Thực tế cho thấy, mỗi khi Việt Nam đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt, các trí tuệ lớn đều gặp nhau ở ý tưởng phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời chính là lời hiệu triệu thúc giục lòng yêu nước, tinh thần thi đua ái quốc của mỗi người dân Việt Nam, là động lực to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết giành chiến thắng trên mọi mặt trận.

Một điều cần khẳng định: Ý tưởng về phong trào thi đua ái quốc đã được Hồ Chí Minh “thai nghén” khá lâu trước khi chính thức ra lời hiệu triệu. Bằng chứng là trong tác phẩm Đời sống mới (tháng 3-1947), Người cho rằng, cách thức tốt nhất để xây dựng đời sống mới là tổ chức thi đua. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông (năm 1947) của quân và dân ta đã chứng tỏ rằng: Với lòng yêu nước quật cường, nhân dân Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm cho Pháp bại trận.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu Quân đội tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tháng 12-2020. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tuy nhiên, để giành thắng lợi cuối cùng, ta cần nâng cao sức mạnh về mọi mặt. Trong hoàn cảnh thiếu hụt nghiêm trọng về điều kiện vật chất, Hồ Chí Minh đề xuất sáng kiến tổ chức phong trào thi đua ái quốc để phát huy sức mạnh tinh thần mà Việt Nam vốn có. Tán thành ý kiến của Người, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc.

Là lãnh tụ, mỗi lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức thuyết phục to lớn, nên ngày 11-6-1948, Người trang trọng tuyên bố Lời kêu gọi thi đua ái quốc để chính thức mở ra ở nước ta cuộc vận động thi đua ái quốc. Người đã nói là làm, đã “phát” là “động” một cách bền bỉ. Trong những năm sau đó, Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi và có những bài nói, bài viết kịp thời để động viên, thúc đẩy phong trào thi đua ái quốc. Người đã 4 lần dự đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc và còn tham dự hơn 20 đại hội thi đua của các lực lượng, địa phương trong cả nước. Về mặt tác phẩm, từ khi chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc cho đến khi qua đời, Hồ Chí Minh có khoảng 200 bài viết đề cập đến chủ đề thi đua ái quốc. Tất cả nói lên rằng: Thi đua ái quốc là nét đặc sắc của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc - một trong rất nhiều tác phẩm bàn về chủ đề thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh-dù chỉ có hơn 400 từ nhưng đã kết tinh những nội dung cốt lõi của một tư tưởng lớn. Vì vậy, tác phẩm hàm chứa những sức mạnh đặc biệt.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc có sức mạnh của một phát kiến vĩ đại: Kết hợp truyền thống văn hóa Việt Nam với phương pháp cách mạng hiện đại. Công cuộc dựng nước, giữ nước gian khổ của dân tộc Việt Nam đã nâng lòng yêu nước-một sắc thái tình cảm, trở thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam-một khái niệm bao gồm cả lòng yêu nước, ý chí giữ nước, tri thức giữ nước và hệ lý luận về lòng yêu nước. Nó chính là dòng chủ lưu của văn hóa Việt Nam, nên Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Nếu dùng từ “đạo” với nguyên nghĩa của nó là “đường”, là hướng đi thì chủ nghĩa yêu nước đích thực là đạo Việt Nam”.

Để giáo dục cán bộ lòng tin vào nhân dân, Hồ Chí Minh phân tích: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công cuộc yêu nước, công cuộc kháng chiến”. Theo Người, phương tiện chủ đạo để đạt mục đích đó chính là phát động phong trào thi đua yêu nước. Thi đua sẽ biến lòng yêu nước trong mỗi con người thành hành động, thúc đẩy họ nâng cao nhiệt tình cách mạng, phát huy sáng kiến để làm mọi việc tốt hơn, cống hiến cho đất nước nhiều hơn. Vì thế, “thi đua là cách yêu nước thiết thực và tích cực”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc có sức mạnh của một chương trình hành động đầy tính khoa học. Phong trào thi đua ái quốc là phong trào của đông đảo quần chúng nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để nhân dân hiểu rõ và hành động đúng, trong tác phẩm này, Hồ Chí Minh đã đề ra một chương trình hành động hết sức khoa học bao gồm mục đích, phương pháp, nhiệm vụ, lực lượng thực hiện, ý nghĩa phong trào... theo tinh thần “dựa vào dân để vì dân”. Bằng cách này, Người đã biến một tư tưởng chính trị thành một phong trào thực tế, biến cái “quốc sự” thành cái “dân sự”, biến lòng yêu nước mang tính trừu tượng thành công việc thường nhật để ai cũng có thể tham gia.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc có sức mạnh từ uy tín của người khởi thảo tác phẩm-nhà ái quốc vĩ đại Hồ Chí Minh. Khi còn trẻ, Người đã công khai tuyên bố tên mình là Nguyễn Ái Quốc. Cùng với thời gian, lòng yêu nước của Người ngày càng lớn lên và có nhiều điểm vượt trội so với chủ nghĩa yêu nước truyền thống. Với Hồ Chí Minh, yêu nước là trân trọng truyền thống yêu nước và ý chí giải phóng dân tộc của ông cha, nhưng vẫn nhận ra những điểm hạn chế của nó để tìm cách khắc phục; yêu nước gắn liền với yêu dân nên Người không chỉ ham muốn cho “nước ta được hoàn toàn độc lập” mà còn mong muốn “nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”; yêu nước mình và tôn trọng nước người, thương dân mình và cũng yêu thương toàn nhân loại... Năm 1949, Hồ Chí Minh tuyên bố với các nhà báo quốc tế: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi”. Ở Hồ Chí Minh còn có một hệ thống lý luận độc đáo về lòng yêu nước, trong đó tư tưởng thi đua yêu nước là một bộ phận cấu thành. Vì thế, có thể khẳng định rằng: Thực sự có một chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, cái làm nên tầm vóc một lãnh tụ chính là tư tưởng, tầm nhìn, nhưng cái làm nên sự lan tỏa của tư tưởng lại là đạo đức, văn hóa làm người. Với một dân tộc giàu lòng yêu nước, trọng đạo nghĩa như Việt Nam, Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của chân lý và đạo lý. Lời kêu gọi thi đua ái quốc có sức thuyết phục to lớn, sức mạnh kỳ diệu là nhờ nhân cách cao cả và uy tín đặc biệt của người khởi thảo.

leftcenterrightdel

Biểu dương các chiến sĩ bắn giỏi ở Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 12, tháng 5-2024. Ảnh: MINH TÚ

Lời kêu gọi thi đua ái quốc có giá trị thực tiễn to lớn khi đã tạo dựng nên một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp và lâu bền trên đất nước ta. Các phong trào: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Mùa đông binh sĩ”... đã tạo ra sức mạnh vật chất và tinh thần để làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong giáo dục, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên và Phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời hiện đại.

Nhờ những kết quả to lớn từ các phong trào đó mang lại, miền Bắc đã hoàn thành trọng trách của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn và xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội. Dưới sự dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng cách mạng đã trở thành hiện thực cách mạng. Tính khả dụng to lớn là sức mạnh của Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Phong trào thi đua ái quốc không chỉ khơi dậy nhiệt huyết, khả năng sáng tạo của mỗi con người vì sự nghiệp chung mà còn tạo cơ hội để mỗi cá nhân tự rèn luyện mình sao cho xứng đáng với vị thế một người yêu nước trong một dân tộc có truyền thống yêu nước.

Ra đời ở thời điểm cam go của lịch sử, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là sự kết tinh của tư tưởng yêu nước-“thân dân”, của phương pháp lãnh đạo bằng văn hóa và phong cách quần chúng của Hồ Chí Minh. Với tác phẩm này và rộng hơn là tư tưởng thi đua ái quốc, Người không chỉ tìm ra một trong những giải pháp hữu hiệu để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn mà còn phát kiến ra một bảo pháp xây dựng, phát triển đất nước mang tính hữu hiệu và trường tồn cho dân tộc Việt Nam.

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT