Mở đường thắng lợi
Thực hiện chủ trương tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng đất rộng lớn trên địa bàn chiến lược miền Tây Bắc, tháng 9-1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Ngày 31-10-1952, Tiểu đoàn Công binh 106 ra đời với nhiệm vụ mở đường, xây dựng công trình chiến đấu, vận chuyển vật chất, vũ khí, khí tài, phương tiện... bảo đảm cho chiến dịch. Tháng 9-1953, trước yêu cầu của chiến trường, cấp trên đã quyết định sáp nhập Tiểu đoàn Công binh 106 vào Trung đoàn Công binh 151 (nay là Lữ đoàn Công binh 229, Binh chủng Công binh), thuộc Đại đoàn Công-Pháo 351. Sau khi sáp nhập, Tiểu đoàn Công binh 106 cùng với 2.500 dân công và các tiểu đoàn bạn làm và sửa Đường 41 từ Suối Rút (Hòa Bình) đến Mộc Châu, Cò Nòi (Sơn La); tu sửa và làm mới Đường 13 (Quốc lộ 37 hiện nay) từ Yên Bái đến Ba Khe, Tạ Khoa, Cò Nòi (Sơn La) dài 100km. Sau hai tháng thi công liên tục, tiểu đoàn đã mở mới 7km qua đèo Lũng Lô, nối thông Đường 13 sang Đường 41 (Quốc lộ 6 hiện nay). Đây là tuyến đường vận tải “yết hầu” chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 11-1953, Tiểu đoàn Công binh 106 phối hợp với các đơn vị bạn sửa 36km đường từ Tạ Khoa đi Cò Nòi, để xe vận tải chở hàng lên mặt trận. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc 17 giờ ngày 6-5-1954, một bộ phận của tiểu đoàn cùng các đơn vị bạn liên kết gần một tấn thuốc nổ đặt sâu dưới hầm cứ điểm đồi A1, làm hiệu lệnh bắt đầu đợt tổng công kích vào sào huyệt cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Với thành tích xuất sắc mở đường trong giai đoạn đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn Công binh 106 đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Đại đội 52 thuộc Tiểu đoàn Công binh 106 vinh dự đại diện cho Trung đoàn Công binh 151 nhận Cờ thưởng “Mở đường thắng lợi” của Bác Hồ tặng bộ đội công binh Việt Nam. “Việc hoàn thành mở đường qua đèo Lũng Lô là một chiến công kỳ diệu của bộ đội công binh Việt Nam, trong đó có Tiểu đoàn Công binh 106. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 7-1954, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn Công binh 106 (chức năng, nhiệm vụ như trung đoàn). Ngày 21-3-1958, thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, Đoàn Công binh 106 đổi tên thành Trung đoàn Công binh 219, trực thuộc Cục Công binh (nay là Binh chủng Công binh). Với thành tích xuất sắc mở đường qua đèo Lũng Lô, trung đoàn được mang tên gọi “Đoàn Công binh Lũng Lô”. Hai tiếng “Lũng Lô” đã trở thành tên gọi thiêng liêng và là niềm tự hào, động lực thúc đẩy sự trưởng thành và lớn mạnh của đơn vị, tiếp tục lập nên những chiến công trong chiến tranh cũng như trong thời bình”, Thượng tá Nguyễn Đắc Long, Phó chính ủy Lữ đoàn Công binh 219 tự hào khi nói về đơn vị mình.
Trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Trung đoàn Công binh 219 là một trong những lực lượng quan trọng tham gia mở đường B75 (Quảng Trị) phục vụ chiến dịch. Đại tá Bùi Văn Tề, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 219 giai đoạn 1986-1990, là người có mặt trong đội hình cán bộ, chiến sĩ tham gia thi công ngầm Thịnh Tất “mở đường” dưới lòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị) kể lại: “Từ ngày 2 đến 28-4-1972, đồng chí Lành Văn Tu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 219 trực tiếp xuống chỉ huy đơn vị chúng tôi thi công ngầm Thịnh Tất. Lúc đó, tôi là Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đơn vị đã nhanh chóng tổ chức trinh sát, kịp thời xác định vị trí thi công ở chỗ nước sông nông nhất. Trong quá trình thi công, đơn vị luôn phát huy dân chủ quân sự, có nhiều sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Điển hình là sáng kiến thu hồi phên sắt và bao cát của địch để làm ngầm. Cuối tháng 4-1972, ngầm Thịnh Tất dài 70m đã được hoàn thành, vượt tiến độ cấp trên giao”.
Đại tá Bùi Văn Tề kể tiếp: “Suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng hầm cho lãnh đạo, chỉ huy mặt trận. Nhiệm vụ này do Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 chuyên trách. Theo đó, từ ngày 21-6 đến đầu tháng 8-1972, Đại đội 5 thực hiện nhiệm vụ xây dựng Sở chỉ huy Mặt trận B5. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng được hơn 200 nhà âm, gần 200 hầm chữ A cùng nhiều cầu, cống ra vào sở chỉ huy. Thi công trong điều kiện địch ngày đêm đánh phá bom đạn ác liệt nhưng bộ đội vẫn bảo đảm nhanh, gọn, hiệu quả, bí mật, an toàn và được cấp trên đánh giá cao...”.
Sẵn sàng làm nhiệm vụtìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn
Từ năm 1994 đến nay, Lữ đoàn Công binh 219 được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng các công trình quân sự, làm đường tuần tra biên giới. Mặc dù thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, yêu cầu kỹ thuật công trình ngày càng cao nhưng đơn vị luôn bảo đảm yếu tố bí mật và an toàn tuyệt đối. Những năm qua, đơn vị còn đảm nhiệm rà phá bom, mìn, vật liệu nổ, làm sạch hàng nghìn héc-ta đất để phục vụ xây dựng các công trình quốc phòng và dân sinh. Đặc biệt, năm 2019, lữ đoàn được Bộ Quốc phòng khen thưởng về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dò gỡ bom mìn, bảo đảm đường cơ động phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai.
Song song với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lữ đoàn còn giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Trong cơn lũ lịch sử năm 2008, lữ đoàn huy động một lượng lớn nhân lực, phương tiện, khí tài để bảo đảm giao thông thông suốt trên Quốc lộ 31 và sơ tán người, tài sản của nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đại tá Trần Văn Lự, Lữ đoàn trưởng
Lữ đoàn Công binh 219 nhớ lại: “Vào thời điểm đó, tôi là Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 219, trực tiếp chỉ huy đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Lúc 4 giờ 45 phút ngày 26-9-2008, sau khi nhận được điện của Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Lục Ngạn thông báo về tình hình lũ ở khu vực và sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, đơn vị đã điều động 3 ô tô, 3 xuồng cao tốc, 4 ca nô, 2 xuồng vượt sông nhẹ và gần 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn tại thôn Trường Khanh, xã Đông Hưng, huyện Lục Nam và các xã: Phượng Sơn, Quý Sơn, Trù Hựu, Nam Dương, thị trấn Chũ thuộc huyện Lục Ngạn. Trong hai ngày 26 và 27-9-2008, lực lượng của lữ đoàn đã đưa được gần 800 hộ gia đình với hơn 1.200 lượt người, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi cùng gần 30 tấn tài sản đến điểm tập kết an toàn. Đồng thời, đơn vị bảo đảm đưa, đón các đoàn cán bộ của Bộ tư lệnh Quân đoàn 2, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đến các trọng điểm lũ để kịp thời chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn an toàn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị tiếp tục chở gần 50 tấn hàng cứu trợ đến các xã Trù Hựu, Kiên Lao, Tân Quang, Nam Dương (huyện Lục Ngạn), kịp thời hỗ trợ người dân gặp nạn...”.
NGUYỄN THÁI KIÊN