Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của Đại tá Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Cục Trinh sát ở ngõ 49 Nguyễn Khoái (Hà Nội) khi thời tiết bất ngờ chuyển lạnh. Ở tuổi gần bách niên, dù sức khỏe suy giảm nhiều, nhưng ông sẵn sàng dành hàng giờ tiếp chúng tôi. Ông bảo, gắn bó với ngành trinh sát biên phòng từ những ngày đầu thành lập nên nói về lực lượng này thì kể sao cho hết những kỷ niệm. Sinh năm 1927, chàng trai quê hương đất võ Bình Định Nguyễn Văn Chức tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ngày 3-9-1945, hòa mình vào cuộc mít tinh trọng thể được tổ chức tại sân vận động Rừng Quýt (nay thuộc Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định) và được hưởng niềm vui của người dân một nước tự do, Nguyễn Văn Chức quyết tâm theo Đảng làm cách mạng. Ông là học sinh khóa đầu của Trường Trung học bình dân miền Nam Trung Bộ. Thời gian theo học tại đây, ngày 15-1-1949, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến cuối năm 1949, cùng 7 học viên năm cuối của trường, ông được phân công làm cán bộ dân vận tham gia đội công tác vũ trang vượt biên giới sang tương trợ cho nước bạn Lào ở hai tỉnh Attapeu và Salavan. Đây là thời gian đầy thử thách với Nguyễn Văn Chức, nhưng cũng nhờ đó mà ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng và phối hợp tác chiến.

Khói lửa chiến tranh và cuộc sống khắc nghiệt của chiến trường đã bồi dưỡng ông ngày một trưởng thành. Chính vì vậy, ngay khi thành lập lực lượng CANDVT, cấp trên đã điều động Nguyễn Văn Chức về tham gia xây dựng, tổ chức lực lượng và được biên chế về Cục Trinh sát. Ông kể: “Trụ sở đầu tiên của Cục là ngôi nhà ngói một tầng ở số 19 đường Trần Khánh Dư (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 40 cán bộ đầu tiên là trinh sát Quân đội, trinh sát Công an và chúng tôi-những cán bộ giúp bạn Lào từ Ban Cán sự miền Tây chuyển sang. Từ lớp tập huấn nghiệp vụ ngoại biên đầu tiên có 15 người, Cục mở tiếp 2 lớp nhiếp ảnh cho 60 học viên, 2 lớp võ thuật cho 44 học viên, các lớp dạy tiếng Quảng Đông, tiếng Anh, tiếng Lào cho tổng số 100 học viên. Song song với tập huấn ngắn hạn, Cục còn tuyển chọn và cử hàng trăm cán bộ đi học tại Trường Công an Trung ương và sang Liên Xô học chuyên ngành về công tác biên phòng để tiếp thu kinh nghiệm, lý luận của bạn về công tác cho ta. Sau gần 3 năm, từ một đơn vị mới thành lập với lực lượng khá mỏng, Cục Trinh sát đã tập huấn nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ chỉ huy và trinh sát các cấp, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như tạo nguồn cho lâu dài”.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Văn Chức. Ảnh: NGỌC MAI 

Chính Đại tá Nguyễn Văn Chức là người vinh dự được giao phụ trách lớp đào tạo sĩ quan trinh sát đầu tiên kéo dài hai năm do Cục Trinh sát triệu tập từ ngày 19-3-1963. Lớp gồm 100 đồng chí, phần lớn là người dân tộc thiểu số, mang phiên hiệu C100. “Bấy giờ tôi mang quân hàm đại úy, tuổi còn nhỏ hơn một số học viên. Tôi nhớ, trong buổi khai giảng, đồng chí Phạm Kiệt, Tư lệnh CANDVT đến nói chuyện với lớp và tặng câu thơ tôi còn nhớ mãi: “Một mai ai chớ bỏ ai/ Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim”.

Khi bồi hồi nhớ về thời kỳ ấy, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chức luôn tự hào bởi những gì mình từng trải qua. Ông khẳng định, ngày đó, tuy cơ sở vật chất của đơn vị còn thiếu thốn, kinh nghiệm huấn luyện chưa nhiều, tổ chức còn lúng túng, nhưng nhờ quyết tâm cao của tập thể cán bộ, giáo viên, sự say mê, cần mẫn của học viên mà lớp học đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết thúc hai năm học ở trường và cả thời gian thực tập, học viên toàn khóa tốt nghiệp đạt yêu cầu 100%, tất cả  “không ai bỏ ai”, đều gắn bó với ngành trinh sát biên phòng và đều “nên gấm, nên kim”.

Phát huy truyền thống, lập nhiều chiến công

Vượt lên khó khăn của những ngày đầu, bằng sự nhạy bén, linh hoạt và đánh giá toàn diện, dự báo sát, đúng tình hình, qua nhiều chuyên án đấu tranh thành công, Cục Trinh sát ngày một trưởng thành, phát triển. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cục đã tham mưu cho Bộ tư lệnh BĐBP chỉ đạo lực lượng trinh sát địa phương tiến hành tốt các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đấu tranh với các hoạt động gián điệp, gián điệp biệt kích, phản động lợi dụng dân tộc, tôn giáo; chủ động triển khai trinh sát ngoại biên ở Lào và bờ Nam giới tuyến Vĩnh Linh; giúp bạn tiễu phỉ, xây dựng cơ sở chính trị; phát hiện các ổ nhóm phản động lưu vong từ xa, phục vụ tốt cho công tác phản gián biên phòng và nội địa.

Điển hình như: Chuyên án B061 (1960-1962) đấu tranh với gián điệp biệt kích Mỹ-ngụy ở giới tuyến Vĩnh Linh, bắt 2 nhân viên tình báo “biệt đội sưu tầm Bắc Hải Vân”; Chuyên án K26 (1962-1967) ở Mộc Châu-Sơn La, tiêu diệt và bắt gọn các toán gián điệp, biệt kích Mỹ-ngụy xâm nhập gồm 30 tên, thu 120 kiện hàng các loại; Chuyên án D569 (tháng 7-1969) đấu tranh chống phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở Nghi Thủy, Nghi Lộc, Nghệ An, làm thất bại âm mưu lợi dụng hội đoàn tôn giáo để tập hợp lực lượng chống phá chính sách nghĩa vụ quân sự, phá hoại sản xuất, gây rối an ninh-trật tự ở địa bàn; Chuyên án K172 (tháng 12-1972) đấu tranh chống phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở Hà Tĩnh, bắt Trần Tiến Nam, Lê Văn Hòa và 18 tên khác, thu toàn bộ tài liệu, cương lĩnh, giải tán, vô hiệu hóa tổ chức phản động mang tên “Hội dân lập giải phóng” do linh mục quản hạt Trần Văn Đổng cầm đầu...

Sau ngày giải phóng 30-4-1975, khắc phục những trở ngại do hậu quả chiến tranh để lại, Cục Trinh sát đã tham mưu cho thủ trưởng Bộ tư lệnh điều chỉnh, bố trí lực lượng trinh sát phù hợp với tình hình mới, tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình trên các tuyến biên giới, tập trung vào địa bàn, hướng trọng điểm. Chính vì vậy mà ta luôn nắm chắc tình hình trong, ngoài biên giới, phát hiện, triệt phá nhiều tổ chức phản động, dập tắt các vụ gây rối, bạo loạn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

leftcenterrightdel

 Lãnh đạo, chỉ huy Cục Trinh sát họp triển khai công tác cán bộ, tháng 1-2023. Ảnh: VĂN PHONG

Bước vào thời kỳ đổi mới, để chủ động đối phó với chiến lược “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ tư lệnh BĐBP, Cục Trinh sát đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của các loại đối tượng, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm nổi lên trên từng tuyến để tập trung lực lượng đấu tranh. Trong lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Chức-người có 10 năm là Phó cục trưởng, rồi Cục trưởng Cục Trinh sát, thành công của nhiều chuyên án điển hình khẳng định bước trưởng thành vượt bậc

của đơn vị. Tiêu biểu như các chuyên án: PL92 (1979) đã làm rõ hoạt động móc nối của cơ quan đặc biệt TH xây dựng lực lượng cơ sở ngầm nhằm tạo chính quyền hai mặt để chống phá Việt Nam; XN84 (1981) đấu tranh chống gián điệp Mỹ, TH và phản động lưu vong, đã làm rõ âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của đường dây hoạt động hỗn hợp từ Thái Lan xuyên qua Sepone (Lào) theo Đường 9 xâm nhập vào Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh do tên ATa người Lào cầm đầu; XN86 (1986) đấu tranh chống phản động lưu vong xâm nhập ở Gia Lai, Kon Tum, bắt 6 đối tượng thuộc tổ chức phản động “Mặt trận quốc gia thống nhất Việt Nam”; ĐS96 (1996) đấu tranh với gián điệp TH ở Lạng Sơn đã làm rõ ý đồ cài cắm cơ sở ngầm của cơ quan đặc biệt của chúng vào biên giới, phát hiện, bắt giữ 11 đối tượng người nước ngoài và 31 đối tượng người Việt Nam, chuyển giao tài liệu bí mật quốc gia cho cơ quan đặc biệt TH, thu giữ 26 tài liệu mật các loại; 505P (2005) đấu tranh với hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới trên địa bàn Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Nam Định...

Trong 10 năm trở lại đây, trinh sát BĐBP đã thu thập, nghiên cứu, xử lý gần 200.000 tin, trong đó có gần 60.000 tin giá trị, kịp thời tham mưu, báo cáo cấp trên và các cơ quan chức năng, phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo. Chỉ riêng năm 2021, lực lượng trinh sát biên phòng phối hợp đấu tranh ngăn chặn, xử lý 42 điểm phức tạp về an ninh, trật tự và vô hiệu hóa 16 đối tượng phản động ở khu vực biên giới, bắt giữ, xử lý 153 vụ với 700 người nước ngoài xuất, nhập cảnh trái phép; khởi tố, hoàn chỉnh hồ sơ bàn giao công an xử lý 18 vụ/53 đối tượng người Việt Nam có hành vi tổ chức, môi giới xuất, nhập cảnh trái phép...

Trong cuộc trò chuyện mới đây, Đại tá Võ Tiến Nghị, Cục trưởng Cục Trinh sát khẳng định, đơn vị luôn ghi nhớ công lao, thành tích của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã làm rạng rỡ, vẻ vang truyền thống của đơn vị trong suốt chặng đường 64 năm qua, đặc biệt là sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ từ khi thành lập đến nay. Nhất là lớp cán bộ đầu tiên đã khắc phục biết bao gian khổ, khó khăn, thử thách, có những đồng chí đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi biên giới vì sự bình yên của Tổ quốc, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước trao tặng. 

TUẤN TÚ