Đại tá, TS Trần Ngọc Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật công binh, người có thâm niên hơn 35 năm nghiên cứu công trình biển, xúc động nhớ lại mong mỏi của Đô đốc Giáp Văn Cương khi đang là Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã đặt ra yêu cầu xây dựng các công trình trên biển: “Các nhà khoa học hãy tạo cho chúng tôi chỗ cắm ngọn cờ. Chúng tôi thề sẽ giữ ngọn cờ, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ trẻ đứng gác bên cột cờ Tổ quốc trên nhà giàn DK1. Ảnh: THANH TUẤN 

Mong muốn giản dị của vị tướng đã khiến các nhà khoa học quân đội, nhất là của Binh chủng Công binh, bao đêm trăn trở, thao thức. Đại tá, PGS, TS Phạm Ngọc Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật công binh nhớ lại: “Khoảng tháng 10-1988, Bộ Quốc phòng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, xây dựng các trạm dịch vụ kinh tế-khoa học kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, gọi là DK1. Công trình được Bộ Quốc phòng giao cho Viện Kỹ thuật công binh thiết kế, Binh chủng Công binh phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Dầu khí thi công. Trong điều kiện các số liệu nghiên cứu địa chất, thủy văn còn thiếu, các nhà khoa học vừa nghiên cứu thiết kế, vừa tiếp tục khảo sát bổ sung, hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật thi công trên nền san hô, đất bùn yếu. Sau gần 10 năm vừa nghiên cứu thiết kế, vừa thi công, hoàn chỉnh, 20 công trình DK1 đã hoàn thành, như những điểm tựa của người lính đứng gác trên thềm lục địa phía Nam. Từ đây, cờ Tổ quốc tung bay trên các công

trình DK1 không chỉ khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, mà còn là niềm tự hào, khẳng định ý chí không khuất phục trước khó khăn, gian khổ của các nhà khoa học công binh, công trình quân đội”.

Đại tá, TS Nguyễn Đức Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật Công binh không giấu được xúc động khi kể về những chiến công của các nhà khoa học công binh trong thiết kế, thi công xây dựng công trình trên biển, đảo. Hơn 20 năm qua, viện tham gia tư vấn, thẩm tra thiết kế, thi công, bảo đảm bền vững cho các công trình DK1. Năm 2012, cụm công trình DK1 được Đảng, Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Anh Thắng tâm sự: “Đặc thù công việc nghiên cứu thiết kế, tư vấn, giám sát các công trình thi công trên biển, đảo nên các nhà khoa học không chỉ ở phòng thí nghiệm mà phải trực tiếp vượt sóng ra đảo.

Cán bộ nghiên cứu của viện đã chủ trì và tham gia các dự án sửa chữa, nâng cấp các giàn khoan dầu khí và một số công trình trên đảo phục vụ kinh tế và dân sinh như âu tàu, bể chứa nước ngọt...; điều tra đánh giá tác động của môi trường, nghiên cứu những giải pháp bảo vệ môi trường trên các đảo của huyện đảo Trường Sa... Vì vậy, các nhà khoa học thường phải đi vào thời điểm biển động, khí hậu khắc nghiệt, có như thế mới khảo sát, đánh giá đúng các số liệu để tìm giải pháp thi công, bảo đảm sức bền công trình. Để kịp tiến độ và yêu cầu công việc, các nhà khoa học thường phải ở trên biển, trên công trình vào những ngày đầu xuân, năm mới, đón Tết cùng bộ đội. Đi biển say sóng là thế nhưng khi lên đảo, các nhà khoa học quên mệt nhọc, khẩn trương làm việc, tất cả vì cải thiện điều kiện sinh hoạt của bộ đội và nhân dân”.

“Điều kiện nghiên cứu thiếu thốn, khắc nghiệt, đời sống khó khăn mọi bề, nhưng các cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học công binh không ai nản chí, thoái thác nhiệm vụ”, Đại tá, TS Trần Ngọc Sơn khẳng định khi nói chuyện với chúng tôi. Họ không chỉ nghiên cứu, đưa ra các giải pháp kỹ thuật, công nghệ xây dựng công trình mà còn trực tiếp tham gia chuyển tải vật liệu, hàng hóa từ tàu vào đảo, lao động như những người lính công binh. Chính từ lòng say mê nghiên cứu khoa học, vì bộ đội, các nhà khoa học công binh đã cho ra đời những công trình kiên cố, bền đẹp, phù hợp với điều kiện sử dụng, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân. Ở đó, trên những công trình giữa biển, đảo trùng khơi, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, thể hiện ý chí dân tộc, khẳng định chủ quyền bờ cõi muôn đời của Tổ quốc Việt Nam.

AN ĐIỀN XUÂN