 |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Trong cuộc đời chiến sĩ của mình, tôi có những kỷ niệm không bao giờ quên. Ấy là một đêm mùa đông năm 1972, trong khu rừng thuộc huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), đại đội bộ binh chúng tôi thuộc Sư đoàn 304B được đón mấy “vị khách đặc biệt”. Đó là những cô giáo trẻ của một trường cấp II gần đó đến hát cho chúng tôi nghe trước khi ra chiến trường. Lần đầu tiên được nghe cô giáo người dân tộc Tày có cái tên rất đẹp Hoàng Ngọc Lan hát: “Rừng núi quê ta đẹp mùa xuân nắng chan hòa. Thẳng đường xe bon qua bản mới...”. Câu hát mở đầu trong bài “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên làm cánh lính trẻ chúng tôi ai nấy đều rưng rưng xúc động. Ngay sau đó, nhiều cuốn sổ tay được đưa đến cho cô giáo trẻ. Dòng chữ mảnh mai run run từ cây bút Trường Sơn của người con gái chép bài hát “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” đã theo chúng tôi ra trận.
Tôi tìm đến Hội âm nhạc Hà Nội, nơi nhạc sĩ Phạm Tuyên làm Tổng thư ký. Khi hỏi về những kỷ niệm sáng tác ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”, nhạc sĩ Phạm Tuyên rất vui. Giọng ông sôi nổi, đưa tôi ngược dòng thời gian gần 40 năm về trước. Mùa hè năm 1969, nhạc sĩ Phạm Tuyên dẫn đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam “hành quân phương bắc” đến với đồng bào các dân tộc nơi Thủ đô gió ngàn những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Việt Bắc hồi ấy còn là Khu tự trị với 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Hàng chục buổi biểu diễn phục vụ bà con các dân tộc trên địa bàn rộng lớn đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các nghệ sĩ, diễn viên.
Với nhạc sĩ Phạm Tuyên, trưởng đoàn, đồng chí Chủ tịch khu tự trị dành cho sự ưu ái đặc biệt. Ông được đến thăm những nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng ta từng ở để lãnh đạo cuộc kháng chiến, đến những địa danh như Pác Bó, Tân Trào, Định Hóa, khu rừng Trần Hưng Đạo... Đến đâu, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng như bắt gặp hình ảnh của Bác đang cuốc đất tăng gia, ngồi câu cá, dịch sử Đảng, nói chuyện với bà con các dân tộc... Hình ảnh những bà mế người Tày, người Nùng, người Dao đùm bọc, chở che Bác và Trung ương những ngày gian khó làm nhạc sĩ xúc động. Việt Bắc hôm qua khổ cực, đói nghèo là thế mà bây giờ đổi thay từng ngày. Những con đường mới mở đã về tận bản làng. Ánh điện đã về với những mái nhà sàn. Đàn em nhỏ áo mới tung tăng tới trường. Các cô gái Thái, Tày, Nùng, Dao... xinh đẹp tay nâng cây đàn tính và hát về quê hương mình. Những hình ảnh ấy đã gọi tên giai điệu cho ca khúc “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” của nhạc sĩ.
Một ngày đầu tháng 8-1969, trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam vang lên bài “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” do hợp ca nữ của đài biểu diễn với giọng lĩnh xướng của nghệ sĩ Tuyết Thanh. Như một dòng điện mạnh, “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” lan tỏa rất nhanh ra cả nước đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Phạm Tuyên là một trong những nhạc sĩ có nhiều ca khúc được quần chúng yêu thích. Với ông, những điều bình thường nhất của cuộc sống cũng có thể cất thành tiếng hát. Đó chính là tình yêu lớn lao đối với cuộc sống của người nhạc sĩ được Đảng giáo dục và rèn luyện. Hầu hết tác phẩm của Phạm Tuyên đều thể hiện sự hồn nhiên, giản dị, sâu sắc, lãng mạn mà đằm thắm. “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” cũng nằm trong mạch cảm xúc ấy. Ca khúc giàu chất điệu dân ca của người Tày, Nùng nên dễ đi vào lòng đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Ca khúc cũng đã được nhà thơ Nông Quốc Chấn dịch ra lời Tày.
Gần 40 năm “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” hành trình với đồng bào và chiến sĩ cả nước, trở thành “Việt Bắc ca” của mảnh đất một thời là “Thủ đô gió ngàn”. Tác phẩm nói lên được tấm lòng của đồng bào các dân tộc nơi một thời là chiến khu, là căn cứ địa cách mạng đối với Bác. Khi hát lên, lòng ta thêm yêu kính Bác, càng tự hào về quê hương Việt Bắc tươi đẹp, thêm tin tưởng vào con đường do Đảng và Bác Hồ đã vạch ra.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên ôm cây đàn ghi-ta, lướt nhẹ những ngón tay lên phím đàn rồi say sưa hát: “Việt Bắc quê ta tự hào theo bước Bác Hồ, Người truyền cho ta mối tình lớn...”. Vâng, đấy chính là tình yêu với Đảng, với Bác của bà con các dân tộc Việt Bắc. Là niềm tin của quân và dân Quân khu 1 trong chặng đường mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Nguyễn Đình Phượng
Nhạc sĩ Phạm Tuyên