Các nhân chứng và cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Phòng không-Không quân bên bệ phóng và tên lửa SA-75.

Bệ phóng và tên lửa SA-75 của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, từ năm 1966 - 1972, đã bắn rơi 25 máy bay hiện đại của Mỹ như F-105, F-4C, A-6A... Đặc biệt, trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”, 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, bệ phóng này đã bắn hạ 4 máy bay B52 của Mỹ, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Sau khi lập nhiều chiến công xuất sắc, nó được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Khách quốc tế, trong nước khi đến xem phần trưng bày ngoài trời của bảo tàng, nhiều người rất muốn biết về lịch sử chế tạo, nguồn gốc xuất xứ, chiến công của những người đã tham gia điều khiển bệ phóng này, đặc biệt về sự kiện bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B52, loại máy bay chiến lược được gọi là pháo đài bay của Mỹ trong “Trận Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12 năm 1972.

Để trả lời những câu hỏi của khách tham quan, sáng 4-7-2008, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tiến hành Hội nghị xác minh, bổ sung thông tin cho hiện vật bệ phóng tên lửa của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Lê Mã Lương. Kíp trắc thủ đến dự hội nghị có các đồng chí Đinh Thế Văn - nguyên Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Văn Đức - nguyên sĩ quan điều khiển, Đỗ Đình Tân - nguyên trắc thủ phương vị, Phạm Hồng Hà-nguyên trắc thủ cự ly, Nguyễn Văn Quyền - nguyên trắc thủ chuẩn bị đạn, Nguyễn Văn Đang - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, tham gia kíp trắc thủ… Tham dự hội nghị còn có cán bộ ở Cục kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân, Bảo tàng Phòng không-Không quân… Những tài liệu thu thập qua các nhân chứng cùng với những tài liệu nghiên cứu từ Lịch sử Trung đoàn 257, Lịch sử Sư đoàn phòng không Hà Nội, Cục kỹ thuật Quân chủng Phòng không- Không quân được trình bày tại hội nghị đã cung cấp nhiều thông tin thú vị.

Tên lửa phòng không SA-75 (Đvina) là loại tên lửa đất đối không thế hệ đầu tiên của Quân đội Xô-viết (phương Tây gọi là SAM-2), do Viện thiết kế tên lửa KB-1 nghiên cứu chế tạo năm 1953. Ngày 7-11-1957, tên lửa này xuất hiện trong lễ duyệt binh trên Hồng trường Mát-xcơ-va. Tên lửa được sử dụng lần đầu trong chiến đấu vào ngày 1-5-1960, tiêu diệt chiếc máy bay trinh sát chiến lược U-2 của Mỹ xâm phạm vùng trời Liên Xô ở độ cao gần 20km.

Ngày 7-2-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức đặt vấn đề với Liên Xô giúp Việt Nam tên lửa phòng không khi Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô do đồng chí Cô-xư-gin, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô dẫn đầu, sang thăm hữu nghị nước ta. Trong chuyến đi này, Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam bệ, đạn tên lửa, đủ trang bị cho 2 Trung đoàn tên lửa phòng không.

Tháng 4 năm 1965, toàn bộ khí tài trang bị tên lửa đã được chuyển đến Việt Nam an toàn bằng đường biển. Kể từ đó tên lửa SA-75 đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, nhất là trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Sau khi quân đội ta tiếp nhận khí tài, chỉ sau hai tháng rưỡi huấn luyện, tên lửa SA-75 đã xuất trận. Ngày 24-7-1965, hai Tiểu đoàn 63 và 64 (Trung đoàn 236), mỗi tiểu đoàn phóng 2 tên lửa đã bắn rơi tại chỗ chiếc F-4C của Mỹ. Ngày 24-7 ra quân đánh thắng trận đầu đã trở thành ngày truyền thống của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam. Dưới sự điều khiển của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, bệ phóng và tên lửa SA-75 này đã lập thành tích bắn rơi 25 máy bay của Mỹ từ năm 1966-1972, đặc biệt đã bắn rơi 4 máy bay B52 trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3-9-1973.

Bên bệ phóng và tên lửa SA-75, Tiểu đoàn trưởng và kíp trắc thủ năm xưa gặp nhau sau bao năm xa cách, người già nhất cũng gần 70, người trẻ nhất cũng gần 60, người nào người nấy mái đầu đã bạc trắng nhưng trông ai cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Họ hỏi thăm nhau chuyện gia đình, con cháu, chuyện rèn luyện sức khỏe và tham gia công việc xã hội ở địa phương, cách làm giàu cho gia đình… Cuộc hội ngộ diễn ra thật xúc động. Họ mừng vui vì đã góp một câu trả lời cho khách tham quan bảo tàng về lịch sử và chiến công của Tiểu đoàn tên lửa 77.

Bài và ảnh: TRẦN THANH HẰNG