Phóng viên (PV): Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hưng Yên có truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kiên cường, chiến thắng”, đề nghị đồng chí cho biết về những chiến công của LLVT tỉnh?
Đại tá Nguyễn Chí Công: Thực hiện Sắc lệnh của Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy Hưng Yên, ngày 1-4-1947, Tỉnh đội Dân quân Hưng Yên (nay là Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên) được thành lập, đánh dấu bước trưởng thành về mọi mặt của LLVT tỉnh Hưng Yên.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Hưng Yên, với tinh thần đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đã tham gia hơn 9.000 trận đánh lớn, nhỏ; tiêu diệt và bắt sống hơn 30.000 tên địch; phá hủy và thu nhiều vũ khí, đạn dược, phương tiện, lập nhiều chiến công vang dội. Tiêu biểu là trận đánh đồn Bần ngày 12-3-1945 đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi là trận đánh kiểu mẫu ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân nổi tiếng với phong trào “Đòn gánh đánh Tây”, “Tay không bắt giặc” làm cho thực dân Pháp hoang mang, khiếp sợ...
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hơn 130.000 người con Hưng Yên hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại các chiến trường. Lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ (DQTV), dự bị động viên (DBĐV) thực hiện nhiệm vụ trực chiến, tuần tra, sẵn sàng chiến đấu và bắn trả máy bay Mỹ; đồng thời đóng góp hàng triệu ngày công mở đường, bảo đảm giao thông phục vụ chiến đấu, làm thủy lợi, xây dựng các công trình kinh tế kết hợp quốc phòng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chỉ tính riêng trên địa bàn, LLVT tỉnh Hưng Yên đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ...
Ngay sau khi đất nước thống nhất, quân và dân Hưng Yên lại hòa cùng khí thế cả nước ra trận chi viện cho cuộc chiến đấu ở hai đầu biên giới. Hàng chục đơn vị dân quân do các cơ quan quân sự cấp huyện chỉ huy được gửi vào Long An, Đồng Tháp vừa làm thủy lợi, khai phá đất hoang, vừa góp phần gìn giữ biên cương phía Nam của Tổ quốc. Từng đoàn cán bộ quân sự cấp tỉnh, cấp huyện được cử ra tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn để tăng cường cho biên giới cùng hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, DQTV hăng hái lên đường làm công sự, xây dựng trận địa và tăng cường cho các làng bản, nhiều người đã tình nguyện ở lại, trở thành những công dân địa phương trực tiếp chiến đấu, sản xuất giữ gìn biên cương...
Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu anh dũng, trở thành một trong những lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh.
PV: Sau 25 năm tái lập tỉnh, LLVT tỉnh Hưng Yên đã phát huy truyền thống và có những đóng góp gì vào thành tựu chung của địa phương, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Chí Công: 25 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, điều hành quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hưng Yên, sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cũng như sự ủng hộ to lớn của nhân dân địa phương, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thành công đó có sự góp phần không nhỏ của LLVT tỉnh Hưng Yên, trong đó Bộ CHQS tỉnh đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên hết sức coi trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện của LLVT tỉnh, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
PV: Thưa đồng chí, quá trình thực hiện nhiệm vụ, LLVT tỉnh đã có những bài học, kinh nghiệm gì trong xây dựng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu?
Đại tá Nguyễn Chí Công: Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên đã tập trung đổi mới về nội dung và phương pháp tổ chức huấn luyện. Trong đó, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng, nhiệm vụ, phù hợp với từng đơn vị, địa phương và tổ chức tác chiến trong khu vực phòng thủ; đồng thời tập trung chỉ đạo tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là khâu then chốt quyết định đến chất lượng nhiệm vụ huấn luyện. Bên cạnh đó, các đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho huấn luyện.
Việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức huấn luyện được chú trọng, bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” với lực lượng thường trực; “Cơ bản, thiết thực, hiệu quả” đối với lực lượng DBĐV và “Cơ bản, thiết thực, chất lượng” với lực lượng DQTV... Trong quá trình huấn luyện, các đơn vị kết hợp chặt chẽ huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật; gắn huấn luyện với xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật. Đặc biệt, các đơn vị chú trọng thực hiện tốt huấn luyện làm chủ, khai thác có hiệu quả các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật được biên chế; tích cực huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, huấn luyện nâng cao khả năng cơ động của bộ đội...
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp đồng bộ trên, nên thời gian qua, chất lượng huấn luyện cho các lực lượng trong LLVT tỉnh luôn được giữ vững và không ngừng được nâng lên. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015-2020, kết quả kiểm tra kết thúc huấn luyện đối với lực lượng thường trực luôn có 100% đạt yêu cầu, trong đó hơn 80% đạt khá, giỏi; đối với lực lượng DBĐV, DQTV có 100% đạt yêu cầu, trong đó có từ 70 đến 75% đạt khá, giỏi. LLVT tỉnh đã tổ chức và tham gia 36 hội thi, hội thao ở các cấp với 11 giải nhất, 8 giải nhì, 10 giải ba cùng nhiều giải thưởng, danh hiệu khác. Đặc biệt, với việc tham gia và trực tiếp thực hiện, xử trí tốt các tình huống, phương án tác chiến trong các cuộc diễn tập, nhất là diễn tập khu vực phòng thủ trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho chất lượng công tác huấn luyện trong LLVT tỉnh. Nhiều năm liền, Hưng Yên luôn là địa phương dẫn đầu, được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 đánh giá cao trong công tác tổ chức huấn luyện.
PV: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên có những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo gì để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Chí Công: Phát huy truyền thống “Nữ du kích Hoàng Ngân” và những kết quả đạt được trong 25 năm qua, trong thời gian tới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định một số biện pháp sau: Trước hết, cấp ủy, người chỉ huy các cấp thường xuyên quán triệt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên, tình hình nhiệm vụ của LLVT, trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, phù hợp với thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Hai là, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện, nhưng cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; giải quyết dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu; những vấn đề mới nảy sinh. Đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng, coi trọng nêu gương người tốt, việc tốt, tạo sức lan tỏa sâu rộng, tránh phô trương hình thức. Ba là, luôn coi trọng và làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT địa phương. Năm là, trong công tác xây dựng Đảng phải nắm vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nâng cao năng lực thực tiễn của cấp ủy, chấp hành nghiêm quy chế lãnh đạo của cấp ủy và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
THÁI KIÊN (thực hiện)