Trong khối di sản văn hóa đồ sộ mà Người để lại cho dân tộc, chỉ tính riêng trong lĩnh vực báo chí, Người đã để lại gần hai nghìn bài báo, hàng trăm bài thơ cùng các trang văn xuôi. Và không ai khác, cũng chính Người đã sáng lập, nuôi dưỡng và phát triển hàng chục tờ báo lớn, được duy trì cho đến ngày nay. Một con người đặc biệt, vĩ đại nhưng khiêm nhường và giản dị, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân ấy, có một trí tuệ mẫn tiệp hiếm có, am hiểu sâu rộng mọi lĩnh vực đời sống, thông thạo nhiều ngoại ngữ. Những bài báo của Người là tư tưởng chỉ đạo cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, được thể hiện dưới nhiều hình thức, nhiều thể loại báo chí đa dạng, sinh động, dễ đọc, dễ hiểu, phù hợp với khả năng tiếp nhận của các đối tượng xã hội.
Khái quát về cuộc đời hoạt động văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét một cách chân thực và sâu sắc: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn. Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là cả một cuộc chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái mà nổi bật lên tính quần chúng, cách suy nghĩ và biểu đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị, giàu hình tượng, nói lên được điều lớn lao bằng những dòng chữ nhỏ…”. Lời nhận xét của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho người thầy báo chí cách mạng Việt Nam có thể nói không thể có một nhận xét khác xác đáng hơn.
Bởi lẽ, Hồ Chí Minh làm báo là vì độc lập, tự do của dân tộc. Mục tiêu, động lực ấy là vì dân, vì nước, vì lẽ sống của con người. Không phải ngẫu nhiên mà từ bài báo đầu tiên cho tới bài báo cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ quan điểm đấu tranh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, với chỉ một con đường duy nhất rõ ràng là giải phóng thuộc địa, giải phóng nô lệ, của một trái tim lớn với một tình thương yêu, trách nhiệm đối với dân, với nước. Đây thực sự là ý chí, là khát vọng nhưng cũng là cái “Tâm” của người làm báo. Một cái “Tâm” lớn, sâu sắc, có lẽ đối với bất cứ một nhà báo đích thực nào cũng bắt buộc phải có. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, và sẽ còn là bài học lớn cho báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra những câu hỏi cho mọi người làm báo: “Mục đích viết là gì? Tại sao lại viết? Viết cho ai và viết như thế nào?”. Chính vì mỗi lần đặt bút viết một bài báo, trong suy tư của Người vang lên những câu hỏi ấy nên các bài báo của Người luôn mới mẻ, hấp dẫn người đọc, làm cho người đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận. Ngôn ngữ báo chí của Người chính xác và cuốn hút. Những bài báo đấu tranh với kẻ thù, Người sử dụng một loại ngôn ngữ sắc bén trí tuệ; vừa hài hước chơi chữ, thâm thúy sâu cay, vừa có thái độ cương quyết, rõ ràng. Khi viết cho đồng bào mình, Người lại sử dụng ngôn ngữ rất giản dị bình dân, thậm chí mộc mạc dễ hiểu. Với nhà báo Hồ Chí Minh, người đọc còn cảm nhận rất rõ tác giả có một trí tuệ siêu việt, sự hiểu biết sâu rộng từ trong nước đến thế giới. Gần như không một sự kiện lớn nào trên thế giới mà Người không viết báo đề cập, không có một vấn đề gì thuộc về nhân dân mà Người không gần gũi, chia sẻ yêu thương...
Đối với Người, người làm báo là người phải có lập trường tư tưởng vững chắc. Tại Đại hội Hội Nhà báo năm 1959, Người khẳng định: Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được, cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng. Đây là tư tưởng rất quan trọng. Vì không có chính trị đúng, không có lập trường tư tưởng vững vàng thì đương nhiên viết báo không rõ động cơ, không rõ mục đích, bài báo trở nên vô nghĩa và không còn giá trị, nếu không nói là “lợi bất cập hại”. Người yêu cầu nhà báo phải có kiến thức sâu rộng. Mỗi nhà báo ngoài kiến thức chuyên môn còn phải biết thông thuộc một ngoại ngữ để đọc và học tập kinh nghiệm. Nhà báo là phải biết lắng nghe, biết phân tích tình hình, đi thực tế, sâu sát quần chúng. Phải am hiểu đời sống nhân dân mới có thể chia sẻ, đồng cảm và viết về nhân dân với trái tim yêu thương và trách nhiệm nhất. Người đòi hỏi nhà báo khi viết phải chân thực, chính xác, cẩn trọng về cả nội dung và hình thức. Trong một lần gặp gỡ các nhà báo, Người nói: Bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực, có nói thực thì tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe. Ta đừng bắt chước những nước tuyên truyền quá sai lệch. Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí của ta có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới, phải làm cho thế giới hiểu về kẻ địch của chúng ta. Bản thân kẻ địch cũng rất quan tâm đến báo chí của ta. Vì vậy làm báo phải hết sức nhanh nhạy và cẩn thận. Tư tưởng này cho đến nay vẫn soi sáng cho những người Việt Nam viết báo hiện đại.
Có một giá trị căn cốt trong tư tưởng và phong cách báo chí của Hồ Chí Minh là “nói đi đôi với làm”. Đây là giá trị của mọi giá trị. Giá trị này chi phối tất thảy trong mọi ý nghĩ và hành động của Người. Nó chi phối đến từng câu, từng chữ trong mọi bài báo Người viết. Nếu không thế thì những bài báo của Hồ Chí Minh không thể có sức lan tỏa lâu bền và không thể lôi cuốn được quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc.
Tôi từng được nghe mẹ một người bạn nhà văn kể khi bà còn là học sinh trường Đồng Khánh ở Huế. Thời kỳ ấy trường Đồng Khánh rất ít được tiếp xúc với những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi phương tiện thông tin của nhà trường chủ yếu phục vụ thực dân Pháp. Hiếm hoi lắm mới có những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh được tuồn vào trong trường bằng các con đường bí mật. Khi có được những bài báo của Người là học sinh chuyền tay nhau, đọc từng câu, từng chữ và không biết từ lúc nào, nó ngấm sâu vào suy nghĩ và tình cảm của tất cả thế hệ học sinh như bà. Bà đi theo cách mạng cũng vì đọc những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vòng vây mật thám rình rập. Và không chỉ mình bà, hầu hết thế hệ học sinh cùng tuổi với bà đều như thế. Họ đến với cách mạng không phải vì những gì cao siêu mà từ những bài báo được viết ra bởi một bộ óc lớn với trái tim đầy nhiệt huyết, chân thành và trung thực: Hồ Chí Minh. Kể lại câu chuyện này để thấy, những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một sức mạnh thật mãnh liệt. Vì sao những bài báo của Người lại có khả năng lôi cuốn lòng người đến vậy? Câu trả lời, vì đó là sự trung thực. Người nghĩ, nói và viết duy nhất vì một động cơ và mục đích rõ rệt. Nói và làm gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, nhất quán không thể tách rời chứ không phải “nói zậy nhưng không phải zậy” theo ngôn ngữ người Nam Bộ, hay “nói một đằng làm một nẻo” theo ngôn ngữ miền Bắc. Vì thế, nó thuyết phục một cách sâu sắc người đọc.
Với Người, nghĩ, nói, viết phải đồng nhất, “nói đi đôi với làm”, nếu không sẽ trở thành nói suông, sẽ trở thành số không. Trong một phần đời làm báo của mình, Người viết rất nhiều bài báo đề cập tới vấn đề “nói đi đôi với làm”. Ngay từ năm 1927, trong cuốn Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc thì điều thứ 10 là điều “nói thì phải làm”. Trong cuốn Sửa đổi lối làm việc được viết vào năm 1947, Người lại tiếp tục nhấn mạnh tới quan hệ giữa “nói và làm”. Người viết: “Lý luận phải đem ra thực hành”, “lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung thì cũng như không có tên”. Trong nhiều bài báo khác, Người đều nhấn mạnh đến “miệng nói tay làm”. Người cho rằng nói miệng ai cũng làm được, chúng ta cần phải thực hành. “Trong Đảng ta, có một số người chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc thiết thực không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, trong một bài báo, Người viết: Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Và Người đã nói là làm, đã làm là làm cho kỳ được mới thôi. Tư tưởng “nói đi đôi với làm”, “miệng nói tay làm”, “nói ít làm nhiều” được thể hiện xuyên suốt, sinh động và thuyết phục trong các bài báo của Hồ Chí Minh. Vì lẽ đó, những bài báo của Người viết ra có sức lay động và cảm hóa mạnh mẽ. Tấm gương viết báo của Người là một tấm gương sống động, có sức thuyết phục một cách hồn nhiên và sâu sắc quần chúng nhân dân lao động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 50 năm nhưng những tư tưởng và phong cách làm báo của Người mãi là ánh sáng soi đường cho tất cả những người làm báo Việt Nam hôm nay. Bằng một ý chí và nghị lực phi thường, một trí tuệ mẫn tiệp, sâu sắc và một trái tim tâm huyết, trách nhiệm, Người đã để lại cho những người làm báo Việt Nam một di sản báo chí đồ sộ, mới mẻ và bền vững với thời gian.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra những câu hỏi cho mọi người làm báo: “Mục đích viết là gì? Tại sao lại viết? Viết cho ai và viết như thế nào?”. Chính vì mỗi lần đặt bút viết một bài báo, trong suy tư của Người vang lên những câu hỏi ấy, nên các bài báo của Người luôn mới mẻ, hấp dẫn người đọc, làm cho người đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận. |
THÁI PHƯƠNG