Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước) là căn cứ hỗn hợp của địch, khống chế một vùng rộng lớn gần biên giới Campuchia. Tham gia trận đánh vào căn cứ Lộc Ninh mùa hè năm 1972, tổ trinh sát của Đại đội 21 chúng tôi gồm: Anh Lan-Đại đội trưởng; anh Đường-Trung đội trưởng; anh Độ-Tiểu đội trưởng; anh Biên, anh Nhã và tôi, cùng cán bộ tham mưu trung đoàn có nhiệm vụ tiếp cận mục tiêu.

leftcenterrightdel

Khánh thành Công trình tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam hy sinh tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước), năm 2017. Ảnh: TTXVN 

Đêm đầu tiên, chúng tôi tiềm nhập trận địa địch. Thực tình đêm ấy, tôi cũng hơi run và hồi hộp vì lần đầu tiên đi trinh sát một cứ điểm lớn. Mỗi lần pháo địch bắn cầm canh, người tôi lại giật bắn lên vì tiếng nổ quá to. Nhưng rồi tôi cũng trấn tĩnh lại và hoàn thành nhiệm vụ. Sau chuyến trinh sát, anh Lan và cán bộ tham mưu trung đoàn trở về sở chỉ huy báo cáo. Anh Đường, anh Độ, anh Biên, anh Nhã và tôi ở lại, tiếp tục theo dõi, nắm quy luật hoạt động của địch để sau này đưa bộ đội vào trận địa. Tổ chốt cách địch khoảng 40 phút cắt rừng, tuyệt đối bí mật. Đi một đường, về một lối khác nhau. Đi xong, xóa không để lại dấu vết. Trong người không được mang bất cứ giấy tờ gì.

Bước vào trận đánh, chúng tôi mới biết Trung đoàn 174 đảm nhiệm một mũi tiến công. Đây là trận đánh công kiên, hiệp đồng quân binh chủng có xe tăng yểm trợ. Cứ mỗi đợt công binh đưa bộc phá lên thì pháo cấp trên phối hợp bắn cấp tập vào mục tiêu nhằm kiềm chế địch. Đang trên đà tiến công, anh Đường trúng đạn, bị thương. Tôi vội dìu anh ra khỏi trận địa. Anh thì to cao, tôi lại nhỏ người, còn mang khẩu AK báng gấp, quả là vất vả. Địch bắn rát, tôi lúc nằm, lúc bò tránh đạn mới đưa được anh ra ngoài. Khi quay vào trận địa, các hàng rào đã mở xong, bộ binh rời công sự cùng xe tăng xuất kích đánh vào trung tâm. Lực lượng vận tải phía sau khẩn trương tiếp đạn bổ sung và chuyển thương binh, tử sĩ ra. Địch phản kích quyết liệt, chúng cho máy bay gầm rú thả bom trùm lên trận địa, khói lửa khét lẹt.

Tôi trở lại đài quan sát. Tổ đài chỉ còn 3 người. Trên lệnh cho chúng tôi tiếp tục bám đơn vị đánh chiếm các mục tiêu, phối hợp với đơn vị bạn. Lúc này, mũi tiến công của đơn vị bạn ở hướng đông đã vượt qua các hàng rào, đánh chiếm mục tiêu. Tiếng đạn nổ xé tai lẫn mùi khét của thuốc súng. Bộ đội ta ai cũng hành động mau lẹ, giành giật quyết liệt với địch. Sau gần hai ngày chiến đấu, ta làm chủ trận địa, giải phóng hoàn toàn căn cứ Lộc Ninh. Trở về đơn vị, chỉ huy và anh em vui mừng động viên, thăm hỏi lẫn nhau. Người tôi lúc này mệt lả, bụi đất bám đỏ quần áo, mắt thâm quầng. Anh Đính-y tá pha cho tôi cốc nước đường, uống xong, tôi thiếp đi lúc nào không hay...

Mãi tới năm 2020, tôi mới kết nối liên lạc được với anh Độ, quê Thái Nguyên, anh là thương binh; anh Nhã, anh Biên đều đã hy sinh. Tôi vẫn đang tìm kiếm thông tin về anh Đường, Trung đội trưởng quê Thanh Hóa. Hy vọng sau khi bài viết này đến tay bạn đọc cả nước, tôi sẽ nhận được tin anh!

(*) Ghi theo lời kể của Đại tá Mai Đăng Trình, nguyên cán bộ Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị

ĐỨC CHUNG (*)