em: Chúng ta phải giữ thắng lợi cả hai mặt trận quân sự và chính trị, đừng vì lợi ích trước mắt làm xấu đi hình ảnh Quân tình nguyện”. Có lần tôi cùng ông đi kiểm tra một đơn vị phòng không, phát hiện anh em kê kích chân giường bằng cục đá hình thù lạ. Kiểm tra thì đó là cục vàng ròng phủ bên ngoài lớp bụi đen, nặng đến vài chục ký, còn nguyên cả dấu khắc trên đó. Tư lệnh cho xe áp tải đưa về bàn giao cho bạn”.
Nhớ về cha mình, anh Huỳnh Hữu Thắng kể về những năm anh còn học Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang. Lúc này, Tư lệnh Quang cũng đang an dưỡng điều trị vết thương ở đây. Địa phương định cấp cho ông ngôi nhà đẹp ở trung tâm thành phố. Anh cũng muốn nhận để sau này có nhà ở ngay. Vậy mà ngày hôm sau, người cha giao chìa khóa lại cho đơn vị và nói với con: “Mình đã có nhà ở Đà Nẵng, con ra trường đằng nào cũng được quân đội cấp đất làm nhà, lấy làm gì. Bao nhiêu đồng chí còn không có chỗ ở”. Trước đó, Bộ tư lệnh Quân khu 7 muốn cấp cho ông ngôi nhà ở quận Tân Bình, ghi nhận chiến công của ông khi làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3-Sao Vàng nổi tiếng dẫn Quân Giải phóng các tỉnh ven Sài Gòn. Căn biệt thự được cấp có sân vườn rộng cả nghìn mét vuông, vị trí đắc địa. Vậy mà ông thẳng thắn từ chối, bởi: “Để dành cho người khác cần thiết hơn. Tôi ở chiến trường K, mấy khi về mà ở. Con cái thì tự lo lấy, không nên dựa dẫm vào cha”.
HỒNG VÂN