Vì miền Nam giải phóng

Chuẩn bị cho Đông Xuân 1965-1966, trên cương vị là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, bác sĩ Vũ Văn Cẩn bí mật cùng một số trợ lý vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên để kiểm tra tình hình chiến trường. Trong chuyến công tác, ông đã quyết định và trực tiếp tham gia tổ chức lực lượng xây dựng Quân y viện 211 (nay là Bệnh viện Quân y 211, Cục Hậu cần Quân đoàn 3) trên cơ sở nâng cấp Bệnh viện 84. Nhiệm vụ chủ yếu của Quân y viện 211 là thu dung, điều trị thương binh, bệnh binh của chiến trường B3 (Tây Nguyên), Hạ Lào và Bộ tư lệnh 559. Cũng trong dịp này, bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã có nhiều tháng ở Trường Sơn nắm tình hình và có những hướng dẫn tỉ mỉ, cặn kẽ việc bố trí các bệnh xá, đội điều trị (tại chỗ và cơ động) của các đơn vị trên toàn tuyến chi viện chiến lược. Đây là quyết định đúng đắn để ngành quân y phục vụ có hiệu quả, giúp tăng cường sức chiến đấu cho bộ đội ta ở miền Nam.

Từ năm 1971, trên cương vị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ông thường xuyên chỉ đạo việc chi viện cán bộ y-dược, chi viện thuốc và dụng cụ y tế cho các chiến trường. Năm 1973, ông vào thăm cán bộ, chiến sĩ của ta vừa được trao trả tại Bắc sông Thạch Hãn, kiểm tra tình hình y tế ở tỉnh Quảng Trị mới được giải phóng. Dự báo sẽ có “áp lực” lớn trước việc chăm lo sức khỏe bộ đội và nhân dân sau chiến tranh, ông chỉ đạo toàn ngành phải nhanh chóng xây dựng tổ chức y tế. Mô hình quân dân y kết hợp được khởi động từ đây.

Theo hồi ức của đồng chí Vũ Kiên, ngay sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tháng 5-1975, Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn lãnh đạo một đoàn cán bộ (trong đó có ông Kiên) vào nắm tình hình từ miền Trung đến các tỉnh Nam Bộ. Hơn một tháng liền, đoàn hầu như làm việc không mệt mỏi, bất kể buổi tối hay ngày nghỉ. Chuyến đi này đạt kết quả rất lớn là: Sớm ổn định được công tác tổ chức cán bộ ở các tỉnh, thành phố mới giải phóng; đề đạt với Trung ương Đảng và Chính phủ nhiều công việc cấp bách, quan trọng phải làm về công tác y tế trong tình hình mới. Với vai trò “tổng công trình sư”, Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đã lãnh đạo toàn ngành hỗ trợ hết mình cho công tác y tế các tỉnh, thành phố mới giải phóng. Chỉ sau hơn một năm, y tế miền Nam có những bước tiến rõ rệt và đã có thể hòa nhập với các hoạt động của ngành ở phía Bắc trong nền y tế chung của cả nước...

leftcenterrightdel

Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn (thứ hai, từ phải sang) thăm bệnh viện ở Quy Nhơn (Bình Định), năm 1980.        

Công việc bề bộn, cường độ cao là vậy nhưng đồng chí Vũ Văn Cẩn vẫn dành sự quan tâm đến cấp dưới hết sức tinh tế. Câu chuyện về tấm vải dù chiến lợi phẩm được thủ trưởng gửi tặng là một trong những kỷ niệm đẹp đối với ông Vũ Kiên.

Ông kể: “Một chiều thu năm 1967, tôi nhận được tấm dù trắng, gói gọn trong một tờ giấy nâu kèm theo danh thiếp in tên Vũ Văn Cẩn với mấy chữ đề tặng rất thân tình. Khi ấy, vải cung cấp rất hiếm, có phiếu mua cũng khó. Từ tấm dù này, vợ tôi đã khâu một chiếc áo chăn mà gia đình tôi ở nơi sơ tán đang thiếu, lại may thêm được tấm màn che cửa và chiếc khăn quàng cổ cho tôi. Nhận món quà chiến lợi phẩm giành được từ kẻ địch mạnh hơn mình là niềm tự hào, cũng là sự khích lệ, quan tâm của người lãnh đạo đối với cán bộ và gia đình. Lúc ấy, anh Cẩn là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y và Thứ trưởng Bộ Y tế, còn tôi đang công tác tại trường đại học y khoa”.

Người xây dựng phong trào

Qua trò chuyện chúng tôi được biết, năm 1971, Vụ Công tác chính trị được thành lập và đồng chí Vũ Kiên được cử làm Vụ trưởng đầu tiên. Ông thường được trực tiếp làm việc với đồng chí Vũ Văn Cẩn cũng vừa được bổ nhiệm là Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Ngay từ tuần làm việc đầu tiên, bác sĩ Cẩn đã đến bệnh viện Vân Đình - lá cờ đầu của ngành y tế vừa làm tốt công tác cứu chữa, phục vụ người bệnh vừa chỉ đạo giỏi công tác y tế các xã. Đồng chí Vũ Văn Cẩn tới từng khoa, phòng, tiếp xúc với cán bộ, y tá, cấp dưỡng, bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Ông Vũ Kiên nhớ lại: “Trên cơ sở kiểm tra thực tế, anh Cẩn bàn bạc với cán bộ phụ trách bệnh viện về những ưu điểm, khuyết điểm và kinh nghiệm của bệnh viện rồi triệu tập lãnh đạo các ty y tế toàn miền Bắc đến họp tại chỗ. Trong hội nghị tại bệnh viện Vân Đình, những ý kiến anh phân tích đầy sức thuyết phục. Sau đó, anh giao cho Vụ Công tác chính trị chúng tôi phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn các nơi học tập, đẩy mạnh công tác y tế nông thôn.

Tôi nhớ, trận lụt lớn mùa hè năm 1971 tàn phá nặng nề miền Bắc, trong đó, phần lớn cơ sở y tế xã, huyện và các công trình vệ sinh bị hủy hoại. Sau khi đi kiểm tra và giúp đỡ các địa phương bị lụt về, anh chủ trương phải bằng mọi cách khôi phục tổ chức, cơ sở và hoạt động y tế nông thôn, vì nếu sức khỏe của nông dân, nhất là của bà mẹ và trẻ em không được chăm sóc tốt thì không giữ vững, phát triển được sản xuất nông nghiệp - mối quan tâm hàng đầu của ta lúc này. Muốn như vậy, theo anh, các cấp y tế phải phát hiện đúng những điển hình tiên tiến và quyết tâm giữ vững.

Anh giao cho Vụ Công tác chính trị cùng một số cơ quan của bộ thành lập tổ công tác xuống các tỉnh đồng bằng, miền núi và Khu 4 để giúp các địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng, nhân rộng các điển hình y tế tuyến huyện và xã. Bản thân còn phải lo giải quyết biết bao công việc cho y tế miền Nam nhưng hằng tuần, hằng tháng, anh đều sắp xếp thời gian hội ý với chúng tôi về việc chỉ đạo, giúp đỡ và thúc đẩy phong trào. Các cấp ủy đảng và ban khoa giáo các địa phương đều ủng hộ những kiến nghị của anh, tích cực lãnh đạo việc khôi phục và phát triển công tác y tế nông thôn.

Phong trào được mở rộng ở các vùng và xuất hiện nhiều điển hình tốt. Sau 3 năm kiên trì đẩy mạnh phong trào, theo cách làm dân chủ bình tuyển, toàn ngành y tế đã chọn được các đơn vị y tế tiên tiến xã, huyện tiêu biểu để mở hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm. Trong hội nghị về công tác này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: Đây là cách làm cách mạng, phục vụ tốt nhất yêu cầu của nhân dân, sát hợp với tình hình của đất nước và đó là cách làm có hiệu quả nhất!”.

leftcenterrightdel
Đồng chí Vũ Văn Cẩn (chính giữa) cùng các cán bộ Ty Y tế Cửu Long, năm 1982. Ảnh tư liệu 

Một trong những hoạt động nổi bật khác là Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn phát động phong trào thi đua 5 dứt điểm về công tác y tế cơ sở. Ngoài việc cử cán bộ chuyên trách xuống các địa phương giúp đỡ phong trào, phát hiện những nhân tố mới, tập hợp những kinh nghiệm và sáng kiến để phổ biến rộng rãi, Bộ trưởng cùng các thứ trưởng còn trực tiếp xuống nhiều huyện, xã để kiểm tra, đôn đốc phong trào. Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào 5 dứt điểm về công tác y tế cho các tỉnh phía Bắc (tại Vinh, Nghệ An) và phía Nam (tại Mỹ Tho, Tiền Giang). Các hội nghị đã đánh dấu một bước phát triển mới của công tác y tế cộng đồng, của phong trào quần chúng tham gia công tác y tế.

Trăn trở trước những biểu hiện tiêu cực phát sinh ở nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, giữa năm 1981, bác sĩ Vũ Văn Cẩn giao cho ông Vũ Kiên chủ trì dự thảo một bức thư của Bộ trưởng Bộ Y tế gửi cán bộ, nhân viên toàn ngành. Dự thảo hoàn thành và được trình ngay, nhưng hơn 3 tuần sau ông Kiên mới nhận được lá thư do tự tay Bộ trưởng viết, bổ sung nhiều ý kiến vào bản dự thảo.

Ông Vũ Kiên bồi hồi nhớ lại: “Đọc lá thư với lời lẽ giản dị mà vô cùng thuyết phục, đi sâu vào lòng cán bộ mới thấy anh đã day dứt bao nhiêu để thực hiện quyết tâm đổi mới ngành y tế nước nhà. Là một người lính trưởng thành trong chiến đấu, anh Cẩn hiểu hơn ai hết những khó khăn mà ngành cần phải vượt qua trong giai đoạn này. Không ngờ, giữa lúc bộn bề ấy, anh lại lâm trọng bệnh. Bị những cơn đau hành hạ, nhưng gặp tôi mỗi lần đến thăm, anh chỉ nói chuyện công việc và dặn đi dặn lại: Công tác y tế rất quan trọng, rất cần thiết đối với nhân dân. Đến nay, các mặt hoạt động của ngành đều được đẩy mạnh, nhưng còn nhiều khó khăn. Tôi vẫn thấy cần tăng cường công tác chính trị, công tác tư tưởng, cần giáo dục đầy đủ lương tâm nghề nghiệp và tinh thần phục vụ của người cán bộ y tế. Nếu không, công tác của ngành khó có thể phát triển và đem lại hiệu quả!”.

NGỌC BÍCH