Lập công trong chiến đấu
Để hiểu rõ hơn về truyền thống vẻ vang của đơn vị, chúng tôi đến gặp Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 316, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, tại nhà riêng của ông ở phố Lưu Hữu Phước, TP Hà Nội. Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm là người trưởng thành từ chiến sĩ và gắn bó nhiều năm liền với Sư đoàn 316. Ông cho biết: “Đại đoàn 316 được thành lập ngày 1-5-1951, sau năm 1954 trở thành Sư đoàn 316. Kể từ khi ra đời, đơn vị có những nét độc đáo với nhiều cái “nhất” như: Là một trong những đơn vị ra đời sớm nhất; tham gia chiến đấu trên các chiến trường nhiều nhất; làm nhiệm vụ quốc tế sớm nhất; đơn vị triển khai kết hợp kinh tế với quốc phòng sớm nhất; có nhiều thành tích tiêu biểu nhất. Những cái “nhất” nêu trên đã góp phần viết nên truyền thống “Trung thành, tự lực, đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, chiến thắng” của Sư đoàn. Sư đoàn 316 đã vinh dự đón nhận nhiều danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng như: Anh hùng LLVT nhân dân; Huân chương Hồ Chí Minh; 17 tập thể, 23 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”...
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nhớ lại: “Trong trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (tháng 3-1975), tôi là Thượng úy, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Hơn 10 giờ ngày 10-3-1975, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Trì (sau này là Đại tá, Phó tham mưu trưởng Quân khu 2) giao nhiệm vụ cho tôi và Phó tham mưu trưởng Trung đoàn dẫn xe tăng cùng Tiểu đoàn 4 trên hướng chủ yếu của Trung đoàn. Để giữ bí mật hướng tiến công cho xe tăng, lực lượng công binh của ta đã cưa ngang ba phần tư gốc cây, khi xe tăng cơ động vào chiến đấu mới húc đổ cây. Tôi nhảy lên trên nóc xe tăng để dẫn đường. Vào đến cửa mở, xe tăng cùng bộ binh đồng loạt xung phong, nã đạn pháo liên tục khiến quân địch hoảng loạn bỏ chạy. Đêm 21-3, theo lệnh của trên, Trung đoàn 148 cử đồng chí Nguyễn Huy Nguyên là Phó trung đoàn trưởng và tôi đi cùng Tiểu đoàn 6 được tăng cường một tiểu đoàn lựu pháo 122mm của Trung đoàn Pháo binh 187 cơ động bằng ô tô, khẩn trương vào đánh chiếm, giải phóng thị xã Gia Nghĩa khi địch đang hoảng loạn và có ý đồ rút chạy. Sau đó, cùng với các đơn vị bạn, Tiểu đoàn 6 nổ súng đánh chiếm, giải phóng thị xã Gia Nghĩa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi nhanh chóng bàn giao lại cho trung đoàn địa phương tiếp quản và quay về đội hình của Trung đoàn 148 nhận nhiệm vụ mới...”.
Khi chúng tôi đề cập đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm giọng sôi nổi: “Ngày 3-4-1975, cùng các đơn vị Sư đoàn 316 trong đội hình Quân đoàn 3, Trung đoàn 148 được lệnh hành quân vào vị trí tập kết tại Trảng Bàng (Tây Ninh). Từ ngày 13 đến 18-4, Trung đoàn 148 bắt đầu đánh chia cắt quân địch trên Quốc lộ 22, thực hiện quyết tâm không cho Sư đoàn 25 ngụy từ Tây Ninh về co cụm ở Sài Gòn. Thời gian này, quân ta đánh địch từ cầu Bầu Nâu, Trà Võ đi Bến Mương thuộc địa bàn Trảng Bàng, buộc chúng phải co cụm và giam chân tại chỗ. Từ ngày 28 đến 29-4, một số lực lượng địch đã ra hàng, tôi được chỉ huy Trung đoàn 148 giao nhiệm vụ tiếp nhận lực lượng hàng binh địch. Sáng 30-4, tôi xuống Tiểu đoàn 4 nắm tình hình, được biết địch đã ra hàng rất đông và ngồi dọc theo Quốc lộ 22, hướng từ Tây Ninh về. Lúc này, Trung đoàn 148 được lệnh thu gom lực lượng hàng binh địch để bàn giao cho các đơn vị ở phía sau... Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đầu tháng 5-1975, cấp trên cử tôi làm đoàn trưởng, chỉ huy gần 150 cán bộ, chiến sĩ đi làm công tác vận động quần chúng trong khoảng 3 tháng, có nhiệm vụ cải tạo ngụy quân, ngụy quyền và xây dựng, củng cố chính quyền địa phương ở 3 xã thuộc huyện Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)...”.
Luôn có mặt ở nơi gian khó, hiểm nguy
Những năm chiến tranh, Sư đoàn 316 đã lập nhiều chiến công vẻ vang, phát huy truyền thống đó, trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn là một trong những đơn vị luôn có mặt sớm nhất ở những nơi gian khó, hiểm nguy nhất. Điển hình gần đây, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đột xuất, giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) xảy ra những ngày đầu tháng 9-2024.
Là người trực tiếp có mặt tại hiện trường cơn bão số 3, Thượng tá Nguyễn Trí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316 nhớ lại: “Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 2, trưa 9-9-2024, Sư đoàn 316 đã huy động hơn 1.800 cán bộ, chiến sĩ cùng với 44 xe ô tô, 5 xuồng cứu hộ và các trang thiết bị khác của đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả cơn bão tại địa bàn huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), các huyện Yên Bình, Trấn Yên, TP Yên Bái (Yên Bái), huyện Bảo Yên (Lào Cai). Khi đó, tôi là Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316, trực tiếp cùng 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 nhanh chóng cơ động có mặt để cùng phối hợp với LLVT địa phương tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để tìm kiếm nạn nhân sau trận lũ quét”.
Tay lật giở từng trang ảnh trong cuốn nội san “Ký ức Làng Nủ” do cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 phát hành trong nội bộ đơn vị, Trung tá Lương Vĩnh Phúc, Phó chính ủy Trung đoàn 98 xúc động kể: “Rạng sáng 11-9, Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng và tôi chỉ huy 300 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng khoác ba lô, choàng áo mưa cơ động dưới mưa tầm tã. Hơn 10 giờ, đơn vị chia làm hai hướng, một hướng do Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Ba chỉ huy bộ đội cơ động bằng ô tô theo đường xã Lương Sơn (Bảo Yên), cách thôn Làng Nủ khoảng 3km. Một hướng do tôi chỉ huy bộ đội hành quân bộ theo Quốc lộ 70, dọc Sông Chảy, khoảng 13 giờ cùng ngày, chúng tôi có mặt ở Thủy điện Phúc Long. Sau bữa ăn tạm, chúng tôi tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm nạn nhân mất tích và tìm kiếm ngược theo bờ suối nước cuộn chảy ngược lên 7km tới Làng Nủ. Ngày hôm ấy, tại khu vực cống của thôn Làng Nủ, tôi chỉ huy lực lượng của Tiểu đoàn 8, khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ đã tìm kiếm được 5 thi thể nạn nhân, trong đó có một nạn nhân bị cây đè ở dưới ao rất sâu, không thể bơi tới để vớt được. Khi thấy ở gần đó có máy múc, tôi cho hai chiến sĩ ngồi lên gầu máy múc để kéo, vớt nạn nhân đó lên bờ...”.
Chung cảm xúc với Phó chính ủy Lương Vĩnh Phúc, Trung úy Hà Thanh Phương, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, tiếp lời: “Tôi không bao giờ quên hình ảnh chiến sĩ Thào Mí Lình tuy giẫm phải đinh, chảy rất nhiều máu nhưng vẫn cố gắng cùng đồng đội ở lại hiện trường để tìm kiếm nạn nhân. Lúc vết thương quá nặng, đơn vị phải chuyển chiến sĩ Lình về điều trị tại Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2). Ngồi trên xe lăn, Lình bật khóc vì không thể cùng đồng đội ở lại giúp bà con. Lúc ấy, Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Ba cũng không nén nổi xúc động, anh bảo Lình: “Em cứ yên tâm đi viện điều trị, ở đây, anh và đồng đội sẽ làm thay em, làm hết mình vì nhân dân Làng Nủ...”.
Những năm qua, để kịp thời động viên bộ đội sau những đợt huấn luyện hay thực hiện nhiệm vụ đột xuất, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 316 cũng như các đơn vị trực thuộc đã có thư khen gửi thân nhân gia đình cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu. Đây là cách làm hay của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, vừa ghi nhận thành tích xuất sắc, vừa động viên bộ đội tiếp tục phát huy truyền thống để lập nhiều thành tích, chiến công mới.
NGUYỄN KIÊN THÁI