Để người trực tiếp làm nên sự kiện kể chuyện

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào công cuộc đổi mới, đấu tranh giữa cái cũ và cái mới diễn ra gay gắt. Các phương tiện truyền thông đại chúng nước ta tập trung vào thông tin, tuyên truyền những vấn đề thực tiễn đang diễn ra, rất ít bài báo viết về truyền thống đấu tranh anh hùng của Đảng, nhân dân, Quân đội ta. Vì vậy, sự ra đời của ấn phẩm đã trở thành một hiện tượng báo chí lúc đó, làm thức dậy những kỷ niệm khó quên của các thế hệ bạn đọc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp; kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm nghĩa vụ quốc tế, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đọc tờ báo, nhiều người còn tìm được đồng đội của mình ở các chiến trường, trong các chiến dịch, trong các trận đánh, khi đi làm nhiệm vụ đặc biệt sau nhiều năm không có thông tin.

Là tờ báo phát hành theo cơ chế tự hạch toán, tòa soạn phải lấy thu bù chi. Số đầu tiên chúng tôi tính toán, đề xuất, Ban biên tập quyết định xuất bản 20.000 cuốn. Tin vui các cơ sở phát hành báo về là bạn đọc đã mua hết số Nguyệt san đã in ra, còn nhiều bạn đọc muốn mua mà không có. Số thứ hai, tòa soạn cho in 25.000 cuốn cũng bán hết. Những số sau, lượng phát hành tiếp tục tăng, có số lên đến 48.000 cuốn.

leftcenterrightdel
 Khen thưởng các cộng tác viên tiêu biểu dịp kỷ niệm 20 năm Ngày xuất bản Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng (tháng 3-2014).

Ban đầu, tòa soạn xin giấy phép xuất bản, phát hành Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng trong năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các năm 1995, 1996, xin giấy phép phát hành nhân kỷ niệm 20 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 50 năm Toàn quốc kháng chiến. Với số lượng phát hành lớn, bạn đọc đang có nhu cầu, nội dung các bài viết trong các số báo thực sự bổ ích, từ năm 1997, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng được cấp giấy phép phát hành thường xuyên, định kỳ hằng tháng. Ấn phẩm Sự kiện và Nhân chứng đã làm hoàn thiện các nội dung cần thông tin, tuyên truyền của Báo Quân đội nhân dân, tạo thành bộ ba gắn bó khăng khít với nhau: Thông tin, bình luận, tổng hợp các vấn đề thời sự (Báo Quân đội nhân dân hằng ngày); văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí (Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần), thông tin, giáo dục truyền thống và lịch sử (Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng).

Từ tờ báo phát hành có thời hạn đến phát hành thường xuyên, ổn định và phát triển, nghĩ về nguyên nhân, chúng tôi-những người trực tiếp tổ chức thực hiện ấn phẩm nhận thức được rất nhiều điều. Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng là tờ báo kể chuyện lịch sử bằng sự việc, con người cụ thể, cách viết sinh động, bảo đảm chính xác, đúng như sự việc đã diễn ra, nhằm làm phong phú hơn sự vĩ đại của Đảng ta, truyền thống anh hùng của nhân dân ta, những chiến công chói lọi của Quân đội ta, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ta của bạn bè trên thế giới. Nét đặc sắc của tờ Nguyệt san chính là ở tiêu chí: Người trực tiếp làm nên sự kiện viết và kể lại việc mình đã làm! 

Đại tá LÊ LIÊN (nguyên Trưởng phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng)

- - - - -

Cần mở rộng diện phản ánh của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng

Hồi ức về những gì mình đã trải qua là việc dường như không chỉ là thói quen tự nhiên mà còn do nhu cầu của con người. Thường thì sau mỗi cuộc chiến tranh, ta hay hồi tưởng lại cuộc chiến ấy với niềm tự hào, hạnh phúc và cả những nỗi buồn đau từng có trong chiến tranh; để chiêm nghiệm thêm, hiểu biết thêm về bạn bè, đồng đội, đồng bào, về kẻ thù, về những điều mà khi đương là người trong cuộc, trong cơn lốc của cuộc chiến, ta chưa kịp biết đến và hiểu biết hết. Chẳng thế mà 30 năm trước, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của Báo Quân đội nhân dân xuất hiện trong làng báo chí Việt Nam đã ngay lập tức được đón nhận sự hào hứng của đông đảo bạn đọc, mặc dù lúc bấy giờ đã có một số tạp chí chuyên ngành. Và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cũng đã có những chuyên mục riêng đăng tải các bài chuyên luận, trao đổi, tư liệu chiến tranh, hồi ức của các nhân chứng lịch sử. Nói như vậy để thấy rằng, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân đã có một niềm tin mãnh liệt vào đội ngũ người viết và độc giả; vào sức sống và lan tỏa của ấn phẩm khi quyết định xuất bản Sự kiện và Nhân chứng.

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự gặp mặt kỷ niệm 30 năm xuất bản Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng (10-3-1994 / 10-3-2024). Ảnh: TUẤN SƠN 

Với tư cách là một cộng tác viên ngay từ những số đầu, cho đến nay trên cả hai phương diện người viết và bạn đọc chăm chỉ, tôi nhận thấy Sự kiện và Nhân chứng sau 30 năm “trình làng” đã khẳng định được bản sắc và hướng đi riêng; để lại ấn tượng sâu đậm không chỉ trong tư duy và niềm tin của những người viết, độc giả thường xuyên, thân thiết mà còn tạo nên một hiệu ứng tốt trong tâm tưởng của cán bộ, chiến sĩ LLVT và đông đảo nhân dân. Chỉ chừng đó thôi cũng đã đủ nói lên những cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng-một tập thể đoàn kết và luôn cháy hết mình với công việc, luôn quy tụ và trân trọng cộng tác viên nhằm hướng tới cái đích chung là không ngừng phấn đấu, nâng cao chất lượng tờ báo. Mọi sự cải tiến, mọi giải pháp mà Ban biên tập đưa ra và thể hiện thành công đều xoay quanh mục đích đó.

Tiếp thu và vận dụng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chặng đường 30 năm qua, theo tôi chặng đường sắp tới, Sự kiện và Nhân chứng nên chủ động xây dựng một hệ thống cộng tác viên rộng rãi trên cả nước. Lắng nghe một cách trân trọng những ý kiến phản hồi từ bạn đọc để có sự điều chỉnh kịp thời dung lượng cũng như hình thức của tờ báo. Về nội dung, không chỉ bó hẹp trong “nội hàm” lịch sử quân sự mà cần mở rộng diện phản ánh của Sự kiện và Nhân chứng, vì các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của ta là chiến tranh nhân dân; kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, toàn diện; nền quốc phòng mà ta đã và đang xây dựng cũng là nền quốc phòng toàn dân. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước hết sức vẻ vang, do vậy, Sự kiện và Nhân chứng phải có nhiệm vụ phản ánh bao trùm cả chiều dài lịch sử dân tộc, không chỉ bó hẹp những sự kiện và nhân chứng trong thời hiện đại. Cùng với đó, Sự kiện và Nhân chứng cũng phải góp phần “sửa lại cho đúng-bàn thêm cho rõ” nhiều sự kiện “góc khuất” của lịch sử.

Đại tá, PGS, TS TRẦN NGỌC LONG (nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự)

- - - - -

Nghỉ hưu muộn do… Sự kiện và Nhân chứng

Tôi “mê” Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng ngay từ những số ra đầu tiên. Đúng dịp 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-1994) thì tôi được điều động về làm Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Trường Sĩ quan Hậu cần (đóng quân ở Sơn Tây). Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về chiến thắng vĩ đại, tôi say sưa đọc các bài viết trong cuốn Sự kiện và Nhân chứng để khai thác thông tin, tư liệu nên chỉ sau 3 ngày tờ báo đã quăn hết góc vì bị tôi lật đi, giở lại nhiều lần. Cũng chính từ các bài báo đầy tính khơi gợi đó đã khiến tôi khao khát viết về các sự kiện của ngành hậu cần. Từ năm 1996, công tác ở Phòng Tuyên huấn (Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần), có “sân” để tác nghiệp, tôi đã viết một số bài, đồng thời tranh thủ sưu tầm, khai thác tư liệu từ cán bộ các thời kỳ, khi có thời gian sẽ tập trung viết bài cho Nguyệt san.

Tôi nhớ, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng số tháng 2-2011 đăng bài “Vốn quân sự” đầu tiên”, tôi viết về sự kiện Đội Du kích Bắc Sơn ra đời và đến khi được Trung ương nâng cấp thành Đội Việt Nam Cứu quốc quân. Trong bài báo, tôi đề cập tới những dụng cụ cấp dưỡng của đội như ống bương đựng gạo, nồi đồng nấu cơm...

Đúng lúc đó, Tổng cục Hậu cần triển khai viết lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị của Tổng cục giai đoạn 2006-2015. Lãnh đạo Cục Chính trị của Tổng cục sau khi đọc bài “Vốn quân sự” đầu tiên” và những bài tôi viết trước đó trong Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng thì cho rằng cách thể hiện nội dung về cơ bản phù hợp với viết lịch sử quân sự hậu cần nên đã trao đổi với tôi, muốn giữ tôi ở lại tiếp tục công tác, giao biên soạn cuốn lịch sử nói trên cho đến khi xong. Thành ra, tôi là Đại tá, cán bộ ngành chính trị hậu cần nhận sổ hưu năm 61 tuổi.

Quá trình ấy, tôi tiếp xúc với hầu hết nhân chứng lịch sử hậu cần và viết cho Nguyệt san. Đến nay, trong số 98 bài đã đăng, có hàng chục bài về hậu cần, như: “Tết Con ngựa” ăn bánh chưng thịt ngựa” (số Tết 2014-làm bánh chưng ở Mặt trận Điện Biên Phủ, dùng thịt ngựa chiến lợi phẩm làm nhân bánh); “Lò vôi Hoàng Cầm” (số tháng 4-2014, viết về quân y làm lò vôi kiểu bếp Hoàng Cầm ngay trận địa Điện Biên Phủ để có vôi tẩy trùng tại chỗ); “Áo giáp chống bom bi” (số tháng 7-2014); “Cuộc trí thức vận ở Việt Bắc” (số tháng 7-2015); “Gạo theo đường thủy đi B” (số tháng 3-2016); “Bảo đảm quân nhu Chiến dịch Thu Đông 1947” (số tháng 10-2017)...

leftcenterrightdel
Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Ảnh: TUẤN SƠN 

Một dạo, từ giữa năm 2019, Nguyệt san ít đăng bài tôi gửi. Có bài gửi đầu năm, cuối năm mới đăng. Tôi được cán bộ của phòng trực tiếp trao đổi, cho biết tòa soạn chủ trương thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng so với thời gian trước, nhất là với 3 hóa: “Đa dạng hóa các đề tài, thời sự hóa các sự kiện, đơn giản hóa cách thể hiện”. Tôi chưa kịp cập nhật nên các bài viết “không theo kịp” yêu cầu. Các cán bộ của Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng đã kịp thời trao đổi, định hướng cách viết giúp tôi bắt nhịp viết trở lại. Tôi đã, đang và tiếp tục viết bài để gửi đến Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng.

Đại tá PHẠM XƯỞNG (nguyên Trưởng ban Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị, Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần)

- - - - -

Đam mê và trách nhiệm

Tôi cộng tác với Báo Quân đội nhân dân từ năm 2006, khi còn công tác tại Sư đoàn Phòng không 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Lúc bấy giờ, viết bài cho Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân đối với tôi còn thực sự xa vời. Cuối năm 2009, tôi chuyển công tác về Cơ quan đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Đà Nẵng. Từ đó, trong quá trình tổ chức bản thảo xuất bản, tôi có dịp gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nghe các bác ôn lại một thời “ăn trong bom, ngủ trong đạn”. Cảm nhận câu chuyện rất hay, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ nên tôi mạnh dạn viết bài cộng tác với Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Bài gửi đi được khoảng một tuần, tôi được Đại tá Nguyễn Hồng Sơn, lúc đó là Trưởng phòng biên tập, gọi điện vào khuyến khích tôi tiếp tục cộng tác vì cách viết của tôi phù hợp với Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng.

Từ đó đến nay, tôi đã gắn bó với Sự kiện và Nhân chứng, cố gắng mỗi số báo có một bài viết. Quả thật, viết bài đăng được trên Nguyệt san thực sự là rất khó. Khó ở chỗ vừa bảo đảm tính trung thực của lịch sử, khó ở thời gian đi gặp nhân vật và khó khi nhân chứng đã lớn tuổi, lúc nhớ lúc quên... Do đó, muốn thể hiện thành công một tác phẩm báo chí, người viết không chỉ đam mê mà phải thực sự trách nhiệm. Tôi may mắn được làm việc trong ngành xuất bản, trực tiếp tổ chức bản thảo, biên soạn, biên tập nên có thuận lợi khi tiếp xúc với nhân vật, tra cứu tài liệu kiểm chứng. Tuy nhiên, không ít lần khi viết xong bài, tôi cảm thấy có gì đó không ổn nên mở cuốn lịch sử đơn vị ra tra cứu mới phát hiện ra nhân chứng kể về sự kiện thì đúng nhưng mốc thời gian lại chưa chuẩn. Vì vậy, trước khi gửi bài, tôi luôn xác định trách nhiệm với tòa soạn, với bạn đọc, uy tín của nhân chứng và với cả bản thân mình.

leftcenterrightdel
 Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng là một trong những tờ báo được bộ đội Trường Sa yêu thích. Ảnh: THANH TUẤN

Tính đến nay, tôi không nhớ rõ mình đã được đăng bao nhiêu bài trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, nhưng điều tôi nhớ nhất là sự chân thành, động viên kịp thời của Phòng biên tập đối với cộng tác viên. Nhiều lúc công việc chuyên môn bận rộn, nghe các anh chị gọi đặt bài, tôi vẫn cố gắng để viết. Gửi bài xong, tòa soạn thông báo bài để dành đăng vào số sau, tôi thấy đó cũng là điều bình thường. Bởi vì tôi hiểu mỗi tháng một số, lượng bài gửi về tòa soạn nhiều, cần phải ưu tiên những bài khác có sự kiện sát với thời gian hơn. Đối với tôi, viết báo là đam mê. Đồng thời, tôi viết để không phụ lòng tin của Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng đối với cộng tác viên.

NGUYỄN SỸ LONG (biên tập viên Cơ quan đại diện Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại thành phố Đà Nẵng)

- - - - -

Đúng thì không bị “phiền hà”

Tôi là cộng tác viên của nhiều tờ báo. Riêng với Báo Quân đội nhân dân, tôi đã có hàng chục năm là cộng tác viên, nên khi được “đặt hàng” viết bài cho Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, tôi thấy rất vui, nhưng cũng có phần hơi ngại. Ngại là bởi ngay từ cái tên Sự kiện và Nhân chứng ẩn chứa thông tin vừa nghiêm túc lại vừa khó tìm đề tài khai thác. Hơn nữa, tôi quen viết về mảng đề tài văn hóa-xã hội và văn học-nghệ thuật, khi viết sâu hơn về đề tài báo chí mà lại là báo chí có tính lịch sử, truyền thống thì sự đòi hỏi về tính chính xác là điều không dễ dàng.

Với sự tận tình hướng dẫn của cán bộ, biên tập viên, phóng viên Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng, tôi đã hăm hở cộng tác nhiệt tình, đầy trách nhiệm. Có cái thuận là tôi hay đi cơ sở để tìm đề tài và tích lũy tư liệu nên viết cho ấn phẩm này khá phù hợp. Còn nhớ, có lần tôi hỏi về đề tài thì được Đại tá Nguyễn Đình Xuân cho biết, đề tài có chuyện, hấp dẫn và đúng là được.

leftcenterrightdel

Các số Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng đã xuất bản. Ảnh: TUẤN TÚ           

Cũng lại nhớ những bài đầu viết cho Sự kiện và Nhân chứng, tôi cảm thấy hơi bị phiền hà, khó chịu bởi các biên tập viên thường trao đổi rất kỹ về tên nhân vật, thời gian cụ thể, nói tóm lại là đều được hỏi rất kỹ về từng chi tiết trong nội dung bài viết. Nhưng từ những lần trao đổi đó, tôi nhận thức rằng: Bài viết không thể đại khái hay lơ mơ được. Đã viết là phải tìm hiểu kỹ, mà đã tìm hiểu kỹ rồi thì chẳng “lo” bị biên tập viên Sự kiện và Nhân chứng vặn hỏi nữa. Có biên tập viên của phòng trao đổi với tôi rằng: “Những bài của anh mà chúng em hay hỏi lại là vì muốn kiểm chứng. Thêm nữa, thông tin trên các báo, nhất là trên mạng đôi khi cũng khác nhau nên bài đã in trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng phải được xem là thông tin chính xác và chính thống”.

Thế mới thấy Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng là một kênh thông tin đầy đủ và chính xác. Nhiều khi còn là một “sự đính chính” cho những thông tin còn khác nhau trên các trang mạng và cả trên một số báo khác. Sự nghiêm túc này một lần nữa khẳng định: Báo chí phải thông tin chính xác, đầy đủ và hấp dẫn.

Nhà văn NGUYỄN TRỌNG VĂN

- - - - -

Một chuyên mục, hai tập sách ra đời

Tôi nhớ khoảng giữa năm 2012, Báo Quân đội nhân dân và Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng tổ chức cuộc gặp mặt cộng tác viên ở quy mô hẹp. Trong buổi gặp mặt ấy, tôi đã đề xuất ấn phẩm mở chuyên mục mới, giới thiệu những bài thơ liên quan đến các sự kiện lịch sử của đất nước. Qua ý thơ, câu chuyện xung quanh quá trình, hoàn cảnh sáng tác cũng như tác giả của những bài thơ để hiểu được sự kiện lịch sử và từ sự kiện lịch sử để hiểu đúng, hiểu sâu hơn về bài thơ được lựa chọn.

Rất mừng là đề nghị của tôi được tòa soạn chấp nhận. Chuyên mục Văn học-Sự kiện (nay là Văn nghệ-Sự kiện) ra đời ngay sau đó và tôi vinh dự được Ban biên tập tin tưởng giao là “người cầm chuyên mục” trong khoảng hai năm. Tôi đã trực tiếp tìm hiểu, biên tập và chấp bút giới thiệu gần 40 bài thơ cho chuyên mục này. Tôi nhận được hồi âm bằng thư, điện thoại, email... của các cựu chiến binh, những người lính trẻ và cả các thầy, cô giáo. Đó là điều động viên lớn với tôi. Và một lý do rất quan trọng khiến tôi tham gia chuyên mục đều đặn là sự quan tâm của tòa soạn, cụ thể là các cán bộ, biên tập viên của Phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng. Các đồng chí luôn nhắc nhở tôi khi sắp đến thời gian nộp bài và thăm hỏi mỗi dịp lễ, Tết. Sau này, tôi tập hợp một số bài viết đã đăng trong chuyên mục và xuất bản được hai tập sách với tựa đề “Cùng lính trẻ đọc thơ”. Một điều rất mừng là hiện nay chuyên mục vẫn được duy trì trên ấn phẩm, có tên gọi mới là Văn nghệ-Sự kiện với một sự “nâng cấp” rất sáng tạo và phù hợp với xu thế của thời đại. Không chỉ bó hẹp trong việc giới thiệu riêng về thơ, chuyên mục còn có sự tìm tòi, khai thác, giới thiệu các tác giả-tác phẩm âm nhạc, hội họa...

Nhà thơ VƯƠNG TRỌNG