QĐND - Tháng 12-1974, Đại đội 3 trinh sát chúng tôi nhận nhiệm vụ luồn qua các tuyến chốt của địch điều tra một số cao điểm ở vùng giáp ranh khu vực Đường 12, trong đó cao điểm chủ yếu là hòn Vượn, là cao điểm do Trung đoàn 51, Sư đoàn 1 ngụy chốt giữ.
 |
Đồng chí Phạm Ngọc Vương (đứng giữa) tại sân bay Phú Bài, tháng 3-1975. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Từ chiến khu Ba Lòng, vượt qua nhiều sông suối, đúng 12 giờ ngày 22-12-1974, chúng tôi có mặt ở hậu cứ của quận Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên cũ), gần sông Bồ. Anh Cảnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 trinh sát, cùng tôi làm việc với quận đội Hương Trà, hiệp đồng với địa phương dẫn đường rồi quay về hậu cứ. Hai ngày sau, tổ trinh sát 5 anh em chúng tôi bám sát tuyến chốt thứ nhất của địch, chờ sẩm tối bí mật vượt sông, luồn rừng theo đường bí mật mà lực lượng địa phương thường đi để xuống đồng bằng. 15 giờ ngày hôm sau, chúng tôi có mặt dưới chân cao điểm hòn Vượn, Đến khoảng 19 giờ, chúng tôi bám sát chân cao điểm, bò qua bãi trống, tiếp cận với hàng rào vòng ngoài của địch. Tôi phân công đồng chí Bội đi trước, đồng chí Quý liền ghé vào tai tôi:
- Để em đi trước, em có kinh nghiệm khắc phục hàng rào hơn.
Tôi đồng ý để Quý đi trước, Bội đi thứ hai, tôi đi thứ ba, tiếp sau là Hùng và một trinh sát địa phương. Qua hàng rào thứ nhất, đồng chí Hùng và đồng chí trinh sát địa phương lợi dụng địa hình yểm trợ để ba chúng tôi chui qua hàng rào thứ hai, thứ ba... Đến hàng rào thứ năm, địa hình dốc, đồng chí Bội bị trượt chân, sỏi rơi lăn xuống thành tiếng động, lập tức địch bắn pháo sáng kiểm tra. Chúng tôi nằm như dán xuống đất, không cử động. Địch bắn hai lần pháo sáng không thấy động tĩnh gì, chúng ngừng bắn. Chờ 5 phút, tôi ra ký hiệu chui qua hàng rào thứ sáu, cách lô cốt tiền tiêu của địch khoảng 30m, nhìn đồng hồ đã 2 giờ sáng. Chúng tôi rút xuống chân cao điểm chờ trời tang tảng sáng, lợi dụng địa hình lên điểm cao đối diện, cách cao điểm hòn Vượn khoảng 500m để quan sát vẽ cảnh đồ và địa hình, xác định hướng tấn công của bộ binh. Đến 9 giờ sáng trời hết mù, chúng tôi nằm ở giữa mỏm đồi trọc, chỉ có mấy hòn đá nhô lên. Trời quang đãng, tôi thấy rờn rợn người, nếu địch phát hiện thì sẽ bắt sống, không còn đường thoát. Đồng chí Quý tranh thủ phác họa và đánh dấu ký hiệu tất cả các lô cốt, nóc nhà, đường xe lên điểm cao rất cụ thể. Đợi cho trời tối, chúng tôi xuống chân đồi. Suốt một ngày đêm không có gì trong bụng, không có nước uống, anh em đều đói và mệt. Thứ đơn giản nhất đời lính trinh sát đã quen là nước suối, rau rừng cũng không có. Tình cờ gặp mấy vũng nước bên suối cạn, tôi úp mặt uống một hơi, anh em đi sau đều cúi đầu uống nước. Tôi lấy nước rửa mặt, mùi phân trâu, phân bò sặc lên, tôi ợ mãi mà không sao nôn ra được.
Hoàn thành nhiệm vụ điều tra hòn Vượn, về hậu cứ bí mật của địa phương, tôi nhận lệnh cử trinh sát dẫn đường bàn giao toàn bộ kết quả điều tra hòn Vượn cho Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 trên thực địa. Tiếp tục xuống đồng bằng điều tra căn cứ Hiệp Khánh, căn cứ Mang Cá trong nội thành và đón đồng chí Minh, Đại đội trưởng vào sau để điều tra khu vực ấp 5. Nhận nhiệm vụ mới, biết sẽ có khó khăn, tôi cân nhắc rồi quyết định cùng đồng chí Quý dẫn đoàn cán bộ cùng trinh sát Trung đoàn 95 bàn giao ngoài thực địa. Bàn giao xong, chúng tôi quay về, chuẩn bị vượt qua một đoạn đường mòn cỏ tranh ngập đầu, rất khó quan sát phía trước. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng nổ “đoành”. Một đồng chí đi trước gục xuống.
- Thám báo, thám báo.
Tôi vừa hô vừa lăn hai vòng, mở chốt súng AK bắn hai loạt. Bọn thám báo bỏ chạy. Phía sau đoàn cán bộ an toàn, tôi bò lên ôm đồng chí trúng đạn chính là Quý, Quý đã hy sinh. Tôi bàng hoàng, một lúc sau mới trấn tĩnh được tinh thần. Mới cách hai ngày, khi hành quân, Quý bị sốt, tôi dìu Quý qua suối, hỏi chuyện gia đình. Quý cho tôi xem ảnh của bạn gái ở quê Đô Lương, Nghệ An. Quý nhập ngũ năm 1971, đã hoạt động 3 năm ở chiến trường, mới từ Đại đội 1 sang Đại đội 3 làm nòng cốt, được thưởng hai Huân chương Chiến công giải phóng. Tôi đau xót vì đã mất một tiểu đội trưởng trinh sát dũng cảm. Chúng tôi gửi Quý lại hậu cứ của địa phương, chôn cất dưới chân cao điểm hòn Vượn cùng với những đồng chí đã hy sinh của quận đội Hương Trà.
Vì nhiệm vụ gấp, vĩnh biệt Quý, chúng tôi gấp rút hành quân luồn rừng, vượt suối về chuẩn bị chiến trường ở hướng tây nam Huế, khu vực Đường 14, dãy Kim Sắc, chi khu Phú Lộc và theo dõi hoạt động của địch ở tuyến Đường số 1, chuẩn bị cho ngày kết thúc thắng lợi Chiến dịch Thừa Thiên-Huế. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục đi chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Đà Nẵng, dọc miền duyên hải đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
PHẠM NGỌC VƯƠNG (Nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 trinh sát, Bộ Tham mưu, Quân đoàn 2)