Cuối năm 1965, đang học lớp 8,  Nguyễn Văn Học, sinh năm 1944, quê ở xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, làm đơn xung phong nhập ngũ. Đến năm 1967, ông được cử đi đào tạo chuyên ngành trinh sát. Chương trình đào tạo 3 năm, nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, khóa học rút gọn  còn 18 tháng. Sau đó, Nguyễn Văn Học được bí mật đưa vào Đà Lạt huấn luyện công tác đặc biệt. Ông được đưa vào Nông trường 2, thay đổi lý lịch, lấy tên là Nguyễn Hồng Phong, đổi quê là Quảng Trị; tập nói phương ngữ Quảng Trị, học tiếng Anh, học nghề y... 6 tháng sau, Nguyễn Văn Học được đưa vào đội ngũ quân ngụy đi đào tạo sĩ quan an ninh Đà Lạt, sau vào làm bảo vệ ở sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Tại đây, ông được giao nhiệm vụ khảo sát để tổ chức đánh kho bom sân bay Đà Nẵng.

Bấy giờ, ta đưa một trung đội thiếu, mặc quần áo ngụy trà trộn vào đội bảo vệ sân bay để chuẩn bị chiến đấu. Lần đầu, phương án chuẩn bị đánh kho bom bị địch nghi ngờ do chúng dò được tín hiệu lạ phát sóng từ khu vực sân bay Đà Nẵng. Chúng cho lùng sục và cảnh giới nghiêm ngặt. Vì vậy, Nguyễn Văn Học phải báo cáo cấp trên xin tạm hoãn, đưa quân trở ra an toàn, chờ thời cơ.

Năm 1969 có tình huống thuận lợi để tiến công, ông báo cáo cấp trên bổ sung lực lượng mặc trang phục lính ngụy làm an ninh sân bay, đột nhập vào đội ngũ địch. Trận đánh diễn ra trong 7 ngày đêm. Đến đêm thứ bảy, một quả bom nổ gần hất Nguyễn Văn Học cùng đất đá rơi xuống một hố bom cũ. Ông bị mảnh bom phạt làm gãy xương đùi, một mảnh bom khác găm vào đầu. Nằm dưới hố bom, ông ngất đi vì mất nhiều máu và đói lả, dù bị đất đá vùi lấp nhưng may mắn là ông còn hở phần mũi để thở thoi thóp. Vết thương ở đùi đã hoại tử và có dòi. Tình cờ sau đó, một tên lính Mỹ  phát hiện ra và gọi trực thăng đưa ông về bệnh viện ở Đà Nẵng cấp cứu. Sau 8 tháng chữa lành vết thương, địch tra tấn, hỏi cung nhưng Nguyễn Văn Học chỉ nói không biết gì. Chúng giam ông ở phòng biệt giam, không có ánh sáng, ngày cũng như đêm 6 tháng liền để tra hỏi. Bị đánh đập dã man, ông chết đi sống lại nhiều lần. 4 lần địch khiêng ông ra nhà xác đem chôn, trên đường đi thấy ông tỉnh lại, chúng lại đem về. Không khai thác được tin tức gì, chúng cắt gân chân phải của ông. Sau đó, ông được bệnh viện nối gân, rồi bị địch đày ra đảo Phú Quốc.

leftcenterrightdel

Nụ cười lạc quan của người cựu tù Nguyễn Văn Học. Ảnh: ANH THÁI 

Trong Nhà tù Phú Quốc, Nguyễn Văn Học là tổ trưởng “tổ tam tam” bí mật đấu tranh với địch. Ông Học kể: “Ở Nhà tù Phú Quốc, chúng tôi đấu tranh với địch đòi được đưa các chiến sĩ bị chết đi chôn. Nhờ đó, nhiều chiến sĩ ốm yếu, thoi thóp được bảo vệ, không bị chôn sống. Mặt khác, lợi dụng địch sơ hở, ta đưa tù nhân giả chết ra ngoài để trốn. Ta lấy trạm xá-nơi tập trung bệnh nhân để làm căn cứ liên lạc, truyền bá chủ trương đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân. Có lần, tôi cùng Khu A2 tuyệt thực 10 ngày để đấu tranh. Địch phải cho tù nhân Khu A3 mang cháo sang cho Khu A2. Lợi dụng lúc đó, ta trao đổi thông tin và đấu tranh hiệu quả hơn. Phát hiện tôi tham gia lãnh đạo đấu tranh, địch dùng cực hình tra tấn, lấy kìm vặn sống 6 răng cửa (3 cái hàm trên, 3 cái hàm dưới) của tôi. Chúng còn dùng đuôi cá đuối đánh vào mông, vào hai bên sườn tôi thâm tím thành sẹo. Bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời vẫn còn đau nhức. Chúng nhốt tôi vào thùng phuy rỗng, lấy búa gõ cho inh đầu váng óc; rồi nhốt vào chuồng cọp nằm ngửa nhìn mặt trời nhiều ngày đến lòa cả mắt. Chúng còn rắc vôi bột, nước ớt, nước xà phòng tưới vào mặt mũi, nhưng tôi không bị khuất phục, tỏ ra bình thản, khiến địch phải khiếp sợ. Năm 1973, tôi được trao trả tù binh. Ra tù, tôi chỉ nặng 27kg, mắt mờ hẳn, đến nay vẫn nhìn rất kém”...

Trở ra miền Bắc, ông Nguyễn Văn Học được đi điều trị và xuất ngũ về quê. Sau đó, ông lấy vợ và sinh sống ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1977, vợ chồng ông sinh được người con trai, đến nay, con trai ông đã lập gia đình, ông bà có 3 cháu nội. Ông được chứng nhận là thương binh hạng 2/4, hiện nay, vợ chồng ông sống điền viên, bình lặng tại ngôi nhà dưới chân núi Tam Đảo.

NGUYỄN NGỌC TUNG