Gia đình Thiếu tướng Vũ Thắng.

Tôi thường nói với các đồng nghiệp trẻ ở Báo Quân đội nhân dân, rằng phố Lý Nam Đế nhà mình, chỉ non một cây số thôi, nhưng mỗi viên đá lát vỉa hè đều in dấu chân của những người nổi tiếng trong thời kỳ đánh Mỹ và thắng Mỹ:  Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Huỳnh Văn Nghệ, Thanh Tịnh, Hoàng Việt, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Trần Công Mân…

Đó là những tên tuổi đã đi vào lịch sử nước nhà và các trang sách của các em học sinh.

Nhưng rồi một buổi chiều muộn, một “lão gia” trong làng báo chỉ cho tôi một cụ ông ngoài 80 tuổi, người cao và quắc thước, đang lặng lẽ bước đi trên hè phố Nhà binh và bảo: “Tướng tình báo đấy. Ít ai biết tên. Chỉ “người trong nghề” mới biết đức độ và tài năng của ông ấy”.

Thì ra, đất nước ta, hơn 30 năm sau chiến tranh, khi những chiến công “trên mặt trận thầm lặng” dần dần được công khai, thì vẫn có những con người còn thầm lặng hơn cả những người thầm lặng.

Một trong những con người đó là Thiếu tướng tình báo Vũ Thắng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục 2, người đang đi dọc hè phố Lý Nam Đế để trở về nhà riêng của mình.

Tôi nghĩ, một con người như ông, từng làm Trưởng phòng điệp báo thời chống Pháp của Cục quân báo, thời chống Mỹ là Hiệu trưởng Trường Huấn luyện cán bộ tình báo, Trưởng phòng điệp báo ngoài nước của Cục tình báo Bộ quốc phòng (nay là Tổng cục 2), cấp dưới và học trò của ông nhiều người đã trở thành những nhà tình báo nổi tiếng, riêng ông vẫn lặng lẽ khiêm nhường, ngay cả hàng xóm cũng không biết ông làm gì. Mang ý nghĩ đó tôi đến nói với ông, ông cười và hóm hỉnh trả lời: “Thời buổi thông tin, cần phân biệt người nổi tiếng và người được nhiều người biết mặt. Có báo chí và truyền hình trợ giúp, chắc chắn các ca sĩ và cầu thủ bóng đá được biết mặt hơn cánh tình báo chúng tôi. Vả lại, tình báo là nhiệm vụ cách mạng giao cho, chứ thú thực, chúng tôi đi theo cách mạng có phải để làm tình báo đâu, và làm tình báo đâu mong đến sự nổi tiếng!”.

Thiếu tướng Vũ Thắng tên thật là Đào Xuân Thu, sinh năm 1927 tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sớm hoạt động trong phong trào Việt minh nên sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Đào Xuân Thu được bầu vào huyện ủy Hải Lăng. Năm 1950, lúc mới 23 tuổi, anh được bầu vào Tỉnh ủy Quảng Trị, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng.

Công việc đang thuận buồm xuôi gió thì đầu năm 1951, Trung ương điều động 2 tỉnh ủy viên Quảng Trị bổ sung vào quân đội. Tuổi trẻ lại nhiệt huyết, Đào Xuân Thu và Trần Trọng Tân (sau này là Phó bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) hăng hái xung phong. Tưởng rằng đây là bước rẽ trong cuộc đời anh, nhưng một bước ngoặt lớn đang chờ  Đào Xuân Thu ở phía trước.

Trên đường ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ, khi nghỉ chân ở Ninh Bình, Đào Xuân Thu được gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang chỉ đạo chiến dịch Quang Trung. Tại đây, rất bất ngờ, Đào Xuân Thu được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết anh được bổ nhiệm chức Trưởng phòng điệp báo của Cục Quân báo.

Làm tình báo! Đào Xuân Thu hết sức ngỡ ngàng. Lâu nay, trong tiềm thức của anh, tình báo phải là người có trí óc xuất chúng, giỏi võ thuật, bắn súng ngắn hai tay! Còn mình vốn chỉ là anh nông dân, công tác ở địa phương, chỉ quen việc chỉ đạo đào hầm bí mật, trừ gian diệt tề, toàn dân kháng chiến, làm tình báo sao được? Như nắm được ý nghĩ của anh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói: “Không biết thì học, làm cách mạng là vậy!”. Không biết thì học, câu nói đó đi theo anh suốt đời.

Làm Trưởng phòng điệp báo, để giữ bí mật Đào Xuân Thu đổi tên thành Vũ Thắng. Hồi đó, tình báo cách mạng Việt Nam có hai cơ quan: Cục quân báo và Nha liên lạc, cơ quan tình báo của Trung ương  (tháng 6-1967, hai cơ quan hợp nhất lại gọi là Cục tình báo Bộ Quốc phòng, tên đối ngoại là Cục nghiên cứu). Nhiệm vụ chủ yếu của Cục Quân báo trong kháng chiến chống Pháp là thu thập tin tức quân sự để phục vụ cho các chiến dịch.

Giờ đây nhớ lại những buổi đầu đó, Thiếu tướng Vũ Thắng vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Thiếu cán bộ, ông về Liên khu Ba gặp Bí thư Lê Thanh Nghị, vào Liên khu Bốn gặp Bí thư Chu Văn Biên để xin người. Từ đó, Phòng điệp báo có “vốn liếng” ban đầu để xây dựng các cơ sở tình báo cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cấp huyện, thị xã như Phó bí thư Thị ủy Hà Đông, Thường vụ huyện ủy một huyện ở tỉnh Nam Định, Thị ủy Ninh Bình, Hà Nam… Các đồng chí này sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ta đưa vào Nam, trở thành những cán bộ tình báo cài vào các cơ quan của địch từ miền Trung đến Nam Bộ… Có người làm ở Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Ngoại giao ngụy, cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (MAAG); Có người ở các quân khu, quân đoàn ngụy… Tất cả đã trở thành một lực lượng tổng hợp của tình báo chiến lược trong giai đoạn đánh Mỹ.

Phòng điệp báo, Cục quân báo ở chiến khu Việt Bắc năm 1952 (Trưởng phòng Vũ Thắng đứng giữa, hàng sau).

Nhớ lại những ngày đầu gian khổ đó, ông nghĩ đến sự nhiệt huyết của những chiến sĩ tình báo, tuy trình độ chưa cao, nhưng dám xả thân, chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao cho. Tổ quân báo ở Hải Dương do Nguyễn Trọng Lượng phụ trách thường xuyên nắm địch ở đường số 5, báo cáo tình hình hoạt động của các binh đoàn cơ động Pháp hoạt động trên tuyến này. Sau này, tổ của Trọng Lượng đã được cài vào Cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ  đã phát huy tác dụng, cung cấp cho ta nhiều tin tức có giá trị. Tổ quân báo ở Hà Nội đã đưa được nhiều người vào Bộ Tư lệnh Bảo an đoàn của ngụy, cài người vào sở chỉ huy, các binh đoàn cơ động của Pháp, nắm và báo cáo tình hình các phi trường Gia Lâm, Bạch Mai, Cát Bi cho Bộ tổng Tư lệnh. Tổ trưởng cụm này là một người con gái sau này trở thành Anh hùng LLVT nhân dân: Đinh Thị Vân.

Cuộc đời của chị Đinh Thị Vân đã được nhiều người biết đến qua truyện ký “Người đảng viên trên trận tuyến đặc biệt” của nhà báo Khánh Vân. Là cấp trên của chị Vân, đến bây giờ ông luôn nhớ về chị với sự cảm phục đặc biệt. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, chị xin tổ chức vào Nam, vì người của chị cài cắm trong Bảo an đoàn bắt đầu phát huy tác dụng, trở thành nhân viên của Bộ Tổng tham mưu ngụy. Về quê hương Nam Định để cưới vợ cho chồng, gạt nước mắt hy sinh đời tư, chị âm thầm lặng lẽ vào tận sào huyệt kẻ thù hoạt động cách mạng. Bị địch bắt, chị nghiến răng chịu đựng đòn tra tấn dã man của kẻ thù, quyết không khai báo các cơ sở tình báo ta đang cài cắm ở Sài Gòn. Cảm phục sự anh dũng của chị nên sau khi chị ra tù, nhiều nữ tù nhân thường phạm đã được chị cảm hóa trở thành cơ sở của chị suốt những năm dài chiến tranh. Dũng cảm, mưu trí, trung thành và tận tụy với cách mạng, tổ của chị Đinh Thị Vân là một trong những tổ tình báo hoạt động có hiệu quả nhất xuyên suốt từ những ngày đầu chống Pháp đến cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Quả là rất khó trả lời câu hỏi là vì sao những nhà tình báo cách mạng Việt Nam, nhiều người xuất thân từ những nông dân hiền lành, chất phác như Thiếu tướng Vũ Thắng, Đại tá Đinh Thị Vân, lại chiến thắng mạng lưới tình báo và mật vụ Mỹ-ngụy khét tiếng về nham hiểm, xảo quyệt, nhiều kinh nghiệm chống cộng và phương tiện hành nghề hiện đại? Ông Vũ Thắng bảo, đời ông may mắn được nhiều lần gặp Bác Hồ, và ông nhớ nhất buổi được gặp Bác vào cuối năm 1954, trước khi ông vào Nam nhận nhiệm vụ Trưởng ban cán sự tình báo Liên khu ủy Liên khu 5. Bác nói: Tình báo phải đi sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để được dân giúp đỡ. Chú vào đó, phải nói rõ cho nhân dân biết là dù địch có dùng thủ đoạn xảo quyệt nào đi chăng nữa, chúng ta nhất quyết phải giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhân dân che chở cán bộ, cung cấp và chuyển tin tức cho cách mạng khiến cho tình báo của đối phương như đi vào một mê hồn trận. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến tình báo quân sự Việt Nam chiến thắng trong cuộc đối đầu với kẻ thù.

Tất nhiên trong suốt gần 30 năm đấu trí với 2 cơ quan tình báo khổng lồ là phòng nhì Pháp và CIA Mỹ, chúng ta không tránh khỏi những tổn thất. Từng sống và làm việc nhiều năm ở cơ quan tình báo chiến lược, là cấp trên của nhiều nhà tình báo, nhiều lần ông đau đớn khi nghe tin đồng đội bị bắt, và đau đớn hơn, có người không chịu được đòn roi của kẻ thù đã xưng khai. Mỗi lần như vậy, bước chân của ông từ cơ quan về nhà riêng trên hè phố Lý Nam Đế như nặng nề hơn. Nhưng rồi ông hiểu, sự tổn thất là điều không thể tránh khỏi khi đồng đội mình đơn độc trước sự rình rập, vây bủa của kẻ thù. Da thịt người ta như nhau, nên không thể ai cũng kiên gan chịu đựng sự tra tấn dã man của địch. Hiểu được điều đó nên sau khi giải phóng miền Nam, ông vẫn nhân ái, bao dung với những người không đủ sức đi đến tận cùng với đồng đội.

Năm 1966, Vũ Thắng được điều động làm Trưởng phòng điệp báo ngoài nước cho đến khi đất nước thống nhất. Phải nói rằng, do nhiều nguyên nhân, mảng đề tài này chưa được báo chí khai thác. Nói chuyện với tôi, ban đầu Thiếu tướng Vũ Thắng chỉ tập trung nói về công tác điệp báo trong nước. Tôi hiểu, lẽ đương nhiên phải có những “vùng cấm” trong tuyên truyền về ngành tình báo, nhưng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể và 3 cá nhân cùng với nhiều phần thưởng cao quý khác, Phòng điệp báo ngoài nước do ông chỉ huy đã đóng góp xứng đáng vào chiến công chung của tình báo Việt Nam. Trong chiến công đó, ông chỉ hé lộ cho tôi về đòn đánh chí mạng của tình báo Việt Nam vào nơi xuất phát những cuộc ném bom gây tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam mà tôi sẽ kể cho bạn đọc nghe trong số báo sau.

Bây giờ, bước qua tuổi 80, bước chân của Thiếu tướng Vũ Thắng tuy có chậm lại, nhưng đã thanh thản hơn trên phố Nhà binh lắm danh nhân và nhiều quân nhân.

HỒNG SƠN