Đầu tháng 4-1962, chàng trai quê hương đất Tổ Đặng Tuyên xung phong lên đường nhập ngũ, vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 202 (nay là Lữ đoàn 202, Quân đoàn 1). Trải qua các cương vị pháo thủ, trưởng xe, tháng 5-1965, Đặng Tuyên được cử đi đào tạo nâng cao. Một năm sau, kết thúc lớp học, Chuẩn úy Đặng Tuyên được bổ nhiệm Trung đội trưởng thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 203 (nay là Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2). Đầu năm 1968, ông được cấp trên bổ sung vào lực lượng huấn luyện chuẩn bị đi B, đóng quân ở khu vực huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Bà Trần Thị Thoa sinh ra và lớn lên ở xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1965, tốt nghiệp ngành sư phạm, bà tình nguyện lên dạy học ở huyện Lương Sơn. “Vào một ngày đầu tháng 9-1968, lần đầu tôi vô tình gặp anh Tuyên khi anh hành quân qua trường. Sau đó, thi thoảng anh lấy cớ qua trường dọn dẹp, giúp đỡ cô trò sửa bàn ghế, chỉnh trang nơi ngủ nghỉ của giáo viên...”, bà Thoa kể.

Thế rồi, chàng sĩ quan trẻ Đặng Tuyên và cô giáo Trần Thị Thoa bén duyên nhau lúc nào không hay. Ngày 12-2-1969, trong điều kiện thời chiến, đơn vị và nhà trường tổ chức đám cưới cho họ thật giản dị, đầm ấm, vui vẻ và ngập tràn hạnh phúc. Hôm đó, phía đơn vị có đồng chí Đinh Quang Tuệ, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 203 làm chủ hôn. Đại diện nhà trai có hai em là Đặng Thị Chiến (18 tuổi) và Đặng Văn Thắng (16 tuổi). Còn nhà gái do ở xa, bố mẹ già nên không có ai tới dự.

Ngày về quê báo hỷ, hai em chồng thay nhau chở chị dâu bằng xe đạp với chặng đường hơn 120km mà không có chú rể, vì anh Tuyên phải ở lại đơn vị vừa trực chiến, vừa tập trung huấn luyện để đi B. Sáng hôm ấy, Thoa ngậm ngùi về nhà bố mẹ chồng ở xã Xuân Lũng (Lâm Thao). Khi đến nơi, Thoa thấy mọi người đang mổ lợn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Dậu 1969. “Đó là lần đầu tiên tôi về quê chồng ăn Tết lại vắng anh. Chính vì vậy mà có chuyện vui là ngày mồng 5 Tết, được sự cho phép của gia đình nhà chồng, anh trai chồng và con nhà bác ruột đưa tôi về nhà bố mẹ đẻ. Mọi người trong nhà tưởng anh trai chồng là chú rể!”, bà Thoa nhớ lại.

leftcenterrightdel

Vợ chồng ông Đặng Tuyên và bà Trần Thị Thoa. Ảnh: THÁI GIANG

Ngày đó, tuy thiếu thốn mọi bề nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn bố trí cho họ một căn phòng hạnh phúc lợp tre nứa. Cuối năm 1971, trước khi đơn vị hành quân vào chiến trường Nam Bộ, ông được về tranh thủ mấy ngày. Và niềm vui vỡ òa khi ông biết vợ vừa sinh con gái. Kể từ đó đến tháng 5-1975, ông mải miết chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ và ông bà bặt tin nhau. Cuối năm 1975, ông mới được về phép thăm gia đình. Vợ chồng ôm nhau khóc trong niềm vui và hạnh phúc. Lúc đó, con gái bỡ ngỡ, lạ lẫm nên không theo bố. Khi bố con vừa gần gũi, thân quen thì ông lại lên đường trở về đơn vị...

Khi nhớ lại chuyện riêng, bà Thoa mỉm cười, kể: “Cứ mỗi lần chồng về tranh thủ là tôi lại có thai. Năm 1976, tôi sinh con gái thứ hai và năm 1977 sinh con gái thứ ba. Đầu năm 1978, tôi được cấp trên tạo điều kiện cho chuyển vùng về dạy học ở quê chồng. Ngày ấy, 4 mẹ con bồng bế nhau từ Lương Sơn (Hòa Bình) về Lâm Thao (Phú Thọ) trong tâm trạng vừa mừng vừa lo... Những năm đầu mới về, tôi lạ lẫm đủ bề nơi đất khách quê người, trong khi đó, chồng lại công tác biền biệt nơi xa. Ngoài thời gian lên lớp, tôi còn tranh thủ khai hoang đất đồi gần nhà để trồng rau, ngô, khoai, sắn, chăn nuôi lợn, gà... cuộc sống gia đình cũng dần vượt qua những năm gian khó.

Mãi tới năm 1987, chồng tôi mới chuyển về Bộ tư lệnh Quân khu 2 công tác cho đến khi nghỉ hưu vào cuối năm 2001. Nhưng từ khi nghỉ hưu, ông ấy lại say mê “vác tù và hàng tổng”. 10 năm liền, ông làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Việt Trì, luôn tâm huyết, bận rộn với việc của Hội. Nhớ lại nhiều năm biền biệt xa cách, thậm chí có thời điểm bặt tin nhưng chúng tôi vẫn luôn dành cho nhau tình yêu son sắt, thủy chung. Với công việc ông Tuyên lựa chọn, tôi đều ủng hộ và sẵn sàng đồng hành”...

THÁI KIÊN