QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có những sự hy sinh mà hàng chục năm sau liệt sĩ mới được công nhận. Câu chuyện ghi từ lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) có thể như một ví dụ điển hình.
Cuối năm 1992, Đại tá Nguyễn Lành, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375 tiếp đón CCB Nguyễn Văn Ngợi. Hai ông vốn là đồng đội, cùng chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 67 (Trung đoàn 275, Sư đoàn 375). Vào Đà Nẵng lần này, ông Ngợi đề nghị ông Lành chứng nhận liệt sĩ cho đồng chí Nguyễn Văn Truật. “Ủa! Truật được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ rồi cơ mà? Sao lại gọi là mất tích?”, Đại tá Nguyễn Lành giật mình.
|
Đại tá Nguyễn Lành (trái) nhớ về những kỷ niệm với đồng đội trong chiến tranh.
|
Trong ký ức của người chỉ huy, chợt hiện về một ngày ác liệt cuối tháng 7-1967, khi đó Tiểu đoàn 67 đang đứng chân tại trận địa Từ Thông (Nam Sách, Hải Dương) làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ngay từ đầu phiên trực, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Duy Biên trao đổi với Sĩ quan điều khiển Nguyễn Lành: “Hôm nay ác liệt đấy! Trên thông báo hôm nay nó sẽ đánh mạnh”. Buổi sáng, đơn vị vào sẵn sàng chiến đấu cấp 1, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy địch hoạt động. Tuy nhiên, đến khoảng 9 giờ thì máy bay địch bắt đầu đánh phá. Quần nhau với địch được hai đợt, ta hạ một máy bay F4. Nhưng đến đợt thứ 3 thì máy bay địch phát hiện ra trận địa nên kíp chiến đấu mới nạp đạn chưa kịp đánh thì một tiếng “rẹt” rít lên. Khí tài mất điện toàn bộ, trong xe tối thui, sau đó là một tiếng nổ lớn và hàng loạt tiếng “ngô rang” của bom bi kèm theo. Lúc không gian yên tĩnh trở lại, một cảnh tan hoang diễn ra trước mắt cán bộ, chiến sĩ. Đài ra-đa bị bom đánh hỏng, toàn bộ khu trung tâm trận địa bị bom bi giội. Chỉ huy Trung đoàn 275 lệnh cho Tiểu đoàn 67 sơ tán ngay, thu hồi được xe nào thì sơ tán xe đó, bàn giao liệt sĩ cho địa phương giải quyết. Dọc đường cơ động từ trận địa ra Quốc lộ 5, phát hiện trắc thủ máy nổ Nguyễn Văn Truật bị bom hơi hất văng ra khỏi xe, thổi bay hết quần áo, thi thể nằm úp bên vệ đường. Chiến sĩ Nguyễn Văn Ngợi vội từ trên xe nhảy xuống cởi chiếc áo của mình, khoác cho đồng đội rồi tiếp tục lên đường chiến đấu. Bấy giờ, theo quy định của đơn vị, khi đi chiến đấu mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ghi họ tên, quê quán, đơn vị lên một mảnh giấy, gói vào bao ni lông rồi bỏ vào túi áo của mình. Vì vậy, lúc bộ đội hành quân khỏi địa bàn, lực lượng dân quân phối hợp làm công tác chính sách nhận bàn giao tử sĩ đã kiểm tra túi áo, xác định người hy sinh là Nguyễn Văn Ngợi!
Sau ngày 30-4-1975, ông Ngợi ra quân về quê tiếp tục công tác tại địa phương lên đến chức chủ tịch UBND xã. Một lần lên thị trấn Thanh Miện (Hải Dương) dự họp, ông chợt nhớ bên Nam Sách có người đồng đội, tức ông Truật, đã hy sinh liền nhân tiện ghé sang thắp cho bạn nén nhang. Khi đến nhà, ông ngạc nhiên không thấy bàn thờ ông Truật đâu, bèn hỏi thăm cô con gái đang ở nhà một mình. “Bố cháu chưa thấy về. Xã thì bảo là mất tích”- cô gái trả lời. Ông Ngợi tá hỏa nói: “Bố cháu chết tại quê đây từ năm 1967. Sao giờ lại mất tích là thế nào?”. Nghe ông khách nói vậy, trong lòng cô gái sinh nghi, cho rằng ông này có ý định tống tiền chăng. Khi bà mẹ đi làm về, con gái ông Truật vội đi báo công an. Nhận được tin có phần tử xấu có ý định tống tiền, công an xã đã bắt luôn ông Ngợi. 3 ngày sau, bên huyện Thanh Miện mới cử cán bộ sang xác nhận ông Ngợi là chủ tịch UBND xã bên đó, xin bảo lãnh cho về. Ông Ngợi tuy được thả nhưng rất ấm ức, vì rõ ràng là ý tốt mà giờ bị người ta nghĩ xấu, không biết thanh minh với ai. Để kiểm chứng thực hư, ông lên nghĩa trang liệt sĩ huyện mới hiểu ra mọi chuyện khi thấy tên mình được ghi lên bia mộ. Ông vội về thông báo cho địa phương biết là mình còn sống, và người nằm dưới mộ chính là Nguyễn Văn Truật.
Sau đó, ông Ngợi đã từ Hải Dương vào Đà Nẵng, gặp Đại tá Nguyễn Lành, nguyên sĩ quan điều khiển của Tiểu đoàn 67, để xác nhận toàn bộ trận đánh lúc bấy giờ. Kết quả chuyến đi, không chỉ minh chứng sự trong sáng của người còn sống mà còn trả lại tên cho người nằm dưới mộ: Liệt sĩ Nguyễn Văn Truật.
Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG