Lời tỏ tình bên suối

Đã tròn cửu thập, người bạn đời cũng đã mất hơn 30 năm nay, thế nhưng khi nhắc lại chuyện tình của mình, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thu, nguyên chiến sĩ trinh sát Nha Công an Trung ương (tiền thân của Bộ Công an ngày nay), nguyên Phó trưởng đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn ghi nhớ từng chi tiết. Bồi hồi nhớ về quãng đời tuổi trẻ, bà kể: Tên khai sinh của bà là Đào Thị Đoan, người dân tộc Tày, sinh năm 1932, trong một gia đình quan lại tại xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay thuộc TP Cao Bằng), tỉnh Cao Bằng. Sớm được giác ngộ cách mạng, Đào Thị Đoan tham gia lực lượng du kích, thanh niên ở địa phương khi mới chỉ là cô bé 12-13 tuổi. Năm 1948, 16 tuổi, vốn nhanh nhẹn, xinh đẹp, lại có năng khiếu văn nghệ, cô nhanh chóng được tuyển vào lực lượng công an, được phân công học nghiệp vụ trinh sát. Đồng chí Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương đã đặt bí danh cho cô là Lê Thu.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thu ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1950. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Được tham gia học tập nghiệp vụ, ngay từ những giờ học đầu tiên, Lê Thu đã bị hút hồn trước những bài giảng thực tế sắc bén, hấp dẫn của thầy giáo-Đại đội phó Đại đội Độc lập Cao Phòng. Chiến công phá án đầu tiên-tìm ra được người lấy trộm vàng tại nha công an-của Lê Thu cũng nhờ có sự giúp đỡ của Cao Phòng mà thành công trọn vẹn. Cô càng có cảm tình với anh hơn khi tìm hiểu về gia cảnh của anh. Là một chàng trai thẳng thắn, bộc trực, việc gì cũng biết làm và làm rất giỏi, từ săn bắn đến nấu ăn, một phần vì anh đã phải tự kiếm sống từ năm 13 tuổi, khi cha anh đột ngột mất ở Lào. Theo gia đình trở về Hà Nội, anh học Trường Bưởi, đỗ tú tài toàn phần rồi tham gia hoạt động bí mật và vào lực lượng công an.

Còn Cao Phòng cũng bị cô gái xinh đẹp, hát hay, tính tình thì thật hiền dịu Lê Thu cuốn hút. Những đêm lửa trại ở chiến khu, hai người trở thành cặp đôi ăn ý trong những tiết mục văn nghệ. Tình cảm đến thật tự nhiên, hai người xích lại gần nhau, chia sẻ, gắn bó nhưng còn chưa dám tỏ bày. Cùng ở chiến khu nhưng Sở chỉ huy Nha Công an Trung ương và Đại đội Độc lập bảo vệ an toàn khu đóng quân cách nhau 6-7km. Thi thoảng, anh lại đến thăm cô, khi thì tặng cô gói ô mai, khi thì mảnh vải may áo. Lần ấy, hai người đang trò chuyện bên con suối gần nơi cô làm việc, bất ngờ, anh mạnh dạn thổ lộ: “Em có yêu anh không? Làm vợ anh nhé!”. Giữa lúc tâm trạng cô còn đang bối rối thì anh quàng tay qua vai cô và cảm nhận rõ sự bỡ ngỡ của người con gái mình thương. Sau này, khi đã thành vợ thành chồng, Cao Phòng mới trêu Lê Thu: “Biết thừa là em rất nhút nhát nên anh cứ coi như im lặng là đồng ý thôi!”.

Đám cưới đầu tiên ở chiến khu

Tình yêu đến tự nhiên và đám cưới của hai người cũng diễn ra rất bất ngờ. Tháng 1-1950, tại chiến khu diễn ra Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 5. Biết chuyện về tình yêu của họ, mọi người đã đề nghị đôi uyên ương Cao Phòng-Lê Thu tổ chức lễ thành hôn. Vậy là hôn lễ được ấn định vào ngày 19-1, ngay sau ngày Hội nghị công an toàn quốc bế mạc. Trong khoảng thời gian chuẩn bị cho lễ cưới, cô dâu, chú rể được đồng chí Phạm Hùng (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) tặng 4m vải phin đen để may quần áo. Nhưng vì lễ cưới diễn ra quá gấp, họ không kịp may. Ngày cưới, ông được cho mượn bộ comple, còn bà cũng mượn được chiếc áo dài dân tộc của một người quen. Khách dự đám cưới rất đông vui, không chỉ có đại biểu dự hội nghị mà còn có cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các ngành đang làm việc ở chiến khu. Đồng chí Lê Giản làm chủ hôn đã hát say sưa để chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Những vị khách khác cũng hát vang các bài ca kháng chiến. Đám cưới ở chiến khu thật rộn ràng bởi lời ca, tiếng đàn lay động cả những khe suối, cánh rừng già.

Sau ngày cưới, họ được cấp trên dành cho một chiếc lán nhỏ để hưởng tuần trăng mật, còn sau đó phải về doanh trại sinh hoạt cùng tập thể. Mãi sau này, vợ chồng bà mới được sắp xếp một phòng nhỏ trong căn nhà gần khu Văn phòng Chính phủ. Bà mang thai được 8 tháng thì về quê sinh con, khi con gái được 10 tháng tuổi thì gửi lại con cho bà ngoại rồi về chiến khu nhận nhiệm vụ. Bà được giao đột nhập vào hoạt động ở nội thành Hà Nội. Để lọt được vào vùng địch kiểm soát, bà phải đóng giả là người buôn chuyến, ăn mặc tuềnh toàng, bôi đen mặt mũi nhằm che mắt địch. Bà có người chú là chủ thầu ở sân bay Bạch Mai. Đóng giả là thư ký chủ thầu, hằng ngày, bà thu thập tin tức để báo cho cơ sở của ta. Nhiều tin tức quý giá của bà về số lượng biệt kích, máy bay, vũ khí của địch... được mật báo để ta đón lõng bắt gọn khi chúng thả hàng và người tại các địa điểm bí mật. Còn ông cũng bận rộn với những chuyến điều tra, phá án tại các địa phương, góp phần vào thắng lợi của các chiến dịch. Niềm tin vào chiến thắng, vào lý tưởng cách mạng đã giúp ông bà vượt qua mọi khó khăn, trắc trở và cả những cám dỗ cho đến khoảnh khắc gia đình cùng chung vui sau ngày hòa bình được lập lại ở miền Bắc, năm 1954.

leftcenterrightdel
Gia đình Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thu. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau ngày giải phóng, bà được điều về Đài Tiếng nói Việt Nam làm phát thanh viên, rồi diễn viên của đài. Bà lại lăn lộn với những chuyến đi vào vùng giới tuyến Vĩnh Linh, Quảng Trị. Bà ngâm thơ, đệm đàn, dùng lời ca, tiếng hát thu phục nhân tâm, kêu gọi anh em binh sĩ phía bên kia bỏ vũ khí, về với cách mạng. Ông thì vẫn miệt mài với công việc của người chiến sĩ trên mặt trận an ninh, sau này là trên cương vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an.

Bà Lê Thu chia sẻ rằng, làm vợ một vị tướng, lại là vị tướng công an như bà cần thật nhiều sự yêu thương, chia sẻ với chồng. Nhiều đêm, ông bật dậy hút thuốc liên tục. Bà chỉ đoán, chắc lại là một chuyên án khiến ông suy tư, trăn trở. Nguyên tắc nghề nghiệp của ông khiến bà không dám hỏi chuyện, nhưng bà lặng lẽ thức cùng ông. Rồi những lần ông đi công tác xa, trong thời buổi đất nước còn nhiều khó khăn, bà thường chuẩn bị cho ông gói xôi với muối vừng ăn trên đường. Bà cũng không quên chuẩn bị thêm khẩu phần cho các đồng chí cùng đi với ông. Trên xe của ông luôn có một phích đá, bà pha sẵn khi là nước chanh, khi cà phê để ông và đồng đội dùng cho tỉnh táo.

Năm 2018, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thì năm 2019, bà được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” cho những hoạt động không mệt mỏi vì cộng đồng. Đó là những niềm vui lớn trong cuộc đời bà. Nhiều năm nay, ông không còn bên bà nữa, ông mất bởi căn bệnh ung thư năm 1988. 3 người con gái của ông bà đều đã khôn lớn, trưởng thành, có hạnh phúc riêng. Bà bảo, nếu không nhờ ơn Đảng, ơn cách mạng thì gia đình bà chắc gì đã được toại nguyện như hôm nay. Thế nên, bà dành thời gian đi làm từ thiện, đóng góp cho đời công sức nhỏ bé của mình như một cách nối dài vòng tay nhân ái, trả ơn cuộc đời...

PHẠM THU THỦY