Trở về từ Thành cổ Quảng Trị

Chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Vũ Văn Phong tại nhà riêng ở tổ 9, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đã quen nhau từ trước nên gặp tôi, anh “giới thiệu sản phẩm” luôn: “Tôi vừa tham gia biên soạn, hoàn thành và xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Lương Hạ (1945-2020)” anh ạ. Xã Lương Hạ sáp nhập vào thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn từ năm 2020. Xã có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và đấu tranh cách mạng. Qua các cuộc kháng chiến, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hàng nghìn thanh niên của xã nhập ngũ vào Quân đội, Công an, tham gia thanh niên xung phong; nhiều người con ưu tú của xã đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên các chiến trường, là một trong những xã có số đối tượng chính sách, người có công đông nhất huyện”...

Nghe anh Phong nói vậy, chị Nguyễn Lam Điền, vợ anh, bảo với tôi: “Cứ nói đến công việc là ông ấy hào hứng như hồi còn trẻ. Năm nay ngoài 70 tuổi rồi mà vẫn đam mê đi thực tế, điền dã, sưu tầm, khai thác tư liệu để viết lách. Mà ông ấy là thương binh hạng 3/4, trên người còn 9 mảnh đạn chứ có lành lặn đâu. Trái gió trở giời cứ kêu đau nhức suốt”.

Thượng tá Vũ Văn Phong sinh năm 1952. Tháng 12-1971, anh có giấy gọi vào Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên). Song cùng với không khí “những ngày vui sao cả nước lên đường” hồi ấy, anh gác bút nghiên và tháng 1-1972 lên đường nhập ngũ, biên chế vào Đại đội 54 (Sư đoàn 304B). Đây là đơn vị khung huấn luyện để bổ sung cán bộ, chiến sĩ cho các đơn vị đang chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.

Sau thời gian huấn luyện, tháng 7-1972, Vũ Văn Phong được biên chế về Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, cùng đồng đội hành quân vào miền Nam chiến đấu. Đơn vị của anh đã vượt sông Bến Hải vào phía Nam sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Trung đội phân công anh vào tổ giữ chốt Gia Long ở đầu cầu Thạch Hãn phía Thành cổ Quảng Trị. Đây là một trong những trọng điểm đánh phá của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972. Hằng ngày, Vũ Văn Phong cùng anh em trên chốt thay nhau cơ động đến bờ sông Thạch Hãn lấy nước và nhận lương thực, thực phẩm, đạn dược bổ sung rồi vận chuyển lên chốt.

Quãng đường từ chốt đến bờ sông Thạch Hãn chỉ khoảng 500m, nhưng địch đánh phá rất dữ dội. Khoảng 5 giờ một ngày giữa tháng 9-1972, địch tổ chức tấn công chốt Gia Long. Chúng sử dụng pháo binh và pháo tăng bắn cấp tập vào khu vực chốt. Vũ Văn Phong cùng đồng đội kiên cường chốt giữ, không cho địch vượt qua cầu Thạch Hãn để tiến công các đơn vị bộ đội của ta đang cơ động về phía Bắc sông Thạch Hãn. Một quả đạn pháo địch bắn trúng vào chốt Gia Long khiến đồng chí Đoàn Duy Hải, quê ở Nam Định và Vũ Văn Phong bị hất văng khỏi chốt. Hai người bị thương nặng, được đồng đội băng bó rồi đưa về trạm Tích Tường. Từ đây, các thương binh được Đại đội 25 dùng thuyền cao su vận chuyển về phía Bắc sông Thạch Hãn.

leftcenterrightdel

Vợ chồng cựu chiến binh Vũ Văn Phong và Nguyễn Lam Điền trao đổi về cuốn sách lịch sử mới xuất bản. Ảnh: NGUYÊN THÁI   

“Tôi bị thương nặng toàn thân, có mảnh găm vào đầu, xuyên sâu vào chân. Anh em chuyển thương đưa tôi ra trạm quân y ở Cam Lộ. Những ngày ở trạm, chúng tôi sợ nhất là ruồi vàng, chúng bâu vào người đốt đau điếng, để lại những vết chi chít trên cơ thể. Số lượng thương binh nhiều nên những người còn khỏe cố gắng tự chăm sóc. Do được lực lượng chuyển thương đưa đi khẩn trương nên chúng tôi không kịp thay quần áo, hầu hết chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi (quần xà lỏn) nên để tránh ruồi vàng, chúng tôi xin trạm cho quần áo để mặc. May cho tôi là đạn pháo chỉ làm gãy giập xương chân, không phải cắt cụt chi. Các đồng chí quân y phẫu thuật ban đầu, băng bó cho tôi rồi chuyển về tuyến sau, điều trị tại Viện Quân y 112 (Tổng cục Hậu cần), đóng quân ở Lệ Thủy (Quảng Bình). Giữa tháng 11-1972, tôi được chuyển về Viện Quân y 4 (nay là Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4) tiếp tục điều trị vết thương”-cựu chiến binh Vũ Văn Phong kể.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (tháng 1-1973), Vũ Văn Phong được chuyển ra Đoàn 222 (Quân khu Việt Bắc) tiếp tục điều trị. Phong giữ kín việc mình bị thương, nhưng cô sinh viên Nguyễn Lam Điền đang học Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc vẫn biết tin. Phong và Điền từng có thời gian ngắn học với nhau ở Trường cấp 3 huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Khi Phong vào bộ đội, họ vẫn thường xuyên viết thư cho nhau. Điều trị vết thương ổn định, Vũ Văn Phong được điều động trở lại Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308) huấn luyện và công tác, được kết nạp Đảng năm 1977. Đầu năm 1979, khi đang giữ chức vụ Tiểu đội trưởng thuộc Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88 thì anh được cử tuyển đào tạo tại Trường Sĩ quan Chính trị. Thời gian này, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Nguyễn Lam Điền được nhà trường tuyển dụng làm giảng viên Khoa Sinh học. Trong những ngày nghỉ phép ít ỏi, Phong dành thời gian đến thăm cô giáo Nguyễn Lam Điền. Tình cảm của hai người lớn dần, từ tình bạn chuyển sang tình yêu khi nào chẳng ai hay. Tháng 10-1981, hai người báo cáo tổ chức và gia đình để đi đến kết hôn. Lễ cưới của chàng sĩ quan trẻ và cô giáo Việt Bắc giản dị nhưng đầm ấm, đồng đội và bạn bè đến dự cùng chung nhịp hát “Hành khúc ngày và đêm”...

Trọn niềm đam mê

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, là thương binh, trải qua thực tế chiến đấu, Thiếu úy Vũ Văn Phong được phân công về làm Trợ lý Chính trị Cục Hậu cần Quân khu 1. Từ năm 1987 đến 1990, anh tham gia khóa đào tạo cử nhân Triết học tại Học viện Chính trị-Quân sự (nay là Học viện Chính trị). Năm 1997, sau khi tái lập hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, Vũ Văn Phong được điều chuyển về làm cán bộ nghiên cứu khoa học, biên soạn lịch sử thuộc Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn. Ở cương vị mới, Vũ Văn Phong phấn khởi vì được làm việc đúng sở trường. Anh tích cực đọc sách, nghiên cứu tư liệu, dự các lớp tập huấn nghiệp vụ và dành nhiều thời gian đi thực tế ở đơn vị, địa phương để khai thác tư liệu, biên soạn tài liệu chuyên đề, sách lịch sử... Chị Lam Điền cho biết, anh đi suốt nên mọi việc gia đình và chăm sóc hai con gái chủ yếu do chị lo liệu. Chị biết anh đam mê ngành sử nên dành nhiều thời gian cho anh. Khi chị học cao học và làm luận án Tiến sĩ Sinh học, anh luôn động viên chị. Dù anh thường xuyên đi cơ sở, vắng nhà nhưng có lời động viên của anh là chị thấy ấm lòng và nỗ lực học tập, công tác. Noi theo tinh thần học tập và sự đam mê, dấn thân trong công việc của bố mẹ, con gái đầu của anh chị là Vũ Thanh Trà đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Di truyền học năm 2002; con gái út Vũ Phương Trà tốt nghiệp cao học ngành quản lý kinh tế, hiện đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu. 

Năm 2006, Thượng tá Vũ Văn Phong nghỉ hưu, nhưng anh vẫn đam mê công việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Năm 2010, Tiến sĩ Nguyễn Lam Điền nghỉ hưu. Hơn 10 năm qua, chị lặng lẽ quan tâm chăm sóc, giúp chồng làm việc. Chị bảo: “Anh nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”. Các cơ quan, địa phương đến “đặt hàng” anh tham gia nghiên cứu và trực tiếp chủ biên tài liệu, sách lịch sử ngày càng nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh thường xuyên phải đi thực tế cơ sở, tới các địa phương, địa danh lịch sử và các thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác tư liệu. Anh tích cực tham gia hoạt động của Hội Cựu chiến binh TP Thái Nguyên, phường Hoàng Văn Thụ; nói chuyện lịch sử, truyền thống tại các cơ quan, trường học, địa phương... Những chuyến đi như thế, chị lại lặng lẽ chuẩn bị cho anh đồ dùng, vật dụng cần thiết và không thể thiếu thuốc men, vật phẩm y tế. Chị Lam Điền cho biết: “Anh là thương binh, mất 42% sức khỏe. Khi ở chiến trường bị sức ép của bom đạn nên khi trái gió trở giời hay đau nhức. Tôi có nghiệp vụ về sinh học nên tìm hiểu, lựa chọn thuốc cho anh, để anh bảo đảm sức khỏe, thỏa đam mê của mình”...

Trong số gần 30 công trình biên soạn, đầu sách lịch sử đã xuất bản, có hơn 20 cuốn sách lịch sử mà Thượng tá Vũ Văn Phong là chủ biên và tham gia biên soạn được hoàn thành, xuất bản khi đã nghỉ hưu. Phía sau những trang sách lịch sử ấy là tình yêu, sự hy sinh thầm lặng của vợ anh, chị Nguyễn Lam Điền!

DƯƠNG NAM HÒA