Đôi nạng gửi cho đồng đội đã khuất
Mấy lần đặt vé máy bay lên Tây Nguyên để thăm đồng đội và viếng các nghĩa trang, nhưng vì dịch bệnh, mãi gần đây, tôi mới đi được. Chuyến đi này của tôi với mục đích: Hóa vàng đôi nạng cho Hoàng An, quê ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
An là chiến sĩ Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, Mặt trận 579, cùng đại đội với tôi. Cuối năm 1980, trong một lần đi làm nhiệm vụ, An vấp phải mìn của địch. Một bên chân của An giập nát, phải cắt bỏ. Chúng tôi đem chôn cái chân đó ở gần Bệnh xá sư đoàn. Nhưng vì vết thương quá nặng, đến chiều tối, An hy sinh. An được mai táng ở khu nghĩa trang của trung đoàn. Mấy năm sau, trung đoàn tổ chức bốc mộ, quy tập hài cốt của 53 chiến sĩ, trong đó có An về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai (Gia Lai).
    |
 |
Nhà văn Đoàn Tuấn viếng đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Ảnh: ĐOÀN CUNG |
Mãi đến năm 2007, khi thăm lại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai, thấy mộ An ở đó, tôi mới chợt nghĩ tới cái chân của An. Lúc chôn cất An, chúng tôi quên không lấy cái chân của An chôn cùng và lúc bốc mộ An, chẳng hiểu sao chúng tôi cũng quên. Tôi đã viết bài thơ “Tạ lỗi với Hoàng An”: “Lên nghĩa trang viếng bạn một ngày/ Mới nhớ về bàn chân An bỏ lại/ Bên mộ bạn, mình đặt đôi nạng vậy/ Hoàng An ơi! Hãy tha thứ cho mình...”.
Từ lời thơ và lời hứa làm cho đồng đội đôi nạng, lần này, đến viếng mộ bạn ở nghĩa trang, cùng với hương hoa, vàng mã, tôi còn hóa vàng đôi nạng cho An...
Đón các anh về đất mẹ
Đối với các cựu chiến binh Mặt trận 579, Thượng tá Võ Văn Sung, nguyên chiến sĩ Đoàn 5504 thuộc Tỉnh đội Thuận Hải (nay là hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) kết nghĩa với tỉnh Preah Vihear (Campuchia). Võ Văn Sung có hơn bốn mươi năm gắn bó với nước bạn, anh biết chữ, biết tiếng Khmer. Sau khi nghỉ hưu, anh định cư tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), tham gia cùng các Đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai), K53 (Bộ CHQS tỉnh Kon Tum) để tìm kiếm hài cốt chiến sĩ tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn.
Lên Gia Lai, chúng tôi được anh Võ Văn Sung hẹn đến dự lễ đón hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại các tỉnh Mondulkiri, Stung Treng, Preah Vihear (Campuchia)... về nước. Đúng hẹn với anh, tháng 5-2022, đoàn của anh Sung đưa hài cốt liệt sĩ về đến Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Dự lễ đón hài cốt liệt sĩ, trong tôi chợt bừng lên những ký ức. Đó là vào đầu năm 1982, tôi cùng các đồng đội đưa hơn 40 hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh ở Preah Vihear về nước. Đêm cao nguyên mưa xối xả. Khiêng đồng đội trong đêm mưa để an táng vào lòng đất mẹ, dù mệt, dù lạnh, nhưng vẫn cảm thấy vô cùng ấm áp. Các bạn Campuchia cũng gửi vòng hoa viếng. Trên vòng hoa là dải băng đen ghi bằng hai thứ tiếng. Ở trung tâm vòng hoa là những bông hoa đỏ xếp thành hình Quốc huy Campuchia với ba ngọn tháp biểu tượng. Vậy là các anh đã yên lòng khi trở về đất mẹ.
Hành trình tìm thông tin liệt sĩ
Từ Gia Lai, chúng tôi xuống Nha Trang. Cảm giác vừa vui vừa buồn lẫn lộn. Đi qua sân bóng trên bãi biển, hình dung hai cậu em Khải và Đạt, lính Tiểu đoàn 8. Đạt đi tuần. Vấp mìn. Rồi hy sinh. Mấy tháng sau, Khải đi gùi gạo trên Cam Tuất. Cũng vấp mìn và hy sinh. Tôi cùng đồng đội chôn cất hai em ở nghĩa trang tiểu đoàn. Năm sau, trung đoàn tổ chức bốc mộ. Đồng đội đưa hai em về. Từ đó, không biết hai em nằm đâu.
Tháng 4-1982, tôi được về Nha Trang tập huấn ở Đoàn 26. Tôi gọi cho anh Khả, đồng đội của tôi, nguyên là cựu chiến binh Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 94. Rồi được nghe anh kể về hành trình đi tìm thông tin liệt sĩ. Đó là một lần, anh Khả lên thăm Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Dạo đó, nghĩa trang còn sơ sài lắm. Anh Khả thấy một nấm mộ có tấm bia bằng tôn ghi tên liệt sĩ Nguyễn Đức Toán, quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) nhưng bị ghi nhầm là Hà Tĩnh. Anh liên hệ với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thanh Chương hỏi thông tin về liệt sĩ Nguyễn Đức Toán. Nhưng địa phương xác nhận không có liệt sĩ Nguyễn Đức Toán với thông tin như ghi trên tấm bia. Anh Khả lại tìm đến cơ quan chính sách của Quân khu 5 để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ Toán và cơ quan xác nhận có liệt sĩ cùng tên, nhưng quê ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, liệt sĩ Toán là chiến sĩ Sư đoàn 307. Quyết tìm đến cùng, anh Khả đến Ban Chính sách Sư đoàn 307 và xác nhận liệt sĩ Nguyễn Đức Toán quê ở Quảng Nam, không phải Nghệ An hay Hà Tĩnh. Mang theo giấy xác nhận của các địa phương, đơn vị, anh Khả đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai để tìm kiếm thông tin. Tra hồ sơ gốc do sở lưu giữ, anh Khả tìm thấy tên liệt sĩ Nguyễn Đức Toán, quê ở Quảng Nam. Thông tin trên bia mộ ghi sai quê quán của liệt sĩ.
    |
 |
Anh Nguyễn Văn Khả (ngồi giữa) viếng đồng đội hy sinh. Ảnh: ĐOÀN CUNG. |
Theo những thông tin thu nhận được, anh Khả tìm về quê liệt sĩ Nguyễn Đức Toán. Nhận được thông tin, gia đình liệt sĩ Toán rất cảm kích vì bao năm không biết mộ liệt sĩ ở đâu. Theo nguyện vọng của gia đình, anh Khả dẫn người thân liệt sĩ Toán đến nghĩa trang, liên hệ với địa phương làm các thủ tục đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà. Khi khai quật, hài cốt liệt sĩ còn nguyên trong túi nilon và tấm tôn ghi tên liệt sĩ Toán, đúng quê ở xã Điện An. Trong hài cốt còn có cả chiếc răng vàng, chứng minh đúng là của liệt sĩ Toán khi còn sống. Đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương, lễ an táng có đại diện chính quyền địa phương, gia đình, dòng tộc. Từ đó, hằng năm, cứ đến kỳ giỗ liệt sĩ Toán, gia đình liệt sĩ ở Quảng Nam lại mời anh Khả về dự.
Trả lại tên cho con
Ở Cam Lâm, một huyện ven biển của Khánh Hòa, có người lính tên Nguyễn Ngọc Hải. Quê Hải ở xã Cam Thành Bắc. Anh nhập ngũ và chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 712, Sư đoàn 309. Trước khi nhập ngũ, Hải có mối tình với cô thôn nữ gần nhà tên là Thuận. Và đặc biệt, Thuận đã mang trong mình giọt máu của Hải. Ở chiến trường, không rõ Hải đã biết chuyện này chưa? Chỉ biết rằng, sau khi anh hy sinh, chị Thuận sinh được một bé trai. Ông bà nội, tức bố mẹ Hải, rất quý cháu. Họ đặt tên cho cháu là Rụng. Nguyễn Rụng. Theo quan niệm dân gian, đặt tên xấu cho dễ nuôi.
Phải đến năm lên mười, Rụng mới được đi học ở trường làng. Các cán bộ xã góp ý, khi đi học, Rụng nên lấy tên khác. Cùng gia đình bàn bạc, họ quyết định đặt tên mới cho cháu là Nguyễn Ngọc Anh. Theo thời gian, Ngọc Anh lớn dần. Và chị Thuận quyết định đi bước nữa. Lúc đó, cha mẹ anh Hải cũng mất. Số tiền thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hải không được trao cho chị Thuận nữa. Theo lẽ đương nhiên, khoản tiền tuất được trao cho cháu Nguyễn Ngọc Anh. Nhưng các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh không có căn cứ nào để chứng minh Nguyễn Ngọc Anh là con của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hải. Khi làm giấy tờ cho cháu đi học, chỉ có 4 cán bộ xã xác nhận tên mới của cháu là Nguyễn Ngọc Anh. Giấy khai sinh của cháu vẫn là Nguyễn Rụng. Chính việc không đổi tên trong giấy khai sinh đã dẫn đến những khó khăn sau này. Biết chuyện, anh Khả lại tìm cách giúp.
Anh Khả lên huyện hỏi và được hướng dẫn phải chứng minh được Nguyễn Ngọc Anh chính là Nguyễn Rụng. Thế là anh Khả phải đi gặp từng cán bộ xã trước đây đã làm giấy xác nhận cho Nguyễn Ngọc Anh đi học. Trong 4 cán bộ xã ngày ấy, 1 người đã mất. Họ cùng xác nhận, Nguyễn Ngọc Anh chính là Nguyễn Rụng. Có chữ ký của 3 cán bộ xã, anh Khả xin dấu xác nhận của địa phương. Khi hoàn tất giấy tờ, thủ tục, cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đã chấp nhận và chuyển số tiền thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hải cho con trai là Nguyễn Ngọc Anh.
Dưới suối vàng, liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hải chắc cũng yên lòng.
Nhà văn ĐOÀN TUẤN