Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (ảnh tư liệu)

Là mộtviên tướng của Việt Nam Cộng hoà, ông già 80 tuổi này đã có thời "thét ra lửa".Ít ai biết, viên sỹ quan quân đội Sài Gòn cũ có cái tên Nguyễn Hữu Hạnh lại chưatừng siết cò súng vì: "sợ bắn vào đồng bào", và ông cũng là đối tượng chống cộng hiếm hoi được Cách mạng "nhắm" vào danh sách có thể "bắt tay"...

Từ cái chết của người con trai

Năm 1972, lúc Nguyễn Hữu Hạnh đang làm Tư lệnh phó Quân đoàn 2 (tại Pleiku và Nha Trang), một chuyện đau lòng xảy ra với gia đình ông. Con trai đầu lòng của ông, Nguyễn Hữu Tài - sinh năm 1948, thiếu úy quân đội Sài Gòn - đã tử trận trong một cuộc càn quét tại địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Vợ ông và vợ con Tài chỉ biết khóc ròng. Còn ông như bị cắt từng khúc ruột, tự giày vò mình vì đã không ngăn được con dấn vào đường binh nghiệp. Một vài sỹ quan Sài Gòn thông báo cho ông rằng, Tài chết là do máy bay trực thăng dính pháo cộng sản.

Trấn tĩnh hồi lâu, ông tự nhủ, lỗi không phải cộng sản, lỗi tại chiến tranh, người gây ra chiến tranh.

Ngày Tài được cử đi Mỹ học, anh có ý định xin vào học lớp lái trực thăng võ trang. Biết điều này, ông vội gửi thư sang nhắn nhủ:

"Ba là tướng, nhưng cả cuộc đời binh nghiệp chưa một lần cầm súng do chính tay mình bóp cò để bắn vào đồng bào. Ba khuyên chớ nên làm việc gì mà con không muốn người khác làm đối với mình!".

Không có gì bảo đảm rằng thư từ Việt Nam cộng hòa sang Mỹ không bị xem lén, nên ông chỉ viết có thế. Tài hiều ra, xin thuyên chuyển từ phi công lái trực thăng chở quân sang lái trực thăng chở thương, để chỉ phải "xuất trận" khi đụng độ đã kết thúc. Vậy mà vẫn không tránh nổi sự nghiệt ngã của súng đạn.

Từ đó, Nguyễn Hữu Hạnh càng thấm thía cái ác nghiệt của khói lửa, của sự đối đầu, chia cắt trong đất nước. Ông thêm thèm khát một ngày thống nhất, cái ngày cha con ông không phải mặc quân phục, đeo súng.

Viên Tư lệnh "không bao giờ chiếm mục tiêu"

Trước đó từ lâu, ông từng cùng tướng Dương Văn Minh ngồi hàng giờ bàn chuyện chính trị. Cả hai thống nhất một điều: Báo chí nước ngoài khi nhắc đến Hồ Chí Minh thường gọi một cách trân trọng "Cụ Hồ", "Hồ chủ tịch", còn nhắc đến các chính trị gia ở miền Nam thì thường chỉ để trơ trọi mỗi cái tên. Thêm nữa, miền Bắc giữ được sự tự chủ, trong khi miền Nam phụ thuộc vào người Mỹ từ vũ khí đến miếng ăn của binh sỹ.

Trong suốt thời gian 20 năm, những quân bài chính trị tại miền Nam đều do người Mỹ sắp đặt. Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Dương Văn Minh được nâng cao uy tín, đứng ra thành lập Hội đồng quân nhân nhằm thay thế chính phủ Ngô Đình Diệm. Dương Văn Minh tỏ ra là ứng cử viên nặng ký cho chiếc ghế tổng thống. Nhưng do "cứng đầu", không chấp thuận đưa thêm quân Mỹ vào miền Nam và phá đê Hồng Hà ở miền Bắc, nên Dương Văn Minh nhanh chóng bị hất, nhường chỗ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Trước đây, ông nghĩ người Mỹ từng bị trị nên sẽ giúp đỡ Việt Nam Cộng hòa phát triển độc lập hơn là Pháp. Nhưng thực tế không phải vậy. Cố vấn Mỹ xen nhiều vào việc của các cấp chỉ huy miền Nam. Nhiều người hách dịch, ỷ lại vào tiền viện trợ. Trong khi hành quân, họ sử dụng bừa bãi hỏa lực, coi thường mạng sống của người Việt Nam. Đối với đảng phái và tôn giáo, họ tìm cách chia rẽ. Không có một đường lối nào được tiến hành khi Mỹ không đồng ý.

"Nhận của người ta thì bị người ta điều khiển thôi, làm sao mà tự chủ được!" - Ông nhớ lại.

Và ông thấy, chính nghĩa đang thuộc về phía "bên kia".

Chính vì thế, tôi không muốn bắn vào những người cộng sản - những người mà tôi có cảm tình.

Năm 1967, Nguyễn Hữu Hạnh làm Tư lệnh phó sư đoàn 21 bộ binh tại Bạc Liêu. Ông là một trong số ít sỹ quan ra lệnh: trong lúc hành quân, trực thăng võ trang phải thận trọng, khi nào dưới đất bắn lên thì mới được bắn lại, chứ không được xả đạn lung tung.

Cố vấn Mỹ thấy vậy, mỉa mai: Ở đâu có phó tư lệnh Nguyễn Hữu Hạnh là ở đó có thận trọng!

Có lần, ông nói với tư lệnh sư đoàn 21, thiếu tướng Nguyễn Văn Minh: "Sư đoàn đã dùng hỏa lực bừa bãi. Thấy cảnh chết chóc nhiều tôi không chịu nổi. Có lẽ tôi không làm việc lâu với Minh!". (Minh từng làm việc dưới quyền và rất kính nể ông).

Một tuần sau, Minh tỏ ý nghi ngờ ông thân cộng sản, nên ngập ngừng nói: "Tôi không dám nói đại tá là Việt cộng, nhưng đại tá "đạo đức" quá!".

Nói chung, khi ấy tôi ở thế bị kẹt, phải cố gắng lách. Những việc tôi làm luôn không đến mức phạm lỗi đối với quân đội Việt Nam cộng hòa, đồng thời không gây hại cho cách mạng...

Năm 1968, ông làm Tư lệnh biệt khu 44 (tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường). Nhiều trận xáp chiến với quân cách mạng, ông thường giằng dai cầm cự đến tối, chờ đến khi quân cách mạng rút, ông cũng rút quân về. Cố vấn Mỹ nhiều khi hậm hực, gọi ông là "Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu".

Lần ấy tiến đánh mật khu trên kinh Tháp Mười. Mật khu chẳng thấy đâu, chỉ thấy một vùng dân cư đông đúc dọc theo tuyến kinh. Phía Mỹ đề nghị dùng B.52 rải thảm để xóa sổ cộng sản. Tôi lắc đầu từ chối, viện lẽ dân quá đông. Ngày đó, được cái cố vấn Mỹ muốn làm gì, phải thông qua sỹ quan Việt Nam cộng hòa, chứ không được trực tiếp chỉ huy. Những lần ấy, cố vấn Mỹ chỉ biết trợn mắt ngạc nhiên. (Ông cười khà khà).

Sau này, Phạm Văn Phú càn quét vào khu vực đó, chấp thuận ném bom. Gã khoe với tôi: "Anh xem, chúng tôi nhặt được 50 khẩu súng của của cộng sản ở mật khu này". Tôi hỏi vặn (lúc ấy Phú là cấp dưới của tôi): "Anh nhặt được 50 khẩu súng, công lớn rồi! Nhưng thử đếm xem có bao nhiêu xác phụ nữ, trẻ em?". Phú nín thinh, cúi mặt, lảng đi chỗ khác.

Lễ tang cha sỹ quan Sài Gòn trên "đất cộng sản"

Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1924 ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông nội là một nhà nho, có vốn Nho học uyên thâm, từng không chịu tham gia làm hương chức hội tề và thường nói: "Làm dân tốt hơn làm làng". Ông thường giảng dạy cho con cháu về Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, đạo làm người.

Năm 1949, được 72 tuổi, ông thắt cổ tự vẫn vì uất ức. Ngày đó quân Pháp thường đi ruồng bố, hống hách lắm. Có lần, một tên lính Maroc dùng tay gõ lên đầu ông, hạch sách. Ông chỉ biết đứng lặng, mắt trợn trừng. Ông nói: "Lúc ấy tau muốn tát vào mặt nó để nó bắn chết cho rảnh, nhưng lại nhẫn nhịn!".

Từ đó, tôi biết thế nào là nỗi nhục bị phụ thuộc vào kẻ khác. Trong đầu tôi bắt đầu ẩn hiện suy nghĩ chuyện dân tộc mình thì phải do dân tộc mình tự quyết.

Sau khi tôi đậu tú tài, Pháp tái chiếm Mỹ Tho, nhiều người chạy sang Bến Tre lánh nạn. Tôi bơ vơ ở nhà với ông nội. Quân Pháp thường đi ruồng bố ngang qua xã. Làng xóm tiêu điều, ngột ngạt.

Tôi bèn lên Sài Gòn tìm việc làm. Chưa tìm được việc thì có người bạn giới thiệu vào quân đội Pháp. Nhập ngũ xong, tôi được thuyên chuyển về cùng đại đội với ông Dương Văn Minh.

Lúc đó, tôi vào quân đội Pháp chỉ nhằm tìm chỗ dung thân, để dần tìm con đường đi của mình. Tôi chưa có cảm tình với cách mạng vì ở tận vùng xa xôi của miền Nam, có quá ít thông tin. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mỗi người có hướng đi riêng của mình, miễn sao là vì dân tộc. Khi kinh tế phát triển thì đất nước sẽ... tự thống nhất, vì mọi người cùng muốn hòa hợp dân tộc.

Nguyễn Hữu Hạnh từng được nhiều lần cử đi đào tạo tại các trường quân sự của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, như khóa đào tạo chỉ huy tham mưu cao cấp; khóa dạy tình báo, chiến thuật, chiến lược và phản gián tại Mỹ.

Năm 1955, ông được gọi về làm tham mưu trưởng cho Dương Văn Minh, nhận lãnh phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn (gồm rừng Sát, tỉnh Chợ Lớn, Tây Ninh và thành phố Sài Gòn). Sau đó liên tục được giao nhiều vị trí quan trọng khác.

Năm 1963, một chuyện bất ngờ xảy ra khiến viên đại tá Nguyễn Hữu Hạnh trở thành mối quan tâm số một đối với Ban binh vận của cách mạng.

Ba ông qua đời vì bệnh ung thư. Trước khi nhắm mắt, ba ông chỉ giối lại một điều: hãy chôn thi thể bên cạnh mộ ông nội tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

Đây là điều khó khăn với Nguyễn Hữu Hạnh. Xã Phú Phong hiện nằm trong vùng giải phóng. Làm cách nào mà viên đại tá quân đội Việt Nam cộng hòa có thể tổ chức tang lễ ở đó một cách an lành?

Nếu nơi chôn cất là Cần Thơ thì tiện biết mấy. Với quyền lực của mình, Nguyễn Hữu Hạnh có thể chọn một vùng đất thuộc quyền kiểm soát của quân đội Sài Gòn, huy động quân lính, tổ chức một lễ an táng long trọng. Ở Cần Thơ cũng tiện cho việc các sỹ quan trên Sài Gòn xuống viếng.

Nh ưng đây là ước nguyện cuối cùng của ba, tôi không thể làm khác. Tôi cũng không thể táng ba ở Cần Thơ, rồi chờ dịp thuận tiện cải táng xuống Mỹ Tho.

Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách nhờ bác Chín Quá là họ hàng đứng ra xin phép chính quyền xã Phú Phong.

Yêu cầu của Nguyễn Hữu Hạnh nhanh chóng được chính quyền các cấp đưa ra bàn thảo. Có người còn nghi ngờ ông có âm mưu. Lại có người nói: "Người ta có quyền thế. Người ta có thể làm việc này không cần hỏi ý kiến của mình bằng cách tổ chức càn quét qua xã, rồi bố trí một, hai tiểu đoàn bảo vệ khi làm đám tang. Người ta muốn giữ tình làng, nghĩa xóm, muốn gửi hài cốt của ông già cho mình trông coi, mình không nên từ chối".

Hai bên bèn giao ước tạm ngừng mọi hoạt động quân sự, không được bắn một viên đạn nào tại vùng tổ chức lễ tang. Lệnh được quán triệt tới từng binh sỹ. Mọi việc diễn ra xuôi chèo mát mái.

Mấy hôm sau, tôi lại xin phép được ngồi trên trực thăng tới thăm mộ ba. Bên cách mạng lại phản hồi: "Sẽ không có viên đạn nào bắn lên nếu chiếc trực thăng đó đi một mình, không có trực thăng hộ tống!". Tôi thực hiện đúng giao ước và trở về an toàn.

Kể cũng lạ, vì chút nghĩa bà con, chòm xóm, mà hai bên đang muốn ăn tươi, nuốt sống nhau, đột nhiên ngừng bắn! (Giọng ông trầm lại).

Từ dạo đó, Nguyễn Hữu Hạnh được Binh vận TW Cục của cách mạng đưa vào danh sách các sỹ quan có thể bắt tay với cách mạng. Lý do chủ yếu là: ông sinh ra từ gia đình nho học, được người ông có tinh thần dân tộc gần gũi, dạy dỗ từ nhỏ; ông có biểu hiện yêu quê hương, tôn trọng những người cộng sản...

Ban binh vận chọn ông Nguyễn Tấn Thành (tự Tám Vô Tư) là cán bộ tiếp cận và "đánh" dần viên đại tá này. Ông Tám là bác họ của Hạnh, hồi nhỏ từng kèm Hạnh học và từng nhiều lần đàm đạo với ông nội Hạnh về nho học. Trong một gia đình nho học, lời nói của bề trên có giá trị với bề dưới gần như tuyệt đối. Hơn nữa, ông Tám chỉ hơn Hạnh 12 tuổi, cùng thế hệ, nên dễ đồng cảm với nhau.

Trước đó, hai lần ông Tám bị địch bắt thì cả hai lần, Nguyễn Hữu Hạnh tìm cách thả ra. Riêng lần đầu, vào năm 1956, Hạnh đã dùng chức tham mưu trưởng chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đòi lãnh về để "khai thác". Hạnh nuôi ông Tám một thời gian trong khám, rồi đưa về Sài Gòn, che giấu tại nhà riêng.

Sau một thời gian trao đổi với ông Tám về thời cuộc, Hạnh chấp nhận giúp đỡ cách mạng và mang bí số riêng chứ không gọi tên thật. Bên cạnh những việc làm tự giác kể trên, ông còn thực hiện nhiều yêu cầu của TW Cục trong khả năng có thể.

Năm 1968, một cán bộ tên là Xuân đưa vũ khí vào khu quản lý của quân đội Sài Gòn chẳng may bị bắt. Khi ra tòa, Hạnh đứng ra nhận Xuân có từng giúp ông và đổ lỗi cho người đã chạy thoát. Xuân được trả tự do.

Đầu những năm 70, ông đứng vào lực lượng thứ 3 (những người chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu).

Ông còn cung cấp nhiều tin tức chiến lược quan trọng. Khi Phước Long thất thủ, ông thông báo không có quân tiếp viện. Ông còn thông báo Buôn Mê Thuật bị bỏ ngỏ, và khi bị thất thủ thì không có đơn vị nào ở lại hậu phương. Những thông tin ấy giúp cho quân giải phóng táo bạo hơn, tiến bước nhanh hơn.

Cái chết của con tôi giục tôi hành động rốt ráo hơn cho ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Một đôi lúc nào đó, tôi phải chịu sự nghi kỵ của quân đội Sài Gòn. Nhưng tôi thấy bình thản, bởi những gì tôi làm là cho dân tộc. Mục đích thiêng liêng đó có thể cảm hóa được những người từng chống cộng, khiến họ dần hiểu ra và đứng về phía Cách mạng.

Theo Phạm Cường (VietNamNet)