Sau vài trao đổi ngắn gọn, chúng tôi được lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn đưa đi thăm khuôn viên đơn vị. Rất ấn tượng trước khuôn viên xanh mát với hồ cá koi cùng hệ thống non bộ, đồi, núi đá, nhà nghỉ mát... công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Lữ đoàn và Quân khu 3 trích từ quỹ vốn của đơn vị vừa được khánh thành tháng 3-2025, các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi không ngớt trầm trồ, thích thú.

Thượng tá Nguyễn Hữu Dần, Phó chính ủy Lữ đoàn 513 cho chúng tôi biết, vốn là lá cờ đầu trong phong trào “làm giàu, đánh thắng” của Quân khu những năm 70-80 của thế kỷ trước, hiện nay đơn vị cũng luôn giành thành tích cao trong Phong trào Thi đua Quyết thắng, nhiều năm liên tục là đơn vị huấn luyện giỏi của Quân khu.

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là thao trường của Lữ đoàn. Thiếu tá Phùng Tuấn Hùng, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 mời chúng tôi vào gian nhà trực ở thao trường, kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình và đồng đội.

Năm 2003, tốt nghiệp THPT, Phùng Tuấn Hùng nhập ngũ vào Lữ đoàn. Vẫn in sâu kỷ niệm của những ngày làm chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ dò, gỡ mìn ở Nam Định, anh cho rằng đó là bài học đáng nhớ trong đời quân ngũ của mình. Đang sử dụng thiết bị dò mìn thì thấy báo có kim loại, vậy là anh lấy xẻng hăm hở đào. Quan sát, phát hiện sự việc, ngay lập tức, đồng chí Đại đội trưởng đã chạy lại quát to, yêu cầu anh dừng công việc và ra khỏi hiện trường. Nhiều giờ sau, khi quả bom được bộ phận chuyên môn mang ra khỏi hiện trường, anh mới thấm thía câu nói của đồng chí Đại đội trưởng khi ấy, công việc này không chấp nhận sai lầm, không thể sửa sai, vì thế, phải tuân thủ tuyệt đối quy trình cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn. Bài học đầu tiên ấy là động lực để sau đó, anh thi đỗ và chính thức vào học tập tại Trường Sĩ quan Công binh.

“Đấy là chuyện của hơn 20 năm trước, còn bây giờ, tôi đang ở tiểu đoàn công binh vượt sông. Nhưng giờ chưa phải là mùa “nước lên” nên nhà báo không được “thực mục sở thị” chúng tôi luyện tập rồi!”, anh Hùng cười.

leftcenterrightdel
 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 513 huấn luyện vượt sông.

Tiểu đoàn 4 của anh là tiểu đoàn công binh vượt sông, mỗi năm đều phải thực hành huấn luyện theo con nước vào tháng 7 và tháng 10. Phương tiện huấn luyện là những trang bị hạng nặng có khi lên đến hàng chục tấn, cùng với những thao tác đòi hỏi kỹ thuật khó, sự chính xác cao, hiệp đồng thuần thục... Nhiệm vụ này, anh Hùng mới đảm nhiệm được hơn một năm nay, còn trước đó, anh có thời gian hai năm rưỡi bám nhiệm vụ ở những vùng đất khó, dầm mưa dãi nắng cùng anh em trên cương vị Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1 xây dựng công trình quốc phòng.

Thiếu tá Phùng Tuấn Hùng kể, ở rừng, có nhiều cái thiếu, nhưng có lẽ thiếu nhất là nước. Với người lính công binh công trình, doanh trại, con người sẽ di chuyển theo nhiệm vụ. Mỗi lần di chuyển lại một lần nắm tình hình địa bàn, xây dựng lán trại, tìm kiếm nguồn điện, nước... Dù vậy, không phải lúc nào cũng tìm được nơi đặt lán trại ưng ý. Bởi họ thường làm việc trên những địa bàn xa dân cư, nước được kéo nối về doanh trại. Có những địa bàn đặc biệt thiếu nước vào mùa khô. Có ngày, cả đơn vị chỉ đủ nước để... đánh răng, còn các sinh hoạt khác phải đi xa đến vài ki-lô-mét.

“Mặc dù vậy, tinh thần làm việc của anh em rất tốt. Khó khăn, vất vả chẳng nề hà! Thực tế, tại đơn vị chúng tôi, mỗi người đều được đào tạo chuyên sâu nhưng do quân số mỏng, được sự ủng hộ của chỉ huy các cấp, chúng tôi tự bồi dưỡng và rèn luyện chéo cho nhau để ai cũng có thể làm được nhiều phần việc. Nhờ đó, khi có tình huống xảy ra, mỗi người đều có thể làm thay phần việc của người khác. Sẽ không có gì lạ nếu đồng chí lái máy xúc cũng có thể là thợ điện, lái xe...”, anh Hùng bộc bạch.

Quay lại Sở chỉ huy Lữ đoàn, Đại tá Nguyễn Sơn, Chính ủy Lữ đoàn đang chờ chúng tôi ở phòng khách. Sau khi hiểu được những thắc mắc của chúng tôi, anh Sơn giải thích: “Với bộ đội công binh, ở thực địa là vô vàn việc có tên và không tên, đã tạo cho người lính tinh thần luôn luôn học hỏi và không ngừng sáng tạo để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Thế nên, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn thấm nhuần phương châm: Vững chuyên môn-giỏi một nghề-vững nhiều nghề”.

Anh Sơn đã có 23 năm gắn bó với Lữ đoàn. Không thể quên những tháng ngày bám nắm, lăn lộn cùng anh em ở đường tuần tra biên giới hay những công trình quốc phòng trọng điểm. Rồi những khi, ban ngày thì chỉ huy bộ đội trên công trường, ban đêm thì mang bài vở ra ôn thi. Tất cả đều là những dấu ấn khó quên với anh!

leftcenterrightdel
Bộ đội Lữ đoàn 513 thi công công trình quốc phòng. Ảnh: HOÀNG SƠN 

Anh Sơn trầm tư, nhắc đến bộ đội công binh là nhắc đến những vất vả, hiểm nguy. Đó là những lần thi công công trình ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện khí hậu, sinh hoạt khắc nghiệt, rồi những thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Hay ở đâu đó, trên những địa bàn trước kia là trọng điểm đánh phá của giặc, vẫn tồn tại trong lớp đất sâu là những quả bom, mìn còn sót lại. Như anh chia sẻ, đến nay, đơn vị đã tham gia rà phá, vô hiệu hóa hơn 45.000 quả bom, mìn, vật nổ các loại, giải phóng hơn 10.400ha ruộng đất canh tác. “Với đặc thù hoạt động phân tán, nhỏ lẻ, những năm qua, dù đóng quân ở đâu, làm nhiệm vụ gì, bản lĩnh và cốt cách “513” chưa bao giờ thay đổi!”-anh Sơn nhấn mạnh-“đó chính là truyền thống đã được xây đắp 67 năm qua ở Lữ đoàn”.

Nói rồi anh Sơn kể vanh vách những sự kiện lịch sử gắn với Lữ đoàn mà trong những giờ sinh hoạt chính trị hay giáo dục truyền thống, anh vẫn nhắc anh em truyền đạt tới bộ đội.

Ngày 19-5-1958, Tiểu đoàn công binh 25 (tiền thân của Lữ đoàn Công binh 513 ngày nay) được thành lập.

Trong những năm tháng ác liệt khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc, dưới làn bom, đạn địch, cán bộ, chiến sĩ đơn vị không quản ngại khó khăn, hy sinh, gian khổ, ngày đêm bám đường, bám cầu, phục vụ tại các trọng điểm giao thông huyết mạch bắc hơn 5 vạn mét cầu nổi, vận hành chèo chở hơn 25.000 chuyến phà, làm mới, sửa chữa, bảo đảm hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông quân sự. Bên cạnh đó, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với quân, dân và các lực lượng, tạo lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, anh dũng chiến đấu đánh trả quyết liệt từng đợt không kích của kẻ thù.

“Trong gian khổ, hy sinh khi đối đầu với bom đạn Mỹ, luôn xuất hiện những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Hữu Chỉnh với sáng kiến “Quay cầu” đã kéo dài thời gian thông xe hơn 3 tiếng mỗi đêm, tăng hơn 300 lượt xe qua cầu, góp phần vận chuyển nhanh chóng hàng hóa vũ khí, trang bị ra mặt trận. Đó là những tấm gương còn mãi với thế hệ hôm nay”, anh Sơn cho biết.

Trong giai đoạn hiện nay, trước mặt trái của cơ chế thị trường và những áp lực của cuộc sống, đôi khi tư tưởng bộ đội bị ảnh hưởng, là người Chính ủy, anh Sơn hiểu lắm sự sâu sát, nắm vững tư tưởng bộ đội cũng như làm tốt công tác giáo dục truyền thống. Bên cạnh đó, anh đã cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung xác định chỉ tiêu, nội dung, biện pháp tiến hành kết hợp với xây dựng động cơ, trách nhiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến bằng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả. Những phương châm hành động như: “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao”; “Bí mật hàng đầu, an toàn trên hết, chất lượng tiên phong” hay “Đường hầm là trận địa, năng suất là chiến công”; “2 trước, 2 sau, 3 cùng”... là những “bí quyết” để bản lĩnh “513” luôn vững vàng và tỏa sáng!

Ghi chép của THỦY TIÊN