QĐND - "Anh đã dành những năm tháng trong cuộc đời trong sáng và thanh bạch của mình cho sự nghiệp cách mạng của quân đội, của nhân dân, của Đảng. Thương yêu đồng chí và đồng đội, gần gũi bạn bè, hết lòng dìu dắt thế hệ trẻ, anh đã hoàn thành sứ mạng trên mọi cương vị…” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá như vậy về cụ Hoàng Đạo Thúy-người đầu tiên áp dụng phương pháp giáo dục hướng đạo và trở thành huynh trưởng của phong trào hướng đạo Việt Nam. Ông cũng đồng thời là người có công đầu trong việc tạo dựng và phát triển ngành thông tin liên lạc (TTLL) quân sự và được coi là người anh cả của Bộ đội TTLL...
Xây dựng nền móng TTLL quân sự
Tháng 6-1945, bị phát xít Nhật truy nã, ông được đồng chí Trần Quốc Hoàn và Hà Huy Giáp bí mật đưa lên chiến khu gặp Bác Hồ và được tham gia Quốc dân Đại hội Tân Trào. Khi chính phủ cách mạng lâm thời thành lập, ông chính thức gia nhập quân đội, dù lúc này đã 45 tuổi. Ông đã thể hiện vai trò nổi trội trong nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Nhưng có lẽ, đóng góp lớn nhất, dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là khi ông được giao trách nhiệm tổ chức hệ thống thông tin quân sự với cương vị là Trưởng phòng rồi Cục trưởng Cục TTLL đầu tiên.
|
Cụ Hoàng Đạo Thúy (bên phải).
|
Trong hồi ký của mình, ông đã kể lại việc đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp và giao nhiệm vụ phải tổ chức ngay, thật sớm mạng liên lạc riêng cho quân đội. Ông viết: “Tôi nhận nhiệm vụ ngay, không chần chừ chút nào, cũng quên chẳng hỏi đồ đạc máy móc được trao cho là những gì. Mà thế là phải, vì hồi ấy mà đặt câu hỏi như vậy thì ngớ ngẩn quá đi mất. Chỉ xin đoàn thể cho thêm vài đồng chí để cùng làm”. Còn ông Lê Dung, một trong những người được đoàn thể cử đến “cùng làm” vẫn ấn tượng về ông từ buổi gặp đầu tiên: “Tôi và anh Vũ Hán Thăng bước vào căn phòng chính giữa, đầu cầu thang, nơi Trưởng phòng Hoàng Đạo Thúy đang ngồi làm việc. Thấy chúng tôi, ông nhanh nhẹn đứng dậy, thân tình bắt tay và giao việc luôn: “Hai anh lo việc liên lạc vô tuyến điện. Còn liên lạc chân, trao cho anh Vũ Quang. Mật mã trao anh Quang Đạm. Liên lạc điện thoại để tôi lo”. Nhiệm vụ thì lớn lao, bàn việc thì thật ít lời, phân công thì rõ ràng, đối đãi thì thân tình, cởi mở. Cái buổi đầu ấy đã nạp cho tôi tình cảm sâu sắc và niềm tin tuyệt đối vào người anh, người thầy, thủ trưởng của mình…”.
|
GS, TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính kể chuyện về cụ Hoàng Đạo Thúy. Ảnh Trần Tuấn. |
Trong những ngày đầu bộn bề khó khăn ấy, Trưởng phòng Hoàng Đạo Thúy vừa phải lo tổ chức lực lượng, vừa phải tìm kiếm phương tiện, máy móc. Ông đề nghị Bộ Tổng Tham mưu điều động bộ điện đài 20W và bộ máy thu, phát MK2 về Phòng TTLL. Đồng thời, sử dụng các cơ sở liên lạc ta vừa thu được, tiến hành cải tiến cho phù hợp để phục vụ ngay cho nhiệm vụ quân sự. Trong tổ chức lực lượng, Hoàng Đạo Thúy không chỉ chăm lo đào tạo, tuyển lựa cán bộ, nhân viên “của ta”; ông còn sử dụng một số cựu binh sĩ yêu nước, có tinh thần cách mạng, từng làm hiệu thính viên do Pháp đào tạo... Những “vốn liếng” ban đầu đó đã góp phần bảo đảm TTLL cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng chỉ huy sau ngày cách mạng thành công và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Một thời gian, theo yêu cầu của Bác Hồ, Hoàng Đạo Thúy chuyển sang công tác quan trọng khác, cuối năm 1949, ông trở lại quân đội tiếp tục làm thông tin, lần này gọi là Cục TTLL. Trước yêu cầu của tình hình mới, ông cùng lãnh đạo cục đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ, huấn luyện nhân lực làm kỹ thuật vô tuyến, hữu tuyến. Ông tự viết tài liệu về nguyên tắc tổ chức TTLL trong chiến đấu, đưa ra giảng dạy, thu thập ý kiến của học viên từ chiến trường về học để chỉnh lý cho phù hợp. Chỉ sau nửa năm, hoạt động của cục đã có hình hài, nền nếp…
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy đầu tư xây dựng hệ thống TTLL quân sự chuẩn bị bước vào cuộc đối đầu lịch sử với quân đội Mỹ. Lực lượng trực thuộc từ quy mô đại đội, tiểu đoàn đã phát triển đến trung đoàn cho cả chuyển đạt hữu tuyến, vô tuyến. Ông quan niệm: TTLL không bao giờ làm được một mình. Liên lạc ít nhất cùng phải có hai người ở hai chỗ. Thế nên đoàn kết là đức tính đầu tiên của ngành. Một tập thể thông tin gồm những người có thể không gặp nhau bao giờ, mà tin nhau, mà đoàn kết. Gọi là lên, đến là gặp. Chính vì lẽ vậy, trong quản lý cán bộ, nhân viên, ông luôn lấy tri thức và tình cảm yêu quý con người để đối đãi, biết phân biệt sức già, công trẻ giao việc đúng người, truyền cảm sự tin cậy, gây hưng phấn cho họ. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, bằng uy tín và khả năng của mình, Hoàng Đạo Thúy đã xây dựng nền móng cho hệ thống TTLL quân sự. Ông là người thầy, người anh cả của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thông tin.
Vĩ thanh cuộc đời
Chúng tôi tìm gặp GS, TS, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, con trai của cụ Hoàng Đạo Thúy đúng dịp ông đang phối hợp cùng bạn bè, học trò của cha mình tập hợp tài liệu để xuất bản một ấn phẩm tổng hợp các bài viết, hồi ký của cụ về Bộ đội TTLL. Vừa giở những quyển sách đã sờn và lớp giấy cũ vàng chứa đựng bao tâm huyết của cụ, ông kể cho chúng tôi nghe về một người cha Hoàng Đạo Thúy sống giản dị, chân tình, được cán bộ, chiến sĩ rất yêu mến. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính kể: “Năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn ra, tôi được Nhà nước cử đi học ở Trung Quốc. Đêm ấy, ông đi chỉnh huấn về, cưỡi ngựa về nhà chào mọi người để đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, mới biết con mình được cử sang Trung Quốc học”.
|
Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy tại Đại hội Đảng bộ Cục TTLL năm 1961. Ảnh do gia đình cung cấp.
|
Chính vì quá mải mê đến công việc nên cụ Hoàng Đạo Thúy không có nhiều thời gian bên gia đình. Bà Hoàng Hương Liên, con gái thứ của cụ, nguyên là chiến sĩ báo vụ của Đội Vô tuyến cơ động 101, dù làm việc ngay trong cục, có khi chỉ cách nhau vài bước chân mà cha con chẳng mấy khi có dịp gặp để trò chuyện. Dù vậy, cụ luôn ủng hộ những quyết định của các con và mong các con hết lòng phục vụ cách mạng. Bà Liên nhớ lại: “Năm 1949, 15 tuổi, tôi muốn vào bộ đội nên có gặp xin ý kiến cụ. Cụ nhất trí và còn dặn tôi “nếu ai hỏi con nhớ khai là 17 tuổi rồi nhé” (hồi ấy, con gái phải 17 tuổi mới được nhập ngũ-TG).
Từ một nhà giáo, khi đến với cách mạng, cụ Hoàng Đạo Thúy đã được Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao rất nhiều trọng trách: Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1, khóa 1 và 3); Cục trưởng Cục Công binh; Cục trưởng Cục Quân huấn... Sau khi về hưu, cụ trả lại mọi thứ Nhà nước cấp và về sống đạm bạc trong căn nhà nhỏ ở làng Ngọc Hà, Hà Nội. Theo lời kể của các con thì dù về hưu, cụ Hoàng Đạo Thúy vẫn không cho mình ngơi nghỉ. Mảnh sân trước hiên nhà, cụ tự trồng rau để ăn, trồng hoa để ngắm. Cụ vẫn mê mải viết sách và chăm chỉ đọc báo, nghe đài hằng ngày để cập nhật thông tin và không xa rời thời cuộc. Cụ sống giản dị, tiết kiệm đến mức chiếc áo sờn rách hay thắt lưng da bị đứt cũng tự tay khâu lấy. Cụ tằn tiện để dành số tiền 1 triệu đồng mỗi năm ủng hộ Hội Người mù Việt Nam.
Những năm cuối đời, 16 năm trời cụ tự mình chăm sóc người vợ bị đau ốm. Bà Liên kể: “Cả một đời vợ chồng gắn bó, khi mẹ tôi mất, cha tôi vẫn luôn đau đáu. Hằng ngày, trước khi uống cà phê sáng, bao giờ ông cũng rót ra một chén đặt lên bàn thờ mẹ tôi. Tính ông rất dứt khoát. Tôi nhớ khoảng năm 1980, trong một lần ông bị ốm nặng, phải nhập viện, bác sĩ kết luận ông bị viêm phổi do chất ni-cô-tin của thuốc lá. Cha tôi có thói quen dùng píp hút thuốc tròn 60 năm rồi nên các bác sĩ chỉ dám dặn ông cần hạn chế. Thế mà ông cụ quyết định bỏ luôn píp thuốc vào ngăn kéo, từ đó không bao giờ sử dụng nữa”.
Cả cuộc đời cụ Hoàng Đạo Thúy đi theo sự nghiệp cách mạng. Cụ không có gia tài đồ sộ để lại cho con cháu ngoài “tấm giấy giới thiệu” là danh thơm của cụ. Và lời dặn trong bức di thư cuối cùng được tìm thấy gần một tháng sau ngày cụ mất: “Cả cuộc đời của bố mẹ là một lời dặn các con và các cháu chữ “trung, hậu”. Trung với nước, với công việc. Hậu với bà con, với đồng bào. Các con, các cháu giữ nếp trung hậu sẽ có được hạnh phúc và thắng lợi…”.
TRANG THANH