QĐND - Từ năm 1959 đến năm 1971, một số xã viên có tay nghề cao nhất và được tín nhiệm nhất của Hợp tác xã Tiền Phong ở làng biển Trung Kiên thuộc xã Nghi Thiết - huyện Nghi Lộc - tỉnh Nghệ An được giao đóng 3 lần, tổng cộng 3 chiếc ghe, 5 chiếc tàu có kiểu dáng lạ, kết cấu rất khác thường cho một đơn vị có tên là “Đội thủy văn thuộc Ban thống nhất trung ương” với yêu cầu tuyệt đối giữ bí mật, khẩn trương về thời gian, ngặt nghèo về chất lượng. Ngoài ra, họ còn mấy lần được giao sửa chữa ghe, tàu cho “Đội thủy văn”. Lần nào “Đội thủy văn” cũng cử một hoặc vài cán bộ về trực tiếp hướng dẫn, giám sát họ làm việc từ đầu đến cuối. Trong số cán bộ ấy có một ông tên là Hưng, nói giọng liên khu 5, dáng dấp, tác phong đúng là dân nghề biển. Tuy đã có tuổi song thời gian về làm việc ở làng biển Trung Kiên, ông Hưng vẫn tranh thủ thời gian nhờ chị Vũ Thị Dinh là cán bộ Ủy ban hành chính, chiến sĩ trung đội dân quân gái của xã bổ túc cho kiến thức văn hóa. Ông sống rất tình cảm, bình thường cũng vui chuyện song hễ ai tò mò hỏi những câu như tại sao tàu phải đóng hai đáy, tại sao thành và mũi tàu phải đục rỗng là ông lại lảng sang chuyện khác hoặc trả lời qua quýt.

Đến nay, trong số xã viên đóng và sửa chữa những ghe, tàu đặc biệt ấy chỉ vài người còn sống. Tuổi tác đã làm họ quên và lẫn nhiều thứ song chuyện về ông Hưng thì họ nhớ rất rõ, riêng ông Phan Anh Phúc là người “trẻ” nhất trong số họ còn trân trọng lưu giữ được một chiếc áo đại cán của bộ đội do ông Hưng tặng hôm rời làng và vẫn hy vọng sẽ có ngày ông Hưng trở lại thăm làng như đã hẹn. Gần đây, họ mới biết ông Hưng tên thật là Trần Tấn Mới, một cán bộ của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Tuy nhiên, họ vẫn chưa biết ông thực ra là cán bộ của Cục Tình báo - Bộ Tổng tham mưu, hơn thế nữa còn là người thứ ba được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của ngành tình báo chiến lược quân sự. Nếu biết thêm rằng ông chẳng thể trở lại thăm làng biển Trung Kiên được nữa bởi ông đã mất từ năm 1990 thì chắc chắn họ sẽ rất buồn...

Anh hùng LLVT nhân dân Trần Tấn Mới. Ảnh tư liệu

Trần Tấn Mới sinh năm 1920, quê ở xã Duy Phước-huyện Duy Xuyên-tỉnh Quảng Nam. Tháng 10-1945 ông tham gia Vệ quốc đoàn, làm nhiệm vụ chuyên chở vũ khí, tài liệu cho Liên khu 5, tới năm 1949 thì bị thương nên phải xuất ngũ. Về quê, tuy việc làm ăn sinh sống rất bận rộn, vất vả song ông vẫn tích cực tham gia hoạt động du kích. Năm 1954 ông được cấp ủy địa phương tin cậy giao nhiệm vụ chở cán bộ theo đường biển từ Hội An vào cảng Quy Nhơn để từ đó tập kết ra miền Bắc. Đầu năm 1956, khi tổ chức của ta bị địch phát hiện, Thị ủy Hội An quyết định cử ông dùng thuyền chở cán bộ vượt tuyến ra Bắc.

Ra tới miền Bắc, Trần Tấn Mới được Nha Liên lạc (cơ quan tình báo chiến lược) tuyển về, giao làm thuyền trưởng kiêm bí thư chi bộ tổ thuyền Phú Cường (thành lập tháng 10-1956, sau đổi tên thành Tiền Phong), chuyên làm nhiệm vụ đưa cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam, đón cán bộ từ miền Nam ra miền Bắc, tiếp tế cho các cán bộ điệp báo và trạm điệp báo ở miền Nam, giao nhận và vận chuyển tài liệu, kết hợp mua bán một số loại hàng hóa cần thiết, tìm hiểu tình hình địa bàn, thu thập tin tức, tài liệu, giấy tờ của địch (thẻ căn cước cá nhân, thẻ cử tri, thẻ ngư phủ, sổ đăng ký tàu thuyền…). Thời kỳ đầu, cũng như các tổ thuyền giao thông tình báo khác, tổ thuyền Phú Cường còn sử dụng thuyền thô sơ, thủ công, việc đi lại vừa vất vả vừa kém an toàn và mất nhiều thời gian. Từ năm 1965, tổ thuyền mới tiến dần lên bán cơ giới rồi hoàn toàn cơ giới, thời gian mỗi chuyến đi giảm từ vài tháng xuống vài tuần rồi vài ngày.

Bấy giờ, sự kiểm soát trên biển của địch ngày càng thêm ngặt nghèo, đặc biệt là kể từ đầu năm 1965, sau khi chúng phát hiện ra tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển của ta qua sự kiện Vũng Rô. Mỹ đưa nhiều tàu của Hạm đội 7 vào án ngữ thường xuyên ở khu vực cách bờ trong khoảng 50-150km từ Đà Nẵng đến Quảng Bình, có lúc lên đến tận Thanh Hóa, ngang nhiên bắn chìm các tàu thuyền mà chúng nghi ngờ. Dọc bờ biển miền Nam, Mỹ kiểm soát vòng ngoài, ngụy kiểm soát vòng trong rất chặt chẽ, dày đặc và liên tục ngày đêm: tàu nhỏ đảm trách các cửa sông nhỏ và các khu vực cách bờ 5km, tàu vừa đảm trách các cửa sông lớn và các khu vực cách bờ từ 5 đến 10km, tàu lớn đảm trách các khu vực cách bờ từ 15 đến 50km.

Ở các cửa biển, địch tăng cường bố trí các đồn cảnh sát để khám xét mọi tàu thuyền ra vào, đặc biệt chú ý tàu thuyền từ nơi khác đến. Trên biển và trên bờ, chúng tăng cường bố trí mạng lưới mật vụ, chỉ điểm. Thể lệ các loại giấy tờ của chúng rất chặt chẽ, phức tạp và liên tục thay đổi. Khi kiểm tra tàu thuyền, chúng thường tập trung so sánh để phát hiện giấy tờ không hợp lệ hoặc giả mạo, tìm kiếm các loại hàng cấm như xăng dầu, gạo, vải, thuốc tây và nhất là vũ khí. Chúng đặc biệt chú ý tới những người ở độ tuổi thanh niên và những người hình thức không giống dân làm nghề biển. Chúng hay truy hỏi, xoáy sâu vào những điểm thiếu thống nhất, thiếu hợp lý, thiếu trôi chảy... Vì vậy, trong mỗi chuyến đi của Trần Tấn Mới và đồng đội đều có nhiều, thậm chí là rất nhiều cuộc đấu trí, đấu lực gay go, quyết liệt, mang tính sống còn với địch. Có chuyến gặp bão lớn, thuyền phải neo lại một hòn đảo trống trải trong vùng địch kiểm soát, có chuyến gặp trục trặc, thuyền phải nằm ở bến bãi của địch hơn 2 tháng, chuyến đi ngày 10-3 về ngày 23-4-1965 bị tàu địch kiểm tra 7 lần, chuyến đi ngày 27-4 về ngày 14-6-1966 bị tàu địch kiểm tra 13 lần, chuyến đi ngày 25-9 về ngày 21-10-1973 phải đối phó 3 cơn bão... Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, đoàn kết, sáng tạo, Trần Tấn Mới đã cùng anh chị em vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không chỉ là một thuyền trưởng giỏi, Trần Tấn Mới còn là một giao thông viên đường bộ giỏi, đã thực hiện hoàn hảo tất cả các lần rời thuyền đi bắt liên lạc với cán bộ, cơ sở, bỏ thư vào hòm thư, xây dựng hộp thư chết... ở nhiều địa bàn khác nhau như Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang.

Từ năm 1956 tới năm 1975, Đội 128 - lực lượng giao thông đường biển Bắc - Nam của Cục Tình báo (tháng 6-1957 Cục Quân báo và Nha Liên lạc hợp nhất thành Cục Tình báo) xây dựng được 26 tổ thuyền, hoạt động được 263 chuyến, trong đó riêng tổ thuyền Phú Cường hoạt động tới 46 chuyến, là tổ thuyền có số chuyến hoạt động cao nhất, đồng thời có thành tích nhiều nhất, nổi bật nhất: đưa 30 lượt cán bộ vào chiến trường, đón 9 lượt cán bộ từ chiến trường ra miền Bắc, thực hiện 23 lần liên lạc với cán bộ để giao nhận tài liệu, vật chất, 6 lần tiếp tế cho các trạm điệp báo, xây dựng được 3 cơ sở bảo đảm ở Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang, xây dựng được một số quy ước liên lạc và hộp thư chết, mua và đóng được 4 chiếc ca-nô tại vùng địch rồi đem về sử dụng, tồn tại sản xuất 7 chuyến, buôn bán để nắm tình hình địa bàn và thu thập giấy tờ 15 chuyến, mua nhiều hàng hóa để về trang bị cho cán bộ đi hoạt động... Tập thể tổ thuyền Phú Cường được tặng thưởng 4 huân chương Chiến công, đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng 6 năm liền (từ năm 1969 đến năm 1974). Trong số 22 anh chị em từng công tác ở tổ thuyền, có 9 người được tặng thưởng huân chương Chiến công. Thành tích chung ấy có phần đóng góp rất quan trọng của Trần Tấn Mới.

Ngày 31-12-1973, Trần Tấn Mới được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân với lời tuyên dương: “Đồng chí Trần Tấn Mới, thượng úy bộ binh, Đơn vị 128, có 17 năm hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Đồng chí luôn nêu cao quyết tâm, dũng cảm, mưu trí, kiên quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; gương mẫu nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ về mọi mặt; hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng tiến bộ; giản dị, khiêm tốn, được quần chúng tin yêu”.

Khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất cũng là khi tổ thuyền Phú Cường nói riêng, Đội giao thông tình báo trên biển 128 nói chung hoàn thành vẻ vang sứ mạng lịch sử của mình. Như nhiều đồng đội, Trần Tấn Mới trở về cuộc sống đời thường với bộn bề âu lo, trăn trở. Có lẽ khi nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn tiếc là chưa trở lại thăm làng biển Trung Kiên, thăm những người thợ tài hoa đã cùng ông đóng nên các con tàu không số.

Để ghi nhớ công lao của Anh hùng Trần Tấn Mới, ngày 14-7-2010 Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng đã ra nghị quyết lấy tên ông đặt cho một con đường dài 560m ở quận Hải Châu.

Vũ Sáng