Những năm tháng làm phóng viên, tôi có cơ may được nhiều lần gặp ông Nguyễn Văn Trân, nhất là khi chúng tôi làm bộ phim tài liệu về lịch sử Đảng bộ Hà Nội. Lẽ dĩ nhiên không thể không có trong nội dung của phim là những ý kiến phát biểu của người từng hai lần đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, mà toàn vào những thời điểm “nóng bỏng” nhất trong cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô.
Cách đây 25 năm (năm 1997), tôi nhiều lần “vác máy” đến nhà riêng của ông Nguyễn Văn Trân để tác nghiệp. Tâm trí tôi luôn hiện hữu hình ảnh về một cụ ông tuổi đã ngoài 80 nhưng trí tuệ còn minh mẫn, với chất giọng hơi khàn khàn. Ngồi đợi sẵn trong phòng làm việc, vẫn tác phong giản dị như hồi còn đương chức, ông kể: “Tháng 12-1972, theo nhận định của Trung ương Đảng ta và qua phân tích tin tức tình báo cho thấy đế quốc Mỹ sẽ sử dụng máy bay B-52 ném bom Hà Nội. Vấn đề đánh B-52 thì đã rõ ràng, nhưng làm thế nào để sơ tán 20 vạn người dân Thủ đô ra khỏi nội thành Hà Nội chỉ trong một thời gian ngắn thực sự là một bài toán vô cùng khó khăn, phức tạp bắt buộc phải hoàn thành”.
Ông Nguyễn Văn Trân sinh năm 1917, ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1935, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Trân rời quê hương quan họ, về Hà Nội làm công nhân in để trực tiếp tham gia các cuộc đấu tranh và tuyên truyền bảo vệ quyền lợi của thợ thuyền. Nguyễn Văn Trân hoạt động sôi nổi, nhiệt tình nên bị chủ tư bản đuổi việc. Không nhụt ý chí, Nguyễn Văn Trân tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương, một tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1937, Nguyễn Văn Trân trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
|
|
Ông Nguyễn Văn Trân (bên phải) xuống cơ sở gặp nhân dân. Ảnh tư liệu |
Khi chúng tôi đề cập về những tháng năm làm lãnh đạo Hà Nội, ông Trân vẫn với chất giọng hơi khàn khàn: “Thì Đảng phân công và mình phải hoàn thành thôi”. Rất đơn giản nhưng chứa đựng trong đó một trách nhiệm lớn lao.
Những ngày cuối năm 1946, quân Pháp liên tục tiến hành gây hấn ở các tỉnh, thành phố, tình hình Hà Nội “căng như dây đàn”. Nhận thấy một cuộc chiến tranh khó có thể tránh khỏi nên đại biểu Quốc hội khóa I Nguyễn Văn Trân, khi ấy mới 29 tuổi, được Trung ương điều về Hà Nội làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Hà Nội; trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy mặt trận kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hà Nội. Có lẽ những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân ở nội thành Hà Nội đã tích lũy trong người cán bộ lãnh đạo trẻ những kinh nghiệm về vận động quần chúng, về tổ chức và năng lực bảo vệ địa bàn.
Tôi mạnh dạn tiếp lời: “Vậy đó là lần thứ nhất ông được cử về Hà Nội. Lúc đó tình hình vô cùng phức tạp và rất khó khăn?”. Ông gật đầu: “Mới đầu mình đã có gì đâu để rút kinh nghiệm. Cứ dựa vào dân mà làm thôi!”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các chiến sĩ nội thành Hà Nội được lệnh rút lên chiến khu, nhưng Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Trân còn ở lại với đồng bằng, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến-hành chính Liên khu 3, bao gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Kiến An và Hải Phòng. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), ông được Đảng, Nhà nước phân công nhiều công tác khác nhau trong Chính phủ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và một năm sau ông được bổ sung vào Ban Bí thư.
Thấy không khí thân mật nên tôi hỏi tiếp: “Như thế nào rồi bác lại trở về làm lãnh đạo Thủ đô?”. Sau một lát suy nghĩ, ông nói: “Năm 1967, tôi “trở lại” Hà Nội, tăng cường cho Ban Thường vụ Thành ủy. Lúc này, Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, ném bom xuống Hà Nội nhiều hơn, mật độ dày hơn. Tình hình đó đặt ra một yêu cầu bức thiết, đó là “thực hiện sơ tán các cơ quan và nhân dân ra khỏi nội thành”, một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Tôi đã cùng với tập thể Thường vụ Thành ủy Hà Nội khẩn trương, kiên quyết và cả động viên để nhân dân đi sơ tán được nhanh chóng, an toàn và đạt yêu cầu, tránh được tổn thất do bom Mỹ gây ra. Suốt thời gian từ năm 1968 đến 1974, tôi được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội...”.
|
|
Nhân dân Hà Nội sơ tán trước khi máy bay B-52 của Mỹ ném bom (tháng 12-1972). Ảnh tư liệu |
Ngày 20-8-1971, sau 10 ngày mưa to liên tiếp ở miền Bắc, nước sông Hồng và sông Thái Bình cũng như sông Đuống lên rất cao, đỉnh lũ ở Hà Nội là 14,13m, cao hơn báo động 3 khoảng 2,62m. Nước lũ dâng cao và mạnh đã khiến nhiều khúc đê trên các sông ở nhiều tỉnh bị vỡ. Riêng ở Hà Nội, đê Cống Thôn (thuộc xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) nằm ở phía bờ tả sông Đuống bị vỡ đoạn dài 250m và sâu hơn 20m, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 22-8, suốt cả một vùng quê gồm các xã phía bắc huyện Gia Lâm bị chìm trong nước, nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi. Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương lãnh đạo huy động mọi lực lượng để cứu dân, cứu tài sản. Những thước phim tư liệu hiếm hoi ghi lại những ngày cả Hà Nội hướng về nhân dân vùng lũ lụt ấy, chúng tôi thực sự ấn tượng hình ảnh Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Trân quần xắn cao, lội trong nước ngập để đến với bà con vùng lụt. Trong đoàn lãnh đạo hôm đó còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi cùng lội nước vào tận nơi với nhân dân. Rồi tiếp đến là những thước phim ghi lại hình ảnh ông Trân gò lưng đẩy xe cải tiến cùng công nhân xây dựng trên những công trình mới. Ông thực sự là một lãnh đạo gần gũi, đồng cam cộng khổ với người dân, người lao động.
Trở lại câu chuyện chỉ trong một ngày, Hà Nội đã sơ tán kịp thời 20 vạn người dân ra khỏi nội thành trước khi máy bay B-52 của Mỹ tiến hành rải thảm Thủ đô, ông Nguyễn Văn Trân kể: “Ngay sau khi nắm được tình hình, lãnh đạo thành phố đã họp và quyết rất nhanh. Theo đó, thành phố huy động hàng trăm phương tiện từ tàu điện, tàu hỏa, xe ca, xe tải, xe khách để đưa nhân dân đi sơ tán. Tiếng loa vận động, kêu gọi mọi người dân tạm thời rời trung tâm thành phố để tránh thương vong vang lên khắp phố phường Hà Nội. Với tinh thần khẩn trương và quyết liệt, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến việc làm và học tập của mọi người dân nên thành phố chủ trương tổ chức sơ tán theo khối. Các cơ quan sơ tán theo cơ quan, các trường học sơ tán theo trường, theo lớp. Cách thức như thế không làm cho các gia đình phải đôn đáo hay lo toan việc đi sơ tán sẽ thế nào với những thành viên trong gia đình. Cách thức này rất hay và linh hoạt. Ví dụ như cả lớp học cùng lên xe về lớp học ở nơi sơ tán, bố sơ tán theo cơ quan bố, mẹ sơ tán theo cơ quan mẹ...”.
Ông Trân cho biết thêm: “Thành phố đã chủ động cử cán bộ tỏa về các địa phương để cùng phối hợp thực hiện. Trong đó tập trung đưa người dân về tỉnh Hà Tây sơ tán vì về Hà Tây vừa gần lại không lo chuyện cầu phà. Cán bộ và nhân dân các địa phương rất tốt, đã tiếp nhận và lo chu đáo nơi ở, nơi học tập cho người dân Hà Nội”.
Những người có mặt trong chiều và tối 18-12-1972 sẽ không quên được hình ảnh từng dòng người nối nhau trong trật tự, đoàn xe nhịp nhàng hối hả ra khỏi nội thành. Mọi người đều nghiêm túc chấp hành lệnh sơ tán cho dù sau lưng họ là phố phường và những băn khoăn. Đến 21 giờ cùng ngày, công tác sơ tán đã cơ bản hoàn thành. Những người dân Thủ đô đêm hôm ấy từ nơi sơ tán nhìn về Hà Nội với bao lo lắng và rồi mọi người cùng nhảy lên reo hò khi thấy tên lửa của ta bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ cháy rực bầu trời Thủ đô...
NGUYỄN TRỌNG VĂN