Trong căn nhà ấm cúng ở phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, nhìn ông bà bên nhau, xưng anh em rất mực tình cảm, chúng tôi cũng vui lây. Ba năm trước, tháng 5-2017, ông gặp bà khi đã bước sang tuổi 84, còn bà 72 tuổi, đã ở vậy sau khi chồng mất gần 20 năm. Ông bảo, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, góa vợ, người thường sẽ nghĩ thôi ở vậy cho trong ngoài yên ấm, nói chi đến chuyện đi bước nữa. Nhưng khi gặp bà, sự cảm động trước tấm lòng đôn hậu, chân tình của người phụ nữ Tràng An đã khiến ông thay đổi.
Ông cứ tấm tắc vì may mắn mới gặp được bà. Ông kể: “Hai gia đình đã có mối giao hảo từ trước, khi con trai bà và con gái tôi là đôi bạn thân. Các cháu vẫn qua lại thăm hỏi như con cháu trong gia đình. Tiếc là dù thế mà chưa một lần chúng tôi gặp nhau. Phải đến tận tháng 5-2017, ban liên lạc dòng họ Phan ở Hà Giang mời chúng tôi lên gặp mặt, các cháu sợ tôi vất vả nên đề nghị đưa tôi đi. Và ông trời đã khéo sắp đặt để bà ấy cũng đi chuyến ấy!”.
    |
 |
Vợ chồng Đại tá Phan Trọng Phan tại nhà riêng. Ảnh: NGỌC MAI |
Lần đầu trông thấy bà, ông đã cảm mến ngay. Ông có khiếu văn chương, bà lại làm thơ rất hay, hai bên trò chuyện thân tình suốt hành trình. Về Hà Nội, những vần thơ chia sẻ thường xuyên được trao gửi là cầu nối để ông bà xích lại gần nhau. Thấy tình cảm đã chín muồi, ông mới ướm gửi vần thơ: Mong em suy nghĩ vì con cháu... và bà đã ý nhị trả lời: Trong trái tim em lửa vẫn hồng... Nhận được “tín hiệu” đồng ý từ bà, ông đã có cuộc hẹn đầu tiên với bà vào ngày 16-6-2017: “Tôi hẹn bà ấy ra Hồ Gươm uống cà phê, trò chuyện rồi tản bộ quanh hồ. Càng trò chuyện, tôi càng thấy tâm đầu ý hợp. Tôi đã có những ý tưởng xa xôi hơn nhưng chợt dừng lại bởi ý nghĩ, bà ấy đã ở vậy nuôi con gần 20 năm dù không ít người ngỏ ý, chắc gì mình có thể làm suy chuyển được “bức tường thành” ấy!”-ông Phan nhớ lại.
Nhưng rồi một sự cố xảy ra cũng là bước ngoặt dẫn đến cái kết có hậu với ông bà. Hai ngày sau buổi hẹn hôm ấy, ông bị một trận ốm “thập tử nhất sinh”. Bà nghe tin vội vào viện thăm nom. 9 ngày ông ở viện là 9 ngày bà chăm sóc ông chu đáo như một người vợ hiền. Nhìn người bạn mới đút từng thìa cháo, thay cho mình từng cái áo lấm bẩn, ông cảm động không nói nên lời. Còn các bác sĩ, người nhà bệnh nhân ở Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thì từ kinh ngạc đến trầm trồ, ngưỡng mộ khi biết bà chỉ là bạn của ông. Sự hồi phục thần kỳ của ông sau đó đã được lý giải chính nhờ sức mạnh tinh thần có được từ sự chăm sóc của bà, như lời vị bác sĩ nắm tay ông chúc phúc ngày ra viện: “Ông khỏi được phần lớn là nhờ bà đấy!”.
Trong khi ông kể chuyện, bà ngồi bên cạnh cười rạng rỡ. Ai đó nói tình yêu là thứ khó giấu nhất, quả đúng với ông bà. Bà ngồi bên hết lo lấy nước lại lau kính cho ông. Nghe chúng tôi hỏi lý do gì khiến bà bỏ thời gian chăm ông ở viện như vậy dù hai người mới chỉ là bầu bạn, bà chậm rãi trả lời: “Chỉ vì thương ông ấy một thân một mình. Con cái ông đều đã trưởng thành, nhưng người ta vẫn bảo con chăm cha làm sao bằng bà chăm ông được! Lý do bà nêu đơn giản vậy nhưng khi đọc những dòng thơ bà viết mong ông tai qua nạn khỏi trong lần lâm bệnh nặng mới thấy hết tấm chân tình của bà dành cho ông:
Anh con bệnh tật ốm đau
Xin trời cứu giúp anh con mau lành
Con xin nguyện sẽ trung thành
Làm bạn tri kỷ với anh suốt đời!
Ba tháng sau khi ông ra viện, hai người chính thức về chung một nhà. Ban đầu không phải tất cả con cháu đều đồng thuận. Cũng có “lời ra tiếng vào” vì những nghi kỵ sợ bà đến với ông vì mục đích nào khác. Nhưng chính tình yêu, sự hy sinh hết mực của bà dành cho ông đã cảm hóa hết thảy. Giống như trong một bài thơ ông đã “đúc kết” về câu chuyện tình yêu “kỳ lạ” của đời mình:
Nhà cửa cho hết các con
Tài sản còn lại chỉ là lương hưu
Duyên trời gặp được người yêu
Mối tình sét đánh nhiều điều khó tin
Tình yêu đâu phải cho-xin
Mà do số phận, niềm tin lòng người
Tình già vẫn đẹp, vẫn tươi
Vì có tổ ấm nên đời yên vui!
KHÁNH AN