Năm 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Đồng Văn Luật, ở khu phố Trới 6, phường Hoành Bồ, nhận đăng cai cuộc gặp mặt các CCB tại nhà riêng. Ông Luật sinh năm 1930, nhập ngũ năm 1952 vào Đại đội 261, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Ông cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu và vinh dự cùng đơn vị tiếp quản Thủ đô Hà Nội ngày 10-10-1954.
Theo ông Đào Xuân Mộc, sinh năm 1933, hiện ở khu phố Trới 1-người trẻ nhất trong số các CCB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ của phường Hoành Bồ-giới thiệu: “Hơn 10 năm trước, toàn huyện Hoành Bồ (nay sáp nhập vào TP Hạ Long) có hàng chục CCB tham gia chiến đấu và phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng đến nay chỉ còn gần 10 người, trong đó, 4 người dự gặp mặt ở nhà ông Luật hôm nay vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, số còn lại sức khỏe đều đã yếu. Cao tuổi nhất là ông Phạm Văn Sắc, 96 tuổi, nhập ngũ tháng 6-1948, hiện ở thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương (TP Hạ Long), nguyên là Đại đội trưởng Đại đội Thông tin thuộc Cục II, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) phục vụ sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng. Ông Sắc nghỉ hưu năm 1970 do thương tật, với quân hàm Đại úy. Còn ông Nguyễn Đức Khê, sinh năm 1932, quê ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách, Hải Dương), nhập ngũ năm 1952 vào Đại đội 35, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Ông Khê được kết nạp Đảng tháng 2-1953; tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Tổ trưởng Tổ đánh bộc phá, sau đó chuyển sang tiểu đội trinh sát của Đại đội 35. Năm 1958, ông Khê phục viên rồi vào làm ở Xí nghiệp Phân phối lâm sản Quảng Ninh, đến năm 1990 thì nghỉ hưu.
Tôi quê ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tháng 1-1952, tôi nhập ngũ vào làm cấp dưỡng phục vụ thương binh của quân y Cục Vận tải, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần). Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội giao thông liên lạc của Cục Vận tải. Hồi đó, Tiểu đội giao thông liên lạc của tôi đóng ở Km18 Đường 41 (nay là Quốc lộ 6) từ Hòa Bình lên Sơn La. Tiểu đội chúng tôi đưa công văn, tài liệu từ Sơn La lên Tuần Giáo và ngược lại. Có thời điểm, chúng tôi chuyển công văn từ Tuần Giáo tới các cơ quan, đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi thường phải đi qua Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, nhiều lần vào sát chiến trường Điện Biên Phủ để làm nhiệm vụ... Dù trên đường bị địch đánh phá ác liệt, song tổ chúng tôi quyết tâm phải đưa công văn đến đích đúng quy định, dù có thể phải hy sinh. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được cấp trên khen thưởng do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
|
|
Các cựu chiến binh ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Sau khi nghe ông Mộc kể sơ lược về các CCB Điện Biên Phủ đến dự buổi gặp mặt ở nhà ông Luật, tôi đề nghị từng người kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng tham gia chiến dịch. Mọi người “nhường” ông Phạm Văn Sắc mở đầu câu chuyện: “Tôi quê ở xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1948, tôi nhập ngũ vào bộ đội địa phương huyện Ninh Giang, đến năm 1953 được điều lên cơ quan Tỉnh đội Hải Dương. Tháng 12-1953, tôi được điều chuyển về Đại đoàn 308. Khi cùng với một số cán bộ, chiến sĩ về tới Đại đoàn, tháng 1-1954, tôi lại được chọn để biên chế về Cục II và bổ nhiệm Đại đội trưởng Đại đội Thông tin phục vụ sở chỉ huy chiến dịch. Sau này tôi mới biết mình được trên lựa chọn vì có trình độ văn hóa, nói tốt tiếng Pháp, kinh nghiệm nhiều năm công tác ở vùng địch hậu... Đại đội tôi có 40 cán bộ, chiến sĩ, chia ra các trung đội thông tin, trinh sát thông tin, bảo đảm công trình thông tin. Phục vụ bảo đảm thông tin liên lạc, tôi chỉ huy Đại đội thiết lập đài thông tin, đài quan sát trên đỉnh núi cao. Hằng ngày, chúng tôi nhận thông tin từ cấp trên chuyển xuống, từ các đại đoàn, trung đoàn báo cáo lên, rồi truyền đạt đến bộ phận chức năng để báo cáo sở chỉ huy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời chuyển thông tin từ trên xuống các đơn vị tham gia chiến dịch. Có nhiều lần, tôi và bộ phận đài thu phát tin được báo cáo trực tiếp tin tức với Đại tướng, Tổng Tư lệnh. Những ngày diễn ra chiến dịch, nhiều lần tôi cùng anh em bộ phận thông tin hữu tuyến đi kiểm tra đường dây, xem xét từng mối nối, xử lý tình huống để bảo đảm thông tin liên lạc luôn thông suốt. Điều khiến chúng tôi phấn khởi nhất là luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thủ trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch quan tâm, đến thăm, động viên. Tôi nhớ mãi khi nhận được tin từ Đại đoàn 312 báo cáo về sở chỉ huy là chiến dịch đã toàn thắng, bắt sống tướng De Castries và Bộ Tham mưu của địch tại Điện Biên Phủ. Lúc đó, chúng tôi vô cùng vui sướng, ngay lập tức chuyển tin đến Đại tướng và sở chỉ huy chiến dịch... Sau ngày Điện Biên Phủ giải phóng, tôi lại được điều động tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ đoàn công tác của sở chỉ huy chiến dịch đi kiểm tra, giải quyết thu dọn chiến trường, chỉ đạo xét hỏi tù, hàng binh...”.
|
|
Các cựu chiến binh thăm hỏi, ôn lại những kỷ niệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Nghe kể chuyện về những ngày tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi thấy trong lòng các CCB vẫn đang rực cháy ngọn lửa của niềm tự hào. Cựu chiến binh Nguyễn Đức Khê sôi nổi tiếp lời: “Sau khi đi Chiến dịch Thượng Lào, chúng tôi được lệnh hành quân về Lai Châu và chuẩn bị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, tôi là Tổ trưởng Tổ đánh bộc phá của Trung đội 3, Đại đội 35. Tổ bộc phá có nhiệm vụ mở cửa để bộ binh xung phong, đánh chiếm mục tiêu. Đơn vị chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng, chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công thì ngày 26-1-1954 có lệnh rút ra vị trí ban đầu để chuẩn bị lại. Tôi sau đó được phân công về tiểu đội trinh sát của Đại đội 35. Trong một lần đi trinh sát trận địa để chuẩn bị cho Tiểu đoàn đánh cứ điểm C1, tôi bị địch phục kích, bắn trọng thương ở đầu gối. Sau đó, tôi được chuyển về trạm quân y ở Tuần Giáo để điều trị, khoảng hơn một tháng sau, ta giải phóng Điện Biên Phủ”.
Sự tiếc nuối không được tham gia trọn vẹn Chiến dịch Điện Biên Phủ như còn hiện rõ trên gương mặt CCB Nguyễn Đức Khê. “Nhưng may mắn là sau khi điều trị khỏi vết thương, tôi được điều động sang Sư đoàn 350 mới thành lập và làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội, đấu tranh với quân Pháp thực thi Hiệp định Geneva ở Hải Phòng trong vùng 300 ngày và tham gia tiếp quản TP Hải Phòng (13-5-1955). Đến năm 1958, tôi phục viên và công tác ở ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh, là Đội trưởng Đội kho, Xí nghiệp Phân phối lâm sản Quảng Ninh đến khi nghỉ hưu năm 1990. Về địa phương, phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên, tôi tham gia công tác, làm Tổ trưởng Tổ dân phố 1, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ (nay là khu phố Trới 1, phường Hoành Bồ) đến năm 2002. Tôi luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”, ông Khê cho biết.
HƯƠNG HỒNG THU