Thành công từ những năm tháng đầu tiên
Chưa đầy nửa năm sau Ngày thành lập (27-9-1976), Viện Kỹ thuật thông tin (KTTT), tiền thân của Trung tâm KTTTCNC (Binh chủng TTLL ngày nay), đã hoàn thành việc tiếp quản toàn bộ hệ thống thông tin thu được của Mỹ-ngụy sau giải phóng; tổ chức, bảo đảm đường trục TTLL Bắc-Nam; biên soạn hàng nghìn trang tài liệu hướng dẫn các đơn vị thông tin toàn quân quản lý, khai thác hiệu quả khí tài thông tin. Chúng tôi tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Diệp, nguyên Tư lệnh Binh chủng TTLL, người cách đây 46 năm từng dẫn đầu đoàn cán bộ của Binh chủng TTLL và Viện KTTT vào Trung tâm Viễn thông liên kết Sài Gòn nghiên cứu phương án khôi phục đường trục TTLL Bắc-Nam, phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.
Ông kể: “Tháng 10-1976, với cương vị Trưởng phòng Viễn thông của binh chủng chủ trì nhiệm vụ nhưng hầu như tôi không phải trực tiếp can thiệp vào công việc mà đội ngũ cán bộ của Viện KTTT đang thực hiện. Họ đều là những người tâm huyết, giỏi chuyên môn nên tôi hoàn toàn yên tâm. Không phụ sự kỳ vọng, chưa đầy hai tuần lễ, anh em đã hoàn thành phương án khôi phục hệ thống kiểm soát nội bộ (ICS) tuyến Sài Gòn-Huế, lắp đặt hệ thống nối từ Huế tới Hà Nội và hoàn thành kịp tiến độ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV diễn ra thành công có phần đóng góp lặng thầm của những người lính thông tin”.
Còn đồng chí Đỗ Mạnh Lộc, nguyên Phó viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Viện KTTT thì cho biết: “Ngay sau khi thực hiện nhiệm vụ trên, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị thông tin phía Nam nhanh chóng tiếp quản hệ thống thông tin thu được của địch; nghiên cứu, khai thác nhiều loại khí tài trong hệ thống viễn thông liên kết ở miền Nam; tổ chức kết nối với hệ thống TTLL ở miền Bắc, tạo thành đường trục TTLL quân sự chiến lược Bắc-Nam. Tiếp đó, tháng 6-1977, chiếc máy phát 50W-P50 đầu tiên do Viện KTTT cùng với Nhà máy Thông tin M1 (nay là Công ty TNHH MTV Thông tin M1, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội) lắp ráp thành công. Qua nhiều lần hiệu chỉnh, thử nghiệm, máy đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế và được Bộ Quốc phòng cho phép đưa vào sản xuất để trang bị cho các đơn vị thông tin. Công trình nghiên cứu, sản xuất máy P50 sau đó đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba”.
Nhiều lần đến Trung tâm KTTTCNC dự các cuộc gặp mặt truyền thống, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với những cán bộ từng công tác, gắn bó với đơn vị. Trong câu chuyện của họ luôn là niềm đam mê cháy bỏng với nghiên cứu khoa học và mong muốn xây dựng đơn vị ngày càng phát triển toàn diện. Các đồng chí nguyên lãnh đạo viện như Nguyễn Tất Hiển, Hoàng Quang Linh, Nguyễn Quang Tuệ... dù đều đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn quan tâm, dõi theo từng bước trưởng thành của trung tâm.
Với họ, kỷ niệm về những lần tham gia đoàn công tác sang giúp bộ đội thông tin nước bạn Lào xây dựng trung tâm thông tin quân sự tại thủ đô Vientiane, hay khoảng thời gian hơn 5 năm kiên trì nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt thiết bị đồng bộ, hoàn chỉnh tổng trạm thông tin Bộ Quốc phòng Campuchia tại thủ đô Phnom Penh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ huy của Quân đội Hoàng gia Campuchia sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt sau ngày đất nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot... luôn còn mãi trong ký ức.
“Đó là những năm tháng lập công đầy tự hào của chúng tôi. Tuy nguồn nhân lực mỏng, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, song cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị thông tin hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”-Đại tá Hoàng Quang Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm KTTTCNC cho biết.
Say mê nghiên cứu, chiếm lĩnh những đỉnh cao
Những ngày này, đến Trung tâm KTTTCNC, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc, thi đua sôi nổi ở khắp các phòng, ban hướng tới ngày truyền thống của đơn vị. Được biết, hiện nay trung tâm sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao với 5 Tiến sĩ, 47 thạc sĩ, hơn 70% quân số là kỹ sư. Nhiều cán bộ là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực viễn thông quân sự. “Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm TTLL trong tình hình mới và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin thì lĩnh vực TTLL quân sự vẫn phải tìm cho mình một hướng đi riêng. Cùng với việc tham gia tổ chức quy hoạch mạng lưới, trang bị thông tin, trung tâm đã chủ động đề xuất tham mưu cho binh chủng về chiến lược đổi mới, hiện đại hóa hệ thống TTLL quân sự, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng số hóa, tự động hóa, phù hợp với thế bố trí chiến lược mới của toàn quân”-Đại tá Hồ Xuân Hổ, Giám đốc Trung tâm KTTTCNC khẳng định.
Còn nhớ, khi đất nước thống nhất cũng là thời điểm đơn vị mới được thành lập, bằng sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, chỉ trong chưa đầy hai năm, mạng chuyển mạch quân sự ở 3 trung tâm Hà Nội-Đà Nẵng-TP Hồ Chí Minh đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Đây là chiến công đầu tiên của đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật Viện KTTT và Binh chủng TTLL, tạo tiền đề, cơ sở vững chắc tiếp tục tham gia lắp đặt, triển khai hệ thống tổng đài điện tử kỹ thuật số cấp chiến dịch, chiến thuật những năm sau này.
Thực tế sau 46 năm xây dựng và trưởng thành, trước không ít khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ, kỹ sư, chiến sĩ của trung tâm đã nỗ lực vượt qua để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của trung tâm công nghệ cao, đầu ngành kỹ thuật TTLL. Từ các đồn biên phòng nơi rừng núi đến các đảo, nhà giàn nơi biển cả xa xôi, ở đâu có trang bị KTTTCNC, ở đó có dấu chân của những người lính kỹ sư thuộc trung tâm. Một trong những thành tích tiêu biểu mà họ đạt được thời gian qua phải kể đến kết quả của việc hoàn thành các giai đoạn của dự án VINASAT-thành phần Bộ Quốc phòng mà đơn vị tham gia từ năm 2007.
Bằng tinh thần chủ động từ khâu tư vấn, thiết kế, triển khai mạng lưới, cán bộ, nhân viên trung tâm đã triển khai lắp đặt thành công Trung tâm điều khiển đầu tiên (A98) mà không phải phụ thuộc vào các hãng cung cấp và chuyên gia nước ngoài. “Đến nay, trung tâm đã chủ trì phối hợp cùng với lực lượng thông tin toàn quân triển khai lắp đặt hơn 500 trạm VSAT đầu cuối ở các đơn vị làm nhiệm vụ nơi vùng sâu, vùng xa, các đảo, điểm đảo, nhà giàn DK1, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển và các đơn vị làm nhiệm vụ cơ động, giúp người chỉ huy nắm và xử lý kịp thời những tình huống xảy ra”-Đại tá Hồ Xuân Hổ cho biết thêm.
    |
 |
Tích cực nghiên cứu, sửa chữa các trang thiết bị thông tin để chủ động bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Ảnh: NAM TIẾN |
Những năm qua, trung tâm đã kịp thời nắm bắt các vấn đề kỹ thuật và công nghệ mới của TTLL quân sự trong khu vực và trên thế giới để hoàn thiện cũng như tạo những bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ. Từ việc tự nghiên cứu modul, bảng mạch phục vụ sửa chữa đến sản xuất, hoàn chỉnh trang thiết bị thay thế. Đặc biệt, nhiều sản phẩm công nghệ cao ra đời từ trung tâm hiện nay đã hoàn thiện quy trình, bảo đảm cung cấp theo đặt hàng của nhiều cơ quan, đơn vị. Mười năm qua, Trung tâm KTTTCNC đã nghiên cứu thành công 23 đề tài khoa học kỹ thuật (trong đó có 15 đề tài cấp Bộ Quốc phòng), 9 nhiệm vụ, công trình nghiên cứu cấp cơ sở.
Tham gia Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội, năm nào cán bộ của trung tâm cũng giành được giải thưởng cao. Theo Đại tá Trần Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên trung tâm, yếu tố con người được đơn vị xác định là nhân tố cốt lõi để giải quyết những “bài toán khó” trong công tác. Cùng với khuyến khích cá nhân tự học, trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, các lớp tập huấn, cử đi đào tạo ở nước ngoài... để cán bộ, nhân viên kỹ thuật được tiếp cận với công nghệ nền tảng, công nghệ mới. Từng phòng, ban chuyên môn cũng chính là nơi đào tạo, rèn luyện và nhân lên những tài năng ở trung tâm.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết thêm, hầu hết cán bộ sau khi ra trường về trung tâm công tác sẽ được thử thách một thời gian ở các phòng bảo đảm kỹ thuật để nắm vững hệ thống, nếu có tố chất sẽ đưa về các phòng nghiên cứu. Người đi trước kèm cặp, bồi dưỡng người đi sau. Đại úy Phan Văn Khấn, nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu công nghệ viễn thông là người từng trải qua quy trình “sàng lọc” ấy.
Năm 2016, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, Phan Văn Khấn về trung tâm công tác. Hai năm sau, anh được điều chuyển về Phòng Nghiên cứu công nghệ viễn thông theo nguyện vọng. Được phát huy đúng sở trường, chỉ một năm sau, năm 2019, anh đã cùng đồng đội tham gia và đoạt giải nhất Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội. Từ đó đến nay, hàng loạt đề tài khoa học, sản phẩm mang tính ứng dụng cao do anh chủ trì đã được đưa vào sản xuất loạt “0”.
Nhưng điều anh vui hơn cả chính là được làm việc trong môi trường dân chủ, năng động: “Hằng tuần, phòng chúng tôi đều tổ chức hội thảo khoa học, giống như một buổi huấn luyện, đào tạo nội bộ với sự tham gia của các chuyên gia ở trong và ngoài đơn vị. Tại đây, tất cả vướng mắc liên quan đến các nội dung đang triển khai; các ý tưởng, đề tài mới... đều được anh em đưa ra trao đổi, tìm cách tháo gỡ hay gợi mở hướng triển khai. Với cách làm này, các cán bộ trẻ chúng tôi có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, trăn trở của mình, từ đó thêm tâm huyết, đam mê công việc và gắn bó với đơn vị, đồng thời vươn lên giành những đỉnh cao trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ TTLL”-Đại úy Phan Văn Khấn bày tỏ.
TUẤN TÚ - MINH AN