Ca Lê Hiến sinh ngày 5-6-1940 tại Bến Tre, trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân sinh của anh là Giáo sư Ca Văn Thỉnh, một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học tên tuổi. Năm 1954, anh tập kết ra Bắc, học Trường Học sinh miền Nam (Hải Phòng), sinh viên Khoa Lịch sử khóa 3 (1959-1962) Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp xuất sắc, Ca Lê Hiến được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, được cử đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Một chân trời khoa học đầy hứa hẹn, một tương lai tiến thân đầy mơ ước đang mở ra trước mắt người thầy giáo trẻ. Thế nhưng, với tinh thần yêu nước hơn cả bản thân mình, anh đã từ chối mọi ngả đường đến với hào quang danh giá. Anh làm đơn tình nguyện vào Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuối năm 1964, vượt Trường Sơn vào miền Nam, anh làm việc ở Tiểu ban Giáo dục (Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam) rồi chuyển sang Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Năm 1966, anh được kết nạp Đảng. Ngày 24-5-1968, người anh hùng ấy đã ngã xuống khi tuổi đời đang ở độ đẹp nhất tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An!
Ngày nay, việc làm ấy của Ca Lê Hiến có thể khó hiểu với nhiều người, nhưng đặt trong bối cảnh lịch sử cách mạng thời đó, với những trí thức, những thầy giáo thấm nhuần đạo lý như Ca Lê Hiến thì hành động ấy dễ cắt nghĩa. Chỉ qua bài Nhớ mưa quê hương (đoạt giải Nhì cuộc thi do Tạp chí Văn nghệ tổ chức năm 1960) đã phần nào lý giải một tiếng gọi thôi thúc mãnh liệt tác giả là quê hương. Cuộc đời và thơ Lê Anh Xuân định nghĩa một cách chân thực, sinh động cho chân lý: Con người là gương mặt văn hóa của quê hương! Đặt trong thời điểm cả nước lên đường đánh Mỹ-thời của lý tưởng cách mạng, hầu hết thanh niên đều mong muốn được cầm súng, nhưng với Lê Anh Xuân thì chất lý tưởng tỏa sáng rực rỡ hơn cả, do vậy có sức hấp dẫn lớn! Những dòng chữ do chính Ca Lê Hiến ghi trong hồ sơ đi B (tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia) nên được coi là những dòng ánh sáng lý tưởng soi chiếu tâm hồn các thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam sau này: “Ngoài công tác giáo dục, tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền Nam, tôi có thể đi bất cứ nơi nào Đảng cần đến. Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về miền Nam, về lại quê hương tôi”.
Đất nước đang lâm nguy thì những chàng trai trẻ như Ca Lê Hiến lên đường là đúng đắn. Nhưng qua nguyện vọng của anh dễ thấy cái trách nhiệm của người con với quê hương miền Nam lớn lao biết chừng nào. Trong thư gửi người chị gái (Ca Lê Hồng) của anh càng thấy trách nhiệm ấy thiêng liêng vô cùng. Trách nhiệm cao cả sẽ thúc đẩy quyết tâm lớn lao: “Em biết rồi đây những khó khăn thử thách mới rồi sẽ đến, thậm chí có thể hy sinh nữa nhưng không vì thế mà làm giảm sút quyết tâm...”. Ngày nay, qua tấm gương sáng này cho chúng ta bài học về giáo dục cho thế hệ trẻ. Trước hết phải giáo dục họ có trách nhiệm với đất nước. Người sống có trách nhiệm, ít nhất là một người tử tế. Với tư cách một nghệ sĩ, tư thế một chiến sĩ, Lê Anh Xuân tha thiết được sống, chiến đấu cùng đồng bào mình, dù chấp nhận hy sinh. Anh nói với Lê Văn Thảo (nhà văn): “Tôi mới tới, nghe trong nội thành chiến đấu rất gian khổ. Tôi ở vòng ngoài thấy không yên tâm, ông có cách nào cho tôi đi vào thực tế trong đó”. Cái “không yên tâm” của người thi sĩ-chiến sĩ ấy đời thường vô cùng, nhưng cũng cao cả trách nhiệm vô cùng.
|
|
Nhà thơ Lê Anh Xuân (1940-1968). Ảnh tư liệu |
Thơ là con người. Thơ là thời đại. Tiếng thơ Lê Anh Xuân nói đúng nhất về con người anh và thời đại đuổi giặc, giành lại độc lập, tự do. Người con xa quê tưởng tượng mà xót xa đau đớn vì quê hương: “Làng ta mấy lần bom giội nát/ Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre” (Trở về quê nội). Bài thơ Nhớ mưa quê hương được hoàn thành năm 1959 trên miền Bắc, nghĩa là khi đó tác giả mới 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất. Trong đêm nghĩ về quê hương, cơn mưa là cây cầu nối đưa anh về quê nội: “Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi/ Nghe tiếng trời gầm xa lắc.../ Cớ sao lòng thấy nhớ thương”. Theo tiếng mưa rơi, quê hương hiện lên sao mà thân thương đến vậy: “Ơi cơn mưa quê hương/ Đã ru hát hồn ta thuở bé/ Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé/ Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối, bẹ dừa/ Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa/ Ta yêu quá như lần đầu mới biết/ Ta yêu quá như yêu gì thân thiết/ Như tre, dừa, như làng xóm quê hương/ Như những con người-biết mấy yêu thương”. Vốn là một phạm trù trừu tượng, quê hương được cụ thể hóa thành cơn mưa. Con đường cụ thể hóa không xa lạ với nghệ thuật, nhất là với thơ, nhưng trong bài thơ này, cơn mưa như có linh hồn, thánh thiện, trong trẻo để “ru hát hồn ta thuở bé”, cơn mưa nhập vào tình yêu chớm hé đầu đời. Thành thật đến tận cùng, hình ảnh chân thực như nghe được, nhìn thấy. Chân thành đến đáy, tâm trạng trong vắt, ngây thơ như tâm hồn đứa trẻ. Thế nên 3 chữ “Ta yêu quá” được điệp lại, đắc địa, rất thật, không hề lên gân, khiên cưỡng...
Một triết nhân nói có thể đưa một đứa trẻ ra khỏi quê hương của nó nhưng không thể đưa được quê hương ra khỏi đứa trẻ. Điều ấy thật đúng với Lê Anh Xuân, thế nên khi viết về quê hương, tâm hồn ấy càng hồn nhiên, thánh thiện. Trong tập thơ đầu tay Tiếng gà gáy (năm 1965) có bài Tiếng gà gáy cùng tên với tập thơ, có mấy câu thơ hồn nhiên trong trẻo đến ngỡ ngàng: “Anh không nằm mơ, anh đang thức đấy/ Cớ làm sao nghe tiếng gà vọng gáy/ Bỗng tìm em tay chạm phải vách tường/ Cứ ngỡ là vách lá quê hương”. Đây là lời thơ của mơ hay của thực, không quan trọng, chỉ biết tâm trạng của chủ thể trữ tình đặt trọn vẹn cõi nhớ vào quê hương. Ý thức hay vô thức cũng không quan trọng nữa, chỉ biết trong thế giới tâm hồn người ấy quê hương là lẽ sống. Thế nên cho phép ta hiểu tiếng gà gáy ở đây cũng là tiếng quê hương gọi. Thì ra tác giả nhìn cái gì cũng ra quê hương, đến nỗi “chạm phải vách tường” cũng tưởng chạm “vách lá quê hương”. Với nhà thơ ấy, quê hương là tình yêu, là máu thịt đúng nghĩa nhất với từ này!
Tình yêu luôn làm điểm tựa, làm bệ phóng cho ý chí, hành động. Một thi sĩ yêu quê hương như vậy, tất yếu phải kiến tạo nên những biểu tượng xả thân vì quê hương. Không ngạc nhiên khi Lê Anh Xuân điêu khắc bằng ngôn ngữ thơ một tượng đài bất hủ của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn chống Mỹ-hình tượng anh Giải phóng quân: “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để gì lại cho riêng anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên anh đã thành tên đất nước”. Tên bài thơ cũng không thể khác hơn-Dáng đứng Việt Nam. Bài thơ kết lại cũng là mở ra, cũng như một logic nghệ thuật tất yếu phải vậy: “Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”!
Người chiến sĩ, nhà giáo, thi sĩ ấy đã nằm lại với quê hương nhưng trong tâm trí bạn đọc thì “Anh gượng đứng lên” rồi bay vào bầu trời văn hóa Việt để trở thành ngôi sao sáng “mãi dẫn đường” cho thế hệ trẻ. Anh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhưng ý nghĩa hơn cả, con người lý tưởng ấy cùng với những vần thơ lý tưởng ấy sẽ mãi tỏa sáng lung linh!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ