Những bước đi đầu

Trung tướng Phạm Hoài Giang, nguyên Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (CH-CN) chia sẻ với chúng tôi về những ngày đầu khi mới về cục: Năm 2009, ông được điều về Cục CH-CN khi đơn vị mới thành lập được 5 năm, còn rất nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ, nhân viên vốn chỉ được đào tạo về các chuyên ngành quân sự mà chưa có nhiều kinh nghiệm về công tác điều hành các hoạt động ứng phó với thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, lại thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị hay các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác CH-CN. Ông cùng với lãnh đạo, chỉ huy cục đã đưa ra các vấn đề lớn cần quan tâm, bàn thảo và đưa vào nghị quyết Đảng ủy để chung tay thực hiện.

leftcenterrightdel
 Trực thăng của Binh đoàn 18 tham gia cứu nạn tàu Vietship 01 tại vùng biển Cửa Việt, Quảng Trị, tháng 10-2020.

“Chúng tôi đã đưa ra các vấn đề lớn cần quan tâm triển khai thực hiện ngay như: Xây dựng các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý về công tác CH-CN; xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành; đào tạo đội ngũ có năng lực, có kinh nghiệm xử lý và cả vấn đề trang thiết bị, cơ sở vật chất để hoạt động cũng như vấn đề hợp tác quốc tế. Để không bị bất ngờ trước mọi tình huống thì phải xây dựng các cơ quan tiếp nhận, xử lý thông tin từ cấp cơ sở. Vậy là chúng tôi tham mưu với trên thành lập các phòng CH-CN ở cấp quân khu, quân chủng”.

Rồi Trung tướng Phạm Hoài Giang say sưa kể về những chuyến công tác CH-CN mà ông đã lăn lộn tại hiện trường cùng anh em xử lý các tình huống, như vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên tại Lào Cai (năm 2010) hay trực tiếp điều hành ở sở chỉ huy trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng, cứu được toàn bộ 12 công nhân đưa ra ngoài an toàn (năm 2014). “Cần phải hiểu rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những người lính CH-CN đã “đánh trận thật” chứ không phải là những tình huống giả định. Với bản lĩnh cùng ý chí quyết tâm cao, tích lũy kinh nghiệm qua từng vụ việc, cán bộ, chiến sĩ của cục đã từng bước nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ”-Trung tướng Phạm Hoài Giang khẳng định.

Chủ động ứng phó

Hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề, nhiệm vụ sau luôn khó khăn hơn nhiệm vụ trước, Đảng ủy, chỉ huy Cục CH-CN đã chú trọng vào các biện pháp thực hiện. Chia sẻ về các biện pháp lãnh đạo, chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục CH-CN cho biết: “Đảng ủy, chỉ huy cục đã mạnh dạn đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp thực tế, với yêu cầu vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Từ đó làm chắc từng khâu, từng việc, từng bộ phận tiến tới triển khai thực hiện nhiều việc toàn diện, với yêu cầu cao”.

leftcenterrightdel

Bộ đội tham gia khắc phục hậu quả sạt lở đường do mưa lũ gây ra tại Yên Bái, năm 2021. Ảnh: QUANG THIÊN 

Đến nay, cục đã xử lý hơn 16.300 vụ thiên tai, sự cố, cháy nổ, sập đổ công trình, tràn dầu, hóa chất độc xạ, ô nhiễm môi trường và tìm kiếm cứu nạn, góp phần quan trọng giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Thiếu tướng Doãn Thái Đức chia sẻ thêm: Để xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai, thảm họa thì sự chủ động được đặt lên hàng đầu. Trong đó, cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội nắm, xử lý thông tin; tham mưu giúp các cơ quan cấp trên kịp thời triển khai việc điều động lực lượng, phương tiện để ứng phó hiệu quả với các tình huống. Và trong nhiều trường hợp đã chủ động cử các đoàn công tác trực tiếp tới các khu vực trọng điểm xảy ra tình huống, kịp thời xử lý tại chỗ nhiều tình huống phức tạp. Những năm vừa qua, cục đã điều động hơn 1.500 lượt người, hơn 52.000 phương tiện; cứu được hơn 10.000 người, hơn 500 phương tiện; di dời hơn 500.000 hộ dân, khám, chữa bệnh cho gần 10.000 lượt người, sửa chữa hơn 350.000 nhà dân; hơn 2.000km đường; gặt hơn 800ha lúa; vận chuyển hơn 49.000m3 nước ngọt; gia cố khắc phục hơn 400.000 nhà dân...

Bên cạnh đó, là cơ quan chuyên trách giúp việc Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cục cũng chú trọng tham mưu, đề xuất với các cơ quan liên quan từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trang thiết bị ứng phó, như: Xây dựng 2 trung tâm quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không, đường biển; 2 trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung; 6 tiểu đoàn công binh làm nhiệm vụ kiêm nhiệm ứng phó sập đổ công trình; thành lập Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải (MRCC), Bộ Giao thông vận tải; Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam; Trung tâm Cấp cứu mỏ (Bộ Công Thương); lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an).

Đặc biệt, cục tích cực tham mưu đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, huấn luyện, đào tạo với các nước để nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy điều hành, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thông qua hợp tác quốc tế đã thể hiện trách nhiệm trong thực hiện các hiệp định, công ước quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam và Quân đội ta trên trường quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, cục đã tham mưu với Bộ Tổng Tham mưu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các đơn vị, địa phương; lần đầu tiên tổ chức nhiều cuộc diễn tập với nội dung, hình thức mới như: Diễn tập chỉ huy-cơ quan trên bản đồ có một phần thực binh theo phương án tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm (năm 2018); Diễn tập khẩn nguy sân bay tại Cảng hàng không Liên Khương, Lâm Đồng (năm 2019); Diễn tập thông tin tìm kiếm cứu nạn trên biển với MRCC Nhật Bản (năm 2020); Diễn tập chỉ huy-cơ quan trên bản đồ có một phần thực binh theo phương án cứu nạn tàu ngầm (năm 2020); Diễn tập xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn của MRCC Việt Nam với MRCC Mumbai (Ấn Độ) năm 2021...

Có mặt tại Trung tâm Quốc gia Điều hành ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của cục, chúng tôi thấy không khí làm việc tích cực, khẩn trương của các kíp trực. Những gương mặt tập trung cao độ theo dõi từng tín hiệu trên màn hình. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Chỉ huy trưởng trung tâm cho biết: “Anh em phải trực 24/24 giờ trong ngày để bảo đảm không bị sót, lọt bất cứ thông tin CH-CN nào. Chỉ cần ở đâu có tình huống là chúng tôi vào cuộc xử lý ngay”. Là một người chỉ

huy dày dạn kinh nghiệm, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn đã có nhiều chuyến CH-CN đáng nhớ. Anh cho biết, vừa là cơ quan tham mưu, vừa chỉ đạo, kết nối các bộ, ngành cùng vào cuộc xử lý thì phương pháp phải vô cùng chủ động, khẩn trương và linh hoạt, phải tính toán để tiếp cận cũng như có phương án xử lý nhanh nhất. Là trung tâm điều hành kết nối trực tiếp với trung tâm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ cũng như có thể kết nối trực tiếp tới các đầu mối ở hiện trường, anh Sơn từng trực tiếp xử lý nhiều vụ việc ở ngay sở chỉ huy trung tâm. Ví như vụ cứu 8 thuyền viên tàu Vietship 01 ở bờ biển Cửa Việt, Quảng Trị, tháng 10-2020. Cùng với các thủ trưởng cục, anh tham gia chỉ đạo từng chuyến bay, từng lực lượng, phương tiện qua cầu truyền hình. Cả 8 thuyền viên được cứu sống, an toàn vào bờ, ở sở chỉ huy trung tâm, các anh bắt tay nhau vui trào nước mắt. “Giải cứu thành công các thuyền viên là công sức của nhiều lực lượng. Nhưng chúng tôi cũng rất vui mừng vì mình đã đóng góp vào thành công chung ấy. Tinh-gọn-nhanh-hiệu quả là mục tiêu trung tâm chúng tôi luôn hướng đến”-Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.  

THU THỦY