QĐND - Tôi có người bạn hàng xóm khá am hiểu thời cuộc và thường mỗi ngày để hàng giờ “lướt web”. Biết tôi sắp du xuân Đồng bằng Nam Bộ, lại có qua Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, anh bảo: “Mình vừa xem được bài “Dân biểu Việt cộng nằm vùng” trên một trang web hải ngoại, có liệt kê một số điệp viên của ta trong bộ máy Chính quyền Sài Gòn sau giải phóng đã ra công khai. Đồng Tháp là tỉnh Châu Đốc cũ, hiện tòa xứ đạo Cao Đài ở đấy có một đạo trưởng là Thiên Vương tinh Đinh Văn Đệ vốn là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Sài Gòn, người của ta cài cắm. Nay cụ đã cao niên lắm rồi, nhưng còn minh mẫn, anh vào đấy nên bái kiến “Sao Thiên Vương”, có thể thu thập được khối chuyện hay đấy…
Thế là trong suốt chuyến du hành, tôi đinh ninh lời anh và khi đến địa chỉ trên, tôi liền tìm đến nơi ở của vị đạo trưởng. Đạo Cao Đài ra đời từ năm 1926, là một đạo lớn chỉ có ở miền Nam. Tòa xứ Cao Đài Long Thuận là một trong những tòa xứ lâu năm và nó càng nổi tiếng nhờ người chủ trì đức cao vọng trọng với tước hiệu “Thiên Vương tinh”. Cụ Đinh Văn Đệ đến mùa xuân năm Quý Tỵ này vừa tròn 90 tuổi. Ban đầu người giúp việc ra bảo tôi là Đạo trưởng đã thôi việc đời mấy chục năm nay rồi, không muốn nhắc lại nữa, xin quý vị thông cảm cho. Tôi kiên trì xin được diện kiến cụ, còn nói mục đích đến đây chỉ muốn gặp để thỏa sự hâm mộ thôi. Cuối cùng cụ đồng ý tiếp.
“Sao Thiên Vương” khoan thai bước từ mật thất với bộ quần áo thụng lụa trắng, cổ viền màu xanh nõn chuối, đầu đội mũ chóp cao, phía trước in hình giáo tượng con mắt, phía sau đính hai dải vải dài. Khuôn mặt cụ phúc hậu hồng hào, nụ cười hiền hậu nở trên môi. Hóa ra cụ không hề khó tính mà xởi lởi nói:
- Nhiều người cũng có yêu cầu như bác, rốt cuộc tui chẳng chối từ được ai, nhất là bác lại cất công xa ngàn dặm ngoài Bắc vô.
|
“Dân biểu” Đinh Văn Đệ sau ngày nước nhà thống nhất, khi đang là cán bộ ở một cơ quan thuộc TP Hồ Chí Minh.
|
Sau những câu chào hỏi xã giao, tôi nói luôn ý định “tò mò” muốn biết về cuộc đời điệp viên của cụ. Cụ cười bảo, cứ uống hết chén trà bát bảo, ăn tí trái cây sẽ nói sau. Vào chuyện, cụ chưa nói về mình, mà lược qua về đạo. Lịch sử đạo Cao Đài khởi đầu từ đầu thế kỷ XX, gắn liền với “cơ bút”, mà người tín đồ đầu tiên dùng “bút” để biết “thiên cơ” là ông Ngô Văn Chiêu, một viên chức nhỏ thời Pháp thuộc vốn chịu ảnh hưởng của Minh Sư đạo, một nhánh của Tam Giáo (Nho-Lão-Phật). Gia đình cụ theo đạo đã mấy đời. Cụ có ông chú ruột là Đinh Văn Út, bí danh Chín Mẫn, hoạt động cách mạng từ thời chống Pháp, trong lưới tình báo T4 Sài Gòn - Gia Định do ông Mười Hương phụ trách. Rồi cụ nhỏ nhẹ kể tiếp về quãng đời mà cụ tự nhận là một “tình báo xa-lông”.
- Năm 1951, tui đang là giáo viên một trường tư thục Sài Gòn thì trúng quân dịch, cụ kể. Trước đó đã được chú Chín Mẫn giác ngộ, vô lính mục đích để luồn sâu vào bộ máy ngụy quyền. Giữa năm 1952, tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức khóa 1, tui được điều về Bộ Tham mưu Quân khu 1. Năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lập Đảng Cần lao nhân vị thì tui kết nạp đợt đầu và phong hàm đại úy, ba năm sau thăng vượt cấp lên trung tá. Cuối năm 1960 tướng Nguyễn Chánh Thi đảo chánh, bảo tui là tay chân đắc lực cho Diệm, đã bắt giam tui 37 ngày, đến khi Ngô Đình Diệm quay trở lại, càng tin cậy cho tui đi học tiếp sĩ quan Đà Lạt, tui đỗ thủ khoa về được phong đại tá. Dù chế độ Diệm-Nhu đổ, tui vẫn được đám tướng trẻ cầm quyền tin cậy, bổ làm tỉnh trưởng các tỉnh Đà Lạt, Tuyên Đức, Bình Thuận. Tới năm 1967, tui trúng nghị sĩ được bầu Phó chủ tịch Hạ viện. Tổ chức thấy cái chức Phó chủ tịch ấy chỉ danh hão, bảo tui nên nhận chức tuy thấp hơn nhưng biết nhiều chuyện quân cơ là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện. Thế là mình lại đi vận động hành lang hạ chức mình. Cấp trên quả sáng suốt, tui đã phát huy được vai trò “xanh vỏ đỏ lòng” từ dạo sang Ủy ban Quốc phòng. Nhìn lại trong những năm đó, tui cũng làm được một số việc có ích cho sự nghiệp cách mạng. Từ năm 1972, tui thường xuyên báo cáo đầy đủ chi tiết về hệ thống tổ chức, quân số các quân khu, ngân khoản… của Chính quyền Sài Gòn. Thậm chí tui còn nắm rõ cả những khoản viện trợ không công khai cho chế độ Việt Nam Cộng hòa ẩn dưới Chương trình PL (Program Law), tức không viện trợ tiền mà bằng hàng hóa, rồi bán đi lấy tiền chi cho quân sự. Khi hai giao liên của tui là anh Triều, chị Thành bị địch bắt cuối năm 1971 thì tui hoạt động đơn tuyến, nhận lệnh trực tiếp của chỉ huy Cục R…
- Nghe nói giai đoạn sắp giải phóng miền Nam, cụ cũng đã cung cấp nhiều tin tức có tính chiến lược? Tôi hỏi cụ Đinh Văn Đệ.
- Có là “chiến lược” hay không - cụ cười trả lời - tui cũng không dám chắc. Nhưng quả những tin tui thu lượm được đều kịp thời, được cấp trên gửi lời khen. Tui chỉ kể hai chuyện ni thôi. Chuyện thứ nhứt. Khi ta giải phóng thị xã Phước Long đầu năm 1975, anh Phạm Hùng lúc đó là Bí thư Trung ương Cục có hỏi bộ phận tình báo Miền, liệu địch có tái chiếm Phước Long? Tui có trách nhiệm trả lời câu hỏi đó. Theo thủ tục thông thường, tui điện qua Phủ Thủ tướng mời Tổng trưởng Quốc phòng điều trần trước Hạ viện về việc để mất Phước Long. Nhiều dân biểu chất vấn gay gắt làm Tổng trưởng vã mồ hôi. Sau cuộc họp, tui mới nói riêng với ông ta: Thấy anh cực quá, hay thế này đi, anh nói bên Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng cấp cho Ủy ban Quốc phòng của tui cái giấy thông hành thường trực để được ra vào bên quân cơ. Tui sẽ trực tiếp hỏi trưởng phòng Hành quân để được báo cáo tình hình với Quốc hội, khỏi bắt anh đi điều trần vất vả. Tổng trưởng Quốc phòng chịu ngay, bảo: Được anh giúp thế còn gì bằng. Có giấy thông hành, tui qua gặp tay trưởng phòng Hành quân, lại trúng là bạn học cùng Trường Võ bị Thủ Đức, đã mang hàm chuẩn tướng. Tui hỏi, hắn trả lời: Đại ca đừng lo (hồi học, đám học viên hay gọi tui là “đại ca”). Ai dại gì kéo bộ binh đến lấy lại cái nơi mình đã thất thủ. Sẽ phục thù bằng cách khác, cho máy bay quần nát Lộc Ninh. Sau đó viên chuẩn tướng cho tui xem bản đồ, ghim mũ những nơi oanh kích, chu cha, có hàng vài chục điểm giội bom trên cái thị xã có chục cây số vuông! Quả nhiên vài ngày sau, địch oanh tạc Lộc Ninh dữ dội, vì ta biết trước nên không có thiệt hại gì, quan trọng hơn là ta yên tâm chuyển quân lên Buôn Ma Thuột, chuẩn bị cho cuộc công kích đầu tiên trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Còn chuyện thứ nhì. Khi quân ta đã siết chặt vòng vây quanh Sài Gòn, cấp chỉ huy cao nhất hỏi: Liệu Mỹ có quay trở lại?
Câu hỏi ni tui có cơ sở để trả lời ngay, bởi trước đấy không lâu tui đã sang tận Nhà Trắng thương thuyết. Ngày đó Mỹ đã cắt đến quá nửa viện trợ cho chính quyền Thiệu-Kỳ. Tình hình kinh tế cũng như quân sự của Chính quyền Sài Gòn rất nguy cấp. Tui vốn thạo tiếng Anh lại từng được Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ công nhận là viện sĩ do có những cải tiến về vũ khí. Trong đoàn, đáng lẽ ông Phó chủ tịch Hạ viện phải là người thương thuyết chính với Tổng thống G.Ford, thì ông ta lại nhường tui. Lần đầu tiên tui được bước chân vào Nhà Trắng kể cũng hồi hộp, nhưng quả thực lúc đó chỉ có nghĩ đối sách làm sao cho Ford chán nản mà bỏ rơi chế độ Sài Gòn thôi. Cuối cùng tui quyết định cách nói kiểu “quân sự”, không vòng vo xã giao mà thẳng thừng kể về những khó khăn, nguy cơ tan rã của quân lực Việt Nam Cộng hòa, mặc dù kết thúc cũng “tha thiết” mong Hoa Kỳ đừng bỏ rơi. G.Ford bề ngoài tỏ ra không khi nào bỏ rơi đồng minh, song lại bảo: “Các ngài cứ yên tâm, tôi sẽ cử một tướng giỏi sang để nắm tình hình, rồi về sẽ quyết định sau”. Tui hiểu ngay, đó là kế hoãn binh, là sự “bỏ rơi nhã nhặn” của ông ta.
Cũng kể thêm với bác một chuyện này nữa. Sau ngày nước nhà thống nhất, tui làm việc trong một cơ quan của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người cho tui có “lý lịch bất hảo”, liền chất vấn lãnh đạo thành phố. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư thành ủy, liền cười nói một câu tiếng Pháp: “Ông ấy không Đảng viên, nhưng là một người Cộng sản”(Il est communist sans parti).
Gia đình tui theo đạo Cao Đài gốc. Tui muốn cuối đời gửi thân nơi thanh khiết cửa Thiên Đàng…
Giáo chủ tối cao của đạo Cao Đài là Ngọc Hoàng Thượng đế. Thiên Vương tinh là một ngôi sao rực rỡ trên bầu trời, tước hiệu ấy dành cho cụ Đạo trưởng Đinh Văn Đệ thật xứng danh.
Bài, ảnh: PHẠM QUANG ĐẨU