Ông Trương Vĩnh Thăng sinh năm 1932, nhập ngũ năm 1946. Đến năm 1953, ông thuộc Đại đội 806, Trung đoàn 45, Đại đoàn Công pháo 351 (nay là Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) đóng quân ở Tuyên Quang. Cũng năm đó, lần đầu tiên ông gặp bà Nguyệt khi cùng đồng đội hành quân từ Tuyên Quang lên Điện Biên. Ông Thăng nhớ lại: “Hành quân từ sáng sớm, đến trưa chúng tôi xin vào nghỉ nhờ tại tiệm ảnh có tên “Hương Lan”. Gia đình chủ tiệm gồm 1 cặp vợ chồng và 3 người con (2 gái, 1 trai) là người gốc Hà Nội, do chiến tranh nên cả gia đình đã chuyển lên Tuyên Quang sống. Nguyệt là người con gái cả trong gia đình. Chúng tôi được gia đình mời cơm trưa và cho ngủ nhờ. Lúc đó, tôi cùng đồng đội và 3 người con của gia đình cùng nằm ngủ trưa trên tấm phản. Mẹ của Nguyệt cầm chiếc quạt nan quạt cho chúng tôi ngủ. Lúc này, tôi mới để ý tới Nguyệt, mặc dù lúc đó Nguyệt còn nhỏ tuổi nhưng rất xinh xắn. Khi chia tay, tôi mới nói đùa với Nguyệt rằng: “Đẹp thế này, mai kia mà làm người yêu mình thì hay quá!”. Nguyệt lúc đó chỉ mỉm cười rồi chào tạm biệt chúng tôi”.

Sau lần đó, tôi cùng đồng đội trong Đại đội 806 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Chiến dịch kết thúc thắng lợi, chúng tôi hành quân từ Điện Biên về Tuyên Quang và một lần nữa chúng tôi lại nghỉ nhờ ở tiệm ảnh Hương Lan. Từ lần đó, tình yêu đã chớm nở giữa hai chúng tôi”, ông Thăng bồi hồi nhớ lại.

Về tới đơn vị, ông Thăng quyết định viết thư tỏ tình với bà Nguyệt bằng một bài thơ. Đến nay, đã gần 90 tuổi, ông vẫn nhớ như in từng vần thơ năm ấy và đọc trôi chảy cho tôi nghe. Thơ có đoạn:

... Hứa là làm, là lửa là than

Quyết không phải là tàn, cỏ ngọn rơm bùng cháy

Từ mùa thu năm ấy

Đã nói lời yêu thương

Đã mở đường đi đến

Viết xong bức thư, ông Thăng nhờ đồng đội gửi cho bà Nguyệt. Sau đó, bà Nguyệt viết thư trả lời ông Thăng với nội dung: “Nhận được thư anh hôm qua do anh Hường đưa lại, Nguyệt xem thấy khó nghĩ quá! Hiện nay Nguyệt vẫn còn nhỏ tuổi”...

leftcenterrightdel

Ông Thăng và bà Nguyệt. Ảnh tư liệu

Năm 1954, ông Thăng làm việc tại Trường Đào tạo lái xe 255 ở Sơn Tây. Trước 3 ngày chuẩn bị cho buổi lễ tiếp quản Thủ đô (10-10-1954), ông nhận nhiệm vụ về Hà Nội. Hôm đó, ông lái một chiếc ô tô, nhìn sang bên đường ông nhận ra bà Nguyệt đang đứng trong hàng nữ sinh Thủ đô vẫy cờ hoa. Tìm gặp bà Nguyệt, ông được biết gia đình bà đã chuyển về Hà Nội sống. Hai người gặp nhau trong niềm xúc động dạt dào. Sau lần đó, ông Thăng và bà Nguyệt thường xuyên tìm gặp nhau, nhưng vì lúc đó, bà Nguyệt còn ít tuổi nên bố mẹ bà Nguyệt chưa đồng ý cho hai người yêu nhau.

Đối với ông Thăng, kỷ niệm tình yêu mà ông nhớ nhất đó là lần ông đang đánh bóng chuyền trong đơn vị thì nhận được tin báo có một người con gái đang đứng đợi ông ở cổng. “Ra tới cổng thì tôi thấy Nguyệt mặc áo vest màu nâu đang đứng chờ. Tiến lại gần trò chuyện, Nguyệt nói: “Ba mẹ đuổi em đi rồi, em đến với anh đây!”. Sau đó, tôi xin phép đơn vị cho Nguyệt vào thăm”, ông Thăng kể. Lúc đó ông Thăng và bà Nguyệt không thể ngờ là bố mẹ của bà Nguyệt đã lên tận đơn vị của ông Thăng để tìm con gái mình.

“Một lần tôi đi khám ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi đi qua nhà của Nguyệt thì thấy em gái Nguyệt cầm chiếc áo vẫy và hét to: “Anh Thăng ơi, anh Thăng ơi, thắng lợi rồi!”. Tôi mới tiến tới hỏi: “Thắng lợi gì?”, cô em đáp “Ba mẹ đồng ý rồi!”. Tôi hỏi tiếp “Đồng ý như thế nào?”. Em gái của Nguyệt vừa cười vừa nói: “Hôm qua em nghe trộm được ba mẹ nói chuyện với nhau rằng đã đồng ý cho hai người yêu nhau”, ông Thăng kể. Sau lần đó, ông Thăng và bà Nguyệt chính thức yêu nhau. Đến năm 1960, hai người tổ chức đám cưới tại khách sạn Phú Gia (Hà Nội). “Đám cưới của chúng tôi rất đơn giản chỉ có những điếu thuốc lá, nước chè và bánh để mời khách. Trên sân khấu là các đồng đội của tôi chơi đàn ghi-ta và người anh họ của Nguyệt chơi đàn violin”, ông Thăng nhớ lại.

Qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, tình yêu của họ ngày càng thắm thiết, sâu nặng. Ông bà sinh được 4 người con (2 trai, 2 gái). 3 người con của ông bà đều có nhiều năm công tác trong quân đội và 1 người con là công chức nhà nước. Ông Thăng luôn biết ơn người phụ nữ sớm hôm tảo tần, giàu đức hy sinh đã vun vén cho gia đình và chăm sóc, dạy dỗ con cái trưởng thành. “Trong những năm tháng tôi hoạt động trong quân ngũ, Nguyệt là chỗ dựa tinh thần vững chắc để tôi yên tâm công tác. Bà nhà tôi đã mất gần chục năm nay, nhưng bóng hình bà vẫn luôn ở bên cạnh tôi. Cuộc đời này có được người vợ như Nguyệt tôi thật mãn nguyện và hạnh phúc!”, ông Thăng chia sẻ trong niềm xúc động.

DUY TIÊN