Tôi đến thăm anh tại ngôi nhà rợp bóng cây ở phường 6, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi 80, anh còn khỏe, vẫn nụ cười tươi quen thuộc đón khách. Gợi lại chuyện cũ, anh kể cho tôi nghe thật mạch lạc: “Cuối tháng 4-1975, tại sân bay Đà Nẵng, tôi trở thành người huấn luyện lái máy bay chiến đấu A-37 để có một phi đội 5 người tác chiến được ngay. Có lẽ trong lịch sử quân sự, không có lớp huấn luyện chuyển loại máy bay nào nhanh đến thế. Phi công ta giỏi thật, chỉ quen lái máy bay MiG của Liên Xô, vậy mà sau mấy ngày luyện tập cấp tốc đã hăng hái lái máy bay A-37 của Mỹ đi chiến đấu trên vùng trời chưa hề quen thuộc. Huấn luyện xong, chúng tôi bay vào sân bay Thành Sơn (nay là sân bay Phan Rang) để sẵn sàng cất cánh đánh sân bay Tân Sơn Nhất.

Lúc đó, Sài Gòn vẫn còn khoảng 3.000 cố vấn, nhân viên Mỹ. Nếu chúng bỏ Sài Gòn thì ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ tinh thần, cuốn gói chạy theo luôn. Chủ trương khôn khéo của ta là đánh vào sân bay, nhưng vẫn để dành đường cất hạ cánh cho người Mỹ tranh thủ chạy về nước trót lọt. Vì vậy chúng tôi không ném bom phá hỏng đường băng. Nếu để quân Mỹ ùn lại Sài Gòn không về Mỹ sớm sẽ thêm phức tạp tình hình.

Trên lệnh cho chúng tôi phải đánh sân bay Tân Sơn Nhất vào 12 giờ trưa 28-4-1975. Tôi báo cáo và xin ý kiến: “Buổi trưa không phải là giờ nghỉ của không quân ngụy. Lúc này bọn chúng đều sẵn sàng ngồi trong máy bay. Ta đánh cũng được nhưng sẽ thương vong lớn bởi vì chúng sẽ dùng máy bay F-5E tiêu diệt A-37 dễ dàng. Đề nghị đánh vào lúc sau 16 giờ, thời điểm chúng giao ca. Hơn nữa đánh xong, nhập nhoạng tối, máy bay ta tắt đèn cơ động, chúng có đuổi theo cũng rất khó”.

Được trên chấp thuận, chiều 28-4, phi đội chúng tôi bất ngờ xuất kích từ sân bay Thành Sơn nhằm hướng sân bay Tân Sơn Nhất, rồi trút bom xuống đó một cách mau lẹ, chính xác.

Đúng như cấp trên nhận định, trận đánh của Phi đội Quyết thắng như một đòn “knock out” đối với Mỹ-ngụy, bởi nơi tập kết để rút chạy không còn an toàn nữa. Ngay đêm đó, từ Tòa đại sứ Mỹ, lệnh trốn chạy đã phát ra. Máy bay trực thăng bay gầm gào trên bầu trời Sài Gòn để bốc từng toán lính Mỹ lên máy bay tháo chạy. Trước cảnh tượng quan thầy rối loạn ấy, ngụy quân, ngụy quyền càng nao núng cực độ. Và kết cục là hơn một ngày sau đó, chúng đầu hàng không điều kiện. Thành phố Sài Gòn không hề đổ nát, mọi người dân sống bình yên đón chào Quân giải phóng tiến vào.

- Có điều bí mật mọi người muốn biết là anh đã “sổ lồng” về vùng giải phóng bằng cách nào? Có “kịch bản” sẵn không? - tôi hỏi.

- Từ khi nhận lệnh bí mật của tổ chức, tôi vừa mừng vừa lo, tính toán mọi bề, chỉ sợ lỡ mình hành động sơ ý một chút là tan vỡ hết kế hoạch. Tôi không sợ hy sinh, chỉ sợ hỏng việc lớn của cách mạng. Chờ đến sáng 8-4-1975, tôi mới có thời cơ thực hiện.

leftcenterrightdel
Phi công Nguyễn Thành Trung (bên phải) trong vòng tay đồng đội tại sân bay Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước), ngày 8-4-1975. Ảnh: TRẦN THĂNG 

Hôm ấy máy bay của tôi cùng 2 chiếc F-5E trong đội bay chuẩn bị cất cánh làm nhiệm vụ từ sân bay Biên Hòa. Ngay sau khi nhận lệnh cất cánh, tôi phát tín hiệu cho biên đội trưởng là máy bay của tôi bị hỏng máy phát điện, không thể bay được. Biên đội trưởng lệnh cho tôi ở lại nhưng người chỉ huy bay dưới mặt đất không biết. Theo quy định, thời gian mỗi máy bay cất cánh cách nhau 5 giây. Tôi không thể nấn ná cất cánh quá 10 giây tại sân bay. Tạo được sự hiểu lầm giữa người chỉ huy trên không và mặt đất, tôi gấp rút bay ngay về phía Chợ Lớn rồi vòng lên chợ Bến Thành, đến Dinh Độc Lập. Phải bay như vậy vì chế độ cũ cấm máy bay quân sự vào không phận nội thành Sài Gòn. Tôi mang 4 quả bom, dự định ném 2 quả xuống Dinh Độc Lập và 2 quả xuống Tòa đại sứ Mỹ. Khi cắt bom, tâm lý tôi rất căng thẳng, cứ sợ bom rớt xuống chợ Bến Thành hoặc rơi vào nhà dân. Bởi vậy, tôi căn chỉnh rất thận trọng, ném 2 quả đầu tiên xuống vườn phía sau Dinh Độc Lập. Tôi vòng lại, chỉnh cẩn thận, cắt nốt 2 quả xuống Dinh nhưng bom không nổ nên Dinh chỉ sửa lại cầu thang, không hư hại lớn. Sau đó tôi bay thẳng ra kho xăng Nhà Bè, bắn xuống 200 viên đạn pháo 120mm nhưng kho xăng không cháy. Tôi hạ thấp độ cao để tránh radar phát hiện rồi bay thẳng về sân bay Phước Long (nay thuộc tỉnh Bình Phước) an toàn.

Tôi bước ra khỏi máy bay là đón nhận ngay những vòng tay âu yếm, xúc động của các chú, các anh lãnh đạo ở vùng giải phóng. Ngay lúc ấy, nhà báo Trần Thăng đã ghi được hình ảnh cảm động này. Tấm ảnh ấy sau đó được xuất hiện ở nhiều nơi...

Tìm hiểu kỹ hơn về lần “sổ lồng” này, phi công anh hùng Nguyễn Thành Trung cho biết thêm, ngày ấy khi được tin Phước Long giải phóng, ông đã chủ động báo cáo với tổ chức cho phép tìm mọi cách bay ra đó. Bấy giờ, đường băng ở sân bay Phước Long chỉ dài 1km, đủ điều kiện cho máy bay vận tải loại nhỏ lên xuống, trong khi đường băng cất hạ cánh an toàn cho máy

bay F-5E là 3km. Nhưng phi công Nguyễn Thành Trung vẫn quyết định mạo hiểm. Ông nhớ, lúc đó đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam chỉ thị: “Nếu hạ cánh không an toàn, đồng chí phải nhảy dù ngay, không hy sinh vô ích. Nếu đồng chí trốn ra bằng đường không khó khăn thì ra bằng đường bộ...”.

leftcenterrightdel

 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung. Ảnh: ĐÀO LƯU

Khi đề xuất được thông qua, phi công Nguyễn Thành Trung thường xuyên tranh thủ tập hạ cánh theo kiểu giả định đường băng 1km. Do tập nhiều, lốp nổ liên tục, ông bị phê bình nên không được thăng quân hàm đại úy. Ông kể: “Dù tập hạ cánh nhiều lần như vậy nhưng khi xuống sân bay Phước Long tôi vẫn hồi hộp. Quá đà một chút là máy bay lao xuống vực. Lần thứ nhất không xuống được vì tốc độ cao quá. Lần thứ hai căn cự ly không chuẩn, lỡ đà. Tới lần thứ ba thì tôi điều chỉnh tốc độ hợp lý, chỉ còn lệ thuộc vào chiếc dù ở đuôi. Nếu dù bị đứt thì tôi phải nhảy dù. Nhưng rất may, dù không đứt, lốp không nổ, tôi thắng bằng chân, máy bay chỉ lăn trên đường băng 970m, còn cách vực khoảng 30m. Hú vía! Xuống tới nơi, anh em đưa tôi vào rừng ngay vì sợ địch truy kích, ném bom. Tại căn cứ, tôi nhận quyết định phong quân hàm đại úy và nhận thư anh Bảy Dự (sau này là Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh) dặn: “Anh cứ yên tâm, tổ chức đã đưa vợ con anh ra vùng giải phóng rồi!”. Sau này tôi mới biết sự thật không phải như vậy. Anh Bảy Dự làm công tác tư tưởng để tôi yên tâm thôi. Ngay sau khi tôi ném bom xuống Dinh Độc Lập, anh Năm Phong (sau này là cán bộ Sở Công an TP Hồ Chí Minh) báo cho anh Tư Hạnh (sau này là Trưởng chi cục Thuế quận 6, TP Hồ Chí Minh) đưa vợ con tôi đi trốn nhưng không kịp. Kẻ địch đã nhanh chân hơn, bắt vợ con tôi từ Biên Hòa về giam tại số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn. Lúc đó cháu thứ hai mới 8 tháng tuổi, còn cháu lớn được 6 tuổi. Sau này cả hai cháu đều là tiếp viên hàng không; còn vợ tôi là cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình”.

- Thưa anh, cho tới bây giờ, nhiều người chưa hiểu rõ về anh. Có người nói anh là lính ngụy phản chiến. Có người nói anh là tình báo chiến lược của ta, được cài vào hàng ngũ địch. Có người lại cho rằng anh là kết quả của công tác binh vận. Thực chất là thế nào?

- Đúng là gần 50 năm nay nhiều người chỉ biết hành động ném bom phản chiến của tôi mà không hiểu cội nguồn. Ngay cả một số đồng chí trước đây là thủ trưởng đơn vị không quân của tôi cũng hiểu đại loại như thế. Khổ lắm! 13 tuổi tôi đã nhìn thấy cảnh ba tôi là Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Bến Tre) bị giặc giết hại, phơi xác ngoài thị xã rồi quăng xuống sông, không cho ai chôn cất. Tôi căm thù chính quyền Ngô Đình Diệm từ đó. Hai anh trai tôi đều vào bộ đội, bị địch giam giữ, tra tấn dã man ở nhà tù Phú Quốc và Côn Đảo. Các đồng chí lãnh đạo cách mạng ở địa phương quyết tâm đưa tôi đi học nên đã làm cho tôi lý lịch giả, không có ba, không có anh em, chỉ có hai má con đơn côi. Ba tôi họ Đinh, còn tôi mang họ Nguyễn của má là vì thế. Cuối năm 1968, tôi vào trường không quân của ngụy học theo chỉ đạo của tổ chức để tính chuyện lâu dài. Ngày 31-5-1969, tôi bí mật về Mỹ Tho để tổ chức làm lễ kết nạp Đảng cho tôi. Sau đó vài tháng, tôi được quân đội ngụy cử đi học chuyên ngành không quân ở Mỹ. Đến năm 1971 về nước, tôi được Ban Binh vận chuyển về liên lạc trực tiếp với Trung ương Cục miền Nam. Hoạt động trong lòng địch, nhiều năm căng thẳng chờ đợi, mong ngóng, cuối cùng tôi đã có được 10 giây quý giá tại sân bay Biên Hòa để về với Đảng, với dân! 

ĐÀO VĂN SỬ