Đây là kết quả đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Bằng cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, quân và dân Việt Nam đã từng bước đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp có sự giúp sức của đế quốc Mỹ để đi đến giành thắng lợi có tính quyết định tại chiến trường Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải chấp nhận đàm phán để đi đến ký kết hiệp định đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương, cam kết rút hết quân đội, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia. 

Theo Hiệp định Geneva, nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Đây là giới tuyến quân sự tạm thời, không coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ, để trong thời hạn tối đa 300 ngày (từ ngày 22-7-1954 đến 17-5-1955), Quân đội nhân dân Việt Nam từ miền Nam tập kết ra miền Bắc; quân đội Liên hiệp Pháp từ miền Bắc rút vào tạm đóng ở miền Nam rồi sẽ rút về Pháp. Tháng 7-1955 tiến hành hiệp thương giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam và tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7-1956. Với âm mưu xâm chiếm nước ta, đế quốc Mỹ đẩy mạnh can thiệp vào miền Nam Việt Nam, hậu thuẫn cho chính quyền Quốc gia Việt Nam (sau này là chính quyền ngụy Việt Nam Cộng hòa) công khai xóa bỏ những cam kết của Hiệp định Geneva. Pháp chấp hành việc rút quân về nước nhưng vẫn cố tình chống phá cách mạng Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thành mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam vừa nghiêm chỉnh thi hành hiệp định, đồng thời đấu tranh hạn chế những hành động phá hoại của các thế lực phản động và có các bước chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, trong hoàn cảnh quốc tế và trong nước chưa hoàn toàn thuận lợi.

Lợi dụng thời gian chuyển quân tập kết, đặc biệt là ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Hồng Quảng... thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, cưỡng ép đồng bào theo đạo Thiên Chúa di cư; di chuyển máy móc, trang thiết bị, tài liệu quý vào miền Nam, tìm cách phá hoại kết cấu hạ tầng, cài cắm lực lượng ở lại phục vụ cho mưu đồ lâu dài... Bởi vậy, thời hạn 300 ngày thi hành Hiệp định Geneva là khoảng thời gian quân và dân ta tiến hành cuộc đấu tranh buộc đối phương phải chấp hành các điều khoản đã cam kết.

Trên cơ sở pháp lý được xác định trong Hiệp định Geneva, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Trung ương Đảng, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã lãnh đạo quần chúng, công nhân đấu tranh yêu cầu Pháp rút quân đúng thời hạn. Tại Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã ở Đồng bằng Bắc Bộ, các tầng lớp nhân dân đã tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh lớn, nhỏ với nhiều hình thức để ngăn chặn, đẩy lùi những âm mưu, hành động phá hoại của địch, giữ lại phần lớn máy móc, trang thiết bị của các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ... Nhiều nơi trên miền Bắc, nhân dân tích cực vận động binh lính bỏ hàng ngũ địch về với nhân dân. Sau khi tiếp quản, chính quyền cách mạng nhanh chóng thiết lập ổn định xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

leftcenterrightdel

Nhân dân Thái Nguyên mít tinh chào mừng Hội nghị Geneva năm 1954. Ảnh tư liệu 

Trong 300 ngày thi hành hiệp định, đấu tranh chống mưu đồ cưỡng ép đồng bào theo đạo Thiên Chúa di cư vào miền Nam là cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng không kém phần quyết liệt. Với âm mưu “nhằm thăng bằng dân số miền Bắc 12 triệu dân và dân số miền Nam 11 triệu dân để tăng thêm hy vọng của thắng lợi tổng tuyển cử đối với những lãnh tụ quốc gia (tức Diệm và tay chân)” và cuộc di cư ồ ạt sẽ gây mất ổn định chính trị-xã hội ở miền Bắc, Mỹ đã chi 112 triệu USD để lực lượng phản động tiến hành dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư.

Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Hiệp định Geneva, tôn trọng quyền tự do lựa chọn chỗ ở của nhân dân, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân, đặc biệt là giáo dân di cư theo nguyện vọng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phân tích, giải thích cho đồng bào hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư của các lực lượng Pháp, Mỹ và cha cố phản động; động viên, thuyết phục đồng bào quay trở về quê hương tiếp tục sinh sống, làm ăn. Bên cạnh đó, chủ động trấn áp các phần tử phản động, bọn đầu sỏ, hoạt động lừa phỉnh, áp bức đồng bào có tổ chức, tập trung quần chúng gây các vụ bạo loạn. Lực lượng công an các tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện và xử lý những âm mưu, hành động của nhiều đối tượng đầu sỏ, ngoan cố. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, bằng sự nỗ lực và cố gắng của các cấp chính quyền, đoàn thể, các lực lượng, chúng ta đã ngăn chặn được một phần âm mưu, thủ đoạn của địch, không cho chúng thực hiện trọn vẹn mục tiêu cưỡng ép đồng bào di cư, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai vi phạm, phá hoại Hiệp định Geneva, ngăn trở nguyện vọng hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Đến giữa tháng 5-1955, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, an ninh, trật tự được giữ vững, đời sống nhân dân nhanh chóng được ổn định, sớm khôi phục lại sản xuất. Cùng với chỉ đạo quân và dân đấu tranh tiếp quản, giải phóng miền Bắc, theo đúng tinh thần của hiệp định, Đảng và Chính phủ đã tổ chức cho quân và dân thi hành những cam kết trong Hiệp định Geneva. Theo đó, ta tiến hành trao trả tù binh cho phía Pháp và tổ chức đưa đón đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra miền Bắc.

Chuyển quân từ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc thực sự là cuộc đấu tranh tư tưởng tuy âm thầm nhưng đầy quyết liệt của quân và dân miền Nam, nhất là ở những vùng tự do, khu du kích, căn cứ du kích. Trong niềm vui, sự tin tưởng vào việc sau hai năm kể từ ngày Hiệp định Geneva có hiệu lực, hiệp thương tổng tuyển cử sẽ được tiến hành để thống nhất đất nước còn xen lẫn những băn khoăn, lo lắng rằng liệu điều đó có trở thành hiện thực không và rồi khi cán bộ, LLVT tập kết ra Bắc, những người ở lại chịu sự quản lý của đối phương sẽ như thế nào... Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, việc chuyển cán bộ, LLVT miền Nam ra tập kết ở miền Bắc được tiến hành bảo đảm đúng tiến trình, thời gian, chu đáo, chặt chẽ, thể hiện sự nghiêm chỉnh và tinh thần đoàn kết Nam-Bắc một nhà, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết. Thành công của cuộc chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc đã tạo cơ sở để xây dựng lực lượng cho cuộc chiến đấu mới.

Song hành cùng chuyển quân tập kết là công tác tổ chức chôn giấu vũ khí, bố trí cán bộ và lực lượng ở lại miền Nam, sẵn sàng đối phó với tình thế đối phương không nghiêm chỉnh thi hành hiệp định. Điều này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, giữ vững thế chủ động cho cách mạng Việt Nam, là bước chuẩn bị quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Với những kết quả đã đạt được trong tiếp quản, giải phóng miền Bắc, đấu tranh chống cưỡng ép di cư vào miền Nam và giải quyết vấn đề tù, hàng binh, tiếp nhận, bố trí cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, chúng ta đã hoàn thành một bước quan trọng trong thực thi quy định của Hiệp định Geneva, tạo cơ sở để tiếp tục hoàn thành cuộc đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá hoại hiệp định.

Tuy vậy, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, Mỹ-Diệm đã ngang nhiên phá bỏ Hiệp định Geneva, không tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Để đấu tranh thi hành Hiệp định Geneva, bảo vệ quyền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để có Hiệp định Geneva, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến và để bảo vệ quyền lợi quốc gia-dân tộc đã được ghi trong hiệp định, không chỉ gói gọn trong 300 ngày như quy định mà đó là cuộc trường chinh của 21 năm chiến đấu chống lại hành động vi phạm hiệp định của Mỹ và tay sai, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài. Vượt qua gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã giành thắng lợi, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất non sông.

TS LÊ THANH BÀI