Đó là những kỷ vật vô giá của chồng bà-Thiếu úy, liệt sĩ, phi công, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lai (nguyên Trung đội trưởng bay, Đại đội 1, Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân). “Thấy vật, như thấy người”-vẫn ánh mắt vấn vương đầy nhung nhớ, bà hồi tưởng...
    |
 |
Bà Bùi Thị Mậu. Ảnh: KHÁNH AN |
Sinh ra và lớn lên ở miền quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, năm 1960, Bùi Thị Mậu được người chú ruột xin cho vào làm công nhân tại Nhà máy Thuốc lá Thăng Long. 20 tuổi, xinh đẹp với mái tóc dài đen nhánh, Bùi Thị Mậu khiến biết bao chàng trai thầm thương trộm nhớ. Nhưng nhớ lời cha dặn trước khi từ biệt quê nhà ra Hà Nội làm việc, cô luôn giữ gìn lời ăn, tiếng nói, làm việc gì cũng cẩn trọng, đúng mực. Ngày ngày đi làm ca, hết giờ lại ở nhà may vá, thêu thùa, Bùi Thị Mậu chưa biết yêu, cũng chưa từng rung động trước bất kỳ chàng trai nào. Mậu quen biết rồi nên duyên vợ chồng với phi công Nguyễn Văn Lai nhờ mai mối của người chú ruột là Bùi Nho, khi ấy đang công tác trong quân đội, có nhiệm vụ quản lý các học viên đi học nước ngoài.
Qua tìm hiểu, Mậu được biết quê Nguyễn Văn Lai ở Thanh Chương, Nghệ An. Anh vừa được tổ chức giới thiệu đi học một ngành rất quan trọng nhưng hết sức bí mật ở nước ngoài về. Mậu chỉ nghe chú Nho nói chú là người nắm lý lịch và biết rõ anh nên có phần yên tâm. Mọi việc diễn ra rất chóng vánh. Ngay đợt về phép ấy, chú Nho báo cáo với tổ chức cho hai người tìm hiểu nhau. Đơn vị anh Lai cử người về xác minh lý lịch của Bùi Thị Mậu tại quê nhà rồi cho làm đăng ký kết hôn, báo hỷ luôn. “Đã đưa nhau đi đăng ký vậy mà hai đứa vẫn chưa đi chơi riêng với nhau lần nào, thậm chí còn chưa dám nắm tay nhau. Đám cưới được tuyên bố ngày 16-6-1963, chỉ mang tính chất thông báo cho đại diện gia đình, hai cơ quan chứ không có chè thuốc, bánh kẹo như các đám cưới sau này đâu!”-bà dừng lại, nhìn tôi cười rồi kể tiếp...
Cưới nhau, vợ chồng Mậu được tổ chức phân cho một căn phòng nhỏ ở một khu tập thể. Hai đêm đầu, vì chưa quen hơi chồng mà cô… bỏ về ở với các bạn cùng cơ quan. Thế nào mà chú Nho biết được, cho gọi hai vợ chồng về nhà chú. Ngủ ở nhà chú, hai giường chỉ cách nhau bức vách nên đêm ấy hai người nằm cạnh nhau im lặng chờ trời sáng. “Hôm sau nữa thì chúng tôi đưa nhau về quê nội, quê ngoại để báo cáo với họ hàng hai bên. Đêm thứ tư sau ngày cưới, chúng tôi mới chính thức là vợ chồng. Đến lúc ấy, tôi mới biết anh ấy là phi công lái máy bay quân sự”-bà Mậu nhớ lại.
Về thăm quê được hai hôm, ngày thứ ba thì hai vợ chồng phải ra Hà Nội để Nguyễn Văn Lai trở lại đơn vị. Hai đêm ngắn ngủi bên nhau, bà đã mang trong mình sinh linh bé bỏng. Chia tay chồng, chưa kịp bén hơi mà ông đi biền biệt, nhiều đêm bà khóc ướt đẫm gối vì nhớ thương, vì tủi thân. Nhiệm vụ thời chiến, ông đi về đều phải giữ bí mật. Mãi sau này bà mới được biết, thời gian ấy, ông đi học lái máy bay ở Trung Quốc. Con trai được 5 tháng thì ông về, đột ngột không kém ngày ông đi. Bà khóc nghẹn trong vòng tay chồng đang ôm ghì cả hai mẹ con vào lòng, chỉ biết đấm vào lưng ông thùm thụp!
Đêm ấy, hai người có một đêm dài tâm sự bên nhau sau những tháng ngày xa cách. Bà bảo, ngày ấy thật ấu trĩ vì nghĩ, mới sinh con xong nếu lại mang bầu thì khổ nên bà nhất quyết không cho ông động vào người. Ông vì thương vợ mà cũng cố dằn lòng... Trưa hôm sau thì con trai lên cơn sốt cao, hai vợ chồng tất tả bế con vào viện. Ông được nghỉ ba ngày phép thì hai ngày ở viện chăm con rồi phải lên đường. Một mình bà chỉ còn biết nằm ôm con mà khóc...
Con trai hay bị sốt vì viêm amidan, bệnh viện đề nghị nạo đi cho khỏi sốt. Không may cháu bị nhiễm trùng rồi bỏ bà mà đi. Bà ngã quỵ, đau đớn tưởng chết đi sống lại, không viết được cả thư cho chồng (trước đó, tuần nào ông bà cũng viết thư cho nhau). Bạn bè ở khu tập thể thương quá, thay bà viết thư báo tin buồn cho ông. Ông biết chuyện nhưng vì nhiệm vụ cũng không thể về bên bà, đành nhờ những cánh thư để động viên vợ. Lá thư dài 6 trang của ông khi ấy đã giúp bà gượng dậy, cố húp miếng cháo cầm hơi để gắng sống chờ chồng về. Từ đó, tuần nào ông cũng viết cho bà hai lá thư, lá trước có khi cách lá sau chỉ một đêm. Những lá thư kể chuyện sinh hoạt, về ước mơ đoàn viên, khích lệ nhau cùng học tập, công tác tốt... trở thành động lực vô giá, giúp bà vượt qua nỗi đau buồn.
    |
 |
Di ảnh liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lai. Ảnh chụp lại |
Bốn tháng sau kể từ ngày con trai mất, ông bất ngờ được về nước vào ngày 30-4-1965. Bà nghẹn ngào trong vòng tay chồng, nhớ đến con trai mà nước mắt tuôn rơi như có ngàn mũi kim đâm vào tim. Ông vỗ về: “Rồi mình sẽ lại có những đứa con! Cố gắng lên em!”. Và chính đêm ấy, bà mang thai con trai thứ hai. Ông cũng chỉ được về phép vài ngày rồi phải trở lại đơn vị làm nhiệm vụ.
Biết chồng đóng quân ở sân bay Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội), cứ cuối tuần bà lại đạp xe gần 40km lên thăm ông, dù có khi gặp, khi không. Nói là thăm nhưng cũng chỉ gặp nhau được vài phút nói chuyện rồi lại phải chia tay. Bà Mậu trải lòng: “Như có linh tính mà những tuần đầu tháng 6, cứ hay nóng ruột, tôi càng năng lên thăm chồng. Tôi nhớ như in hôm đó, ngày 18-6 (hai ngày trước khi phi công Nguyễn Văn Lai hy sinh-PV), tôi lên thăm, chỉ nói chuyện được vài phút rồi anh ấy phải đi trực chiến. Tôi ở lại đơn vị đến sáng hôm sau. Ra về thì gặp trời mưa nên phải quay lại mượn áo mưa. Gặp chồng đi trực chiến về ở cổng đơn vị, tôi dằn dỗi đạp xe về, mặc cho nước mắt, nước mưa chan hòa. Anh ấy chạy theo, chỉ kịp dặn dò: “Em đang có thai, phải cẩn thận. Đừng giận anh nhé!”. Có ai ngờ đó là lần cuối cùng vợ chồng gặp nhau!”.
Anh hùng LLVT nhân dân, phi công Nguyễn Văn Lai đã hy sinh anh dũng trong một trận không chiến giữa biên đội hai chiếc MiG-17 với 6 máy bay AD-6 Mỹ, sau khi bắn rơi một máy bay Mỹ trên vùng trời Hồi Xuân, Thanh Hóa ngày 20-6-1965. Không thể kể hết nỗi vất vả của bà Mậu khi phải một mình nuôi cậu con trai Nguyễn Bá Phúc sau ngày chồng hy sinh. Thương con côi cút, bà ở vậy, dành tất cả tình cảm, nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành. Đến nay, anh đã có cuộc sống riêng ở Đức, thi thoảng mới cùng con cháu về thăm mẹ. Một mình trong căn hộ tập thể cũ, bà sống với những hồi ức về ông. Bà bảo, nhờ có hình bóng của ông mà bà có đủ nghị lực sống để vượt qua bao bão giông của đời người. Qua những lời kể của bà, tôi cảm nhận tình yêu của bà dành cho ông dường như qua năm tháng vẫn chưa hề mờ phai...
PHẠM THU THỦY