Tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào tỉnh Sơn La, anh chủ nhiệm trinh sát Lê Huy Mai ngày nào giờ đã là Thiếu tướng, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 vui vẻ cùng phu nhân là bà Nguyễn Thị Bình bên các đồng chí, đồng đội. “Đến cái tuổi thất thập, tôi đang thực hiện lời hẹn ước thời trẻ với vợ tôi đấy. Đó là ngày 18-4-1975, sau khi giải phóng Đà Nẵng, tôi đã viết thư cho em và hẹn: “Một ngày gần đây chắc Sài Gòn và toàn bộ miền Nam sẽ được giải phóng. Ngày đó, anh sẽ về thăm em và nếu có điều kiện, anh sẽ đưa em đi thăm những nơi đẹp nhất trên mảnh đất miền Nam mà anh đã đặt chân tới. Chắc lúc đó em sẽ nhất trí dành thời gian đi chơi với anh chứ?”. Vị tướng trận mạc đưa chúng tôi về ký ức bằng ánh mắt sáng ngời tình thương chất chứa trong lòng và chất giọng trầm ấm pha chút bồi hồi.
Đầu tháng 7-1971, Lê Huy Mai, Chủ nhiệm Trinh sát-đặc công Trung đoàn 1 được Trung đoàn trưởng Vũ Thế Đào giao nhiệm vụ thay mặt cán bộ, chiến sĩ lực lượng trinh sát ra Hà Nội dự Hội nghị tổng kết công tác trinh sát nắm địch, kết hợp với nghỉ phép thăm nhà.
Sau 6 năm lăn lộn nơi chiến trường Trị Thiên, chưa một lần Huy Mai liên lạc về gia đình vì suy nghĩ “sẽ làm bận tâm và làm gia đình thêm bận gánh nhớ mong”. Sau khi kết thúc hội nghị, Huy Mai ra thẳng ga Hàng Cỏ lên tàu chợ về Nam Định, lên xe ô tô về Giao Thủy, rồi cuốc bộ thẳng một mạch tới nhà.
Biết tin Huy Mai về, gia đình, bà con trong họ, hàng xóm láng giềng, bạn bè đều đến chia vui, chào hỏi. Trong những đoàn khách đến thăm, Huy Mai gặp lại Bình-cô bé hàng xóm nay đã thành một thiếu nữ xinh đẹp trong chiếc áo màu xanh hòa bình, tóc tết hai bím buông dọc lưng ong.
Khi mọi người ra về, một mình ra sân hóng gió, giữa đêm khuya thanh vắng, Huy Mai bỗng nhớ đến Bình. Tuổi thơ hai người gắn bó với nhau ở chiếc sân trước hiên nhà với các trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, trốn tìm... Và đặc biệt, vào dịp nghỉ hè, mỗi khi Huy Mai ra đồng thả chiếc diều cung trăng chao lượn mang theo tiếng sáo vi vu hòa với gió, lúc đó, cô bé Bình nhà bên lại rủ bạn bè ra ngồi bên cạnh chàng “mục đồng” gửi mơ ước theo cánh diều hòa vào bầu trời xanh...
Sáng tinh mơ, vừa bước ra sân tập thể dục, ánh mắt Huy Mai bỗng liếc qua hàng rào nhìn sang nhà hàng xóm. Không hiểu em gái nhà bên đã dậy chưa? Huy Mai giật mình và tự cười bản thân với ý nghĩ ấy. Vì đã hạ quyết tâm với chính mình từ rất lâu, ngay từ hồi mới vào chiến trường. Chiến tranh chưa kết thúc, chưa yêu ai, nhất quyết chưa lấy vợ.
Thế nhưng mỗi khi Bình sang chơi, Huy Mai lại thấy một điều gì khác lạ, niềm vui, sự hân hoan trào dâng trong câu chuyện giữa hai người. Bình chăm chú và thán phục khi nghe Huy Mai kể chuyện chiến đấu, chuyện đồng đội dũng cảm xông pha diệt thù. Và ngược lại, Huy Mai thấy lâng lâng khi nghe Bình kể chuyện làng quê, chuyện học tập và cả chuyện bạn bè của em hăng hái lên đường đánh Mỹ... 20 ngày phép trôi qua thật nhanh, trước ngày lên đường, Bình sang nhà khéo léo sắp xếp, buộc ba lô gọn gàng giúp anh hàng xóm và lặng im ra về. Chưa kịp nói lời tạm biệt, sáng hôm sau, giữa những người thân quen đưa tiễn, Huy Mai thấy lòng bâng khuâng vì không thấy cô sinh viên sư phạm nhà bên đến. Một tình cảm mới mẻ, khác lạ đang nảy mầm. Hình ảnh cô bé nhà bên với hai bím tóc xinh xinh đã trở thành hành trang Huy Mai mang theo ra trận.
Cuối tháng 7-1973, với cương vị Chủ nhiệm Trinh sát-Đặc công Sư đoàn 324, Huy Mai lại được ra Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị tổng kết công tác quân báo-trinh sát toàn quân. Điều đặc biệt, mọi đại biểu đều được quân đội bán cho một chiếc xe đạp với giá cung cấp. Huy Mai đăng ký liền vì sẽ được về quê sớm, không phải chờ đợi tàu và có thể đưa quà, thư của đồng đội gửi cho người thân nhanh hơn. Huy Mai muốn dành thời gian cho một người đang thổn thức trong trái tim anh.
Dịp ấy, Bình đang nghỉ hè, vẫn hồn nhiên, xinh tươi, dịu dàng như ngày nào… Khác với lần đầu về phép, lần này hễ có thời gian là đến lượt Huy Mai tìm mọi cách sang bên nhà hàng xóm. Nhiều lúc thấy Bình có vẻ ngại ngùng làm Huy Mai cũng thấy bối rối. Có lẽ, các bậc cha mẹ hình như cũng biết nên đã tạo điều kiện cho đôi trẻ gặp nhau.
Tình yêu có thể biến những người mạnh mẽ nhất trở nên yếu đuối. Bởi vậy, việc bao lần Huy Mai hạ quyết tâm thổ lộ mà lời nói như nghẹn lại vì e ngại cũng dễ hiểu. Nhưng niềm vui đã vỡ òa khi lời ngỏ của anh đã được cô giáo tương lai Nguyễn Thị Bình nhận lời. “Ngay khi Bình đồng ý, chúng tôi đã thưa chuyện và được cha mẹ hai bên hoàn toàn ủng hộ. Tôi cầm bản sơ yếu lý lịch của Bình vội vàng lên Hà Nội báo cáo với Thượng tá Lê Văn Dánh-Phó chính ủy Sư đoàn 324 đang tập huấn tại Học viện Quân sự cấp cao. Mừng cho chúng tôi, anh Dánh còn dành phần mua hàng tại căng tin trong nhiều tháng và bổ sung tiêu chuẩn của bạn bè trong lớp tập huấn mua giúp tôi bánh kẹo, thuốc lá để tiếp khách trong tiệc cưới. Một đám cưới bình dị chỉ có kẹo bánh, thuốc nước diễn ra đầm ấm. Vừa cưới xong, vì tôi phải chuẩn bị ra mặt trận nên Bình lại thay mặt chồng theo gia đình chồng lo hỷ sự cho em tôi ở Thanh Hóa. Ngày tôi đi, vợ tôi không về kịp để tiễn chồng”-Thiếu tướng Lê Huy Mai nhớ lại.
Quay sang nhìn vợ với ánh mắt tràn ngập yêu thương, hạnh phúc, Thiếu tướng Lê Huy Mai tươi cười kể tiếp: “Bình đã trở thành sức mạnh cho tôi trên khắp trận chiến với quân thù. Mỗi chiến công, mỗi lần vượt gian khó nguy hiểm chính là món quà tôi dành tặng em trong hy vọng của ngày gặp tới”.
VIỆT THÙY