Năm 1971, đang là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Bảo (tên thật là Nguyễn Ngọc Bảo) tình nguyện lên đường vào Nam, gắn bó với chiến trường Khu 5 ác liệt. Có năng khiếu sáng tác, Nguyễn Bảo được điều động về Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu 5. Hết chiến tranh, anh về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm Trưởng ban Văn xuôi, Phó tổng biên tập rồi là Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập cho đến khi nghỉ hưu năm 2010. Dù viết về đề tài nào thì hình tượng nhân vật trung tâm trong văn xuôi Nguyễn Bảo vẫn là anh Bộ đội Cụ Hồ với những vẻ đẹp đáng quý, hiện thực và sinh động.
Hai tiểu thuyết đặc sắc, mang rõ phong cách, vốn sống, lối viết của anh là “Thượng Đức” và “Đỉnh máu”. Nguyễn Bảo quan niệm: “Đối với chiến tranh, giữa sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào, để có được nền độc lập của dân tộc, biết bao nhiêu người lính phải đổi bằng xương, bằng máu của mình-đó là một sự thật nghiệt ngã... Tuổi trẻ của tôi là ở Khu 5. Từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, tôi chỉ viết về người lính. Từ bom đạn ác liệt đến ngày hòa bình, tôi sống với tâm tư của một người lính”.
|
|
Nhà văn Nguyễn Bảo (ngoài cùng, bên trái) thăm lại chiến trường xưa.
|
Tham gia Chiến dịch Thượng Đức năm 1974 nhưng phải đến 30 năm sau, Nguyễn Bảo mới bắt tay viết “Thượng Đức”. Điều ấy cho thấy sự cẩn trọng của tác giả nhưng cũng cho thấy một nội dung rất phức tạp. Quả thật, đối chiếu với lịch sử, Thượng Đức là cánh cửa mở để quân ta đánh vào Đà Nẵng. Thắng Thượng Đức là đánh trúng vào yết hầu của địch. Nhưng cả 3 lần tấn công đều thất bại, khó khăn thêm chồng chất, hy sinh nhiều, mất mát lớn. Viết thế nào lột tả được sự gay go, căng thẳng để đi đến chiến thắng, quả không dễ dàng.
Càng thấy quan niệm của tác giả là khoa học: “Để sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính, điều quan trọng nhất đối với mỗi nhà văn cần có hai yếu tố: “Tài năng” và “vốn sống”. Muốn thu hút được người đọc tìm đến tác phẩm của mình, đòi hỏi ở mỗi nhà văn phải có “tầm” và viết một cách trung thực, dành sự đầu tư thỏa đáng, công tâm cho đứa con tinh thần của mình”. Đây không chỉ là bài học riêng cho Nguyễn Bảo mà còn cho nhiều tác giả viết về đề tài chiến tranh cách mạng.
Văn xuôi Nguyễn Bảo làm sống lại một thời anh hùng của lịch sử giữ nước nên có ý nghĩa giáo dục. Đất nước ta sẽ giàu mạnh, văn minh, nhưng càng giàu có càng không được quên quá khứ. Bởi nếu không chú trọng giáo dục đạo đức sẽ rất có thể đào tạo ra những con người thông minh nhưng lại độc ác. Thế nên, những đoạn văn miêu tả hình ảnh quần chúng cách mạng xả thân để có ngày độc lập, tự do trong “Thượng Đức”, cần được đưa vào sách giáo khoa: “Những bà mẹ lao lên trước mũi xe ủi của thằng địch, tay cầm cuốc, tay xách can xăng: Mày cứ nghiến vào đây. Tao chết mày chết. Những chị ôm con nhỏ trong lòng lăn ra ngay trước xe bọc thép của địch. Những đoàn học sinh, sinh viên trẻ măng phơi phới tuổi xuân rầm rập xuống đường biểu tình đấu tranh. Súng địch xả vào họ...”.
Đổi mới ở tiểu thuyết về đề tài chiến tranh thường thể hiện trên phương diện cách kể hướng tới mục tiêu rút ngắn đến mức thấp nhất khoảng cách giữa hiện thực đời sống chiến tranh với nội dung tác phẩm. Tự làm mới bằng cách viết đa chiều, đẩy đối tượng viết đi về phía sự thật khách quan, hiện thực và hư cấu đã đan cài vào nhau nhuần nhuyễn, Nguyễn Bảo tập trung vào việc mở rộng quan niệm về nhân cách người lãnh đạo, đưa ra góc nhìn mới: Phẩm chất cao quý của người chỉ huy không phải ở chuyện thắng thua mà là ở tình yêu thương đồng chí mình. Không chỉ hấp dẫn ở sự ngồn ngộn tư liệu về trận đánh mang tính chiến lược, thành công của “Thượng Đức” còn là sự thể hiện chân thực, phân tích sâu sắc về số phận con người.
Trong đó, vai trò của người chỉ huy mang tính quyết định. Không chỉ bên ta mà cả bên địch. Vấn đề này mang tính phổ quát rộng rãi cho cả hôm nay: Muốn thành công phải chọn được người lãnh đạo tài năng. Như người cầm lái giỏi, sẽ hướng con tàu đi đúng hướng, biết cách đè sóng, vượt gió... Xung quanh tiểu thuyết này để lại những câu chuyện tiếp nhận thú vị. Có nhân vật (Bí thư Huyện ủy Hoàng Thủy) trong chiến tranh bị kỷ luật do hiểu sai, qua những chứng cứ thuyết phục được nhà văn minh oan trong tác phẩm, được cấp trên cho điều tra kỹ và đã trả lại danh dự xứng đáng. Thì ra văn chương đích thực luôn tiềm tàng sức mạnh của chân lý, đạo lý!
|
|
Tiểu thuyết “Thượng Đức” của nhà văn Nguyễn Bảo. Ảnh: MINH THỦY |
“Đỉnh máu” như là phần tiếp theo của “Thượng Đức”, với không gian chiến sự diễn ra trong cùng một vùng chiến lược. Ta thắng ở Thượng Đức, nhưng sư đoàn dù địch đánh chiếm cao điểm 1062 để làm bàn đạp tái chiếm Thượng Đức. “Đỉnh máu” độc lập về cấu trúc, bố cục và hệ thống chi tiết, nhân vật rất khác. Nét riêng của tiểu thuyết này là đẩy vấn đề về gần với bản chất của bất cứ cuộc chiến nào: Chấn thương với một “mã” diễn ngôn riêng.
“Đỉnh máu” thành công trong việc kiến tạo hình tượng nhân vật có sức sống riêng. Nếu diễn ngôn chú ý tới sự chuyển hóa của các cặp đối lập tạo ra ý nghĩa thì nhân vật Ngọ thành công ở chính điểm này. Vừa là nhân vật chính vừa là người kể chuyện, Ngọ luôn là nạn nhân của chiến tranh và thói đố kỵ, tráo trở, vô trách nhiệm của người đời, của chính đồng chí mình. Trước khi vào trận, yêu Nắng thì bị chối từ, trong chiến tranh, yêu Tính thì Tính bị chết, thời hòa bình thì nhà ở bị chiếm dụng trắng trợn. Tiểu thuyết là sự dở dang, luôn ở thì không hoàn thành, Ngọ là một nhân vật tiểu thuyết đích thực, mang “mã” diễn ngôn chấn thương sinh động. Trước đó, chịu sự quy định của lịch sử mà trong đề tài sử thi chưa có kiểu nhân vật này, đến Nguyễn Bảo đã được đổi mới, sâu sắc và rõ nét hơn.
“Đỉnh máu” hội tụ cả hai thể tài: Tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết đời tư. Ở góc độ lịch sử, nó cố gắng trung thành với không gian, thời gian sự kiện lịch sử, tên nhân vật lịch sử. Ở góc độ đời tư, đó là câu chuyện về thân phận mỗi cá nhân trong khúc ngoặt, trong vùng xoáy dữ dội của dòng chảy lịch sử.
Không là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, Nguyễn Bảo sẽ không là tác giả của hai tiểu thuyết trên. Dù sau này, các nhà văn trẻ sẽ viết hay hơn, hấp dẫn hơn về sự kiện, nhưng để được như vậy, họ phải đọc kỹ những tác phẩm này, lấy đó làm điểm tựa để sáng tạo. Lớp nhà văn thế hệ Nguyễn Bảo sẽ là điểm tựa chắc chắn để thế hệ sau tiếp nối, đi lên.
Văn là người, rất đúng với Nguyễn Bảo. Văn anh chân chất, mộc mạc nhưng không kém phần quyết liệt, bản lĩnh, luôn quý trọng, đề cao con người, nhân văn thấm thía, tình người sâu nặng. Ngoài đời cũng vậy. Ai không ưa mình, anh cũng khoan hòa, nhân ái, không thù ghét, không cố chấp. Tâm huyết, trách nhiệm, hết mình trong công việc, chân thành, tinh tế, nhẹ nhàng trong quan hệ. Phẩm chất lính ấy, thật đáng quý, đáng tự hào!
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ