Ban đầu, tôi không biết ký hiệu KN là đơn vị nào. Thế nên xác định có thể sẽ mất nhiều thời gian và tâm huyết, song tôi vẫn dặn lòng, dù thế nào cũng phải quyết tâm tìm được chú. Từ năm 1995 đến 2011, tôi viết đơn thư gửi nhiều nơi đề nghị cung cấp thêm thông tin liên quan đến liệt sĩ Đặng Danh Toan. Tôi xác định hướng tìm kiếm tập trung là ở Quân khu 5.

Thế rồi may mắn tôi được điều động về công tác tại Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhờ đó có thêm điều kiện tra cứu và tìm được một số thông tin về chú. Hồ sơ ở Phòng Chính sách Quân khu 5 cũng lưu, có sai lệch về tên đệm, tên bố mẹ, song về cơ bản khớp với thông tin mà các cựu chiến binh từng là đồng đội cùng đơn vị của chú tại chiến trường miền Nam, xuất ngũ về địa phương cho biết: Chú chiến đấu tại khu vực xóm Rẫy (hồ sơ là xóm Rỗng), Hành Tín, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi; ở Tiểu đoàn 401 (sau này là trung đoàn) Đặc công tỉnh Quảng Ngãi. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch phản công, chú cùng hai đồng đội ở lại chốt chặn đánh địch để lực lượng còn lại của đơn vị rút qua sông. Nhiều đồng đội của chú kể, trận chiến đấu ấy, không may chú bị địch bắt và tra tấn đến chết đi sống lại, nhưng chú kiên quyết không khai hướng rút quân của đơn vị để bảo vệ an toàn cho đồng đội. Cô Sáu (do thời gian đã lâu, tôi không nhớ đầy đủ tên họ)-du kích mật của địa phương-còn nhớ trước khi bị bắt, chú đã bắn cháy hai xe tăng và tiêu diệt hàng chục tên địch.

leftcenterrightdel
 Tác giả (mặc quân phục) trong ngày đón liệt sĩ Đặng Danh Toan về quê hương. Ảnh: QUÝ LÊ

Với thông tin chi tiết như vậy mà khi đến tận xóm Rỗng-nơi chú Toan hy sinh, gia đình tôi không sao tìm được chỗ chú nằm do địa hình, địa vật, đồi núi, vườn cây, nhà dân có nhiều thay đổi theo thời gian. Tôi còn trở đi trở lại nơi này nhiều lần, hỏi bà con về đơn vị của chú và các trận đánh. May mắn một lần nữa lại đến như sự run rủi của số phận khi tôi vô tình nghe được thông tin từ người dân. Hóa ra, chú tôi hy sinh ở xóm Rỗng, nhưng thi hài lại được chôn cất ở xóm bên cạnh. Vì khi tra tấn chú xong, bọn lính ngụy đã kéo chú đi bêu quanh khu vực để thị uy, rồi sau đó mới vứt thi thể chú vào vườn nhà anh Dụ, chị Phương ở xóm Bình Thành (Hành Nhân, Nghĩa Hành). Các bác Phan Văn Trọng và Nguyễn Quới, là du kích xóm Bình Thành, đã cùng tham gia chôn cất liệt sĩ. Từ đó, phần mộ của chú được gia đình anh Dụ, chị Phương và nhân dân địa phương hương khói chu đáo. Lúc tôi gặp được các nhân chứng, bác Trọng đã 86 tuổi, còn bác Quới 88 tuổi. Hai bác đều khỏe mạnh và nhớ rõ tình tiết sự việc hồi đó.

Ngày 23-4-2011, sau 43 năm chú tôi hy sinh, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của cơ quan chính sách các địa phương và chính quyền các cấp, gia đình tôi đã hoàn thành các thủ tục chứng thực và đón được hài cốt của chú đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà, gần họ hàng, làng xóm. Nhật ký đi tìm hài cốt và đón chú về quê mẹ, tôi đã ghi gần kín quyển sổ cá nhân và 5 đĩa VCD để làm kỷ niệm. Tôi ấp ủ ý định viết cuốn sách ghi lại hành trình trở về của liệt sĩ Đặng Danh Toan mà chưa thực hiện được. Tôi mong rằng, bài viết này của tôi sẽ giúp các gia đình liệt sĩ có thêm niềm tin và động lực trong quá trình tìm kiếm người thân. Tổ quốc luôn ghi nhớ và tri ân người có công với đất nước!

ĐẶNG DANH HƯNG, nguyên Trưởng phòng Thương binh, liệt sĩ - Người có công, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam