Trung tá Hoàng Việt Hoa, nguyên Chủ nhiệm Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 7C, Cục Hậu cần, Quân khu 7 kể lại, những ngày đầu thành lập Tổng cục Cung cấp (tiền thân của Tổng cục Hậu cần ngày nay)-tháng 7-1950, bà làm thư ký của Ban Hành chính, Văn phòng tổng cục. Lúc đó cơ quan có 5 nhân viên nữ, toàn là gái Hà thành đang độ 16-19 tuổi. Đời sống của cán bộ, chiến sĩ cơ quan tổng cục khi ấy (ở Chiến khu Việt Bắc) rất kham khổ. Mỗi người, nam cũng như nữ được cấp một bộ trang phục, quần kiểu Tây, áo sơ mi có túi ngực, bằng vải mộc màu xanh. Nhìn các cô gái mặc bộ đồ ấy thật ái ngại. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và cả sự… “quen mắt”, 5 chị em không nề hà gì, vẫn rất hăng say công tác.

Một buổi sáng chủ nhật, chị em đang dọn vệ sinh phòng làm việc thì bất chợt đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp đi qua. Sau vài phút hỏi han mọi người, đồng chí chủ nhiệm bước đi với vẻ mặt đăm chiêu, thoáng chút buồn! Ngay sau đó, ông gặp đồng chí Nguyễn Thanh Bình-Cục trưởng Cục Quân nhu (về sau là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng) để nghe báo cáo tình hình cung cấp quân trang cho bộ đội. Chủ nhiệm Trần Đăng Ninh thân mật nhắc đồng chí cục trưởng: “Cục Quân nhu lo việc ăn mặc cho hàng vạn bộ đội được là rất tốt. Nhưng trong quân đội chỉ có vài trăm chị em nữ. Anh chú ý cung cấp quần đen, áo sơ mi cho chị em. Chứ để chị em mặc quần áo nam không tiện!”.

Thế là mùa đông năm 1950 và những năm sau đó, chị em trong quân đội được phát vải đen để may quần và vải màu để may áo. Các chị em sinh hoạt tiện hơn và cũng tự tin hơn mỗi khi tiếp xúc với đồng bào địa phương nơi đơn vị đóng quân.

“Đi đôi dép cao gót thì dáng cô bộ đội sẽ đẹp hơn!”

Đại tá Trần Lư-nguyên Phó tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần kể một câu chuyện cảm động khác. Ấy là đầu tháng 6-1967, ông đang là Bí thư cho đồng chí Đinh Đức Thiện-Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (sau là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Để chuẩn bị cho nhu cầu năm 1968 và các năm sau, đoàn đại biểu kinh tế Chính phủ ta do Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu, đồng chí Đinh Đức Thiện là Phó trưởng đoàn, đi đàm phán và ký kết viện trợ ở 11 nước XHCN.

Hôm làm việc với đồng chí Bành Thiệu Huy-Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, sau khi đã thống nhất các nội dung đàm phán, đồng chí Đinh Đức Thiện đưa ra đôi dép nhựa nữ do Trung Quốc sản xuất trước đó (cũng khá đẹp nhưng gót bằng như dép nhựa nam) và nói: “Con gái Việt Nam đi bộ đội gian khổ lắm. Nếu được đi đôi dép cao gót thì vóc dáng cô bộ đội sẽ đẹp hơn, để phần nào bù lại những thiếu thốn, thiệt thòi về tinh thần và vật chất trong những năm tháng ở chiến trường…”. Nghe ý kiến này, các đồng chí Trung Quốc có mặt tại đấy đều cười và trả lời rằng, nếu như vậy thì dù phải làm khuôn mẫu khác, phải thay đổi công nghệ cũng làm để giữ dáng đẹp cho nữ bộ đội Việt Nam.

Sau đó, các nữ quân nhân ta đã được cấp phát và sử dụng đôi dép nhựa đẹp hơn trước rất nhiều mà cho đến nay có thể có người còn giữ lại làm kỷ niệm thời chống Mỹ, cứu nước.

PHẠM XƯỞNG