Trong toan tính lợi ích của các cường quốc, các quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình tiếp tục đứng trước những thách thức gay gắt trong xây dựng chiến lược, sách lược gìn giữ hòa bình, bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị...

1. Sau gần hai năm xảy ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, những diễn biến trên chiến trường và môi trường ngoại giao đã nằm ngoài tính toán ban đầu giữa các bên và dự đoán của giới phân tích. Cuộc xung đột vũ trang tiêu hao nhân mạng, tiêu tốn tiền của và vũ khí ở mức khổng lồ giữa Nga và Ukraine, với sự hậu thuẫn, trợ giúp về nguồn lực kinh tế, vũ khí, trang bị của Mỹ và NATO thêm một lần nữa chứng minh cho thế giới thấy rõ bài học xương máu: Chiến tranh và xung đột bạo lực không bao giờ là giải pháp tối ưu trong sách lược, chiến lược giải quyết bất đồng. Dù diễn ra ở cấp độ nào, tính chất nào, một khi đạn đã bắn khỏi nòng, tên lửa phóng khỏi bệ, máy bay chiến đấu rời đường băng, binh sĩ, xe tăng giao chiến trên chiến trường... thì hậu quả của nó sẽ vô cùng khủng khiếp.

Trong lúc cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì lửa chiến trận lại bùng lên vô phương kiểm soát ở dải Gaza. Sự thiếu kiểm soát tình hình giữa các bên xung đột và sự can thiệp từ các yếu tố bên ngoài đã lập tức xóa mờ những lằn ranh giới hạn. Xung đột quân sự đã đẩy dải Gaza vào cảnh hoang tàn, đổ nát, khiến hàng triệu gia đình phải ly loạn, hàng chục triệu người phải rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, nguy cơ thảm họa nhân đạo lan rộng...

Ở châu Phi, làn sóng đảo chính quân sự xảy ra tại nhiều quốc gia khiến châu lục có hơn 1,4 tỷ dân, diện tích đứng thứ ba thế giới tiếp tục lún sâu vào nghèo đói, lạc hậu, bất ổn. Trong lúc đó, tại Myanmar, cuộc nội chiến dai dẳng giữa các lực lượng nổi dậy với quân đội chính phủ tiếp tục leo thang căng thẳng trong những tháng cuối năm 2023, khiến môi trường hòa bình, ổn định ở quốc gia Đông Nam Á này càng trở nên mờ mịt...

Những rung chấn thời cuộc cùng với diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã tác động sâu sắc, toàn diện đến môi trường hòa bình và đời sống kinh tế toàn cầu. Tổng sản phẩm trong nước (GDP), thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, nợ xấu tăng, lạm phát vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh khó khăn chung và chịu ảnh hưởng của những xung chấn địa chính trị thế giới và khu vực, Việt Nam cán đích năm 2023 với những điểm sáng nổi bật về ngoại giao, giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng tầm. Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 5-9-2023, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab đã nhấn mạnh: Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản lý kinh tế vĩ mô, đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức để phát triển.

Đặc biệt, 2023 là năm đánh dấu những bước tiến và thành tựu vượt bậc trong quan hệ đối ngoại với nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn có sức ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ đa phương, được dư luận quốc tế quan tâm. Nổi bật là việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện và tiếp tục làm sâu sắc, nâng tầm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc vững chắc, ổn định, bền vững lâu dài và hiệu quả... Một trong những bài học kinh nghiệm mấu chốt là Việt Nam kiên định vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trường phái “ngoại giao cây tre”...

2. Thuật ngữ “ngoại giao cây tre” là một trong những từ khóa được quan tâm nhiều trên công cụ tìm kiếm Google trong năm 2023. Điều này cho thấy, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường... đường lối đối ngoại của Đảng ta đã khẳng định tính đúng đắn và được triển khai, thực hiện có hiệu quả trên thực tế, được dư luận trong nước và quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt. “Ngoại giao cây tre” là cách nói hình tượng, khái quát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cụ thể hóa phương châm ngoại giao, đường lối đối ngoại của Đảng thành trường phái ngoại giao mang bản sắc Việt Nam.

“Ngoại giao cây tre” với phương châm gốc vững, thân chắc, cành lá mềm mại, uyển chuyển... là sự đúc kết kinh nghiệm, kế thừa, vận dụng, phát huy những tinh hoa, tinh túy trong giải quyết mối quan hệ với các quốc gia của truyền thống dân tộc, từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ông cha. “Cây tre Việt Nam” là hình tượng kết tinh bản sắc văn hóa, tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, sức mạnh Việt Nam. Từ hình tượng Thánh Gióng nhổ bụi tre đánh tan giặc Ân rồi ung dung cưỡi ngựa bay về trời, đến sự gắn bó mật thiết, gần gũi của cây tre trong đời sống ngàn đời của người Việt cho thấy, hình tượng cây tre Việt Nam mang thông điệp truyền đời về phong cách, lẽ sống của các thế hệ con Lạc, cháu Hồng.

Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước ta thúc đẩy, nâng tầm mối quan hệ ngoại giao với các nước, nhất là với hai cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc, mang ý đồ xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch. Họ cho rằng, đường lối đối ngoại, sách lược ngoại giao của Việt Nam là kiểu “ba phải”, “thiếu lập trường”, “gió chiều nào che chiều ấy”... Lấy cách nói phê phán của dân gian Việt Nam trong bối cảnh hiện nay để ám chỉ, võ đoán, xuyên tạc phương châm “ngoại giao cây tre” là hành vi nham hiểm, cố tình đánh tráo khái niệm, xuyên tạc bản chất, cố tình lèo lái dư luận xã hội theo hướng tiêu cực, đang được một số phương tiện truyền thông phát tiếng Việt ở hải ngoại thực hiện bằng những chiến dịch truyền thông đầy mưu mô, toan tính. Từ kiểu lập luận ngụy biện, xuyên tạc, họ lèo lái dư luận theo hướng phải dựa hẳn, theo hẳn nước này để chống nước kia; cổ xúy cho văn minh phương Tây, kích động hận thù với các quốc gia láng giềng. Những luận điệu sai trái, xấu độc dạng này lại được một số thành phần người Việt ở hải ngoại tự xưng, tự phong là “học giả”, “nhà nghiên cứu”, “nhà ngoại giao”, “nhà phản biện”... cấu kết với một số đối tượng cực đoan trong nước tung hô, cổ xúy, gây nhiễu thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.

Trường phái “ngoại giao cây tre” cần được thấm nhuần, vận dụng linh hoạt, sáng tạo từ sách lược, chiến lược, giải pháp vĩ mô đến từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể ở các địa phương, đơn vị, đặc biệt là ở các đô thị lớn và địa phương có chung đường biên giới với các nước bạn. Với tinh thần “chủ động thích nghi”, “chọn chính nghĩa, không chọn bên” theo cách nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thực hiện “ngoại giao cây tre” trong các mối quan hệ có yếu tố quốc tế chính là giải pháp giữ vững “trong ấm ngoài êm” để bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Giữa rung chấn thời cuộc, “tre Việt Nam” không đứng đơn lẻ mà là sự liên kết thành hàng, thành lũy để cùng giữ cho sâu rễ, bền gốc, thân vững chãi, cành lá mềm mại, uyển chuyển, đứng vững trước bão táp, phong ba...

leftcenterrightdel

Cây tre Việt Nam. Ảnh Minh họa

3. Những ngày cuối năm 2023, trong cái rét mùa đông buốt giá, Quân đoàn 12 tổ chức diễn tập bắn đạn thật dưới sự thị sát, chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là cuộc diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng đầu tiên của Quân đoàn 12 ngay sau khi thành lập. Trong “trận đánh” hiệp đồng với nhiều điểm mới này, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, lực lượng tham gia đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao. “Trận đánh” thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí, năng lực tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu nhịp nhàng, hiệu quả của nhiều lực lượng chủ lực từ nhiều hướng, nhiều địa bàn, sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị.

Đáng chú ý là có nhiều loại vũ khí, trang bị do các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam chế tạo, cải tiến, nâng cấp. Việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập lần này là một minh chứng khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta; khẳng định tính đúng đắn của nhiệm vụ xây dựng Quân đội chính quy, tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại theo định hướng của Đảng. Thông qua cuộc diễn tập, thêm một lần nữa Quân đội ta gửi đến Đảng, Nhà nước và nhân dân thông điệp son sắt của niềm tin, sức mạnh và lời thề danh dự đã ngấm vào hồn cốt của các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ suốt gần 80 năm qua. Không chỉ Quân đoàn 12, ở bất cứ đâu trên đất nước thân yêu này, các đơn vị Quân đội cũng luôn sẵn sàng tâm thế, lực lượng, phương tiện... để hoàn thành xuất sắc những “trận đánh” hiệp đồng như thế. Kế sách “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa từ bài học lịch sử của ông cha và đường lối, sách lược của Đảng đang được thế hệ Bộ đội Cụ Hồ hôm nay thấm nhuần, khắc cốt ghi tâm.

Đất nước vào xuân, giữa lòng dân bao la, ấm áp, mỗi cán bộ, chiến sĩ có thêm niềm tin, động lực để học tập, luyện rèn, để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, để đất nước, quê hương không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

Giữa rung chấn thời cuộc trên phạm vi toàn cầu, “tre Việt Nam” vẫn vững gốc, chắc thân, vươn cành lá sum sê. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trên trường chính nghĩa và lẽ phải, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau...

Chào Xuân mới Giáp Thìn 2024! “Tre Việt Nam” vươn cành lá xanh tươi đón nắng ấm, gió lành!

PHAN TÙNG SƠN