Trong hoạn nạn, càng thấy rõ được tấm lòng thơm thảo của nhân dân. Giữa những ngày quân Pháp lợi dụng khó khăn của cán bộ, chiến sĩ ta, mở những trận càn vào vùng căn cứ, xua quân chặn nghẽn các con đường tiếp tế lương thực, thực phẩm từ miền Tây lên miền Đông, gây ra cảnh đói khát nghiêm trọng, đường dây vận chuyển lương thực chủ yếu được tải bằng sức người, những nữ dân công tham gia phục vụ chiến trường quyết tâm đưa lương thực từ miền Tây lên miền Đông. Chặng đường Tháp Mười dùng xuồng ghe vận chuyển lương thực đến kinh số 3 ở xã Hòa Khánh, huyện Đức Hòa (nay là các xã: Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) tương đối ít khó khăn. Từ đó, dân quân và dân công nam, nữ ven sông Vàm Cỏ Đông của tỉnh Chợ Lớn trước đây (nay thuộc tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh) phải chuyển tiếp chặng đường bộ bằng sức người như gánh, vác, đội, mang...

Các đội nữ dân quân, nữ du kích của huyện Đức Hòa Thành (sáp nhập hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ, khu Đông Thành của tỉnh Chợ Lớn) luôn có mặt kịp thời để tiếp tế cho bộ đội miền Đông. Các chị đã mang trên đôi vai 15-20kg gạo, đường, cá khô, mắm ruốc..., xuyên những cánh rừng ở Tây Ninh, ở Chiến khu Đ (Biên Hòa). Đêm đêm, hàng nghìn chị em vận tải trên những nẻo đường tiếp tế cho mặt trận. Không ít lần các chị bị giặc phục kích, chạy lạc vào rừng hay các con đường mòn vắng vẻ, phải chịu đói, khát 3-4 ngày. Có chị hy sinh trên đường đi tiếp tế, có chị cả tuần mới tìm được đường về. Bất chấp đạn bom, cái chết, đêm đêm, đoàn nữ binh vẫn lặng lẽ bước đi, băng qua các con lộ và vùng tranh chấp để qua mắt địch, tiếp tế kịp thời cho bộ đội đánh giặc...

Vào thời điểm khó khăn ấy, ở huyện Đức Hòa Thành, trung đội dân quân đặc biệt được thành lập, có nhiệm vụ bảo vệ các hành lang vận tải lương thực và vũ khí về miền Đông đi ngang qua các vùng yếu, các lộ có đồn bót địch. Trung đội này do huyện tổ chức, đặc biệt chỉ toàn phụ nữ, khoảng 30 chị em, do chị Huỳnh Thị Triêu chỉ huy. Các chị nghi trang, bám địch từ chiều đến tối, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang và bảo vệ các đoàn vận tải. Trung đội này tham gia công tác cho đến ngày Hiệp định Geneva được ký kết (năm 1954).

Nhằm tăng cường tiếp tế lương thực, thực phẩm cho miền Đông, đông đảo chị em ở Đồng Tháp Mười vào mùa khô 1952-1953 tình nguyện đi dân công. Những người mẹ, người chị mang trên vai ngoài 20kg hàng quy định, còn cõng thêm mắm ruốc, cá khô, xà bông... lên tặng chiến sĩ miền Đông đang gặp khó khăn. Những người phụ nữ ấy gánh hoặc đội gạo băng đồng, có khi băng qua cánh đồng mênh mang nước, suốt đêm không một chỗ nghỉ chân, do không tìm được chỗ đất khô! Trong các đoàn dân công có cả các bác trung niên, các em thiếu niên 14-15 tuổi. Những câu thơ của tác giả Hồng Sơn, một người tham gia kháng chiến của huyện Lai Vung (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) đã ca ngợi lòng nhiệt tình rất đáng trân trọng của các cô gái trẻ Đồng Tháp Mười ở xã Tân Hòa (Lai Vung) trong những ngày đầy khó khăn đi dân công tải lương thực, thực phẩm đường dài phục vụ cuộc kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ: Em Hường ở xã Tân Hòa/ Mới mười lăm tuổi, con nhà hiền lương/ Xung phong quảy gánh lên đường/ Em đi áp tải chiến trường miền Đông.

leftcenterrightdel
 Quân, dân lập phòng tuyến chặn đánh địch ở Đông Sài Gòn trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhân dân vẫn hướng về kháng chiến, đóng góp công sức nuôi quân. Chính sách giảm tô, giảm tức, giảm nợ và cấp đất cho dân nghèo của Chính phủ kháng chiến tác động rất lớn đến tình cảm, tâm tư nhân dân. Ông Phạm Văn Miên ở Đức Hòa Thành đứng ra vận động bà con đóng thuế nông nghiệp cho kháng chiến. Có lần, lúa của dân đóng thuế chưa kịp mang đi thì bị địch càn, cướp. Bà con kêu khóc, níu kéo giữ lúa lại nhận là lúa của mình, sau đó tìm cách bán số lúa ấy đi và gửi tiền đầy đủ lên xã và huyện. Có gia đình giữ lúa cho cách mạng một thời gian khá lâu, lúa bị ẩm mục đã lấy lúa khô sạch của mình đổi lấy lúa ẩm. Nhân dân xem bộ đội, cán bộ như người thân trong gia đình. Những hạt lúa nuôi quân có cả vị mặn của máu và mồ hôi của đồng bào kéo cày thay trâu để sản xuất lương thực vì địch chủ trương dùng máy bay, súng bắn giết trâu, bò của nhân dân, với khẩu hiệu “Giết một con trâu bằng giết 10 vệ quốc đoàn”.

Năm 1952, chủ trương, chính sách Cao Đài vận của Khu ủy đã tăng cường được khối đoàn kết trong nhân dân, dần dần phá được vành đai trắng của địch, tranh thủ đồng bào có đạo làm công tác vận động binh lính Cao Đài thấy được chính sách của Đảng, hạn chế được hoạt động của bọn phản động nhằm đầu độc các tín đồ. Dù bị địch xuyên tạc, vẫn có những bà mẹ là tín đồ Cao Đài hy sinh cả bản thân mình để che chở, cưu mang cán bộ. Má Điểu ở Hưng Long chấp nhận bị địch đánh đập, tra tấn, sau đó mất do di chứng từ đòn roi của địch, nhưng quyết không chỉ nơi ẩn nấp của ông Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) lúc ấy là Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Hai cha con một ông lão bán dưa hấu tình cờ phát hiện một đại đội sau khi tham gia trận đánh tiêu diệt Chi khu Cần Giờ của địch thì bị lạc giữa rừng Sác. Trong suốt 10 ngày đêm bị lạc, anh em phải tự bắt cua, ốc biển, hái quả bần chua để ăn tạm. Những trái dưa hấu đã giúp những người lính thêm tỉnh táo sau nhiều ngày không có lương thực. Và cũng nhờ cha con ông lão, các chiến sĩ đã tìm được đường về vị trí đóng quân an toàn.

Nhằm phối hợp chặt chẽ với chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 ở chiến trường Bắc Bộ, chủ trương chiến lược của Trung ương Cục miền Nam là phát động phong trào “Thi đua phát triển chiến tranh du kích”. Kế hoạch bình định của quân Pháp hoàn toàn thất bại. Sau chiến thắng của các chiến dịch: Hòa Bình (tháng 2-1952), Tây Bắc (tháng 12-1952), Thượng Lào (tháng 5-1953)... tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi. Riêng ở Nam Bộ, lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng lớn mạnh về lượng và chất. Ở các tỉnh: Gia Định Ninh, Bà Rịa-Chợ Lớn và Mỹ Tho, ngoài các trung đoàn chủ lực như Trung đoàn 308, các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giữ vững và phát triển phong trào kháng chiến. Sau thắng lợi của ta trong Đông Xuân 1952-1953, quân Pháp buộc phải tập trung lực lượng cơ động đến các chiến trường chính để đối phó.

Các chiến thắng ở chiến trường Bắc Bộ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến trường Nam Bộ. Nắm chắc thời cơ đó, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp với hàng trăm nghìn quần chúng đã buộc nhiều đồn bót địch đầu hàng hoặc co cụm trở lại quanh thành phố. Hàng chục đồn bót, tháp canh của địch bị lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt. Hội tề bị giải tán hàng loạt. Kế hoạch De la Tour (bố trí tháp canh dày đặc kiểm soát đồng bằng) của địch bị phá sản. Công tác địch ngụy vận tiếp tục được đẩy mạnh, phong trào đào, rã ngũ lan rộng trong binh lính “quốc gia” ngụy và Hòa Hảo, Cao Đài. Nhiều đại đội lính ngụy bỏ ngũ cả đơn vị về gia đình làm ăn. Vùng giải phóng được mở rộng. Sự phát triển nhanh chóng về thế và lực mới của cuộc kháng chiến vùng sát thủ phủ địch đã tác động mạnh mẽ trở lại phong trào đấu tranh tại đô thị. Nhiều cuộc biểu tình lớn đòi lập lại hòa bình liên tiếp nổ ra, 352 nhà trí thức Sài Gòn cùng ký tên vào bản tuyên ngôn đòi quân Pháp ngừng cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

Quá trình tạo nên mốc son Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có những ngày quyết chiến chiến lược giành lấy từng ngọn đồi, từng cứ điểm mà còn có cả những ngày bi tráng đấu tranh giằng co quyết liệt với địch, chịu đựng hy sinh và gian khổ, dũng cảm đương đầu với giai đoạn khó khăn nhất của quân, dân vùng đất sát trung tâm “thủ phủ Sài Gòn” mà địch liên tiếp dùng mọi thủ đoạn càn quét, bình định.

Nhà văn TRẦM HƯƠNG