Nghe chuyện về tình yêu của anh Hiền và chị Định đã lâu nhưng phải đến mùa xuân năm 2023 tôi mới được gặp, khi anh chị cùng đồng đội về thăm Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 799 (Quân khu 1)-đơn vị cũ của anh.

Năm 2003, đang là bác sĩ của Bệnh viện Quân y 110, anh Hiền được điều động lên làm Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân dân y Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 799. Hơn một năm công tác ở đoàn, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng trái tim người thầy thuốc như mẹ hiền, anh Hiền đã cứu nhiều người dân thoát khỏi cái chết cận kề. Đồng nghiệp ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) thì trân quý gọi anh là “thầy Hiền”, bởi được anh bồi dưỡng, truyền thụ nhiều kiến thức, kinh nghiệm điều trị, cứu người.

Năm 2004, anh Hiền trở lại công tác tại Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 110. Nhưng không may, trong một lần trên đường về nhà, tai nạn bất ngờ ập đến khiến anh bị tàn tật suốt đời. Lúc ấy, anh bị liệt hai tay, chân chưa thể đi lại được nên phải ngồi xe lăn. Trước đó không lâu, vợ anh đột ngột ra đi, để lại cho anh hai đứa con thơ. Những tưởng cánh cửa hạnh phúc đã khép lại thì may mắn, anh gặp được chị Thân Thị Định, sinh năm 1979, ở xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).

Chuyện là, năm 2007, anh Hiền về quê ở xã Tăng Tiến để dưỡng bệnh. Là người cùng xã nên chị Định biết chuyện và đến thăm anh. Khi ấy, chị Định đang làm công nhân may mặc cho một công ty trong huyện. “Lần đầu gặp anh ngồi trên xe lăn, trông anh xanh xao nhưng miệng vẫn nở nụ cười tươi, đôi mắt đầy nghị lực và nhân hậu khiến lòng tôi trào dâng xúc động”, chị Định nhớ lại. Từ đó, tranh thủ thời gian rảnh, chị đến thăm, động viên, hỗ trợ anh tập luyện phục hồi chức năng. Tình cảm giữa hai người nảy nở, ngày càng thêm thắm nồng.

 Đầu tháng 7-2007, anh Hiền đến nhà xin phép bố mẹ chị Định để xây dựng gia đình với chị. Được bố mẹ đồng ý, tháng 8-2007, anh chị tổ chức lễ cưới. Mặc cảm vì bị tàn tật, anh đề xuất không tổ chức rước dâu. Chị Định nghe vậy thuyết phục anh: “Kể cả anh có ngồi trên xe lăn thì hãy cho em níu theo để về nhà chồng”. Ngày anh Hiền đến đón dâu, dân làng tò mò chạy ra xem kín đường làng. Thấy cảnh cô dâu dìu tay chú rể, chập chững từng bước lên xe hoa, nhiều người lau vội nước mắt...

leftcenterrightdel

Anh Thân Văn Hiền (giữa) tại Lễ trao giải Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ V, năm 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sau ngày cưới, anh chị đón các con riêng của anh Hiền (cháu gái đầu 15 tuổi, cháu trai sau 12 tuổi) lâu nay gửi ông bà nội về ở cùng. Chị kể: “Thấy hai con lâu nay côi cút, tôi rất muốn gần gũi và sưởi ấm tình cảm mẹ con. Vậy nhưng lúc đầu cũng rất khó gần, các con còn có ý “đề phòng” vì nghĩ dì ghẻ có mấy ai lại thương con chồng. Tôi chăm lo, tìm cách chuyện trò với các con. Tôi hiểu, những đứa trẻ thiếu vắng hơi ấm tình mẹ luôn rất dễ tổn thương, nên khi các con làm sai, tôi nén giận, nhẹ nhàng nói chứ không quát mắng. Mưa dầm thấm lâu, mẹ con cứ từng ngày thêm gần gũi và gắn bó. Và điều hạnh phúc với tôi là hai con riêng của anh đều học hành nên người. Con gái đầu hiện nay là bác sĩ Đông y, tốt nghiệp Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Con trai thứ hai đang học năm thứ tư Học viện Quân y. Chúng tôi có một con chung đang học cấp 2. Năm 2011, anh Hiền được hưởng chế độ hưu trí...”.

Rồi những hôm thay đổi thời tiết, anh Hiền lại lên cơn đau đến phát sốt. Anh hướng dẫn chị cách tiêm thuốc và các bài xoa bóp cho anh bớt đau. Chị thường động viên chồng vượt lên bệnh tật để sống vui, có ích. Mấy năm nay, chị còn đón bố chồng tuổi cao, tai bị khiếm thính, hai mắt đã lòa và giảm trí nhớ, không tự phục vụ được về ở cùng để tiện việc chăm sóc.  

Chị là đôi tay, là bước chân của anh. Chị dìu anh đi tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội, thăm đơn vị cũ. Rồi anh có thêm đam mê viết báo, mỗi tối, trước máy tính, anh lại đọc cho chị đánh máy. Nhiều bài báo của anh đã được trao giải thưởng trong các cuộc thi viết: “Sự hy sinh thầm lặng” của Bộ Y tế; “Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức...

THÙY NGÂN