Những bình luận vô căn cứ

Nhân Ngày Tự do Báo chí thế giới (3-5) năm nay, cái gọi là “Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF)” đã đăng tải thông tin gọi là “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”, trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia, kèm theo một số lời bình luận thiếu thiện chí như: “Việt Nam vẫn là quốc gia “tồi tệ nhất” về tự do báo chí”, “Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”... Thông tin thiếu chính xác này dù làm nhiều người tức giận nhưng không bất ngờ, vì nhiều năm nay, RSF đã liên tục đưa các thông tin sai lệch về tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam.

RSF được hình thành từ năm 1985, có tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, trụ sở tại Paris. RSF lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc làm cơ sở để hành động với mục đích là “bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ”. Thế nhưng trên thực tế, RSF lại đi trái ngược với chủ trương của Liên hợp quốc và cũng trái với tôn chỉ được nêu, bởi tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí. RSF còn dùng những “lời có cánh” để công khai bênh vực cho những đối tượng lấy danh nghĩa báo chí nhằm thực hiện các hành vi phạm tội, đã bị các quốc gia xử lý hình sự. Trong đó có các đối tượng là người Việt Nam như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng... Những người này, có người đã từng là nhà báo, nhưng do vi phạm pháp luật nên đã bị thu hồi Thẻ Nhà báo, có người chưa từng làm báo, mới chỉ viết một số bài tải lên mạng xã hội nhưng lại được RSF gắn cho họ cái mác “nhà báo độc lập” để qua đó chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, tìm cách hạ uy tín và kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Cũng như mọi năm, ngay sau khi RSF công bố cái gọi là “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”, một số website, trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, chống phá Việt Nam đã vội vàng hùa theo, đưa tin, viết bài xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam, nào là “Vì sao Việt Nam luôn bị “đội sổ” vì tự do báo chí trên thế giới?”;  “Độc đảng thì không thể tự do báo chí”... Bên cạnh đó, họ xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam “quản” báo chí theo chế độ “đăng ký”, “bị kiểm duyệt”, “hà khắc”... Từ việc xuyên tạc sự nghiệp lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về báo chí, nhiều tổ chức và trang mạng xã hội phản động kêu gọi thay đổi thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng...

Tự do báo chí ở Việt Nam không thể phủ nhận

Có điều rất rõ ràng là RSF và các website, trang mạng xã hội nói trên đã cố tình phớt lờ thực tế về quyền tự do báo chí ở Việt Nam được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của các phóng viên và những cơ quan báo chí.  

Về phương diện pháp lý, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946 đã hiến định tại Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Theo Luật Báo chí 2016, công dân Việt Nam được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11). Các cơ quan báo chí có trách nhiệm bảo đảm công dân thực hiện quyền tự do báo chí theo quy định (Điều 12). Không ai có quyền cản trở nhà báo khai thác và thể hiện thông tin theo đúng quy định của pháp luật (Điều 25).

Thực tiễn đã chứng minh, báo chí Việt Nam những năm qua không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin rộng rãi mọi mặt đời sống xã hội đến với nhân dân mà còn là chiếc cầu nối chuyển tải hiệu quả tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của nhân dân trên tất cả lĩnh vực. Mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo... đều có quyền phát biểu, đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cấp ủy đảng, chính quyền thông qua báo chí. Nhờ bám sát, đưa thông tin nhanh nhạy, đúng bản chất sự kiện, vấn đề trọng điểm và định hướng dư luận rõ ràng mà báo chí đã làm tốt vai trò phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. 

leftcenterrightdel
Tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói riêng luôn là vấn đề được nhiều quốc gia nhìn nhận ở các góc độ khác nhau. Ảnh minh họa: TTXVN.  

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 1-2024, cả nước có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người.  

Ở Việt Nam hiện nay, mọi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp... đều có tờ báo, tạp chí chuyên biệt dành cho họ. Hầu hết cơ quan báo chí đã và đang được chuyển đổi thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo... xuất hiện, thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận đa giác quan (nghe-nhìn-đọc) ở mọi lúc, mọi nơi của công chúng. Đồng thời, các hình thức tương tác với công chúng được mở rộng. Mô hình truyền thông hai chiều tạo cơ hội để công chúng được bày tỏ chính kiến, quan điểm, nguyện vọng trước mọi vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống xã hội; được tham gia vào tiến trình giải quyết các vấn đề mà xã hội đang đặt ra như: Vấn đề bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ; chống biến đổi khí hậu; chống tham nhũng, tiêu cực xã hội...

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam hiện nay, đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt, trong đó nhiều hãng lớn như: CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như: CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn trên thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. 

Tự do phải trong khuôn khổ của pháp luật

Tự do cho mọi người luôn là điều mong muốn chung của mọi dân tộc, mọi quốc gia. Nhưng tự do cho mình mà xâm phạm đến lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân khác thì lại không còn là tự do đúng nghĩa nữa, mà là vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Bởi vậy, tự do báo chí đúng nghĩa là phải đặt trong khuôn khổ pháp luật và những quy tắc đạo đức xã hội. Duy trì trong khuôn khổ ấy, trong những quy tắc ấy, báo chí sẽ là động lực thúc đẩy phát triển xã hội, là phương tiện phục vụ tích cực cho con người. Bỏ qua những khuôn khổ ấy, những quy tắc đạo đức ấy, báo chí rất có thể trở thành vô chính phủ, phương tiện gây hại với con người.

Pháp luật của hầu hết quốc gia đều có những quy định cụ thể về quyền tự do báo chí phải trong khuôn khổ pháp luật của các quốc gia đó. Ðiều 5, Hiến pháp Ðức quy định, mọi người có quyền thể hiện quan điểm qua hình ảnh, lời nói, bài viết trên sách, báo hay tán phát qua phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, Điều 18, Hiến pháp Ðức cũng nhấn mạnh: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền... làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.

Điều 2358, Bộ luật Hình sự Mỹ đã nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”. 

Tại Việt Nam, ngay từ xưa, ông cha ta đã căn dặn: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, có nghĩa là mỗi quốc gia đều có pháp luật do Nhà nước ban hành, mỗi gia đình đều có quy định riêng. Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng hay bất cứ ai khi sinh sống tại Việt Nam thì họ phải chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Do đó, không thể lấy danh là “nhà báo tự do” mà có thể đứng ngoài vòng pháp luật. Thực tế, các đối tượng này đã “đội lốt” nhà báo để chống phá Nhà nước, chính quyền nhân dân, xâm phạm lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân. Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, các nhà báo vi phạm pháp luật đều bị xử lý, vì nhà báo cũng là công dân, có đủ quyền và nghĩa vụ của công dân.

Những thông tin sai trái, thù địch, xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam là vô cùng nguy hiểm. Nó có thể tạo ra hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguy hại hơn, các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí Việt Nam còn tạo ra cái nhìn thiên lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam; thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá của các tổ chức quốc tế, các quốc gia về vấn đề nhân quyền và trình độ phát triển xã hội Việt Nam. Chính vì vậy, việc nhận diện, phản bác, đấu tranh chống thông tin sai lệch, xuyên tạc về tự do báo chí đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đội ngũ nhà báo chân chính-với tư cách chủ thể thực thi trách nhiệm đưa tin, khởi tạo, định hướng dư luận tại cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân-phải nhập cuộc tích cực hơn để nhận diện sự thật, lẽ phải, kịp thời và kiên quyết phản bác mạnh mẽ, đập tan âm mưu của các thế lực thù địch.

ĐỖ PHÚ THỌ