Mùa thu năm 1965, chàng trai Đỗ Văn Tải chớm đôi mươi, từ thành phố Hoa phượng đỏ lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế về Trung đoàn Pháo phòng không 243 (H30) đóng quân tại thị xã Uông Bí, nơi có nhà máy nhiệt điện lớn cạnh một mỏ than hiện đại nhất lúc bấy giờ. Cũng mùa thu ấy, cô gái Phạm Thị Dần mới 15 tuổi, cũng tình nguyện gia nhập Trung đội Nữ dân quân xã Đồng Tiến (nay là phường Quang Trung)-quê hương cô. Anh là trai bộ đội, chị là gái dân quân, cùng đồng đội có nhiệm vụ phối hợp chiến đấu và họ đã trực tiếp đánh trả không quân Mỹ, góp phần giữ cho dòng điện, dòng than nơi đây không ngưng nghỉ. Những trận chiến đấu bên nhau đã để lại nhiều kỷ niệm, nhưng có một kỷ niệm cả anh cùng chị không bao giờ quên đã diễn ra trong trận đánh ác liệt đương đầu với không quân Mỹ ngày 22-12-1965.

leftcenterrightdel
Vợ chồng cựu chiến binh Đỗ Văn Tải và Phạm Thị Dần.

15 giờ hôm đó, Mỹ huy động các tốp máy bay đánh vào thị xã Uông Bí. Thế trận của ta ở nhiều hướng nhất loạt tung lưới lửa lên trời và quân dân ta đã bắn rơi tại chỗ 3 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái. Trong trận đánh này, nữ dân quân Phạm Thị Dần được giao nhiệm vụ chèo đò đưa bộ đội qua bến sông Uông bổ sung cho các chốt chiến đấu và đưa dân sơ tán khỏi trọng điểm địch oanh tạc. Chưa kịp học bơi nhưng chị Dần nhất quyết nhận nhiệm vụ khó khăn này. Trận đánh diễn ra rất ác liệt và căng thẳng, trên trời tiếng máy bay phản lực Mỹ gầm thét, dưới sông nước cuồn cuộn chảy, xung quanh bom rơi, đạn nổ mù mịt nhưng mái chèo chị Dần vẫn gan góc, nhanh chóng đưa đò qua sông hết chuyến này đến chuyến khác. Bỗng, quai chèo đò của chị đứt và mái chèo rơi, kéo theo chị Dần xuống sông chìm nghỉm. Nhanh tựa tên bay, một anh bộ đội trên đò không kịp bỏ trang phục, nhào xuống lòng sông, một tay tóm lấy chị Dần, một tay níu mạn, cùng những người trên đò hợp sức đưa chị lên cấp cứu. Lúc chị Dần tỉnh lại cũng là lúc người ta đã nối lại quai chèo giúp chị tiếp tục đưa đò qua sông phục vụ chiến đấu. Mãi sau này chị Dần mới hay, anh bộ đội cứu mình lúc cam go trên bến sông ấy tên là Tải, chiến sĩ nuôi quân ở một trận địa pháo phòng không chốt trên đồi Bãi Soi. Từ đó, mỗi lần anh Tải công tác qua đò của chị Dần thường gặp ánh mắt chị và họ cứ trao nhau ánh nhìn đắm đuối như thế. Vào một đêm trăng, trong không gian yên tĩnh, họ hẹn hò nhau tình tự dưới chân đồi 64.

Từ đêm trăng ấy, hễ ngày nào không gặp nhau một lần thì cả hai đứng ngồi không yên. Rồi 4 năm sau, vào một tối cuối thu se lạnh năm 1969, trước sự chứng kiến của họ hàng, gia đình đôi bên cùng đồng đội, chị Dần và anh Tải đã nên duyên vợ chồng. Cũng trong năm họ “về chung một nhà” ấy, anh Tải được bổ sung cho Trung đoàn Pháo phòng không 252, đóng quân tại Bến Bính, TP Hải Phòng; còn chị Dần bám “đội quân tóc dài” tiếp tục chiến đấu trên quê hương mình. Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, hòa bình trở lại trên miền Bắc, anh Tải phục viên còn chị Dần được lệnh trở về địa phương tham gia công tác.

Chuyến đò nên duyên từ trận đánh Mỹ năm ấy đã gắn kết hai trái tim cùng chung chí hướng vượt qua những gian lao, thử thách để cập bến hạnh phúc. Bây giờ, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm xưa, vợ chồng cựu chiến binh Đỗ Văn Tải và Phạm Thị Dần không khỏi tự hào bởi họ đã có một tình yêu bền chặt từ trong chiến đấu.

Bài và ảnh: ĐINH QUANG HUY